Cuộc Phỏng vấn Bà Maria
Simma về Luyện Ngục
60 câu hỏi trong Cuộc phỏng
vấn của Nữ tu Emmanuel Maillard với bà Maria Simma.
“Một hôm, tôi (Nữ tu
Emmanuel Maillard) đọc cách rất chăm chú cuốn sách về Các linh hồn Luyện Ngục.
Điều đánh động tôi rất nhiều, vì nó liên quan đến những chứng cớ đã xảy ra và
cũng giải thích rất rõ học thuyết của Giáo Hội về vấn đề Luyện ngục. Đó là cuốn
sách của Maria Simma, nói về “Các Linh hồn Luyện ngục…nói với tôi”.
Tôi đã viết ngay cho biên tập
viên nhà xuất bản, và được biết rằng: “Maria Simma vẫn còn sống”. Nhanh chóng,
tôi liên lạc với bà ấy và bà đã đồng ý gặp tôi để trả lời nhiều câu hỏi của tôi.
Tôi rất vui mừng, vì mỗi lần
tôi có cơ hội để nói chuyện hay trình bày về các linh hồn khốn khó, tôi thấy
các thính giả của tôi quan tâm đặc biệt. Thường, họ xin tôi nói nhiều hơn “Hãy
nói cho chúng tôi nhiều hơn, những điều khác về các linh hồn Luyện ngục.” Tôi
thấy rằng ai trong chúng ta cũng muốn biết điều gì đang chờ đợi chúng ta sau
khi chết.
Ngày nay, tại các giáo xứ,
trong các bài giáo lý thường xuyên, không thấy nói tới vấn đề Luyện ngục. Đó là
một thiếu sót lớn.
Hi vọng những điều nói đây
sẽ bổ túc những thiếu sót và cho ta biết rằng Thiên Chúa sắp xếp cho ta một kế
hoạch hoàn toàn tuyệt vời. Hơn nữa, để khi còn sống trên thế gian này, ta biết
lo liệu cho mình một tương lai tốt đẹp đời sau.
Maria Simma là ai?
Là người nước Áo (Austria)
Từ thời thơ ấu, bà đã cầu
nguyện rất nhiều cho các linh hồn trong Luyện Ngục.
Năm 1940, lên 25 tuổi, bà
đã được một đặc sủng rất cao quí, được các linh hồn trong Luyện Ngục viếng
thăm.
Các linh hồn thường xin bà
những lời cầu nguyện và Thánh lễ misa dâng lên cầu cho họ được giải thoát.
Năm 1997, khi tôi tới thăm,
Maria Simma đã 82 tuổi.
Sống một mình trong ngôi
nhà nhỏ của bà tại Sonntag, một ngôi làng rất đáng yêu ở vùng núi Vorarlberg
thuộc nước Áo (Austria), và đó là nơi tôi gặp bà và hỏi nhiều câu.
Bà là một người Công giáo
nhiệt thành, rất khiêm nhường, rất đơn sơ, rất nghèo khó. Ví dụ, trong căn
phòng nhỏ của mình, chúng tôi hầu như không có đủ chỗ để di chuyển xung quanh
các ghế bà đã mời chúng tôi ngồi…
Bà được cha xứ và giám mục
địa phương khuyến khích rất nhiều trong việc cầu nguyện và giúp đỡ Các linh hồn
Luyện ngục. Các ngài nói với bà rằng: bà được phép công bố những cuộc thăm viếng
đó vì “không có những lầm lạc về tín lý”. Bà qua đời tháng Ba năm 2004.
Có một đặc sủng bất thường
không? Có, trong lịch sử Giáo hội Công giáo, đã có những vị Thánh – được phong
Thánh hay không – những người đã thực hiện đặc sủng này. Có thể nêu ví dụ như
Thánh Gertrude, Thánh Catherine Genoa,
người đã viết nhiều về Luyện ngục. Maryam Chúa Giêsu, Thánh Margaret Mary tại
Paray-le-Monial người cổ động tôn sùng Thánh Tâm Chúa, Thánh Gioan Vianney xứ
Ars, Thánh Faustina, Thánh John Bosco, Thánh Maryam Bethlehem, v.v.
Bà Maria Simma cũng được đặc
sủng trong thời đại ta về sự Cứu giúp các linh hồn Luyện ngục. Bà ấy không nói
được tiếng Pháp, vì thế, tôi phải nhờ thông dịch viên.
Vì muốn ngắn gọn nhưng rõ
ràng, tôi sẽ tổng hợp một số các câu trả lời của Bà Maria Simma. Tôi cũng thêm
vào vài ý kiến cá nhân của tôi.
Sơ Emmanuel và Bà Maria
Simma
Các Cuộc phỏng vấn:
1- Maria, bà có thể cho
chúng tôi biết lần đầu tiên linh hồn Luyện ngục về thăm bà thế nào và vào năm
nào không?
-Được chứ, năm 1940. Vào
ban đêm lúc 3, 4 giờ sáng. Tôi thấy như có ai vào phòng tôi.
2- Bà có sợ không?
-Không, tôi không sợ gì cả,
từ hồi nhỏ má tôi đã nói: con này lạ thật, nó chẳng bao giờ biết sợ là gì.
3- Rồi đêm đó ra sao?
-Tôi thấy một người rất lạ.
Ông ta đi lại thật chậm. Tôi nói thật lớn: Tại sao lại vào phòng tôi? Đi ra
ngay! Nhưng ông ta cứ đi đi lại lại bên
giường tôi, làm như không nghe gì cả. Tôi hỏi lại: Ông tính làm gì đây?. Nhưng
ông ta vẫn lặng thinh. Tôi nhảy ra khỏi giường, định chộp ông ta, nhưng chỉ chộp
được không khí, không chộp được ai cả. Tôi lên giường ngủ tiếp. Nhưng tôi lại
nghe tiếng đi đi lại lại.
Tôi nghĩ phải chộp được người
này, nhưng không được. Tôi chồm dậy, chộp hắn, nhưng lại chộp không khí thôi.
Mơ màng, tôi lại nằm xuống. Hắn không trở lại nữa, nhưng tôi cũng không ngủ được
nữa.
Sáng hôm sau, lễ xong, tôi
trình cha linh hồn sự việc đã xảy ra đêm qua. Ngài bảo: Nếu thấy người ấy nữa,
hỏi xem: Ai đó? Ông muốn tôi làm gì?
Đêm hôm sau, người đó trở lại,
tôi hỏi: Ông muốn tôi làm gì cho ông? Ông ta trả lời: Xin dâng
cho tôi 3 lễ Misa, tôi sẽ được cứu.
Tôi hiểu đó là linh hồn luyện
ngục. Cha linh hồn tôi cũng nói thế. Ngài khuyên tôi đừng bao giờ từ chối lời
xin của linh hồn luyện ngục, nhưng hãy quảng đại giúp họ những gì họ xin.
4- Rồi sau đó, còn có những
cuộc thăm viếng khác không?
-Đúng, trong mấy năm, chỉ
có 3 hoặc 4 linh hồn, thường về vào tháng 11, sau tháng đó, có thêm những linh
hồn khác.
5- Các linh hồn này xin những
gì?
-Hầu hết họ xin lễ Misa,
xin đọc kinh Mân côi, cũng xin viếng Đàng Thánh giá.
Nhiều người hỏi tôi: Thực
ra Luyện ngục làm sao? Tôi trả lời: Đó
là một sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa . Tôi xin nêu một hình ảnh mà tôi
nghĩ:
Ví dụ về vết thương tình
Giả như một hôm bạn mở cửa
ra, thấy ánh sáng và vẻ đẹp bầu trời rực rỡ, tuyệt đẹp như chưa bao giờ bạn thấy. Bạn say mê, bạn bị vẻ đẹp bao quanh, cuốn
hút, mê man. Đối lại, ánh sáng và vẻ đẹp cũng say mê bạn. Bạn chưa bao giờ dám
mơ ước như vậy.
Ánh sáng và vẻ đẹp muốn thấu
nhập, muốn kết hợp nên một với bạn. Lửa tình rừng rực trong tim, như có đôi tay
giơ ra ôm ẵm. Nhưng này, hãy khoan, bạn nhận ra mình đã nhiều tháng, nhiều năm
không tắm rửa, hôi hám quá, nước mũi xụt xịt, đầu tóc mỡ màng, dính bệt, quần
áo nhem nhuốc... bạn tự nhủ: “Không, tôi không thể để ai ôm ẵm lúc này được, tôi
phải đi tắm, tắm thật sạch, rồi tôi mới trở lại”.
Nhưng trong lòng bạn lửa
tình bùng cháy, quá nóng lòng muốn kết hợp, bạn không chịu nổi phải khoan giãn
để đi tắm rửa, dù chỉ vài phút. Đó lòng vết thương tình đau đớn.
Luyện ngục giống hệt như vậy.
Phải hoãn lại vì linh hồn không trong sạch. Hoãn lại trước cái ôm yêu của Chúa,
một vết thương tình gây nên những đau khổ da diết, một sự chờ đợi như nỗi nhớ
thương. Chính sự đốt cháy này, sự mong ước này tẩy sạch những gì là bợn nhơ.
Luyện ngục là nơi ước mong, ước mong Thiên Chúa, ước mong Thiên Chúa Đấng linh
hồn đã biết, đã thấy Người, nhưng chưa được kết hợp với Người.
6- Maria, các linh hồn Luyện
ngục có vui và hi vọng đang khi ở giữa những đau đớn như vậy không?
- Có chứ. Không linh hồn
nào từ Luyện ngục muốn trở lại thế gian. Họ đã biết những sự đời đời vượt hẳn
chúng ta. Họ không thể quyết định trở về nơi tăm tối trên thế gian nữa. Ở đây
chúng ta thấy có sự khác nhau về đau khổ như ta thấy khi sống ở trần gian.
Trong Luyện ngục dù đau khổ của linh hồn rất kinh khủng, họ chắc chắn sẽ được sống
muôn đời với Thiên Chúa. Đó là sự chắc chắn không thể chuyển lay. Niềm vui thì
lớn hơn nỗi đau. Không có sự gì trên thế gian có thể làm cho họ muốn trở lại sống
ở đây, nơi không có gì chắc chắn bao giờ.
7- Maria, Bà cho chúng tôi
biết: Thiên Chúa bảo các linh hồn phải xuống Luyện ngục hay các linh hồn tự
mình đi vào đó?
