Người Công Giáo phải tôn trọng
sự thật như thế nào?
Hỏi: Xin cha giải thích rõ
điều răn thứ tám và trường hợp được phép không phải nói sự thật.
Trả lời:
Thiên Chúa là Chân, Thiện,
Mỹ tuyệt đối. Nghĩa là chỉ nơi Ngài mới có chân lý hay sự thật, sự thiện hảo và
tuyệt mỹ mà thôi.
Chúa Giêsu cũng đã nói rõ
điều này với các môn đệ: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống.” (Ga 14:6).
Như thế, tôn trọng sự thật, sống và hành động trong chân lý là bước đi theo
Chúa Kitô, sống theo đường lối của Thiên Chúa là làm điều đẹp lòng Chúa nhất vì
nó thể hiện cách cụ thể ước muốn thuộc về Ngài là nguồn mạch mọi chân lý, công
bình, yêu thương, nhân hậu, khoan dung và tha thứ.
Thế giới ngày nay điên đảo
chỉ vì con người ở khắp nơi không biết tôn trọng sự thật, thích thề gian, dối
trá, chà đạp công lý và bác ái để thi nhau làm những điều gian ác, xấu xa,
không xứng đáng với nhân phẩm và địa vị của mình là "linh ư vạn vật"
theo tinh thần văn hóa Đông Phương.
Chính vì không muốn hay
không biết phân biệt làn ranh giữa sự thật và sự gian dối, sự thiện và sự dữ,
cũng như không lấy sự thật làm thước đo cho mọi suy tư, quyết định và hành động
nên không một ai có thể thuyết phục được người khác tin những hứa hẹn hoa mỹ về
một thiên đường trần gian, dù hiểu theo cánh chung luận nào.
Riêng trong phạm vi tương
giao giữa người với nhau, nếu không tôn trọng sự thật thì không ở đâu người ta
có thể xây dựng được một liên hệ tốt đẹp, lâu bền để làm chung được việc gì hữu
ích, vì chỉ có sự thật mới giải thoát con người khỏi “mọi thứ gian ác, mọi điều
xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha.” (1 Pr 2:1)
Để tránh nguy cơ gian xảo
đó, điều răn Thứ Tám của Chúa “cấm tráo trở sự thật trong mọi giao tiếp với tha
nhân. Lời truyền dạy luân lý này xuất phát từ ơn gọi của dân thánh là dân được
chọn làm nhân chứng cho Thiên Chúa là Đấng chân thật và là chân lý.” (x.
SGLGHCG, số 2464).
Sau đây là các tội phạm đến
chân lý tức nghịch giới răn thứ tám cần phải tránh:
1- Nói dối là trực tiếp chối
bỏ hay tráo trở sự thật về một sự kiện nào đó. Thí dụ, chối không nhận tội để
khỏi bị phạt hay bồi thường thiệt hại cho người khác. Tùy hoàn cảnh và sự việc
mà tội nói dối trở nên nặng hay nhẹ. Thí dụ, nói dối về phẩm chất của một món hàng
để bán với giá cao, gây thiệt hại cho người tiêu thụ, thì lỗi đức công bằng và
bác ái, đòi hỏi phải tôn trọng lợi ích tinh thần và thể lý của người khác như lợi
ích của chính mình. Ngược lại, nếu nói dối về đời tư và lý lịch cá nhân để lường
gạt tình và tiền của ai sẽ gây thiệt hại nặng cho người khác hơn là nói dối về
phẩm chất món hàng.v.v . Thí dụ: nói dối mình chưa có chồng hay vợ để lừa gạt
người khác kết hôn. Trong trường hợp này, hôn phối sẽ không thành sự (valid)
theo giáo luật vì gian dối.
2- Làm chứng gian và bội thệ
(false witness and perjury): đây là tội nặng không những đối với luật pháp xã hội
mà đặc biệt nghịch điều răn thứ tám của Chúa truyền dạy xưa kia: “Ngươi không
được làm chứng gian hại người” (Xh 20:16). Sau này, khi rao giảng Tin Mừng Cứu
Độ, Chúa Giêsu cũng đã căn dặn các môn đệ: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’ ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ.” (x Mt 5:37)
Trong đời sống xã hội ở khắp
nơi ngày nay, làm chứng gian và bội thệ có thể làm thiệt hại lớn lao cho người
khác và ngăn cản thi hành công lý. Một phạm nhân có thể bị tù tội nhiều năm hay
được trắng án vì lời chứng thực hay thề gian của nhân chứng. Vì thế, người bội
thệ hay thề gian sẽ bị pháp luật trừng phạt đích đáng.
