Bài sau đây đóng góp một
vài ý tưởng về TU SĨ.
I. XÁC NHẬN
* Theo Thánh Benedicto, Tu Sĩ
là ’Người học tập phụng sự Thiên Chúa’. Vẫn hay, người ta có thể tự học, nhưng
có trường, có thầy, có bạn, thì chắc chắn và đầy đủ hữu hiệu hơn. Môn học gì
cũng có nhiều trường, thì môn học tập ’Phụng sự Thiên Chúa’ cũng có nhiều Dòng
và nhiều Tu Viện, tùy khuynh hướng và sở thích của mỗi người; nói chung là tùy
ý muốn ẩn tu, tĩnh tu, hoạt tu, hay là vừa tĩnh vừa hoạt.
* Cũng có thể hiểu, càng biết
phụng sự Thiên Chúa là càng biết mến Thiên Chúa và yêu thương người ta, càng đạo
đức thánh thiện, là càng trở nên hữu ích đối với gia đình, xã hội, quốc gia và
nhân loại, thì Tu Sĩ là người lo học cho biết những việc này.
II. PHỦ NHẬN: DÂNG MÌNH
* Không hiểu được Tu Sĩ là
người dâng mình cho Thiên Chúa:
* MỘT là, vì Tu Sĩ cũng như mọi
người, đều là con của Thiên Chúa, thì bao giờ cũng là của Thiên Chúa, như con
cái là của cha mẹ, không chờ có dâng cho Thiên Chúa mới làm việc Thiên Chúa.
* HAI là, dâng cho ai thứ gì
họ cần thiết và thứ ấy xứng đáng với người nhận. Thiên Chúa không cần gì, và Tu
Sĩ khi mới vào Dòng đã có gì mà dám gọi là xứng đáng để được Thiên Chúa chấp nhận.
* BA là, vì dâng cho ai phải
được họ chấp nhận, Tu Sĩ không thể dựa vào một dấu gì để tin Thiên Chúa nhận
mình. Bề Trên chưa biết rõ mình, để nói Bề Trên nhận vào Dòng tất là Thiên Chúa
nhận mình.
* BỐN là, vì dâng cho ai thứ
gì thì thuộc toàn quyền của người ấy, Tu Sĩ cũng như mọi người bao giờ vẫn thuộc
toàn quyền của Thiên Chúa; nhưng người ta có lý trí và tự do, có thể làm theo ý
mình sai lầm, đâu dám nói là mình đã dâng mình cho Thiên Chúa.
* NĂM là, nguy hiểm cho Tu
Sĩ, vì có thể có người hãnh diện kiêu căng, tưởng mình đã dâng cho Thiên Chúa
thì hơn những người ở ngoài đời. Cũng không nên xưng mình tận hiến hay toàn hiến
cho Thiên Chúa hay Đức Mẹ, vì Tu Sĩ chỉ lo việc đạo đức, không lo danh xưng; có
việc mà không có tên, còn hơn là không có việc mà chỉ có từ để bị từ khước.
* SÁU là, vì không phải có
dâng cho Thiên Chúa thì Thiên Chúa mới thánh hóa. Thiên Chúa chí nhân thánh hóa
mọi người xứng đáng, không phải như người tầm thường chỉ lo cho tử tế thứ gì đã
thuộc về của họ.
III. PHỦ NHẬN: CỨU THOÁT
Cũng không hiểu Tu Sĩ là
người để được cứu thoát hơn người khác, và để giúp người ta được cứu độ. Vẫn
hay, đời sống tu trì giúp cho Tu Sĩ làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì có thể hy vọng
hai mục đích đó; nhưng mấy ai dám chắc mình trung thành đầy đủ các phương thế,
để tin mình đạt đến mục đích.
IV. PHỦ NHẬN: CẤP BẬC
* Cũng không hiểu đối với người
nào, đời sống tĩnh tu bao giờ cũng hơn đời sống hoạt tu. Đó chỉ tùy khuynh hướng,
sở thích và khả năng của mỗi người, có thể là một dấu ơn thiên triệu. Vẫn hay,
Chúa Cứu Thế đã khen việc của cô Maria hơn việc của cô Martha, vì cần kíp được
nghe Thiên Chúa để biết ý Thiên Chúa, rồi sau mới thi hành và chỉ bảo cho người
khác; không phải như người ta yêu mến nhau chỉ muốn nói chuyện với nhau hơn làm
công việc; nhưng tĩnh tu không hẳn là công việc của cô Maria, nếu tĩnh tu mà
không nghe Thiên Chúa để biết ý Thiên Chúa thì không ích gì cho mình, mà cũng
không lợi gì cho ai.