Chính các linh hồn muốn đi
vào Luyện ngục để được tẩy luyện thanh sạch trước khi vào Thiên đàng. Các linh
hồn trong Luyện ngục dính kết chặt chẽ với Thánh ý Thiên Chúa, các ngài vui
trong sự lành, các ngài ước ao sự lành chúng ta, các ngài yêu mến rất nhiều:
các ngài mến Chúa và yêu thương chúng ta nữa. Các ngài kết hợp hoàn toàn với
Thánh Thần của Chúa, sự sáng của Chúa.
8- Maria, khi chết linh hồn
thấy Chúa trong sự sáng hoàn toàn hay trong cách mờ mờ?
-Trong cách mờ mờ, nhưng mờ
mờ như thế cũng đủ gây nên niềm mong ước lớn lao. Đúng ra, sự sáng chói lọi
sánh với sự tối tăm mù mịt của thế gian. Không có gì có thể so sánh với sự sáng
hoàn toàn mà linh hồn sẽ thấy khi bước vào Thiên Đàng. Đây ta liên tưởng tới
“kinh nghiệm khi gần chết”, linh hồn được ánh sáng này lôi kéo, họ sẽ phải khổ
thế nào khi trở lại thế gian, vào lại
thân xác sau khi được thấy sự sáng. “Bác ái che lấp muôn ngàn tội
lỗi”
9- Maria, xin cho biết về Đức
Mẹ cứu giúp các linh hồn Luyện ngục thế nào?
-Đức Mẹ thường đến an ủi
các linh hồn và nhắn bảo họ còn phải chịu khó thêm. Đức Mẹ khuyến khích họ.
10- Có những ngày nào đặc
biệt, Đức Mẹ đến giải thoát họ không?
- (Có những ngày khác) nhưng
trên hết là Lễ Giáng sinh, lễ Các Thánh, Thứ Sáu tuần thánh, lễ Đức Mẹ Lên trời,
lễ Chúa lên trời.
Cuộc phỏng vấn 11-20
11- Maria, tại sao người ta
phải vào Luyện ngục? thứ tội nào dẫn vào Luyện ngục nhiều nhất?
-Các tội sau này: tội lỗi đức
Bác ái, tội phạm đến người lân cận, tội cứng lòng, tội thù hằn, tội bỏ vạ, cáo
gian.
12- Nói những lời độc ác và
vu khống là một trong những nhược điểm tồi tệ nhất và đòi hỏi một tinh luyện
lâu dài sao?
- Đúng.
Ở đây, bà Maria cho chúng
ta một ví dụ đã đánh động tâm trí Bà, mà tôi muốn chia sẻ với bạn. Bà đã được
yêu cầu cho biết về một người phụ nữ và một người đàn ông ở trong Luyện Ngục.
Điều làm rất ngạc nhiên những người đã
yêu cầu là người phụ nữ đã được vào Thiên Đàng, nhưng người đàn ông còn đang ở
trong Luyện Ngục.
Người phụ nữ này đã chết
khi phá thai, nhưng người đàn ông thường đi nhà thờ và dường như có một cuộc sống
đạo đức. Vì vậy, bà Maria tưởng mình đã lầm. Nhưng không, đó là sự thật. Cả 2
người đã chết, nhưng người phụ nữ đã thực sự ăn năn và rất khiêm tốn, trong khi người đàn ông thì
chỉ trích mọi người, ông luôn luôn phàn
nàn, và nói những điều xấu về người khác. Đó là lý do tại sao Luyện Ngục của
ông kéo dài rất lâu.
Bà Maria kết luận: “Chúng
ta không được đánh giá người ta theo dáng vẻ bên ngoài.”
Tội khác chống lại đức Bác
ái: Ta từ bỏ những người ta không thích, từ chối đem lại bình an, từ chối tha
thứ, và giữ trong lòng với những cay đắng thù hận.
Bà Maria cũng nêu một ví dụ
khác khiến chúng ta suy nghĩ.
Đó là câu chuyện của bà A
mà bà Maria biết rõ.
Bà A đã chết và đang ở
trong Luyện ngục, trong Luyện ngục kinh khủng nhất, với những nỗi đau khổ tàn tệ
nhất. Và khi hiện về với bà Maria, bà A giải thích lý do: Bà A có một người bạn
nữ tên B. Hai bà AB thù hằn nhau.
Bà A đã giữ mối thù này
trong nhiều năm, ngay cả khi bạn bè của bà ta đã nhiều lần yêu cầu hòa giải,
nhưng bà A đều từ chối. Khi bà A ngã bệnh nặng, bà cũng vẫn đóng kín tâm hồn, từ
chối lời xin hòa giải của bà B đến xin tại giường bệnh. Vì vậy...
Ví dụ trên có ý nghĩa rất lớn
liên quan đến giữ lòng thù hận. Nó có thể
giết chết và coi thường bao nhiêu lời hàn gắn.
13- Maria, xin bà vui lòng
cho biết: những ai có cơ hội lớn nhất đi thẳng về Thiên Đàng?
-Những người có một tấm lòng
tốt lành đối với tất cả mọingười. Tình yêu che lấp muôn vàn tội lỗi.
14- Phải, chính Thánh
Phaolô đã nói với chúng ta điều này! Vậy các cách chúng ta có thể có trên đời này để tránh Luyện ngục và đến thẳng
Thiên Đàng là gì?
Chúng ta phải làm rất nhiều
cho các linh hồn trong Luyện ngục, vì họ sẽ trả ơn giúp đỡ chúng ta. Chúng ta
phải thật khiêm tốn, đây là vũ khí mạnh nhất chống lại sự dữ, chống lại quỉ dữ.
Sự khiêm tốn xua đuổi chúng đi.
Tôi không thể không nói tới
một chứng cớ rất đáng yêu của Cha Berlioux (người đã viết một cuốn sách tuyệt vời
về các linh hồn Luyện ngục) liên quan đến
sự trả ơn, trợ giúp của các linh hồn đã được các người còn sống cầu nguyện để
giảm bớt đau khổ cho. Cha kể chuyện về bà kia đã dùng cuộc sống nghèo khó của mình để cứu các linh hồn Luyện
ngục.
“Vào giờ chết, Bà đã bị quỉ
dữ tấn công kịch liệt, vì nó thấy bà sắp thoát khỏi tay nó. Dường như toàn bộ
quân quốc hỏa ngục hợp lại tấn công bà. Nhưng bà hấp hối này được thấy cả một
đoàn quân gồm những người đẹp đẽ chưa từng thấy vào nhà bà. Họ đuổi quỉ đi và
nói những lời an ủi bà, những lời an ủi từ trời cao. Khi gần tắt hơi, bà khóc
lên, vui mừng kêu to” Các ngài là ai, các ngài là ai mà đã đến đây giúp tôi
và an ủi tôi như vậy?
Các vị ân nhân trả lời:
”Chúng tôi là những người từ trên trời xuống, những người đã được bà cứu khỏi
Luyện ngục, bây giờ đến lượt chúng tôi trả ơn bà, giúp bà đi qua ngưỡng cửa sự
chết mà vào Thiên đàng.
Nghe xong người đàn bà nở nụ
cười, nhắm mắt lại và nghỉ an trong Chúa. Linh hồn của Bà, trong trắng như chim
bồ câu, ra mắt Thiên Chúa, và được các linh hồn bà đã cứu trợ đưa vào hưởng
vinh quang, Bà đã xứng đáng đi vào nơi chiến thắng, giữa những tràng pháo tay
và vui mừng của các linh hồn bà đã cứu thoát khỏi Luyện ngục.
Ước gì chúng ta, một ngày
kia có được hạnh phúc như vậy... ”
Những linh hồn được giải
thoát bởi lời cầu nguyện của chúng ta, sẽ biết ơn chừng nào. Các ngài giúp
chúng ta trong cuộc sống, đó là điều rất khích lệ. Tôi nhiệt liệt khuyên các bạn
cứ thử đi coi. Các ngài chắc chắn sẽ giúp đỡ chúng ta. Các ngài biết chúng ta cần
gì và xin cho chúng ta nhiều ơn thánh.
15- Maria, tôi nghĩ về người
trộm lành bên cạnh Chúa Giêsu trên thập giá. Tôi thực sự muốn biết những gì ông
đã làm cho Chúa Giêsu hứa với ông rằng “Ngay hôm nay, con sẽ ở trong Nước trời
với Ta”?
-Ông đã khiêm nhường chấp
nhận đau khổ của ông, ông ta nói rằng mình chịu khổ “thực là đích đáng”. Ông
khuyến khích kẻ trộm kia cũng chấp nhận như vậy. Ông kính sợ Thiên Chúa, nghĩa
là ông có sự khiêm nhường.
Một ví dụ đẹp khác bà Maria
Simma nêu lên cho thấy hành động tốt chừng nào trong đời tội lỗi. Xin nghe bà
nói:
“Tôi biết một người đàn ông
trẻ khoảng 20 tuổi, ở một ngôi làng gần bên làng tôi. Người đàn ông trẻ đã đau
khổ rất nhiều, vì một loạt tuyết lở đã giết chết một số lớn người… Một đêm, người
trẻ này đang ở trong nhà của cha mẹ anh ta. Anh ta nghe tuyết lở ngay cạnh cửa
vào nhà mình, anh ta nghe tiếng kêu cứu thê thảm: “Cứu chúng tôi! Đến, cứu
chúng tôi. Chúng tôi đang mắc kẹt dưới đống tuyết”.
Chồm dậy, anh ta ra khỏi
giường lao xuống cầu thang để cứu những người bị nạn, nhưng mẹ anh ta đã cản
anh lại, bà đóng chặt cửa, bà nói: “Không! để người khác đến giúp họ, không phải
chúng ta! Bên ngoài quá nguy hiểm, ta không muốn có thêm một cái chết nữa!”
Nhưng người con, vì xúc động bởi những tiếng la cầu cứu, nên thực sự muốn đến cứu
những người này, ông đẩy mẹ mình sang một bên. Anh nói với mẹ: “Không, con phải
xuống, con không thể để cho họ chết như
thế này”. Anh đã đi ra ngoài!, đang khi đi, anh bị một trận tuyết lở đè chết.
Ba ngày sau khi chết, anh
ta đến thăm tôi vào ban đêm, anh nói với tôi: “Xin cho cháu 3 thánh lễ,
cháu sẽ được giải thoát khỏi Luyện ngục”.
