Ads

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

CHA NGUYỄN VĂN TƯỜNG BỊ VẠ TUYỆT THÔNG

Vạ tuyệt thông là gì?
Linh mục chịu chức giám mục bất hợp pháp cùng với các giám mục phong chức đều bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết theo điều 1382 của Bộ Giáo luật. Sau những vụ truyền chức giám mục bất hợp pháp tại Trung Quốc, Tòa Thánh công bố những người chịu chức giám mục như vậy đã mắc vạ tuyệt thông. Nhiều người hỏi vạ tuyệt thông là gì.
Để trả lời, phải tìm hiểu hai điều: 
1. Các thánh thông công.
2. Vạ tuyệt thông.
1. Các Thánh cùng thông công.
Trên nguyên tắc, tất cả những ai được rửa tội, đều là thánh, vì đã được sạch tội tổ tông và tội riêng. Các Thánh là tất cả những người Công giáo, vì thế ân huệ có thể thông truyền cho nhau. Nên:
Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời - đã được lên thiên đàng (paradis) hay còn đang ở luyện tội (purgatoire) - đều có liên lạc mật thiết. Đó là tín điều (dogme) Các Thánh cùng thông công.
- Các tín hữu còn sống làm thành Giáo hội chiến đấu.
- Các Thánh trên thiên đàng làm thành Giáo hội khải hoàn.
- Các linh hồn trong luyện tội làm thành Giáo hội đau khổ.
Các tín hữu tôn kính, cầu xin Các Thánh. Còn Các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.
Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống.
Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác.
2. Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) nghĩa là không còn được hưởng những ân huệ của “các Thánh thông công” nữa, nhưng chỉ là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa.
Có hai hình thức vạ tuyệt thông:
Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.
1. Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
2. Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
3. Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
4. Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
5. Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư của Đức giáo hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
Trong bảy quy định vạ trên đây, năm loại vạ chỉ được hóa giải bởi chính Tòa Thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do giám mục giáo phận hay những linh mục được các giám mục ấy ủy thác.
Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn hai loại vi phạm bị chế tài vạ hậu kết.
Hầu hết những trường hợp bị vạ tuyệt thông đều là vạ tuyệt thông tiền kết và người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:
1. Không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác.
2. Không được cử hành các Bí tích hay Á Bí tích và lãnh nhận các Bí tích.
3. Không được hành sử các chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị sau khi vạ tuyệt thông đã bị tuyên kết hay tuyên bố, người bị vạ tuyệt thông thi hành cách vô hiệu những hành vi cai trị nếu trước đó đã được chỉ định; cũng không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo hội; cũng không được chiếm hữu cho mình các lợi lộc của bất cứ chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ, hưu bổng nào mà đương sự đã có trong Giáo hội.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Tòa Giám Mục quyết định Cha Phêrô Nguyễn Văn Tường về hưu!



Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tường bị vạ tuyệt thông.
Sự thật về một Linh mục bị vạ tuyệt thông
Gần đây, nhiều người xôn xao về những bài giảng sai giáo lý được phát tán trên Internet bởi một linh mục còn khá trẻ.
Khi sự việc đã đến mức báo động, thì linh mục Nguyễn văn Tường, được giáo quyền giáo phận Vĩnh Long mời về nhắc nhở.

Sự việc trở nên nghiêm trọng khi vị linh mục này không những không vâng phục bề trên mà còn để cho giáo dân la ó, chửi mắng hàng giáo sĩ trong giáo hạt. Điều tệ hại là các video về những sự việc này bị phát tán trên Internet gây gương xấu trong Giáo Hội.

Vì tính chất nghiêm trọng của việc Lm.Tường không chịu sửa đổi và không vâng phục quyền bính chính đáng, giáo quyền địa phương đã tuyên bố ông bị tuyệt thông tiền kết.

Có người chưa hiểu chuyện đã vội kết án giáo quyền với những lời lẽ không thích đáng.
Theo một linh mục giáo sư Giáo Luật ở Sàigòn, vạ tuyệt thông tiền kết có nghĩa là dù chưa tuyên, nhưng khi linh mục này mắc phải lỗi lạc giáo, giảng dạy trái giáo lý Hội Thánh, thì ông đã bị vạ rồi.

Cũng theo Cha giáo sư, chúng ta đừng coi vạ ấy là hình phạt, mà phải coi là phương thuốc chữa trị. Và nếu như thế thì người ngoài giáo phận không hiểu chuyện đừng làm cớ cho một số bè nhóm chống đối quyền bính.

Có người cho rằng cha Tường rất được giáo dân yêu mến.
Đặc biệt là Cha Tường rất sùng kính Lòng Chúa Thương Xót? 
và cử hành nghi thức sùng kính Lòng Chúa Thương Xót thu hút nhiều người.
Nhưng việc một linh mục có nhiều hoạt động hay được giáo dân yêu mến không biện hộ cho việc ông bị vạ. Một linh mục có uy tín nói rằng kể cả giám mục khi lạc giáo hay bội giáo vẫn bị vạ tuyệt thông. Nghĩa là luật Hội Thánh được áp dụng không trừ ai.

Linh mục Tường phản ứng mạnh mẽ trong Thánh Lễ khi ông nhận được thông báo của Cha Giám quản cho ông đi nghỉ bệnh. Ông bảo ông vẫn còn khỏe sao lại cho ông nghỉ? Thật ra chính vị linh mục và giáo dân không hiểu rằng giáo quyền muốn giữ thể diện cho ông nên đã nói nhẹ nhàng đi.

Trong một “lời trần tình”, cha Tường nói “thời đại này là thời tự do tôn giáo, mình xin là nhà nước cho liền (!), mà giáo quyền thì cấm”. Nghe câu này bất cứ người Công Giáo nào cũng kinh hãi. Các video clip cho thấy cha Tường rất bất bình và lên án giáo quyền nặng nề.

Phải hiểu rằng việc tuyên bố vạ cho vị linh mục này là phương dược giúp ông sửa đổi. Nếu ông chấp nhận Giáo lý Hội Thánh tông truyền, ông sẽ được giải vạ. Mọi phản đối và lên án giáo quyền là nhằm chia rẽ các thành phần Dân Thiên Chúa.

Cha Giám quản giáo phận và các Cha đã xem xét kỹ các lời giảng dạy của Lm. Tường, và các ngài nói rõ một linh mục phải giảng dạy những điều phù hợp giáo lý, được phép của bản quyền địa phương.

Bản quyền giáo phận đã chỉ rõ những điều sai lạc trong các bài giảng của Lm. Tường. Chẳng hạn Lm.Tường nói sai về quyền Chúa trao cho Thánh Phêrô, về ơn Cứu độ, về việc ăn thịt động vật. Ví dụ Lm. Tường nói Chúa không trao quyền tha tội cho Phêrô. “Thánh Phêrô chỉ tha cho mình Thánh Phêrô thôi". Về việc ăn thịt, cha Tường nói: “Ai ăn thịt động vật thì không được Chúa chúc phúc”.

Tuy nhiên, Lm.Tường vẫn không chấp nhận mình sai và không hứa sửa đổi.
Các vị hữu trách hiểu rằng các ngài đã hành động theo đúng lương tâm và giáo luật. Nếu một vị linh mục có thiện chí và thật lòng yêu mến Giáo Hội, ông đã tự quên mình, biết vâng lời và làm gương sáng cho giáo dân.