Trong Giáo Hội, làm chứng
gian cũng gây trở ngại cho việc thành sự (validity) của bí tích. Thí dụ, “chứng
gian cho một người đã kết hôn để người này dối gạt kết hôn với người khác thì
hôn phối không thành sự (invalid).” (Giáo luật số 1098). Người chứng gian chắc
chắn phạm tội lỗi giới răn Thứ Tám. Riêng ở Mỹ, khai gian (nói dối) để hưởng
các trợ cấp xã hội như wellfare, foodstamps, single parent, bồi thường tai nạn
xe cộ... đều có tội phạm điểu răn thứ tám và lỗi đức công bình. Ai giúp người
khác khai gian, thề dối để kiếm lợi đều có tội nghịch điều răn thứ tám và phép
công bình, đòi hỏi phải tôn trọng của công cũng như của riêng. Nghĩa là không
thể nói: khai gian để lấy tiền của chính phủ hay của công ty thì không có tội, không có giáo lý nào dạy hay cho phép làm điều này.
Trường hợp không buộc phải
nói sự thật:
Tuy nhiên, trong thực hành,
luật đòi tôn trọng sự thật cũng không gạt bỏ thi hành đức bác ái Kitô Giáo
trong một số trường hợp. Nghĩa là có những hoàn cảnh người ta không buộc phải
nói sự thật cho người khác biết. Về điểm này, Giáo lý của Giáo Hội nói rõ như
sau: "Vì lợi ích và sự an toàn của tha nhân, sự tôn trọng cuộc sống riêng
tư và công ích, đó là lý do đủ để không cho người ta biết điều họ muốn biết.”
(x. SGLGHCG, số 2284).
Cụ thể áp dụng như sau:
1- Liên quan đến bí tích
hòa giải, cha giải tội không được phép tiết lộ bất cứ điều gì nghe được từ hối
nhân trong tòa giải tội, dù đó là lời thú tội ngoại tình hay sát nhân. Nghĩa là
không được dùng những điều nghe được trong tòa giải tội để tố cáo hay làm hại
ai vì bất cứ lý do nào. Đây là ấn tòa cáo giải (seal of confessions) buộc mọi
linh mục phải tuyệt đối giữ kín. Ai vi phạm sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết. (x.
Sđd,số 2490; giáo luật số 983 &1388 triệt 1)
2- Trong xã hội, những người
có bổn phận giữ gìn bí mật quốc phòng liên hệ đến an ninh quốc gia, những luật
gia, tâm lý gia, tâm lý trị liệu (psychotherapist) đều không được phép tiết lộ
những bí mật quân sự và nghề nghiệp đòi buộc phải giữ kín vì lợi ích của quốc
gia hay của các thân chủ đã tín nhiệm tiết lộ cho mình. Các bác sĩ cũng không cần
phải nói sự thật về bệnh tình cho bệnh nhân biết để tránh gây hoảng hốt và thất
vọng cho họ. (x. Sđd ,số 2491).
3- Riêng về đời tư của người
khác, dù biết sự xấu của ai vì đức bác ái, không được tố cáo cho người khác
biết về sự xấu còn đang trong vòng kín đáo. Thí dụ, biết người nào đang ngoại
tình với ai, nhưng chuyện này còn trong vòng kín ít người biết. Mình biết được,
thì đức bác ái đòi buộc không được tố cáo thêm cho người khác biết khiến sự xấu
trở thành công khai, gây thiệt hại nặng cho danh dự của người liên hệ. Nếu có,
trong trường hợp này, chỉ nên cầu nguyện cho họ, và nếu thuận tiện, thì tìm
cách kín đáo khuyên bảo họ theo tinh thần lời dạy của Chúa Giêsu về việc
"sửa lỗi anh em" (Mt 18: 15-17) mà thôi.