Tôi đã đi nói cho gia đình
và bạn bè anh. Họ rất ngạc nhiên khi biết rằng chỉ sau 3 Thánh Lễ, anh sẽ được
giải thoát khỏi Luyện ngục. Bạn bè anh ta nói với tôi: “Ồ, tôi không thích chết
như thế, nếu thấy tai họa như anh ta đã làm!” Nhưng người thanh niên này nói với
tôi:. “Bà thấy, tôi muốn làm một hành động hoàn toàn vì bác ái cho những người
bị nạn, nhờ đó, Chúa cho tôi vào thiên đàng cách mau lẹ. Quả thực “Bác ái che lấp
muôn ngàn tội lỗi”.
Câu chuyện này cho chúng ta
thấy rằng bác ái, chỉ một hành vi bác ái tinh ròng được tự ý làm, đã đủ để
thanh luyện người thanh niên này từ một cuộc sống không hạnh phúc; và Chúa đã
thực hiện điều tốt nhất trong Tình yêu của Ngài.
Bà Maria nói thêm rằng, người
thanh niên này có thể không bao giờ sẽ có cơ hội thực hiện một hành động tuyệt
vời của bác ái, và có thể trở nên xấu. Thiên Chúa , theo lòng thương xót Ngài,
đã đưa anh ta đến với Ngài vào lúc đẹp nhất, tinh khiết nhất, vì hành động của
tình yêu. Điều rất quan trọng là vào giờ chết, người ta từ bỏ chính mình để làm
trọn Ý Chúa.
Bà Maria còn nói với tôi về
trường hợp của một người mẹ bốn đứa con. Khi bà sắp chết, thay vì nổi loạn và
lo lắng, bà nói với Chúa: “Con chấp nhận cái chết theo thánh Ý Chúa. Con phó cuộc
sống con trong tay Chúa. Con phó thác cho Chúa các con cái con. Con biết rằng
Chúa sẽ trông coi săn sóc chúng”.
Bà Maria nói rằng, vì niềm
tin cậy lớn lao vào Chúa , người phụ nữ này đã đi thẳng tới thiên đàng và tránh
được luyện ngục. Vì vậy chúng ta thực sự có
thể nói rằng lòng mến sự khiêm nhường và lòng phó thác nơi Thiên Chúa là ba chìa khóa vàng để đi trực tiếp đến thiên
đàng.
Dâng lễ chỉ cho các linh hồn:
16- Maria, xin bà cho biết
phương thế nào hữu hiệu nhất để cứu các linh hồn nơi Luyện ngục?
-Phương thế hữu hiệu nhất để
cứu các linh hồn Luyện ngục là thánh lễ Misa.
17- Tại sao là thánh lễ
Misa?
Bởi vì Thánh lễ Misa là do
chính Chúa Kitô đã hiến mình vì yêu thương cho chúng ta. Đó là sự hiến dâng
chính mình Chúa Kitô cho Thiên Chúa, một của lễ đẹp nhất.
Linh mục là người đại diện
Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Kitô đã dâng mình và chính Chúa Kitô là của lễ cho
chúng ta.
Hiệu quả của Thánh lễ cho
người chết còn lớn hơn cho những người dâng Lễ trong cuộc sống của họ. Nếu họ
tham dự Thánh lễ và cầu nguyện với tất cả tấm lòng, nếu họ đã dự Lễ ngày thường
– theo thời biểu của họ – họ sẽ thu được nhiều phúc lợi lớn lao từ các Thánh Lễ
họ dự. Cũng vậy, người ta thu những gì người ta gieo. Linh hồn trong Luyện ngục
nhìn thấy rất rõ ràng vào ngày đám tang của ông, nếu chúng ta thực sự cầu nguyện
cho ông, hoặc nếu chúng ta có chỉ cần hiện diện ở đó.
Những linh hồn khốn khó nói
rằng, nước mắt khóc thương không ích gì cho họ, chỉ có lời cầu nguyện mới giúp
họ. Họ phàn nàn rằng, nhiều người đi dự đám tang mà không cầu nguyện cùng Thiên
Chúa cho họ, trong khi lại khóc lóc than van, điều này là vô ích!
Liên quan đến Thánh Lễ, tôi
trích dẫn một ví dụ tuyệt đẹp cha thánh Gioan Vianney nhắn nhủ giáo dân của
mình. Ngài nói:
“Các con ơi, có một linh mục
tốt lành đã mất một người bạn mà ông rất quí mến, vì vậy ông đã cầu nguyện rất
nhiều cho linh hồn người bạn ấy được nghỉ yên.
Một hôm, Chúa cho ông biết
rằng, người bạn của ông đang ở trong luyện tội và phải chịu đau đớn khủng khiếp.
Linh mục thánh thiện ấy tin rằng ông không thể làm gì tốt hơn là dâng lễ cầu
cho người bạn thân của mình trong Luyện ngục.
Vào lúc truyền phép, ông cầm
Mình Thánh giữa hai tay và thưa: “Lạy Chúa Cha Hằng hữu, con xin đánh đổi: Cha
giữ linh hồn người bạn con đang ở trong Luyện ngục, con giữ Mình Thánh Con Cha trong tay con. Lạy Cha
đầy lòng thương xót, xin giải thoát người bạn con, còn con xin dâng lên Cha Con
của Cha với mọi công phúc của cái chết và cuộc khổ nạn của Người”. Điều xin đã
được chấp nhận, vào lúc dâng Mình Thánh lên, cha thấy linh hồn của bạn mình,
sáng láng trong vinh quang, tiến về Thiên đàng.
“Các con ơi, khi chúng ta
muốn giải cứu một linh hồn thân yêu của ta khỏi Luyện ngục, ta hãy làm như vậy,
hãy dâng lên Thiên Chúa Thánh lễ Misa, Con Yêu Dấu của Ngài với tất cả các công
nghiệp sự chết và khổ nạn của Người, Ngài sẽ không từ chối chúng ta bất cứ điều
gì. ”
Đừng phí phạm những đau khổ
đời này:
Còn có một phương thế rất mạnh
mẽ để cứu giúp các linh hồn nghèo khó; đó là dâng những đau khổ, việc đền tội
như ăn chay, từ bỏ, v.v, – dĩ nhiên những đau khổ ngoài ý mình như bệnh tật hoặc
tang tóc.
18- Maria, bà đã được xin
nhiều lần chịu đau khổ cho các linh hồn
nghèo khó để giải thoát họ. Bà có thể cho chúng ta biết những kinh nghiệm bà đã
trải qua trong những lúc này?
-Lần đầu tiên, một linh hồn
yêu cầu tôi, nếu tôi không ngại, chịu
đau khổ 3 giờ trong mình tôi cho
người ấy, sau đó tôi tiếp tục làm việc. Tôi nghĩ: “Nếu chỉ có 3 giờ thì tôi đồng
ý.” Trong 3 giờ ấy, tôi đã có ấn tượng rằng nó dài như 3 ngày, đau đớn lắm lắm.
Nhưng cuối cùng, nhìn đồng hồ, tôi thấy nó chỉ kéo dài đúng 3 giờ. Linh hồn ấy
nói với tôi rằng, chấp nhận đau khổ với kính mến Chúa trong 3 giờ, tôi đã bớt
được 20 năm trong Luyện ngục của người đó!
19- Phải, nhưng tại sao
bà chỉ chịu có 3 giờ mà bớt được 20 năm
Luyện ngục? Điều gì đã làm đau khổ của bà có được giá trị như vậy?
-Bởi vì đau khổ trên trái đất
không có giá trị như nhau. Trên trái đất, khi chúng ta đau khổ, chúng ta có thể
lớn lên trong tình yêu, chúng ta có thể lập công phúc mà các linh hồn đau khổ
trong Luyện ngục không lập được. Trong Luyện ngục, những đau khổ chỉ để thanh tẩy
tội lỗi. Trên trái đất, chúng ta có những ơn phúc. Chúng ta có quyền tự do lựa
chọn.
Tất cả điều này rất đáng
khích lệ, bởi vì nó đưa ra một ý nghĩa đặc biệt cho đau khổ của ta, những đau
khổ được ban cho, tự nguyện hoặc không tự nguyện, ngay cả những hy sinh nhỏ nhất
chúng ta có thể thực hiện, đau khổ hay ốm bệnh, tang chế hay thất vọng...
Nếu chúng ta chịu đựng với
sự kiên nhẫn, nếu chúng ta đón nhận chúng với sự khiêm tốn, những đau khổ này sẽ
có một sức mạnh chưa từng có để giúp các
linh hồn.
Bà Maria cho biết: Điều tốt
nhất có thể làm là kết hợp những đau khổ của chúng ta với những đau đớn của
Chúa Giêsu, và đặt chúng trong tay Mẹ Maria. Đức Mẹ biết rõ nhất làm thế nào để
sử dụng đau khổ, vì chính chúng ta thường không biết những nhu cầu cấp thiết nhất
chung quanh ta. Những đau khổ này, Mẹ Maria sẽ trả lại để sử dụng trong giờ lâm
tử của ta. Bạn thấy, những đau khổ này là những bảo vật quý giá nhất trên Thiên
đàng. Chúng ta phải nhắc nhở nhau điều này và khuyến khích nhau khi chúng ta
đau khổ.
Viếng Đàng Thánh giá, lần hạt
Mân côi, lãnh Ân xá:
Bà Maria cho chúng ta hay:
Một phương tiện khác rất hiệu quả là Viếng Đàng Thánh Giá, vì suy niệm những
đau khổ của Chúa, chúng ta bắt đầu từ từ ghét tội lỗi, và mong muốn cứu độ các
linh hồn. Xu hướng này đưa đến sự cứu rỗi
cho các linh hồn Luyện Ngục.
Các chặng Đàng Thánh Giá
cũng cảm kích chúng ta ăn năn hối cải, chúng ta bắt đầu ăn năn khi phải suy về
tội lỗi.
Một việc khác, rất hữu ích
cho các linh hồn trong Luyện ngục, là lần hạt Mân côi cầu cho người quá cố.
Thông qua việc lần hạt, nhiều linh hồn từ Luyện ngục được giải thoát. Cũng nên
biết rằng chính Mẹ Thiên Chúa xuống cứu các linh hồn Luyện Ngục. Điều này tuyệt
đẹp, vì các linh hồn trong Luyện ngục gọi Đức Mẹ là “Mẹ Tình Thương.”
Các linh hồn cũng nói với
bà Maria rằng ân xá có một giá trị vô giá để giải thoát của họ. Đôi khi người
ta tàn nhẫn không sử dụng kho báu này mà Giáo Hội ban cho vì lợi ích của các
linh hồn.
