Hiện nay, trong nhiều lãnh vực xã hội, đồng bào
Việt Nam để ý nhiều đến người đạo đức, mặc dầu người tài người giỏi vẫn được
quý trọng.
Trong lãnh vực tôn giáo, đồng bào Việt Nam càng
để ý nhiều hơn đến người đạo đức. Theo suy nghĩ chung, đạo đức là một đòi hỏi tất
nhiên của tôn giáo. Có đạo thì phải có đức. Sống đạo là phải sống đức. Ðạo lý
không tách lìa khỏi đạo đức. Ðạo đức làm chứng cho đạo lý.
Nói chung, đạo đức khách quan là một hệ thống
những nguyên tắc, những luật lệ, những gì cấm làm, những gì buộc làm, những
tiêu chuẩn để đánh giá, lý tưởng nên vươn tới, tinh thần cần thấm nhuần. Hệ thống
này giúp cho con người càng ngày càng nên người hơn, giúp cho xã hội càng ngày
càng tiến bộ hơn, để đi dần tới hạnh phúc đích thực.
Ai sống theo hệ thống đó sẽ được gọi là người đạo
đức.
Khi cách sống như vậy được giải thích bằng nhãn
quan tôn giáo, thì đạo đức trở thành biểu hiện của tôn giáo. Ðạo đức giới thiệu
tôn giáo.
Trên thực tế, người ta mến phục một tôn giáo
nào, thường không vì thấu hiểu đạo lý của tôn giáo đó, cho bằng mến phục đời sống
đạo đức của những tín đồ tôn giáo đó. Ðạo đức nói đây gồm nhiều thứ như: Ðạo đức
nhân bản, đạo đức dân tộc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức tín điều.
Dựa theo kinh nghiệm truyền giáo, tôi thấy đạo
đức là một yếu tố làm chứng cho Phúc Âm không gì thay thế được, và trong đạo đức
có khả năng làm chứng như thế, điều được chú ý nhiều nhất là khiêm tốn biết mình,
kiên trì phấn đấu Phúc-Âm-hóa chính mình, để biết sống tốt với người khác.
Lần nọ, tôi đến thăm một địa điểm truyền giáo
trong tận vùng sâu. Giáo điểm này không có linh mục ở thường xuyên. Hầu hết dân
vùng này đều ngoài công giáo. Qua thăm hỏi, tôi thấy đồng bào lương giáo sống rất
hài hòa với nhau. Ðặc biệt, mọi người đều khen nhóm 3 nữ tu sống thường trú tại
đây, giữa xóm nghèo. Theo ý kiến chung, các nữ tu này luôn khiêm tốn, tỏ ra
trân trọng trước bất cứ sự giúp đỡ nào của bất cứ ai, không phân biệt lương
giáo, đồng thời luôn tỏ ra ân cần phục vụ mọi người không loại trừ ai. Ai cũng
khen nhóm nữ tu này là sống khiêm tốn, tiết độ, âm thầm phục vụ, vui vẻ, sống
nghèo như dân nghèo, phấn đấu giúp đỡ dân nghèo. Cũng nhờ biết cộng tác với địa
phương, nhóm nhỏ nữ tu này đã làm được nhiều việc thăng tiến đồng bào xung
quanh. Những công việc nhỏ bé thôi, nhưng ảnh hưởng sâu đậm đến lòng trí con
người.
Nhận xét trên đây cũng như nhiều kinh nghiệm
khác thu lượm được trên đường truyền giáo cho phép tôi nghĩ rằng: Một điều rất
quan trọng của đạo đức truyền giáo tại Việt Nam hôm nay là biết sống với đồng bào địa phương, với nền văn hoá địa phương, với các tôn giáo tại
địa phương, với môi trường địa phương, với các vấn đề và thách đố của cuộc sống
địa phương.
Biết sống với, là khi cọ sát cái tôi cá nhân và
cái tôi tập thể của mình với cái tôi cá nhân và cái tôi tập thể địa phương,
mình không những không gây hại cho người khác và cho Nước Trời, mà trái lại
luôn biết sinh lợi ích cho người ta, nhất là cho Nước Trời. Biết sống như vậy đòi
cái tôi phải đạo đức.
Cái tôi đạo đức là cái tôi không ngừng phấn đấu
với chính mình, để có một nội tâm tự do. Nghĩa là không bị xiềng xích vào những
thành kiến hẹp hòi, không bị áp lực bởi những động cơ ích kỷ vụ lợi, không bị lừa
dối bởi những ảo tưởng tự mãn, không bị sai khiến bởi những dư luận dựa dẫm vô
trách nhiệm, không bị ràng buộc vào những khuôn khổ tự coi là cố định. Cái tôi
như thế sống nền tu đức tự do nội tâm, mục đích để có thể đón nhận sự tự do của
Chúa Thánh Linh, Ðấng vừa trung thành với những giá trị ngàn đời, vừa sáng tạo
nên những giá trị mới.