* Có thể lấy một ví dụ như
nhà bác học trong phòng thí nghiệm, tìm để phát minh, giúp cho các nhà khoa học
và kỹ sư hoạt động ở ngoài; nhưng, nếu không phát minh được gì, và chính mình
cũng chẳng tiến thêm được ý tưởng nào, hay là lại nêu lên những học thuyết sai
lầm, thì có khi đã phí mất thời giờ và phụ lòng người ta trông cậy.
* Còn đọc kinh cầu nguyện nhiều
giờ và hãm mình khắc khổ, trong lúc đáng lẽ phải làm những việc khác cần kíp
hơn, thì không chắc đẹp lòng Thiên Chúa. Không nên tưởng Thiên Chúa cũng như
người ta, muốn cho người khác kêu xin chúc tụng mình và chuyện trò với mình,
nhiều chừng nào mình vui chừng ấy. Chính người chúc tụng và chuyện trò với
Thiên Chúa vì họ mến Thiên Chúa, thì họ được thỏa lòng khao khát, chứ không
thêm gì phía bên Thiên Chúa.
* Hãm mình để sửa mình và để
đền tội, vì cần thiết cho mình là người có tính xấu, và giúp hối hận tội lỗi của
mình, đau đớn tội lỗi của người khác. Với tâm tình như thế, là vì lòng mến Thiên
Chúa, không phải vì Thiên Chúa đòi hỏi hay bắt buộc. Thiên Chúa chỉ thương yêu.
Thiên Chúa không muốn cho ai đau khổ trong cơ thể hay tinh thần. Việc gì yêu mến
mới có giá trị, không phải vì bắt buộc.
V. PHỦ NHẬN: BẠN TRĂM NĂM
Cũng không hiểu, Nữ Tu Sĩ
là bạn trăm năm của Chúa Cứu Thế! Dù là không hiểu về nghĩa bóng hay nghĩa tinh
thần:
* MỘT là, tình cha con về
nghĩa đen hay nghĩa bóng vẫn đủ lắm rồi, có thể kết hợp thân mật vô cùng và vẫn
hy sinh cho nhau.
* HAI là, vì con mà đòi làm bạn
trăm năm với Cha, là điều rất vô phép, có khi là tội lỗi.
* BA là, vì bất cứ ai, đã là
người ta, thì không được kể mình là ngang hàng với Thiên Chúa, mặc dù Chúa Cứu
Thế chí nhân chí ái, có gọi các môn đệ là bạn hữu.
* BỐN là, vì Chúa Cứu Thế có
phán: Trên thiên đàng không có vấn đề cưới hỏi; và lúc sinh tồn dưới thế, Chúa
Cứu Thế vẫn độc thân, và yêu quý những người độc thân.
* NĂM là, vì ai không dám chắc
mình xinh đẹp và đạo đức, thì không dám nhận mình là bạn trăm năm của những bậc
thánh thiện.
* SÁU là, vì chính ý nghĩa của
từ ’bạn trăm năm’ là có việc nhục dục, nên xưa nay phong tục nhiều nơi, và
chính luật Giáo Hội vẫn nói rõ, có việc thành hôn nhưng chưa có việc nhục dục với
nhau là chưa thành vợ chồng.
* BẢY là, theo tâm lý, người
muốn giữ đức thanh khiết, mà cứ năng suy nghĩ và năng nói đến tình yêu giữa hai
người bạn trăm năm, sống ngày đêm trong tưởng tượng, là điều rất nguy hiểm. Về
phương diện này, ông Sigmund Freud không hẳn là sai lầm.
* TÁM là, vì nhận mình là bạn
trăm năm của Chúa Cứu Thế có thể thêm kiêu ngạo mà không ngờ; lấy việc tưởng tượng
mà hãnh diện và khoe khoang, là rất nguy hiểm trên đường đạo đức.