Các chủ đề của ân xá sẽ quá
dài không được nói ở đây, nhưng tôi có thể giới thiệu bạn tìm đọc văn bản tuyệt
vời của Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 công bố vào năm 1968 về ân xá. Bạn có thể xin
linh mục giáo xứ của bạn cho, hoặc hỏi tại tiệm sách Công giáo bạn thường gặp.
Vì vậy, chúng ta có thể nói
rằng các phương tiện tuyệt vời giúp các linh hồn trong Luyện ngục là lời cầu
nguyện nói chung, tất cả các loại cầu nguyện.
Tôi muốn cung cấp cho bạn
những lời khai của Hermann Cohen, một nghệ sĩ Do Thái đã đổi sang Công giáo vào
năm 1864, ông rất tôn kính Thánh Thể. Ông bỏ thế gian, xin vào một Dòng tu rất
khắc khổ, ông thường xuyên viếng Thánh Thể
mà ông rất tôn sùng. Trong khi thờ lạy, ông cầu xin Chúa để hoán cải mẹ
mình, người mà ông rất mực yêu mến.
Mẹ ông qua đời mà không được
trở lại Công giáo. Hermann buồn rầu đến đâm bệnh. Ông đến sấp mình trước Nhà Tạm, trong nỗi đau buồn
sâu sắc, ông cầu nguyện: “Lạy Chúa, con mắc nợ Chúa mọi sự, đó là sự thật. Nhưng con đã từ chối
Chúa điều gì? Tuổi trẻ của con, niềm hi vọng của con, của cải, niềm vui gia
đình, và những gì còn lại…Con đã hy sinh tất cả khi Chúa gọi con. Còn Chúa, Đấng
Thiện hảo muôn đời, Chúa đã hứa sẽ trả lại gấp trăm lần, Chúa đã từ chối không cho con linh hồn mẹ con. Lạy
Chúa , con không chịu nổi sự tử đạo này, con sẽ không khiếu nại nữa. ” Ông đã
òa lên khóc với tấm lòng tan nát của mình.
Đột nhiên, một giọng nói bí
ẩn vang bên tai: “Con người kém lòng tin, mẹ ngươi đã được cứu. Nhớ rằng lời cầu
nguyện là toàn năng trước mặt Ta. Ta đã nhớ tất cả những lời cầu của con cho mẹ
con, và sự quan phòng của ta đã cứu giúp mẹ con trong giờ cuối cùng.
Khi sắp ra khỏi đời này, Ta
đã đến với mẹ con. Mẹ con thấy Ta và kêu lên “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của
con”. Hãy can đảm lên, mẹ con đã không phải sa Hỏa ngục nhưng con cần cầu nguyện
sốt sắng để cứu mẹ con khỏi Luyện ngục”.
Người ta biết, cha Hermann
Cohen, sau đó, đã biết qua thị kiến lần thứ hai rằng, mẹ cha đã được về Thiên
Đàng.
Tôi quả quyết khuyên bạn
nên đọc những lời cầu nguyện của Thánh Brigitta để cầu cho các linh hồn khốn khổ
trong Luyện ngục. Tôi muốn nói điều quan trọng nữa là các linh hồn trong Luyện
ngục không còn có thể làm bất cứ điều gì cho mình, họ hoàn toàn bất lực. Nếu
người còn sống không cầu nguyện cho họ, họ hoàn toàn bị bỏ rơi.
Vì vậy, điều rất quan trọng
là nhận ra sức mạnh to lớn, sức mạnh không thể tin được mà mỗi người chúng ta
có trong tay để cứu các linh hồn đau khổ.
Chúng ta sẽ để lần thứ 2 mới
giúp một đứa trẻ bị rơi từ trên cây xuống trước mặt chúng ta, nó bị gãy xương.
Tất nhiên, chúng ta sẽ làm mọi cách giúp nó! Cũng vậy, ta cần rất để ý giúp các
linh hồn đang mong đợi tất cả mọi thứ nơi chúng ta, chú ý đến những việc nhỏ nhất,
những lời cầu nguyện để giảm bớt nỗi đau đớn cho các linh hồn. Đó là cách đẹp nhất để thực hành bác ái. Tôi nghĩ rằng,
ví dụ, lòng tốt của người Samaritan nhân hậu trong Tin Mừng, đối với người bị
đánh nửa sống nửa chết bên vệ đường, máu
chảy từ vết các thương. Người đàn ông này hoàn toàn cậy nhờ vào lòng tốt của
người qua lại.
20- Maria, tại sao người
còn sống trên thế gian lại có thể lập công cho các linh hồn còn ở trong luyện
ngục?
Bởi vì khi người ta chết,
người ta đã hết thời giờ lập công.
Khi người ta còn sống, người
ta còn có thể sửa lại lầm lỗi đã làm.
Các linh hồn trong Luyện ngục
ghen tị với chúng ta cơ hội này. Ngay cả các thiên thần cũng ghen tị với chúng
ta. Chúng ta có khả năng gia tăng công phúc khi chúng ta còn sống.
Nhưng thường, những đau khổ
trong cuộc sống làm chúng ta bất nhẫn, chúng ta rất khó chấp nhận và sống đau
khổ.
Làm thế nào chúng ta có thể
sống đau khổ để nó mang lại kết quả? Đau khổ là bằng chứng lớn nhất của tình
yêu thương của Thiên Chúa, và nếu chúng ta chịu đựng được, ta sẽ cứu giúp nhiều
linh hồn. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể chấp nhận đau khổ như một món quà
chứ không là hình phạt (như chúng ta thường làm), coi như một sự trừng trị?
Chúng ta phải dâng tất cả cho Đức Mẹ. Mẹ là người biết rõ nhất những người cần
giúp, cần được cứu.
Về vấn đề đau khổ, tôi muốn
nêu lên chứng cớ phi thường mà bà Maria đã nói với chúng ta.
Đó là vào năm 1954, một loạt
các mảng tuyết lở gây chết người đã tấn công ngôi làng cạnh làng bà Maria. Sau
đó, vụ tuyết lở khác đã xảy ra, nhưng đã dừng lại cách hoàn toàn lạ lùng trước
khi đến làng, do đó không có thiệt hại.
Các linh hồn giải thích rằng
trong làng này một phụ nữ đã bị bệnh, đã không được chữa trị đúng cách, bà ta
đã bị đau đớn khủng khiếp 30 năm, bà ta đã chết. Bà đã chịu những đau khổ ấy vì
lợi ích của làng mình.
Các linh hồn giải thích cho
bà Maria rằng đó là nhờ vào sự đau đớn người phụ nữ chịu cho làng mà làng đã được
thoát các trận tuyết lở. Bà ta đã chịu đau khổ cách kiên nhẫn.
Bà Maria cho chúng ta biết
rằng nếu bà kia đã được hưởng sức khỏe tốt, làng có thể không được tránh thoát
như vậy. Bà Maria nói thêm rằng những đau khổ chịu với sự kiên nhẫn có thể cứu
nhiều linh hồn hơn lời cầu nguyện (nhưng lời cầu nguyện giúp chúng ta chịu đau
khổ của mình).
Chúng ta không nên coi đau
khổ như hình phạt. Tôi có thể được chấp nhận như sự đền tội không chỉ cho bản
thân nhưng cho những người khác. Chính Chúa Kitô vô tội đã phải chịu đau khổ cực
dữ để chuộc tội lỗi của chúng ta.
Chỉ có ở trên Thiên đàng,
chúng ta mới biết tất cả những gì chúng ta đã thu được bằng cách chịu đau khổ với
sự kiên nhẫn trong sự hiệp nhất với những đau khổ của Chúa Kitô.
Cuộc phỏng vấn 21-30
21- Maria, các linh hồn
trong Luyện ngục có nổi loạn khi phải chịu đau khổ không?
- Không! Họ muốn được tẩy
luyện cho thanh sạch, họ hiểu rằng điều đó cần thiết.
Vào lúc hấp hối:
Ăn năn, thống hối tội lỗi
là quan trọng.
22- Sự ăn năn hối lỗi, thống
hối vào lúc hấp hối gần chết cần thiết thế nào?
- Ăn năn, thống hối tội là
điều rất quan trọng. Các tội lỗi được tha, dù là tội trọng hèn thế nào, nhưng vẫn
còn hậu quả của tội lỗi.
Nếu có ai nhận được một ơn
đại xá hay toàn xá vào giờ chết, họ sẽ được đi thẳng lên thiên đường, miễn là họ
dứt lòng dính bén mọi sự ở đời.
Ở đây, tôi muốn ghi lại một
lời rất quan trọng của bà Maria. Bà đã được thân nhân của một phụ nữ có đời sống
không mất tốt lành hỏi, vì họ nghĩ rằng “bà bị hư mất”. Bà ấy đã bị một tai nạn,
đã bị ngã xuống từ xe lửa và bị chết ngay, nhưng một linh hồn về nói với bà
Maria rằng người phụ nữ té chết đã được thoát Hỏa ngục, vì trước khi chết bà ta
đã nói với Thiên Chúa: Chúa có quyền cất đi cuộc sống của con, như thế, con sẽ
không còn có thể xúc phạm đến Chúa.
Và điều này làm cho các tội
lỗi của bà được tha thứ. Ví dụ này rất quan trọng, vì nó cho thấy sự khiêm nhường,
sự ăn năn vào lúc chết, có thể cứu chúng ta. Điều này không có nghĩa là bà ấy
không phải vào Luyện Ngục, nhưng bà đã tránh được địa ngục mà bà nghĩ đáng với
lòng vô đạo, bất kính của bà.
23- Maria, tôi muốn hỏi bà,
vào lúc hấp hối, trước khi tắt hơi người ta có thời giờ để linh hồn có cơ may
trở về cùng Chúa, dù sau một đời tội lỗi, trước khi bước vào cõi đời đời không?
- Có, có, Chúa cho mỗi người
mấy phút để họ chê ghét tội lỗi và quyết định: “Tôi chấp nhận hoặc tôi không chấp
nhận đến với Chúa. Lúc đó, người ta thấy như cuốn phim cả cuộc đời mình.
Tôi biết một người, ông tin
vào lời dạy của Giáo Hội, nhưng không tin có cuộc sống đời đời. Một hôm, ông
ngã bệnh nặng, và bị hôn mê. Ông thấy mình trong một căn phòng có một tấm bảng,
trên đó ghi tất cả những việc ông đã làm, cả tốt và xấu. Sau đó, bảng cũng như
căn phòng biến mất. Thật là một chuyện rất hay. Từ sau khi hôn mê, ông thức dậy và quyết định thay đổi cuộc sống
của mình.