Cái tôi đạo đức là cái tôi phản tỉnh, không để
mình buông trôi, nhưng suy nghĩ, tỉnh táo, cân nhắc, vừa nhìn thực tế cuộc đời
dưới ánh sáng Lời Chúa, vừa đọc Lời Chúa trong thực tại cuộc đời.
Cái tôi đạo đức là cái tôi biết quên mình, luôn
coi mình chỉ là dụng cụ bé nhỏ của Thiên Chúa, tập trung mọi tâm thức vào Ðức
Kitô, để như Người, thực thi thánh ý Chúa Cha và như Người, quan tâm đến con
người.
Cái tôi đạo đức là cái tôi thận trọng. Thận trọng
trong những đánh giá người, việc và tình hình. Thận trọng trong những chọn lựa
đường hướng cho mình và cho cộng đoàn mình. Thận trọng nhờ nghiên cứu sâu rộng
và cầu nguyện khiêm tốn.
Cái tôi đạo đức không chỉ có thế. Nhưng ít ra
phải thế, như một phong cách thường xuyên bao trùm nếp sống.
Mới rồi, tôi dâng thánh lễ ở một họ đạo. Trên
bàn thờ đặt một cây nến lớn, cháy mạnh, bốc khói ngùn ngụt. Khói đen lúc tạt
vào hướng này, lúc tỏa sang hướng khác. Bó cúc vàng bên cạnh bị lem. Riêng tôi
gần đó bị ngộp thở.
Thấy thế, tôi thoáng nghĩ: Nếu tôi chỉ là một
cây nến của nghi lễ thôi, thì cũng đáng buồn rồi. Và trong nghi lễ lại tỏa khói
mù mịt thế kia, thì càng đáng buồn hơn nữa. Rồi tôi cầu xin Chúa cho có nhiều
người biết sống đạo đức như những cây nến, tỏa sáng chứ không tỏa khói, trong
nhà thờ và nhất là trong xã hội, giữa đời, giữa thế gian.
Ánh sáng, sức nóng, khói của một cây nến, dù bé
nhỏ, đều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tương tự cũng thế, thái độ, hành
động, lời nói của một người đều ảnh hưởng đến các tương quan xã hội. Dù muốn dù
không, cuộc sống mỗi người đều mang chiều kích xã hội, vì thế mỗi người đều cần
có một số đức tính xã hội nhất định, như công bình, trung thực, tế nhị.
Thời nay, chiều kích xã hội với những đức tính
xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá con người. Một người có đức
tin-cậy-mến rất mạnh đối với Chúa, nhưng nếu thiếu những đức tính xã hội đối với
người xung quanh, sẽ bị đánh giá thấp về đạo đức.
Chiều kích xã hội với những đức tính xã hội cần
thiết của nó đòi con người phải bén nhạy với những khác biệt về thời gian, về
không gian và về con người.
Có những việc trong thời gian xưa được coi là tốt,
nhưng trong thời gian hiện nay bị coi là không thể được phép tái diễn. Thí dụ
cuộc thánh chiến mà Ðức Giáo Hoàng Urbanô II cuối thế kỷ 11, đã chủ xướng, để
chống lại Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Và thí dụ các thứ tòa án của Công giáo nhằm trừng
trị những ai bị coi là theo tà giáo, thịnh hành trong các thế kỷ XIII, XIV, XV
tại Âu Châu, nhất là tại Tây Ban Nha.
Có những sự kiện được coi là làm sáng danh Hội
Thánh ở nơi này, nhưng lại bị coi là gây hại cho thanh danh Hội Thánh ở nơi
kia. Thí dụ xây dựng một nhà thờ đồ sộ sang trọng ở đô thị thì có thể được coi
là việc làm có lợi cho Hội Thánh, nhưng xây dựng một nhà thờ như thế giữa vùng
quê nghèo sẽ bị dị nghị, và không thuận lợi cho việc truyền giáo.
Có những việc xảy ra trong cùng một địa phương
và cùng trong một thời gian, nhưng hợp với người công giáo mà không hợp với người
đạo khác, thậm chí còn gây khó chịu cho họ, khiến họ ác cảm với Công giáo.
Như thế, khi đi vào các vấn đề cụ thể, chúng ta
thấy đạo đức không phải là thuộc lòng các bài đạo đức để biết tuôn ra bất cứ
lúc nào, đạo đức cũng không phải là áp dụng một cách máy móc các giải pháp đạo
đức có sẵn ngàn đời. Biết bén nhạy trước những khác biệt, đó là một nét đạo đức
làm chứng cho tôn giáo hiện nay. Ðể được như thế, tất nhiên phải lo đào luyện
cái trí, và nhất là cái tâm. Những việc đó không đơn giản chút nào.