* CHÍN là, vì có những lời
hay những việc của thánh này hay thánh khác, không phải ai cũng nên theo. Không
đồng ý hay không theo, không hẳn là mất lòng hay vô phép với các ngài. Có những
người viết chuyện các thánh, hoặc tin lời nói và việc làm của các ngài đều được
Chúa Thánh Thần soi sáng và thúc giục, rồi lại thêm: Nhưng không nên bắt chước
các ngài, vì mình không chắc được ơn Chúa Thánh Thần như thế.
* MƯỜI là, vì không nên hiểu
và áp dụng sai lầm lời Thánh Kinh. Nếu thấy Thánh Kinh của Do Thái Giáo có nhiều
lời và nhiều việc nhục dục nam nữ, hoặc là thư Thánh Phaolô năng nói ’bạn trăm
năm’, như Giáo Hội là bạn trăm năm của Chúa Cứu Thế, đừng quên người viết là
người Do Thái. Còn trong Phúc Âm, Thánh Gioan Tẩy Giả hay Chúa Cứu Thế năng
dùng ví dụ cưới hỏi hoặc bạn trăm năm, nên nhớ vì các Ngài nói chuyện với người
Do Thái, nhưng không hề có ý chỉ các Ngài là bạn trăm năm của ai.
* Nói tóm lại một câu, mặc dù
có bị người kết án là lạc hậu, cũng bù lại hơn là bản án cấp tiến trong nhiều vấn
đề khác. Theo gương các Giáo Phụ, thì hiểu đức thanh khiết đựng trong bình dễ vỡ,
xin giữ gìn cẩn thận, đừng đặt chung với đá sỏi. Dù người đời cũng không nên
nói đến bạn trăm năm, như người ta gọi là ’Đừng cắp đôi kẹp lứa’, phương chi là
những người tu hành.
VI. HOẠT ĐỘNG
* Tu Sĩ phải chuyên cần Ba Hoạt
Động theo năng lực: MỘT là Hoạt động tinh thần, HAI là Hoạt động trí óc, và BA
là Hoạt động tay chân. Trong cả ba loại hoạt động này, mỗi Tu Sĩ vẫn cố gắng
dùng hết cả mấy nén Thiên Chúa đã ủy thác cho mình, để không phải chỉ sinh lời
gấp đôi, lại còn gấp ba gấp bốn, nghĩa là dùng hết năng lực của mình và thời giờ
theo luật Dòng và Bề Trên chỉ định. Tuyệt đối không phải vì tham vọng hay kiêu
ngạo, nhưng chỉ vì muốn vinh danh Thiên Chúa và ích lợi cho nhiều người.
* Hoạt Động Tinh Thần là Tế Lễ,
cầu nguyện, chiêm niệm và chiêm ngưỡng. Bất cứ việc gì cũng cần nhất là đem hết
lòng trí kết hợp với Thiên Chúa; lắng tai nghe tiếng Thiên Chúa, mở mắt nhìn thấy
Thiên Chúa, trong mỗi lời, mỗi tiếng, mỗi người, mỗi cử chỉ, mỗi hình ảnh, trước
mặt và hai bên mình. Trước mỗi việc, phải biết chuẩn bị; sau mỗi việc, phải nhớ
tạ ơn, khiến cho mọi hoạt động tinh thần vẫn khởi sự và tiếp tục trong muôn
nghìn hoạt động khác, nhưng vẫn không trở ngại, lại còn nuôi sống và tăng thêm
giá trị cùng ý nghĩa cho tất cả các hoạt động khác.
* Có như thế, mới hiểu Hoạt Động
Trí Óc hay Hoạt Động Chân Tay, và kết quả của Tu Sĩ vẫn có gì khác hẳn người
thường. Xưa nay có nhiều sách và nhiều người viết và dạy về tu đức, vẫn nói, Tu
Sĩ không cần phải học, hoặc không được học, chỉ lo mến Thiên Chúa yêu thương
người ta là đủ. Không dám phản đối, nhưng chỉ nói là không hiểu nổi.