24- Maria, vào lúc chết, Đức
Chúa Trời có tỏ mình ra cùng một mức độ như nhau cho tất cả các linh hồn?
- Mỗi người đều được biết về
cuộc sống của mình và những đau khổ sẽ chịu, nhưng mỗi người được biết khác
nhau. Chúa tỏ ra nhiều hay ít tùy cuộc sống của từng người.
25- Maria, ma quỷ có quyền
tấn công chúng ta vào lúc hấp hối không?
- Có, nhưng người ta cũng
có ân sủng để chống lại chúng, đuổi chúng đi. Vì vậy, nếu người ta không muốn
làm bất cứ điều gì theo chúng cám dỗ, chúng không thể làm gì được họ.
Để dọn mình chết:
26- Một điều hay là khi ai
đó biết mình sẽ chết sớm, có cách nào tốt
nhất để dọn mình không?
- Có cách hoàn toàn bỏ
mình, phó thác cho Chúa. Dâng tất cả những đau khổ của mình cho Chúa. Người đó
hoàn toàn hạnh phúc trong Chúa.
27- Đâu là thái độ cần có
khi gặp một người sắp chết? điều tốt nhất ta có thể làn gì cho họ?
- Cần cầu nguyện sốt sắng!
Cần chuẩn bị cho họ chết lành; người coi sóc bệnh nhân phải nói sự thật cho họ
biết.
28- Maria, bà sẽ khuyên bất
cứ ai muốn nên thánh ở đời này thế nào?
- Tôi khuyên họ hãy sống rất
khiêm tốn. Chúng ta không mắc nợ gì với bản thân mình. Kiêu ngạo là cái bẫy ghê
gớm nhất của sự dữ.
29- Maria, bà vui lòng cho
chúng tôi biết: một người có thể xin Chúa cho mình chịu Luyện ngục khi còn sống,
để khỏi phải chịu Luyện ngục sau khi chết được không?
- Có. Tôi biết một linh mục
và một phụ nữ trẻ, cả hai mắc bệnh ho lao trong bệnh viện. Người phụ nữ trẻ nói
với linh mục: “Xin Chúa cho cha có thể chịu đựng bao nhiêu đau khổ cần có khi
còn sống, để chết rồi được đi thẳng về Thiên Đàng.” Linh mục trả lời rằng bản
thân ông không dám xin như thế. Gần đó có một nữ tu đã nghe câu chuyện. Phụ nữ
trẻ chết trước, linh mục chết sau, cha ấy hiện về nói với Sơ: “Nếu tôi đã có
lòng tin như người phụ nữ trẻ, tôi đã được về thẳng Thiên Đàng rồi.”
Cảm ơn bà Maria, vì câu
chuyện rất hay này.
Lúc này, bà Maria đã yêu cầu
nghỉ năm phút, bà phải đi cho gà của bà
ăn… Khi bà trở lại, tôi tiếp tục hỏi bà.
30- Maria, có những cấp bậc
khác nhau trong Luyện ngục không?
- Có, có những cấp bậc đau
khổ rất khác nhau. Mỗi linh hồn chịu đau
khổ riêng, khác nhau, có những cấp bậc khác nhau.
Cuộc phỏng vấn 31-40
31- Các linh hồn khốn khó
có biết những gì xảy ra trên thế giới không?
- Biết, không phải tất cả mọi
chuyện, nhưng biết nhiều chuyện.
32- Những linh hồn này đôi
khi có cho bà biết những gì sẽ xảy ra không?
- Họ chỉ đơn giản nói rằng
có cái gì đó sắp xảy ra, nhưng không nói xảy ra thế nào. Họ chỉ nói những gì cần
thiết cho việc ăn năn trở lại của người ta.
33- Maria, có phải những
đau khổ trong Luyện ngục đau đớn hơn những đau đớn nhất trên trái đất không?
- Đúng, nhưng theo một kiểu
nói. Nó đau khổ trong tâm hồn nhiều.
34- Chúa Giêsu có đến luyện
ngục không?
-Không, linh hồn hiện về
không nói với tôi như vậy. Nhưng Mẹ Thiên Chúa đã đến. Khi tôi hỏi một linh hồn
nghèo khó rằng,linh hồn có thể đi tìm một linh hồn, tôi đã được hỏi để xem ra
sao. Linh hồn trả lời: “Không, chính Mẹ Tình Thương cho chúng tôi biết về linh
hồn ấy.”
Ngoài ra, các linh hồn ở
trên Thiên Đàng không đến Luyện Ngục. Mặt khác, các Thiên Thần đang ở đó là Tổng
lãnh Micae và Thiên Thần hộ mệnh của mỗi
linh hồn đều ở với họ.
35- Lạ thật! Các thiên thần
ở với họ… Nhưng các thiên thần làm gì trong luyện ngục?
- Họ làm giảm bớt đau khổ
và giúp cho linh hồn dễ chịu hơn. Các linh hồn có thể nhìn thấy các thiên thần
bản mệnh, nếu được phép.
Thuyết Luân hồi:
36- Bà Maria ơi, bà sắp làm
cho tôi muốn đến Luyện Ngục, với những câu chuyện về Thiên thần! Một câu hỏi
khác: Bà biết không, nhiều người ngày nay tin vào thuyết luân hồi. Các linh hồn
hiện về đã nói gì với bà về vấn đề này?
- Các linh hồn nói rằng
Thiên Chúa chỉ ban cho mỗi người một đời sống mà thôi.
37- Nhưng một số người sẽ
nói rằng chỉ có một cuộc sống thì không
đủ để nhận biết Thiên Chúa, và không đủ thời gian để được thực sự hoán cải, như
vậy không công bằng. Bà sẽ trả lời họ thế nào?
- Mỗi người có một niềm tin
bên trong (lương tâm), ngay cả khi họ không thực hành, họ nhận ra Thiên Chúa
cách hiểu ngầm. Một số người không tin – niềm tin không hiện hữu! Mỗi linh hồn
có một lương tâm để nhận ra thiện và ác, một lương tâm bởi Thiên Chúa ban cho,
một kiến thức bên trong – ở mức độ khác nhau, tất nhiên, nhưng mỗi người biết
làm thế nào để phân biệt thiện và ác. Với lương tâm này, mỗi linh hồn có thể trở
thành người được chúc phúc.
Người tự tử:
38- Điều gì xảy ra cho những
người đã tự tử bà đã bao giờ được những người này viếng thăm chưa?
– Cho tới nay, tôi chưa gặp
trường hợp một người tự tử đã bị hư mất – tất nhiên như thế không có nghĩa là
không có – nhưng thường, các linh hồn nói với tôi rằng, người ta tự tử vì những
người xung quanh, vì sống cẩu thả bừa bãi, vì bị oan ức.
Lúc đó, tôi hỏi bà Maria,
các linh hồn tự tử, có hối hận không? Bà trả lời: họ có hối hận. Thông thường,
tự tử là do bệnh tật.
Những linh hồn hối hận hành
động của họ, vì họ thấy sự việc trong ánh sáng của Thiên Chúa, họ hiểu ngay tất
cả các ơn sẽ được trong cuộc sống còn lại cho họ, họ thấy thời gian còn lại,
đôi khi nhiều tháng hoặc nhiều năm – và họ cũng nhìn thấy tất cả các linh hồn họ
có thể cứu giúp nhờ dâng phần còn lại của đời mình cho Thiên Chúa.
Cuối cùng, điều làm họ đau
buồn nhất, là thấy họ có thể đã làm việc lành, nhưng họ đã bỏ không làm, bởi vì
họ đã rút ngắn cuộc sống của họ. Nhưng tất nhiên, khi nguyên nhân tự tử là bệnh
tật, Chúa sẽ thông cảm chuyện đó cho.
39- Maria, bà có được linh
hồn những người “tự hủy,” bởi các loại
Thuốc, dùng thuốc quá liều
về thăm không?
- Có, họ không bị hư mất. Tất
cả phụ thuộc vào nguyên nhân của việc dùng thuốc của họ, nhưng họ phải chịu đau
khổ trong Luyện Ngục.
Đau quá, muốn chết:
40- Nếu tôi nói với bà, ví
dụ, tôi phải chịu đau đớn quá trong thân xác
tôi, trong tâm hồn tôi, khó chịu quá, tôi muốn chết cho rồi, lúc ấy tôi có thể làm gì?
- Vâng, điều này là rất thường
xuyên. Tôi sẽ nói: “Chúa ơi, con dâng cho Chúa sự đau khổ này để cứu các linh hồn”,
điều này làm cho đức tin và lòng can đảm thêm mạnh sức. Nhưng ngày nay, ít người
nói như vậy. Khi nói như trên, linh hồn dành được một ơn phúc rất lớn, một niềm
hạnh phúc tuyệt vời cho Thiên Đàng. Ở trên thiên đàng, có hàng ngàn loại hạnh
phúc khác nhau, nhưng mỗi người đều được hạnh phúc đầy đủ; mọi ước muốn được thỏa
mãn. Mỗi người biết rằng mình không xứng đáng.
Cuộc phỏng vấn 41-50
Tôn giáo và giáo phái:
41- Maria, tôi muốn hỏi bà:
có những người từ các tôn giáo khác ví dụ, người Do Thái, đến để thăm bà không?
-Có, họ được hạnh phúc. Bất
cứ ai sống đức tin của mình cũng được hạnh phúc. Nhưng qua đức tin Công giáo
người ta được rỗi nhiều nhất trên Thiên Đàng.
42- Có Tôn giáo nào có hại
cho tâm hồn không?
- Không, có rất nhiều tôn
giáo trên trái đất! Gần nhất là Chính thống giáo và Tin lành. Có rất nhiều người
Tin Lành lần hạt Mân côi, nhưng các giáo phái (sects) thì rất, rất xấu. Cần phải
làm mọi cách để đưa người ta ra khỏi giáo phái.
Linh mục trong Luyện Ngục:
43- Có các Linh mục trong
Luyện ngục không?
(Tôi thấy đôi mắt bà Maria
nhìn lên Thiên Đường như muốn nói: Than ôi!)
- Có, có nhiều. Họ đã không
thúc giục người ta tôn kính Bí Tích Thánh Thể. Vì vậy, họ bị đau đớn. Họ phải ở
trong luyện ngục vì đã coi thường việc cầu nguyện, do đó giảm sút niềm tin của
họ. Nhưng cũng có nhiều Linh mục
đã đi thẳng lên thiên đường!
