Ads

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

Một trong những lý do đầu tiên giải thích cho thất bại trong đời sống cầu nguyện của chúng ta chính là chúng ta cầu xin quá nhiều nhưng lại không bao giờ trông đợi lời đáp trả. Chúng ta không ngừng cầu xin, nhưng lại không hề thật sự trông chờ câu trả lời, cho đến khi cơ bắp tâm hồn chúng ta mềm nhũn vì chúng ta đã không tập luyện sức mạnh nhận lãnh.

Tôi thà cầu nguyện với Thiên Chúa bằng lòng tin thật sự và nhận được lời đáp trả, hơn là gửi vô số những lời cầu xin và không bao giờ nhận lại được gì. Sẽ tốt hơn rất nhiều khi xin Chúa vài điều và nhận được câu trả lời hơn là bị tổn hại đến niềm tin bởi việc làm suy yếu sức mạnh của sự lãnh nhận.

Thật đáng thương cho những người cầu nguyện liên lỉ, kiên nhẫn chờ đợi, rồi than khóc, vì những lời cầu nguyện của họ dường như không được nghe thấy và không được đáp trả, và cuối cùng, đau khổ và thất vọng, họ bỏ cuộc, nghĩ rằng Thiên Chúa không quan tâm, trong khi chính họ không nhận ra và tuân theo quy tắc của đức tin mà Chúa nói rất rõ trong Lời của Ngài.

Vấn đề là ở chỗ chúng ta hành động như thể Thiên Chúa là một Đấng chuyên quyền nhẫn tâm, Đấng mà chúng ta cố vượt qua sự kiên quyết và không sẵn lòng của Ngài bằng những lời cầu nguyện than van liên lỉ, nhưng sự thật Thiên Chúa đang cố gắng vượt qua sự thiếu lòng tin của chúng ta và mong muốn ban cho chúng ta những gì lòng chúng ta khao khát.
Phần việc của chúng ta chính là nhận lấy. Phần việc của Ngài chính là trao ban. Đúng vậy, chúng ta cầu xin, nhưng lại không nhận lấy. Khi cầu nguyện, hãy tin là mình đã được rồi. Ngài đã ban và Ngài chờ đợi ban nhận lấy, và bạn hoàn toàn có thể nhận lấy, vì Ngài đã ban cho bạn khả năng làm điều đó.

Tôi có thể tin, tôi sẽ tin và tôi tin. Tôi có thể tin bởi vì Chúa ban cho tôi khả năng đó. Ngài không bao giờ đòi hỏi con cái của Ngài điều gì mà chúng không có khả năng. Vì thế, tôi có thể tin nếu tôi tin. Vì thế tôi sẽ tin bởi vì Thiên Chúa mong đợi tôi rèn luyện ý chí tin tưởng của tôi vào Lời Ngài. Và tôi tin, bởi vì giờ đây chính là thời gian của Thiên Chúa, bởi vì tôi cầu nguyện và tôi tin rằng tôi nhận được ngay sau khi lời cầu nguyện của tôi kết thúc, như Kinh Thánh đã nói: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24).

Vì thế, có những lúc tôi phải ngừng cầu nguyện và bắt đầu tin tưởng. Khi tôi cầu xin, tôi phải tin tưởng ngay chứ không phải tin tưởng trong tương lai. Lòng tin vào tương lai chính là hy vọng chứ không phải là tin tưởng, và như ai đó đã nói rất khôn ngoan: Niềm tin không phải là hy vọng. Hy vọng đặt một sự việc vào trong tương lai, trông đợi một thời gian xa, nếu Chúa thấy phù hợp, Ngài sẽ cho câu trả lời; còn lòng tin đặt sự việc vào trong quá khứ và xem như nó đã hoàn thành. Sự việc được hoàn thành đơn giản bởi vì Thiên Chúa đã phán như thế.

Niềm hy vọng hướng đến ngày mai, trong khi lòng tin để lại vấn đề ở ngày hôm qua, xem như sự việc đã xong và sẽ luôn nhìn lại nơi ấy và nói: Sự việc đã xong, tôi đã hoàn thành tín thác vào Chúa. Tôi tin Ngài sẽ thực hiện lời Ngài và xem như nó đã xong, bởi vì Ngài đã nói thế.  Lý do khiến chúng ta mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta khi chúng ta cầu xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhận mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta có được những gì chúng ta đã xin Người (1 Ga 5,14-15).