* Dù không muốn nói đến những
trường hợp khác thường ngoại lệ, như có sách kể chuyện những vị thánh không thuộc
nổi một kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ, nhưng mến Thiên Chúa yêu thương người ta
thì rất nhiệt thành, và biết thần học hơn người lâu năm suy tư và khảo cứu sau
những năm ở Chủng Viện, Học Viện hay Đại Học. Nếu có thực những trường hợp đó,
thì hiểu vì có những người nhiệt thành mến Thiên Chúa và yêu thương người ta,
nhưng lý trí suy nhược, không có một bên nào, thì được ơn Thiên Chúa trực tiếp
giảng dạy trong tâm hồn. Ngoài ra, theo thường, việc gì cũng cần phải có học hỏi,
bất cứ vật chất hay tinh thần, càng học thì càng biết cho đúng và tránh khỏi
sai lầm.
* Ngay như người có học,
nhưng học sai, cũng thiệt hại đau khổ cho mình và cho nhiều người khác, phương
chi là không học. Như có người vì không học, hoặc học sai, thì tin Thiên Chúa
như người ngoại đạo, mến Thiên Chúa như mến một người nào, hay là chính mình
gây đau khổ cho kẻ khác mà vẫn thản nhiên; yêu thương người, chỉ vì họ tin tưởng
như mình và đồng ý với mình; thù ghét những người không tin như mình và không
theo mình, không kể gì ý mình đúng hoặc sai.
* Đó là tai hại của các sách
khuyên bảo đừng học, khiến cho có người nói, vì họ sợ người có học thì biết họ
sai lầm, không còn tin họ nữa, không đọc sách và không giới thiệu sách của họ với
người khác.
* Tu Sĩ phải theo năng lực mà
học cùng một chương trình với Chủng Sinh. Đó là những môn học về tinh thần, rất
cần thiết cho người muốn tu đức. Sau là các môn học về vật chất, để biết mà tạ
ơn Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một kho tàng quý hóa đầy đủ vô cùng, đương
chờ những bàn tay phát minh; biết về vật chất cũng có thể giúp ích cho bản thân
và tha nhân. Tu Sĩ cũng nên học văn chương, lịch sử nước nhà, kinh tế, xã hội,
chính trị; không phải là chuyên môn, nhưng trau dồi kiến thức cho được trên bậc
trung học, hơn nữa thì càng tốt và càng giúp ích cho việc tu hành.
* Không những cần biết cho
mình, lại còn cần biết cho người khác. Ngay như muốn làm việc Tông Đồ, giảng dạy
giáo lý, cũng cần biết cho rõ về thiên nhiên để đưa đến siêu nhiên. Tu Sĩ không
thể dạy giáo lý với những bài hay những công thức thuộc lòng. Nữ Tu Sĩ cũng cần
phải biết giảng đạo đức, giúp cho người khác tĩnh tâm, không những trong nhà,
mà còn đối với nhiều người khác. Nhiều khi cần phải biết các môn học thiên
nhiên, để chứng minh tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại biểu lộ hiển nhiên
trong vũ trụ; và chứng minh cho thấy đường đạo đức không phản ngược luật thiên
nhiên, nhưng lại cần phải biết các luật đó.
* Tu Sĩ nam nữ có viết được
sách báo, nhất là những vấn đề về Tín Lý và Đạo Đức càng hay, như xưa đã có nhiều
sách của các thánh, ngay cả thánh nữ, như Thánh Catarina, Thánh Têrêsa Avilla,
Thánh Têrêsa Hài Đồng, quý hóa biết bao!
* Hay là có người tưởng càng
học lắm, viết được sách báo, càng thêm kiêu ngạo, đó là tật rất tai hại cho Tu
Sĩ. Nhưng, có thể nói, là vì không biết hoặc biết nửa chừng, hoặc vì thiếu giáo
dục, hoặc bị giáo dục sai lầm, không phải vì có học.
* Càng học càng thấy mình
chưa biết được gì, hay chưa biết được bao nhiêu; viết sách báo vì tin chắc mình
còn kém cỏi, cần phải trình bày ý tưởng của mình, để đón nhận những lời phê
bình và chỉ giáo, có được điều gì giúp ích cho ai, chỉ là nhờ Chúa Thánh Thần
soi sáng cho mình. Đó mới thực là đường lối Tu Sĩ. Nhất là ở trong Dòng còn
phúc là có Bề Trên và Anh Chị Em. Tu Sĩ chỉ học hoặc viết gì chăng, bao giờ
cũng theo Bề Trên khuyên bảo hay thúc giục, chỉ định ngày giờ học gì, học với
ai hay viết gì, và có thể nhờ Anh Chị Em cộng tác.