44- Bà sẽ nói gì với một
linh mục thực sự muốn sống theo như Trái tim Chúa mong muốn?
- Tôi sẽ khuyên các vị cầu
nguyện nhiều với Chúa Thánh Thần, và lần
hạt Mân côi hằng ngày.
Trẻ em trong Luyện Ngục:
45- Maria, trong Luyện ngục
có các trẻ em không?
-Có, nhưng luyện ngục của
chúng không lâu hoặc đau đớn lắm, vì chúng không biết việc chúng làm.
46- Tôi tin rằng một số trẻ
em đã đến thăm bà, bà đã nói với tôi câu chuyện của đứa trẻ này, một em rất trẻ,
một bé gái 4 tuổi. Nhưng xin cho tôi biết: tại sao bé ấy phải ở trong Luyện ngục?
- Bởi vì, vào ngày lễ Giáng
sinh, bé được cha mẹ cho một món quà, đó là một con búp bê. Bé có một em gái
sinh đôi cũng được một con búp bê. Bé 4 tuổi này đã làm bể con búp bê của mình.
Biết rằng không ai thấy, bé đã bí mật tráo con búp bê bị hỏng cho em gái. Bé 4
tuổi này, biết rõ trong lòng rằng mình sẽ
làm cho em tức bực, biết rất rõ rằng, đó là dối trá và bất công. Vì thế, bé 4
tuổi này phải ở trong Luyện ngục.
Thực tế, trẻ em thường có một
lương tâm nhạy cảm hơn người lớn. Điều này cần để chống lại gian dối. Chúng rất
nhạy cảm với gian dối.
47- Maria, cha mẹ có thể
làm thế nào để huấn luyện lương tâm của con cái họ?
- Thứ nhất, nhờ gương tốt,
điều này quan trọng nhất.
- Sau đó, nhờ lời cầu nguyện.
- Sau nữa, Phụ huynh phải
chúc lành cho con cái, và dạy dỗ chúng những giáo lý về Thiên Chúa.
Đồng tính luyến ái:
48- Bà có lời khuyên nào
cho những người đồng tính luyến ái, với người có xu hướng này không?
- Xin cầu nguyện rất nhiều
để họ có sức mạnh quay lại với khuynh hướng đó. Trên hết, họ phải cầu nguyện
cùng Đức Thánh Micae Tổng lãnh thiên thần, Ngài là Đấng chiến đấu tuyệt vời chống
lại quỉ dữ.
Bà đã được tiếp xúc, linh hồn
khi còn sống đã sống thác loạn trong đường tình dục hiện về chưa?
- Có, họ không bị hư mất,
nhưng họ phải đau khổ nhiều để được thanh tẩy. Ví dụ, đồng tính luyến ái, điều
này thực sự đến từ các quỉ dữ.
Từ bỏ Thiên Chúa:
49- Khi nào linh hồn có
thái độ đến “mất linh hồn“phải sa Hỏa ngục?
- Đó là khi các linh hồn
không muốn đến cùng Thiên Chúa, khi nó thực sự nói: “Tôi không muốn” (“I do not
want.”)
Cảm ơn bà Maria đã làm điều
này nên rõ ràng.
Ở đây, tôi muốn nói đến vấn
đề này, tôi đã hỏi Vicka, một trong những thị nhân ở Medjugorje, người đã được
thấy Hỏa ngục, cô ta nói rằng: Những người sa Hỏa ngục là “những người quyết định
đi tới đó”. Ngược lại, không phải Thiên Chúa bắt người nào đó vào Hỏa ngục.
Ngài là Đấng Cứu Rỗi, Ngài “mời”các linh hồn đón nhận lòng Thương xót của Ngài.
Tội chống lại Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã nói là không thể được tha thứ,
đó là sự từ chối tuyệt đối lòng Thương xót, với nhận thức đầy đủ, lương tâm đầy
đủ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 đã giải thích điều này hay tuyệt, về lòng
Thương xót của Chúa trong Thông điệp Dives in Misericordiae của Người. Chúng ta
nên cầu nguyện thật nhiều cho linh hồn có nguy cơ bị hư mất.
50- Maria, xin bà cho một
câu chuyện làm sáng tỏ điều mới nói trên.
- Một hôm, tôi ở trên chuyến
tàu hỏa, và trong ngăn của tôi có một người đàn ông, ông ta luông miệng nói xấu Giáo Hội, các linh mục,
ngay cả Thiên Chúa. Tôi nói với ông: “Này, ông không có quyền nói những điều
đó, không tốt.” Ông đã rất tức giận với tôi. Sau đó, khi đến ga của tôi, tôi đã
xuống tàu, và nói với Chúa: “Xin Chúa đừng để tâm hồn này bị hư mất”.
Nhiều năm sau, linh hồn người
đàn ông này đến thăm tôi, ông ta nói với tôi rằng, ông đã xuýt mất linh hồn sa
hỏa ngục, nhưng ông đã được cứu chỉ đơn giản bằng lời cầu nguyện tôi đã nói vào
thời điểm đó!
Phải, đó là điều không thường
để thấy rằng chỉ một tư tưởng, một nhịp đập con tim, một lời cầu nguyện đơn sơ
cho một người nào đó, có thể ngăn họ khỏi rơi vào Hỏa ngục.
Sự kiêu ngạo dẫn đến Hỏa ngục.
Hỏa ngục là cứng đầu nói “không” để chống lại Thiên Chúa.
Lời cầu nguyện của chúng ta
có thể giúp cho người hấp hối có một tư tưởng khiêm nhường, một thoáng khiêm
nhường, tuy bé nhỏ, nhưng có thể giúp họ tránh rơi vào Hỏa ngục.
Cuộc phỏng vấn 51-60
51- Maria, điều không thể
tin được là khi chết, linh hồn được thấy
Thiên Chúa mà nói “không” để
từ bỏ Ngài?
- Ví dụ, một người đàn ông
từng nói với tôi rằng ông không muốn đi đến Thiên Đàng. Bởi vì Thiên Chúa bất
công. Ông ta còn nói thêm: “Tôi hy vọng không gặp Thiên Chúa sau khi chết, hoặc
tôi sẽ giết ông ấy bằng cái rìu.” Người đàn ông này đã có
lòng căm thù sâu sắc với Thiên Chúa.
Thiên Chúa ban cho loài người
có tự do, Ngài muốn mỗi người lựa chọn theo tự do của mình.
Thiên Chúa ban cho mọi người
trong cuộc sống trần thế của mình, và trong giờ chết của họ, đầy đủ ơn để ăn
năn cải thiện đời sống, ngay cả cuộc sống trong bóng tối!. Nếu người ta xin sự
tha thứ cách chân thành, dĩ nhiên, người
ta có thể được cứu độ.
52- Chúa Giêsu đã nói rằng:
người giàu vào Nước Trời thật là khó. Bà có thấy trường hợp người giàu vào
Thiên Đàng chưa?
- Có, nếu họ làm việc tốt,
làm việc bác ái từ thiện, nếu họ thực hành tình mến, họ được vào Nước Trời, giống
như người nghèo được vào vậy.
53- Maria, ngày nay, vẫn
còn có những linh hồn Luyện ngục về thăm bà chứ?
- Vâng, hai hoặc ba lần
trong một tuần.
Thần thông, cầu cơ, gọi hồn
người chết:
54- Bà nghĩ sao về các thực
hành thần thông, cầu cơ, gọi hồn người chết, v. v.?
Điều đó không tốt. Nó luôn
luôn là xấu. Chính ma quỷ đã làm cho cái bàn di chuyển.
Điều rất quan trọng cần phải
nói đi nói lại, và mọi người cần nghe là: hiện nay, hơn bao giờ hết, các thực
hành “cầu cơ, gọi hồn” đang gia tăng cách đáng ngại!
55- Thế nào là sự khác biệt
giữa người sống và linh hồn người chết, và cầu cơ gọi hồn người chết?
- Tôi không mời các linh hồn
về, tôi không tìm cách mời họ về. Trong cầu cơ gọi hồn người chết, người ta mới
gọi hồn lên.
Sự khác biệt này khá rõ
ràng, chúng ta phải nhận định rất nghiêm chỉnh.
Nếu người ta tin một điều
tôi đã nói, thì tôi muốn họ tin điều này: Những người tham gia vào cầu cơ (di
chuyển bàn, và các hình thức cùng loại đó) nghĩ rằng họ đang gọi linh hồn người
chết lên. Trong thực tế, nếu có sự đáp lại lời mời hồn lên, chính Satan và quỉ
dữ đáp lời họ đấy.
Những người thực hành Thần
thông (bói quẻ, phù thủy, v.v) đang là cái gì đó rất nguy hiểm cho bản thân và
cho những người đến với họ để được cố vấn khuyên răn. Hoàn toàn dối trá. Đó là
điều bị cấm, cấm ngặt gọi người chết.
Đối với tôi, tôi đã không
bao giờ làm như vậy, bây giờ tôi không làm như vậy, và tôi sẽ không bao giờ làm
như vậy.
Khi có ai hiện về với tôi,
thì chính Thiên Chúa cho phép họ về.
Tất nhiên, Satan có thể bắt
chước mọi thứ đến từ Thiên Chúa, và nó đã làm như thế. Nó có thể bắt chước giọng
nói và hình hài người đã chết, nhưng bất kỳ loại xuất hiện nào cũng luôn luôn
xuất phát từ quỉ dữ. Đừng quên rằng Satan, còn có thể chữa bệnh, nhưng kiểu khỏi
bệnh như thế không bao giờ được lâu.
Quỉ lừa dối:
56- Cá nhân bà đã bao giờ bị
lừa bởi những cuộc hiện về giả mạo chưa? Ví dụ, ma quỷ mặc hình một linh hồn
trong Luyện ngục về nói chuyện với bà?
- Có. Một lần, một linh hồn
về khuyên tôi: “Đừng nói chuyện với linh
hồn sắp đến sau tôi, vì nó sẽ nói nó bị đau khổ quá nhiều, nó nhờ bà, bà không
thể giúp được, bà không thể làm những gì nó sẽ xin. ” Nghe vậy, tôi đâm ra lúng
túng, vì tôi nhớ lại những gì linh mục giáo xứ của tôi đã nói với tôi rằng:
“Nên quảng đại chấp nhận giúp đỡ những gì các linh hồn Luyện ngục về xin giúp”.