Những gì chúng ta nghĩ không quan trọng, nhưng quan trọng chính là những gì Thiên Chúa nói. Những gì chúng ta cảm thấy không quan trọng, nhưng quan trọng chính là niềm tin chúng ta xác tín điều gì. Dù không nhìn thấy cũng không quan trọng, vì chúng ta bước đi bằng đức tin.

Có thể bạn có lòng tin, nhưng lòng tin ấy có thích đáng không?
Một vị linh mục cố giải thích thật rõ nguyên tắc của lòng tin, ông chìa ra một chiếc đồng hồ đắt tiền trước một nhóm những bé trai ngồi hàng ghế đầu trong nhà thờ.

“Tony, con có muốn có chiếc đồng hồ này không?” – vị linh mục đưa chiếc đồng hồ ngay trước mặt cậu bé. “Ồ, cha đừng trêu con” – cậu bé trả lời. Vị linh mục lặp lại câu hỏi với cậu bé tiếp theo. Và câu trả lời nhanh nhảu: “Cha đừng gạt con. Hôm nay đâu phải ngày Cá Tháng Tư”.

Câu hỏi lại được lặp lại, hết lần này đến lần khác dọc theo dãy ghế và tiếp tục với những câu trả lời hài hước tương tự. Cuối cùng, vị linh mục đưa chiếc đồng hồ đến một bé trai khoảng 5 tuổi ngồi phía ngoài, với đôi mặt sáng rỡ nhìn chằm chằm vào vị linh mục. Đôi chân của cậu bé không chạm tới đất, nhưng cậu bé vẫn ngồi thăng bằng sát mép ghế và sẵn sàng nhảy lên, vị linh mục không có cơ hội nói hết câu: “Cậu trai, con có muốn…”. Bấy nhiêu đó đã đủ, bàn tay mũm mĩm nhanh chóng chộp lấy chiếc đồng hồ. “Chộp lấy” là từ duy nhất có thể diễn tả đúng hành động hăm hở và mạnh bạo của cậu bé với niềm tin tưởng, rồi cậu bé bỏ món quà vào túi, nhích người ngồi lại sát vào ghế vòng tay nghiêm trang với vẻ mặt toại nguyện. Đó là món quà cậu mong ước đã lâu.

Sau buổi lễ, nhóm các bé trai vây quanh vị linh mục phân trần: “Làm sao con biết chắc là cha nói thật?” và “đó là chiếc đồng hồ chúng ta luôn muốn có”.

“Tại sao cha không nói với chúng con là cha nói thật?” “Nếu cha nói thật, tại sao cha không đặt vào tay con, hoặc hỏi lại lần nữa, như vậy con biết chắc”.

Mỗi cậu bé đều muốn vị linh mục đặt vào tay chúng, hơn là tự chúng chìa tay ra nhận lấy, trong khi đứa bé nhỏ nhất kia có được lòng tin thích đáng và đã tự nhận lấy món quà được mời tặng. Cậu bé ấy đã đặt đức tin vào trong hành động.

Rất nhiều người không có lòng tin thích đáng. Cách nào đó, họ tin rằng mình được cứu độ và họ tin những lời hứa của Chúa chỉ là bâng quơ không cụ thể cho từng người. Nhưng họ không biết rằng những lời hứa của Thiên Chúa “phù hợp” với từng người một. Họ không biết phải nhận từ Chúa như thế nào. Dù luôn cầu xin, nhưng họ không bao giờ nhận được gì, đơn giản bởi vì họ không hiểu được nguyên tắc lòng tin.
Nó được giải thích thật dễ hiểu trong Kinh Thánh: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý”. Nếu không có được niềm tin như thế, chúng ta không thể nào tận dụng hết đặc quyền vinh dự được làm con Thiên Chúa hoặc hoàn toàn sử dụng quyền thừa kế của mình.
Nghi Ân dịch