Nói khác đi, không ai có bổn
phận phải đi tố cáo cho người khác những gì hoàn toàn thuộc về đời tư của một
cá nhân, một gia đình. Nhưng ngược lại, nếu cá nhân hay tập thể làm những điều
xấu có hại cho lợi ích chung của nhiều người khác hay cho cả cộng đồng, thì vì
công ích chung, lại buộc phải tố cáo sự xấu hay gian dối . Thí dụ, nếu biết rõ
người nào đã có gia đình, nhưng đang tìm cách lấy người khác bằng cách nói dối
là chưa hề kết hôn, hay người phối ngẫu đã chết, thì vì lợi ích của người đang
bị dối gạt, và của người phối ngẫu đang bị phản bội kia, người biết có bổn phận
phải tố cáo việc này với thẩm quyền có trách nhiệm. Cụ thể là trình sự việc cho
linh mục đang giúp lo thủ tục kết hôn cho người kia biết để ngăn chặn kịp thời
sự xấu, tai hại. Đây là việc bác ái, công bằng và lương tâm đòi buộc phải làm.
Nếu không, sẽ có lỗi là dung túng hay cộng tác vào việc xấu đã biết.
Cũng vậy, khi biết rõ có kẻ
làm hàng giả, pha chế đồ ăn với hóa chất có hại cho sức khỏe của người tiêu thụ
thì cũng buộc phải tố cáo để tránh cho công chúng khỏi bị thiệt hại do việc làm
thiếu lương thiện nói trên gây ra.
Cũng thế, với những kẻ đang
lường gạt phụ nữ dưới chiêu bài “hôn nhân ngoại quốc” hay tuyển mộ công nhân đi
làm xa với lương cao nhưng thực tế chỉ là mua bán những phụ nữ đáng thương này
cho dịch vụ mãi dâm hay nô lệ tình dục rất tội lỗi và khốn nạn này, thì buộc phải
lên tiếng tố cáo việc làm vô đạo này của lũ người vô luân, mất hết lương tri đó
cho công luận biết để cứu nguy cho các nạn nhân. Đây là vấn đề lương tâm và đạo
đức buộc phải làm, không thể bỏ qua được. Nếu không, sẽ có tội dung thứ hay cộng
tác vào việc làm tội lỗi của kẻ khác. Cách riêng, các linh mục có bổn phận dạy
dỗ cho giáo dân biết về vấn đề này vì lợi ích thiêng liêng của họ. Do đó, không
nên chứng hôn cho những cặp muốn lấy nhau để được ra nước ngoài, chứ không vì
yêu thương và muốn sống bí tích hôn phối thực sự.
Ngoài ra, nếu biết rõ ai
không phải là tín hữu Công giáo, hoặc ai đang sống chung như vợ chồng mà chưa kết
hôn trong Giáo Hội, nhưng cứ lên rước Mình Máu Thánh Chúa khi tham dự Thánh Lễ,
thì người biết phải tố cáo việc này cho cha xứ nơi các đương sự đến dự thánh lễ
để ngăn cản họ, vì theo giáo lý, giáo luật họ không được phép làm như vậy.
Cũng trong trường hợp tương
tự, nếu biết kẻ sát nhân đang lẫn trốn ở đâu, nhất là biết có kẻ khủng bố đang
dự định phá hoại, đặt bom ở chỗ nào, thì buộc phải tố cáo kín cho nhà chức
trách biết để bắt và trừng trị những kẻ đó hầu tránh tai họa lớn cho nhiều người.
Nhưng nếu có người đang cầm
dao hoặc súng đi tìm ai để sát hại, thì lại không được chỉ chỗ trốn của nạn
nhân cho hung thủ. Nếu chỉ chỗ để nạn nhân phải thiệt mạng thì sẽ mắc tội cộng
tác vào việc sát nhân. Không ai buộc phải ngay thẳng, nói thật trong trường hợp
này, vì kẻ mưu sát là kẻ đang muốn làm sự dữ, nên tuyệt đối không ai được phép
cộng tác vào việc độc dữ này vì bất cứ lý do gì.
Tóm lại, nói chung, phải
tôn trọng sự thật vì Thiên Chúa là Ðấng chân thật. Không được nói dối và thề
gian để mưu tư lợi hay để làm hại ai. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cho
phép người ta không cần nói sự thật vì lợi ích chung hay riêng, như đã nói ở
trên...
Mặt khác, cũng vì tôn trọng
sự thật và để tránh những thiệt hại và lạm dụng của những người gian manh hay
không hiểu rõ giáo lý, chúng ta cũng phải vì lương tâm mà lên tiếng tố cáo những
sai trái của người khác trong các trường hợp cụ thể nói trên đây.
Ước mong những lời giải đáp
trên đây thỏa mãn câu hỏi được đặt ra.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn
Huấn