* Còn hoạt động chân tay, từ
việc nhỏ thường ngày ở trong nhà, đến việc lớn ở ngoài khu vườn, đồng áng hay
trong chuồng trại hoặc xưởng thợ, bao giờ cũng phải lo cho ít phí tổn mà nhiều
hiệu quả tốt đẹp. Không có hai điều kiện này, thì chưa phải là hoạt động của Tu
Sĩ.
* Tất cả ba lãnh vực hoạt động,
đều phải được Bề Trên theo năng lực của mỗi người và nhu cầu của Cộng Đoàn, có
khi cũng của xã hội và quốc gia, nhất là theo tinh thần và mục đích của Dòng mà
ấn định.
VII. ĐỨC TÍNH
* Muốn học tập mến Thiên Chúa
yêu thương người ta, phải học tập Sáu Đức Tính cần thiết, như là sáu bánh xe
lôi kéo nhau để tiến tới được dễ dàng mau chóng, hay là sáu cây cột nâng đỡ mái
nhà cho kiên cố:
THỨ NHẤT là ĐỨC XẢ KỶ, tiêu diệt tính vị kỷ và ích kỷ, đánh tan cá nhân chủ nghĩa. Không
lo cho mình thì mới dễ lo cho Thiên Chúa và lo cho người khác. Không phải là
không nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, cũng không phải là không lo bảo tồn và
phát triển tinh thần và vật chất.
* Nhưng có những người say
sưa đạo đức mà nói ’Tôi chỉ lo vinh danh Thiên Chúa và hạnh phúc của người
khác, dù tôi có tội lỗi, có chết, có bị hỏa ngục cũng được’. Nói như thế là phi
lý, mâu thuẫn và sai lầm. Nhưng phải nói ’Tôi ở trong Thiên Chúa và trong người
khác, nên vinh danh Thiên Chúa và hạnh phúc của người khác, cũng là của tôi;
cũng như tôi lo xa lánh tội lỗi, và tiến tới đạo đức để vinh danh Thiên Chúa
cùng hạnh phúc người khác, thì làm sao tôi lại không được thiên đàng mà bị hỏa
ngục; dù người đời không biết đến tôi, làm khổ cho tôi, nhưng tôi vẫn yêu
thương họ, thì cũng sung sướng và bình an cho tôi; và Thiên Chúa chí minh chí
thiện, chí ái chí nhân, đời nào lại bỏ tôi’.
* Còn tôi lo cho được thiên
đàng, có thể vì ích kỷ mà quên Thiên Chúa và quên người khác. Có nhớ đến Thiên
Chúa và nhớ đến người khác, vô tình tôi cũng chỉ dùng cho tôi, tôi sợ mất ý
nghĩa mến Thiên Chúa và yêu thương người ta, vì điều kiện cần thiết của yêu mến
cũng là đạo đức, là phải biết quên mình và bỏ mình. Lời Chúa Cứu Thế càng rõ
ràng và mạnh mẽ hơn: Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng
sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được (Mt 10,39); Ai không từ bỏ hết những gì
mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,33).
THỨ HAI là ĐỨC HY SINH, sẵn sàng chịu khó chịu khổ mỗi ngày vì mến Thiên Chúa và yêu
thương người ta, và sẵn sàng chịu chết bất cứ thế nào và khi nào. Như Chúa Cứu
Thế dạy: Không ai yêu mến bằng kẻ hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu (Ga 15,13).
Không phải vì Thiên Chúa muốn cho người ta bị khó bị khổ, nhưng vì người ta còn
kém cỏi, mắc sai lầm, còn tính xấu và tội lỗi, độc ác, nên mỗi người có thể gây
đau khổ cho chính mình hay cho người khác, nên ai cũng phải lo sửa mình, như bệnh
nhân phải uống thuốc. Hy sinh là bỏ thứ gì mình yêu quý khi thấy cần phải bỏ, để
vinh danh Thiên Chúa và ích lợi cho Anh Chị Em.