Tôi đã thực sự gặp khó khăn
nên vâng lời linh hồn này hay không. Tôi tự nhủ: “Có thể đó là quỷ giả tạo linh
hồn Luyện ngục?” Tôi nói: “Nếu mày là quỷ, hãy cút đi!” Lập tức, nó hét lên và
cút mất. Tiếp theo là một linh hồn đến sau, linh hồn này có nhu cầu rất cần tôi
giúp đỡ. Đó là điều rất quan trọng đối với tôi khi lắng nghe linh hồn này!
Nước phép:
57- Khi ma quỷ xuất hiện,
nước phép (nước thánh) có luôn làm cho nó chạy trốn không?
- Nước phép làm quỉ rối loạn
lung tung và nó bỏ trốn ngay lập tức.
58- Maria, bà đang rất nổi
tiếng, đặc biệt là tại Đức và Áo, và trên toàn châu Âu, nhờ vào các cuộc nói
chuyện và cuốn sách của bà. Dù ban đầu bà rất ẩn mình. Làm thế nào để người ta
nhận ra rằng kinh nghiệm siêu nhiên của bà là xác thực?
- Đó là khi các linh hồn hiện
về yêu cầu tôi nói lại với gia đình họ để xin gia đình đền bù cho họ, trả lại
món hàng đã được mua cách bất lương. Họ đã thấy rằng những gì tôi nói là đúng sự
thật.
58a- Bà Maria cho biết một số chứng
cớ, vì dài quá, tôi không ghi lại đây.
Nhiều lần các linh hồn đến
tìm bà, họ nói: “Xin tìm đến gia đình tôi ở làng như vậy và như vậy – bà Maria
không biết -” và nói với cha tôi, con trai tôi, anh em tôi để họ trả lại tài sản
nào đó, số tiền nào đó bất công. Tôi sẽ được ra khỏi Luyện ngục khi những món nợ này được trả lại”. Bà Maria có tất cả các chi
tiết của vấn đề, hoặc số tiền chính xác, hoặc tài sản liên quan.
Gia đình sẽ phát hiện ra rằng
bà ấy biết tất cả những chi tiết này, đôi khi chính họ không biết rằng những
món hàng đã được thân nhân họ đã mua cách không chíng đáng. Từ đó, bà Maria bắt
đầu nổi tiếng.
58b- Maria, ơn riêng (đặc sủng)
bà được đối với các linh hồn Luyện ngục, và cũng là việc tông đồ của bà đã được
đại diện Giáo hội Công giáo chính thức công nhận chưa?
- Đức Giám mục của tôi nói
với tôi rằng “vì không có những điều sai lầm về tín lý, luân lý Thần học, nên
tôi được phép tiếp tục giúp các linh hồn Luyện ngục”. Ngài và linh mục giáo xứ
của tôi, cũng là cha linh hướng tôi đã khẳng định như vậy.
58c- Tôi muốn hỏi bà một
câu hỏi hi vọng bà không ngại rằng: Bà đã giúp rất nhiều cho các linh hồn Luyện
ngục nghèo khó, chắc khi bà chết, hàng ngàn linh hồn đi với bà vào Thiên đường,
chắc chắn bà sẽ không phải vào qua Luyện ngục?
- Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ
đi thẳng về Thiên Đàng mà không qua thời gian ở trong Luyện ngục, vì tôi đã được
nhiều ơn soi sáng, nhiều hiểu biết, do đó lỗi lầm của tôi sẽ nghiêm trọng hơn.
Nhưng tôi hy vọng rằng các linh hồn sẽ giúp tôi lên Thiên Đường!
59- Maria, bà có vui với đặc
sủng này không? Hay là thấy nặng nề, khó khăn cho bà, vì tất cả những điều các
linh hồn Luyện ngục yêu cầu bà làm?
Không, tôi không ngại khó
khăn, vì tôi biết tôi có thể giúp họ rất nhiều. Tôi có thể giúp nhiều linh hồn
và tôi rất sung sướng khi giúp như vậy.
60- Maria, tôi xin cảm ơn
bà nhân danh các độc giả khi đọc những chứng từ tốt đẹp của bà.
Tôi xin hỏi một câu cuối
cùng để chúng tôi có thể biết bà hơn, bà
có thể nói vài lời về cuộc sống quá khứ của bà không?
- Vâng... từ khi còn nhỏ,
tôi muốn đi tu, nhưng mẹ tôi nói, con phải chờ đến 20 tuổi. Tôi không muốn kết
hôn. Mẹ tôi đã nói với tôi về việc cứu giúp các linh hồn trong Luyện ngục, và
khi tôi ở nhà trường, các linh hồn này đã giúp tôi rất nhiều. Vì vậy, tôi tự
nói rằng, tôi phải làm mọi điều giúp cho
các linh hồn.
Sau khi học xong, tôi nghĩ
về việc nhập một tu viện, tôi vào Dòng Chị em Trái Tim Chúa Giêsu, nhưng họ nói với tôi rằng sức khỏe của tôi quá kém,
không tu Dòng này được. Khi còn nhỏ, tôi đã có bệnh viêm phổi và viêm màng phổi.
Bề trên xác nhận tôi có ơn gọi đi tu, nhưng khuyên tôi vào một Dòng dễ hơn, hoặc
chờ mấy năm nữa xem sao. Tôi thật muốn vào tu Dòng kín ngay!
Nhưng sau hai lần thử xin lại,
kết quả cũng như nhau: sức khỏe của tôi vẫn quá kém. Vì vậy, tôi tự nhủ rằng Ý
Chúa không muốn tôi vào Dòng. Tôi đau khổ rất nhiều. Tôi nghĩ: Chúa đã không
cho tôi thấy ý Ngài muốn nơi tôi. Tính đến lúc Chúa trao cho tôi nhiệm vụ giúp
đỡ các linh hồn trong Luyện ngục, tôi đã
lên 25, đã chờ đợi 8 năm dài.
Nhà tôi có 8 anh chị em.
Khi lên 15, tôi làm việc tại nông trại của gia đình, rồi tôi đến nước Đức, làm
đầy tớ cho một gia đình nông dân. Sau đó, tôi làm việc ở nông trại tại tỉnh
Sonntag. Từ tuổi 25, khi các linh hồn bắt đầu tới, tôi đã chịu nhiều đau khổ
cho họ. Bây giờ tôi khỏe mạnh hơn như Sơ
thấy đó.
Thực là một niềm vui cho
tôi (Nữ tu Emmanuel Maillard) khi gặp bà Maria Simma, một phụ nữ có cuộc sống
hoàn toàn hiến thân. Mỗi giây, mỗi giờ trong cuộc sống của bà đều có giá trị lớn
cho cuộc sống đời đời, không chỉ cho mình bà mà cho rất nhiều linh hồn, được biết
đến hoặc không biết, bằng nhiều cách khác nhau và với rất nhiều tình mến, đã giải
thoát họ khỏi luyện ngục và được vào hưởng hạnh phúc muôn đời của Thiên Đàng.
*****************
Một đề nghị cho mọi người.
Bây giờ, tôi (Nữ tu
Emmanuel Maillard) có một đề nghị cho mỗi bạn: Chúng ta có thể quyết định là
không ai trong chúng ta phải vào Luyện Ngục! Điều này thực sự có thể, vì chúng
ta có mọi thứ trong tay chúng ta để làm cho nó trở thành sự thật.
Tôi nhớ những lời Thánh
Gioan Thánh Giá nói rằng: “Chúa Quan phòng luôn luôn cung cấp, trong cuộc sống
hàng ngày, các thanh lọc cần thiết để cho phép chúng ta đi thẳng về Thiên Đàng
sau giờ lâm tử”.
Chúa Quan phòng xếp đặt đủ
mọi khốn khó trong cuộc sống của chúng ta – thử thách, đau khổ, bệnh tật, khó
khăn – để qua tất cả các thanh luyện ấy, nếu chúng ta chấp nhận chúng, có thể
là đủ để đưa chúng ta thẳng về trời.
Tại sao không về thẳng? Bởi
vì chúng ta nổi loạn, chúng ta không đón nhận với lòng mến, với lòng biết ơn,
những quà tặng của các thử thách trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phạm tội
nổi loạn vì bất phục tùng. Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết lợi dụng mọi
cơ hội, để vào ngày chết của ta, Ngài nhìn thấy chúng ta tỏa sáng tinh khiết và
đẹp đẽ.
Tất nhiên, nếu chúng ta quyết
định như thế, tôi không nói rằng đường đi sẽ dễ dàng, vì Chúa không bao giờ hứa
rằng đường đi sẽ dễ dàng, nhưng Ngài hứa: đường đi sẽ bình an, và đó là đường hạnh
phúc: Chúa ở cùng chúng ta. Trên hết – đây là điều tôi muốn nhấn mạnh - ta hãy
tận dụng tối đa thời gian còn cho ta trên trái đất này, thời gian rất quý giá,
trong đó ta vẫn còn có cơ hội phát triển tình mến Chúa yêu người. Phát triển hướng
tới vinh quang sẽ đến, và vẻ đẹp đó dành cho ta.
Mỗi phút, chúng ta vẫn có
thể phát triển trong đức bác ái, nhưng các linh hồn trong Luyện ngục không còn
có thể phát triển được nữa.
Ngay cả các thiên thần cũng
ghen tị với chúng ta sức mạnh này, chúng ta phải phát triển từng phút trong
tình yêu trong khi chúng ta đang ở trên trái đất. Mỗi hành động nhỏ của tình
yêu chúng ta dâng lên Chúa, mỗi hy sinh hoặc chay tịnh, mỗi sự nhịn nhục hoặc
chiến đấu nhỏ bé chống lại khuynh hướng xấu của ta, lỗi lầm của ta, mỗi sự tha
thứ nhỏ bé cho kẻ thù của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có thể dâng lên
trong những hy sinh này, sau đó sẽ được một viên ngọc, một kho tàng thực sự cho
cuộc sống đời sau.
Chúng ta hãy tận dụng mọi
cơ hội để được sống đẹp lòng Chúa mong muốn, trong sự hiện diện của Ngài. Nếu
chúng ta nhìn thấy trong ánh sáng đầy đủ sự huy hoàng của một tâm hồn trong
sáng, của một tâm hồn tinh khiết, chúng ta sẽ khóc vì vui và vì vẻ đẹp của nó!
Linh hồn con người là một
cái gì đó, lộng lẫy tuyệt vời trước mặt Chúa, đây là lý do tại sao Chúa muốn
chúng ta phải hoàn toàn tinh khiết. Đó là sự tinh tuyền qua sự thống hối tội lỗi
của chúng ta, sự khiêm nhường của chúng ta.