Và càng sẽ thấy việc đào tạo con người đạo đức
là không đơn giản, khi biết mọi người đều phải mang gánh nặng lịch sử của mình:
Gánh nặng của dòng tộc, của cấu trúc tâm sinh lý, của môi trường gia đình xã hội,
của nền giáo dục, của các lựa chọn riêng của mình. Có những cái đã rơi vào vô
thức, nhưng vốn đủ mạnh để ảnh hưởng đến những lựa chọn ý thức của con người.
Có những cái còn trong dòng ý thức, nhưng hỗn độn, cái đúng với cái sai, cái mờ
với cái tỏ, cái đã trưởng thành và cái chỉ còn là mầm mống. Tất cả làm nên một
tổng hợp xây dựng nên cá tính, bản lãnh, với những cái giống người khác và những
cái không giống ai.
Mang trong mình biết bao phức tạp, con người
thường sống với 3 cái tôi. Cái tôi thứ nhất là cái tôi xuất hiện trước người
khác. Cái tôi thứ hai là cái tôi thực chất, một mình trước chính bản thân mình.
Cái tôi thứ ba là cái tôi đáng lý ra phải là, với những cái đúng lý ra phải có,
sẽ phải xuất hiện trước tòa án Thiên Chúa.
Tuy chẳng tới được lý tưởng hoàn thiện, nhưng
ít ra sự kiên trì phấn đấu với chính mình để mỗi ngày mỗi nên tốt hơn, cùng với
sự khiêm tốn nhận biết những giới hạn của mình, và nhờ kinh nghiệm đó biết nhìn
người khác bằng tấm lòng khiêm hạ, kính trọng, vừa đòi hỏi và cũng vừa thông cảm
bao dung, thiết tưởng đó cũng là biết sống một cách đạo đức. Cách sống đạo đức
này rất cần cho việc làm chứng cho tôn giáo. Nó không được phép thiếu vắng nơi
người truyền giáo.
Cách sống đạo đức này là kết quả của một nền tu
đức nhắm rèn luyện cái tôi theo tinh thần mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm thánh
giá của Chúa Giêsu.
*************
Lời nguyện cầu sau đây của một linh mục truyền
giáo sẽ giúp chúng ta thấy được phần nào nền tu đức đó, và cũng sẽ giúp cho mỗi
người chúng ta tìm được một kết luận riêng cho chính bản thân mình:
Lạy Chúa, xin để danh Chúa được rạng rỡ vinh
quang, xin rộng ban cho con ân huệ này, là chỉ đau khổ vì đã làm cho người khác
đau khổ, và chỉ vui mừng vì đã giúp anh em con bớt cực khổ hơn.
Và để giúp anh em con bớt cực khổ hơn, xin ban
cho con một tinh thần mềm dẻo, để con chấp nhận tỏ ra mình yếu đuối hoặc không
người bênh đỡ, hơn là làm phiền lòng hay chà đạp người khác.
Xin ban cho con một tinh thần ngay thẳng, để
con không bao giờ hiểu theo nghĩa xấu một điều người khác đã làm cho con phiền
lòng.
Xin ban cho con một tinh thần đơn sơ, để con
không trở nên gánh nặng cho những người đang sống chung quanh con.
Xin ban cho con một tấm lòng hăng hái, để con
luôn luôn cởi mở đối với những người có thể ghét bỏ, ganh tỵ, phân bì con.
Xin ban cho con một tấm lòng khiêm tốn, để con
không trở nên cứng cỏi trước những lời chỉ trích, trước những việc làm không
ngay thẳng, trước những lời kết án nghiệt ngã hay vội vàng.
Xin ban cho con một tâm hồn rộng mở, để con chịu
đựng những ai có óc hẹp hòi, những người ích kỷ đến độ không sao chịu nổi.
Xin ban cho con một ý chí vững vàng, để con mãi
kiên tâm, dầu có phải mỏi mệt, dầu có gặp thái độ vô ơn.
Xin ban cho con một ý chí dai bền, để anh em
con được hạnh phúc, dầu họ có khuyết điểm, dầu họ có yếu đuối.
Xin ban cho con một ý chí luôn tỏa sáng, để
chung quanh con, không có ai chán nản, không có ai ngã lòng.
Xin ban cho con đừng bao giờ phê phán khi chưa
đủ bằng cớ. Và khi phải phê phán, thì luôn luôn khoan hậu, nhân từ.
Xin ban cho con đừng bao giờ tin vào điều xấu,
mà có người đã nói về những ai vắng mặt, và nhất là đừng bao giờ lặp lại điều xấu
đó.
Và trên hết mọi sự, xin Chúa dạy con biết để
tai nghe, biết đón ý người khác, biết tha thứ không ngừng.
Lạy Chúa, xin ban cho con những ân huệ đó, để
anh em con bớt cực khổ vì con.
ĐGM. Bùi Tuần