Ads

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

PHÁT HIỆN KẺ NÓI DỐI

Để hiểu được cơ chế của nói dối, các chuyên gia tâm lý giúp bạn phát hiện hành vi dựng chuyện này bằng một số thủ thuật đơn giản.

Nói dối hay dựng chuyện là hành động nghĩ ra những tình huống không có thực nhưng lại cố gắng làm sao sắp xếp chúng cho có vẻ logic – vì vậy não phải trải qua nhiều bước xử lý thông tin hơn bình thường. Hiểu được cơ chế đó, các chuyên gia tâm lý giúp bạn có thể phát hiện nói dối bằng một số thủ thuật dưới đây.
1. Chú ý chuyển động của mắt
Cô Liên nói rằng tìm thấy tờ 500,000 đồng mắc kẹt dưới bánh xe ô tô đang đậu bên đường. Cô thật may mắn, hay là đang nói dối nhỉ? Để tìm ra, hãy thử hỏi cô ấy xem chiếc xe đó có màu gì. Nếu thấy mắt Liên liếc sang bên trái (theo hướng mà bạn nhìn – tức là bên phải của Liên) chứng tỏ cô đang nói dối bạn. Nếu thực sự đang nhớ lại, bạn sẽ thấy cô ấy liếc mắt sang phải.
Như vậy, khi nhớ lại chuyện đã xảy ra, người ta thường liếc mắt sang trái, còn khi bịa chuyện thì liếc mắt sang phải. Tuy nhiên, đối với người thuận tay trái thì quá trình này sẽ diễn ra theo chiều ngược lại.
2. Cảnh giác “con vẹt”
Đồ đạc trong văn phòng thi thoảng lại không cánh mà bay, và bạn khá là nghi ngờ cô Nhung thư ký. Vờ như không có chuyện gì và thử điều tra xem. Nếu Nhung cứ nhắc lại câu hỏi của bạn, “Dập ghim của chị ở đâu ấy à?”, thì nhiều khả năng là cô ấy đang kiếm cớ trì hoãn để nghĩ ra câu trả lời – dù hành động này thường diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 1-2 giây.
3. Để ý cái bĩu môi
Diện một bộ đồ cực kỳ bó để đi dự tiệc, bạn bất chợt nghĩ rằng nó khiến mình trông… hơi béo. Bạn quyết định hỏi ý kiến cô bạn thân, Linh. Trước khi trấn an bạn: “Không hề, cậu mặc bộ đồ này rất tuyệt”, môi của Linh hơi trề ra. Chính cái bĩu môi ấy mới cho thấy suy nghĩ thực của Linh – trông bạn khá béo trong bộ đồ đó. Bạn có thể nghĩ đến việc đổi một bộ cánh khác lúc này.
4. Nhìn vào khoảng cách
Các chuyên gia tiết lộ người thành thật thì quan tâm, tìm cách tham gia còn kẻ xảo trá thì tự tách mình khỏi bạn. Khi đọc đề xuất kinh doanh của bạn mà khách hàng nói “Tôi thích đấy” chứng tỏ họ đồng ý và muốn cộng tác. Nếu khách hàng bảo rằng đề xuất của bạn “cũng thú vị” thì tức là họ thực ra không muốn hợp tác với bạn.
Ngoài ra, trên giấy tờ, khi có quá nhiều khoảng trống giữa đại từ “tôi” và những gì đằng sau thì bạn phải cẩn thận nội dung của nó. Một chàng trai gửi thư tay cho bạn với nội dung “anh yêu em” mà các con chữ cách xa nhau thì tức là chàng cũng không chắc chắn lắm về tình cảm của mình đâu.
5. Đừng bị đánh lừa bởi lời thao thao bất tuyệt
Năm giờ sáng, chìa khóa nhà kêu lách cách, quý tử nhà bạn trở về với bộ dạng khá là dị hợm. Cậu nhóc bắt đầu phân trần tràng giang đại hải về việc điện thoại để trong cốp xe bị lấy mất, khiến đường dây bị chặn cả đêm... chứ con bạn thực ra không có đi hộp đêm. Liệu con bạn có ý tốt muốn cung cấp đầy đủ thông tin để bạn tìm ra thủ phạm? Bạn biết cảnh sát vẫn nói gì không – nhân chứng nào nói quá nhiều thật ra đều là đại bịp cả!
6. Quan sát bàn tay
Sau lưng người yêu bạn xuất hiện những dấu vết bất thường. Chàng thề thốt rằng đó là do nệm phòng khách sạn nơi chàng công tác chất lượng quá dở. Bạn không biết có nên tin tưởng chàng hay không? Hãy chú ý cử động của tay chàng trong khi nói. Nếu chàng lấy tay che miệng, sờ mũi, xoa cằm, gãi đầu, xoa má – không còn nghi ngờ gì nữa, đích thị là chàng đang nói dối bạn rồi.
Lam Lan