Các Thánh không phải
là những linh hồn “không lầm lỗi”, nhưng
là những người lầm lỗi đã chỗi dậy, chỗi dậy mỗi khi sa ngã và xin sự tha thứ.
Điều này rất khác nhau.
Vì vậy, chúng ta hãy sử dụng
các phương tiện tuyệt vời Chúa đặt vào tay chúng ta để giúp đỡ các linh hồn vẫn
còn chờ đợi để được hưởng Chúa và cho những ai đang mong chờ vì sự đình hoãn
này, bởi vì họ đã cảm nhận Thiên Chúa huy hoàng này, họ đang mong mỏi Ngài với
tất cả trái tim của họ.
Chúng ta không nên quên rằng
lời cầu nguyện của trẻ em có một sức mạnh to lớn trong Trái tim Thiên Chúa. Vì
vậy, hãy dạy cho con cái biết cầu nguyện.
Tôi nhớ một bé gái nhỏ, đã
nghe tôi đã nói về những linh hồn Luyện ngục.
Tôi nói với em: “Bây giờ,
em hãy cầu nguyện cho các linh hồn của gia đình và bạn bè em là những người đã
chết trước em. Em có muốn đến trước tượng
ảnh Chúa Giêsu và xin Chúa không?.”
Em đã đến trước Chúa Giêsu,
và năm phút sau, em trở lại, tôi hỏi em: “? Em đã xin Chúa điều gì?”
Em trả lời: “Em xin Chúa giải
thoát tất cả các linh hồn trong Luyện ngục!” Câu trả lời này khiến tôi suy nghĩ
và tôi nhận ra tôi đã hà tiện trong lời xin của tôi, nhưng em đã hiểu ngay lập
tức những gì để xin Chúa.
Trẻ em nhạy cảm lắm, chúng
có thể được rất nhiều ơn từ Trái tim của Thiên Chúa.
Ngoài ra, hãy nhớ đến những
người hưu trí, hưu dưỡng và tất cả những người có thời gian rảnh rỗi, nếu họ
thường đi lễ hàng ngày... Thật là một kho tàng ân sủng họ sẽ tích trữ, không chỉ
cho bản thân họ, nhưng cho người quá cố của họ, và cho các linh hồn!
Giá trị của một Thánh Lễ mà
thôi là vô lượng. Nếu chúng ta nhận ra điều đó!... ta có nhiều sự dốt nát, sự thờ
ơ, sự lười biếng, sự hoang phí chừng nào! Trong khi chúng ta có quyền lực trong
tay để cứu anh em của chúng ta, bằng
cách trở nên đồng công cứu chuộc cùng với Chúa Giêsu Đấng Cứu Rỗi của chúng ta
và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta!
Đừng quên Ân Xá
Mẹ Giáo Hội có một số bảo vật
tuyệt vời để trong kho báu cho chúng ta – chúng ta hãy xem xét kỹ một số bảo vật
trong kho đó! Ân xá ở trong Kho báu này. Ta nên tìm hiểu và quí mến Ân xá.
Ân xá là gì ?
GLGHCG viết (số 1471)”Ân xá
là sự tha thứ trước mặt Chúa một phần hoặc toàn thể hình phạt tạm mắc bởi tội.
Ân xá có thể được áp dụng cho người sống hoặc chết “.
Nói rộng hơn: Ân xá là sự
tha thứ trước Thiên Chúa hình phạt tạm do tội lỗi đã được tha cho các tín hữu,
khi họ làm một số điều kiện mà Giáo hội như thừa tác viên ơn cứu rỗi, ban cho,
nhờ Kho tàng đền tội chung của Chúa Kitô và các thánh.
Chúa Giêsu đã ban cho các
môn đệ, và do đó cho Giáo Hội, quyền lực để ràng buộc và tháo cởi, thông qua
các thế kỷ, trong nhiều cách khác nhau, Giáo Hội đã sử dụng cách này của lòng
thương xót của Thiên Chúa đối với người sống và kẻ chết.
Tất cả mọi liên quan đến ân
xá đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sửa đổi, bản văn có thể tìm thấy trong Sách
Ân Xá, quy tắc và ơn ban, được công bố ngày 29 tháng 6 năm 1968 (Vatican xuất bản).
Lợi ích của ân xá:
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công
Giáo ban hành năm 1992, số 1498 viết: ”Nhờ các ân xá, các tín hữu có thể nhận
được cho mình và cho các linh hồn trong luyện ngục, ơn tha các hình phạt hữu hạn,
là hậu quả của các tội lỗi”.
“Ý hướng của thẩm quyền
Giáo Hội khi ban ân xá không chỉ là giúp các tín hữu được tha hình phạt do tội
lỗi, mà còn khuyên họ làm việc đạo đức, thống hối và từ thiện – đặc biệt là hướng
đến sự tăng trưởng đức tin và lợi cho lợi ích chung. ”
“Nếu các tín hữu lãnh ân xá
để cầu cho các linh hồn đã qua đời, họ cũng vun trồng đức ái cách cách tuyệt vời
và trong khi nâng cao tâm trí của họ lên thiên đường họ mang lại một trật tự
khôn ngoan hơn cho sự việc ở trần gian.”
“Mặc dù những ân xá là món
quà miễn phí, tuy nhiên chúng được ban người sống cũng như người chết với những
điều kiện xác định... các tín hữu phải yêu mến Chúa, ghét tội lỗi, đặt niềm tin
vào công nghiệp của Chúa Kitô và tin tưởng vững chắc vào sự hỗ trợ tuyệt vời xuất
phát từ sự hiệp thông của các thánh (Các Thánh cùng thông công)”
Theo kết quả của canh tân,
tất cả các phân biệt ngày, tháng, năm đã được bãi bỏ, sự khác biệt chỉ giữ lại
giữa các ơn đại (toàn) xá và tiểu xá.
Người ta không thể cho người
khác khi vẫn còn sống ân xá mình lãnh nhận, Đại xá và Tiểu xá phải dành cho
linh hồn đã qua đời.
Điều kiện để được đại xá
hay toàn xá:
Để được một ơn toàn xá (đại
xá), điều cần thiết là phải thực hiện việc được ban toàn xá, và đầy đủ ba điều
kiện:
1/ Xưng tội
2/ Rước Lễ
3/ Cầu nguyện theo ý Đức Giáo
Hoàng (Điều kiện cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha là đọc một “kinh Lạy Cha” và
một “kinh Kính mừng” Tuy nhiên, các tín hữu được tự do đọc bất cứ lời cầu nguyện
khác theo lòng sùng kính riêng đối với Đức Giáo Hoàng).
4/ Cũng đòi phải: dứt lòng với
mọi dính bén tội lỗi, dù tội nhẹ, những quyến luyến trần tục.
Đại xá (Toàn xá) được ban
vào những dịp sau:
1. Chầu Mình Thánh Chúa nửa
giờ.
2. Lần chuỗi Mân Côi 50
kinh, chung trong nhà thờ, trong gia đình, hoặc cùng với cộng đoàn.
3. Đọc Kinh Thánh cách cung
kính nửa giờ.
4. Viếng 14 chặng đàng
Thánh giá.
5. Viếng nhà thờ từ trưa
Ngày 1 đến trưa Ngày 2 Tháng 11, cầu cho các linh hồn đã qua đời. (đọc 1 kinh Lạy
Cha, 1 kinh Tin Kính)
6. Viếng đất Thánh cầu cho
người quá cố trong 8 ngày đầu tháng 11
7. Tham dự buổi lễ rước lễ
lần đầu, hoặc Thánh Lễ đầu tiên của tân Linh mục, lễ kỷ niệm 25, 50, 60 năm
Linh mục.
8. Hôn kính Thánh Giá trong
phụng vụ Thứ Sáu tuần Thánh.
9. Lặp lại lời hứa rửa tội
trong đêm phục sinh.
10. Lãnh phép lành Đức Giáo
Hoàng ban cho Thành Rôma và Thế giới dù nghe phát thanh hay truyền hình.
11. Giờ nguy tử, dù không
thể có Linh mục đến ban các bí tích cuối cùng và phép lành Tòa Thánh, Giáo hội
cũng ban đại xá (toàn xá) cho những ai trong đời sống đã có thói quen đọc kinh
cầu nguyện (trường hợp này thói quen đó thay ba điều kiện xưng tội, rước lễ, cầu
theo ý Đức Giáo Hoàng. Người nguy tử hôn kính tượng Thánh giá, giục lòng ăn năn
tội để lãnh đại xá, dù hôm đó đã lãnh đại xá rồi).
Tiểu xá:
1. Tiểu xá ban cho các tín
hữu, trong khi làm nhiệm vụ mình và chịu những nghịch cảnh của cuộc sống, nâng
cao tâm hồn lên cùng Chúa với lòng khiêm tốn, tin cậy và trong lòng thầm một lời
nguyện đạo đức. Ví dụ: “Giêsu Maria Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn”.
2. Tiểu xá ban cho các tín
hữu, với tâm hồn đầy đức tin và lòng thương xót, cho anh chị em nghèo khó của cải
vật chất.
3. Tiểu xá ban cho các tín
hữu, trong tinh thần hối cải, hi sinh của gì thuộc về mình.
Đeo ảnh đã làm phép:
Tại Medjugorje, ngày 18
Tháng Bảy, 1995, Đức Mẹ nói:
“Các con thân mến, hôm nay
Mẹ gọi các con đặt ảnh tượng đã được làm phép trong nhà các con và đeo ảnh tượng... trên
người các con. Xin làm phép các đồ đạo ấy để ma quỉ ít tấn công các con hơn, vì
các con có áo giáp chống lại chúng.”
“Các tín hữu sử dụng với
lòng đạo đức Tượng Chúa Chuộc tội, Thánh giá, chuỗi tràng hạt, áo Đức Mẹ
Camelo, ảnh áo đã được linh mục làm phép, sẽ được lãnh Tiểu xá. Nhưng nếu các đồ
đạo trên được Đức Giáo Hoàng hay giám mục làm phép, thì tín hữu sử dụng đồ đạo ấy
cách sốt sắng thì được một ơn đại xá vào lễ kính 2 Thánh Tông Đồ Phêrô và
Phaolô, miễn là họ tuyên xưng đức tin theo mẫu hiện hành, ví dụ: đọc kinh Tin
kính. ”
Linh mục Mark, CMC
Carthage, MO 15/11/2010