THỨ BA là ĐỨC KHIÊM TỐN, bao giờ cũng nhận thấy mình còn có lỗi, kém cỏi, để lo tu thân và
vươn lên được chừng nào hay chừng ấy. Thấy mình có được điều gì hay, cũng nhớ
là nhờ Thiên Chúa thương yêu và người ta ủng hộ; tuy mình có cố gắng, nhưng nếu
mình không đón nhận được ơn Thiên Chúa thương và việc người ta giúp đỡ, mình
cũng chẳng có gì. Nhờ có khiêm tốn, người Tu Sĩ tránh được ganh ghét và ghen
tương, hai điều rất trái với bác ái. Có khiêm tốn, mới thực hiện hai đức tính
trước và đức tính sau, khác nào như có bản lề, cánh cửa mới đứng vững và mở ra
đóng vào.
THỨ TƯ là ĐỨC THANH TUÂN, vâng phục luật pháp, quy củ, và Bề Trên, không phải như cây gỗ và
xác chết, cũng không phải tối mắt và nô lệ, nhưng phải làm người đương sống, có
tỉnh thức, có sáng suốt, có tự do mới biết vâng lời. Vì vâng lời là nhận thấy
Đúng và Hay. Khi thấy ý của mình khác với ý Bề Trên, và chưa thấy sai lầm, thì
lễ phép trình bày. Nếu Bề Trên không thay đổi, thì chính mình nhận ý của mình
sai lầm hay chưa thích hợp nên phải bỏ. Đức thanh tuân cho thực và cho đúng, là
vâng lời không phải vì sợ hãi, cũng không phải vì muốn được lòng cấp trên,
nhưng chỉ vì tin ý của Bề Trên là ý Thiên Chúa, vì cấp trên có trách nhiệm và
hiểu biết về toàn thể, mình vâng lời để bảo vệ hay là thực hiện ích chung.
THỨ NĂM là ĐỨC THANH BẦN, không muốn có quyền tư hữu để khỏi bận tâm lo về tiền của tài sản,
khó cho xả kỷ, hy sinh, khiêm tốn và thanh tuân.
* Theo tính thiên nhiên, người
ta muốn làm chủ vật này hay vật khác, để mình được tự ý và tự do sử dụng, không
phải vay mượn nhờ cậy đến ai, và càng không chắc người ta sẵn sàng giúp đỡ
mình, vì phần nhiều có tính ích kỷ hay là cẩn thận lo xa, sợ hư hỏng mất mát, lại
có khi người ta cần dùng, không có dư thừa cho mình vay mượn.
* Cũng theo thiên nhiên, người
ta muốn có thứ gì để dùng cho tiện và cho đẹp. Từ ngày nhân loại đặt ra tiền bạc
để trao đổi cho dễ dàng, thành ra buôn bán tiện lợi; có tiền thì muốn gì cũng
được, khiến cho người ta lo cho có tiền, là ham làm giàu, đến nỗi ích kỷ thái
quá, kể cả gian tham, áp bức, bóc lột, miễn làm sao cho mình có tiền, nhiều được
chừng nào hay chừng ấy, ai đau khổ mặc ai, bất chấp bác ái và công bình.
* Vì những tệ lạm như thế,
nên từ xưa đã có những người như Platon, lên tiếng nên hợp chung tài sản lại với
nhau, hay là những người như các Ẩn Sĩ, các Tu Sĩ Ấn Độ và Trung Quốc, từ bỏ
tài sản.
* Chúa Cứu Thế đã dạy, ai muốn
theo Ngài thì về bán hết tài sản, phân phát cho người nghèo khó, trước khi lên
đường theo Ngài. Muốn thực hiện theo tinh thần đường lối của Chúa Cứu Thế, các
Tông Đồ đã thiết lập chế độ hợp chung tài sản cho những người tự nguyện từ bỏ
quyền tư hữu; nhưng vì không có quyền lực trong tay người lãnh đạo, hay vì nhiều
người chưa quen, hoặc vì thiếu giáo dục và tổ chức, nên đã thất bại. Các thánh ẩn
tu trên bờ sông Nil, trong các rừng xanh ở Ai Cập, đã sống hoàn toàn vô sản, chỉ
ăn trái cây và uống nước khe, đó là chưa tin chuyện lạ hằng ngày quạ tha bánh đến
cho các ngài. Như thế, không phải là trái luật thiên nhiên, nhưng là theo luật
thiên nhiên bậc trên, cũng như bỏ vật chất để lo tinh thần, bỏ lười biếng để lo
chuyên cần.
* Rõ ràng nhất, theo chế độ
như ngày nay vẫn quen gọi là ’Lao động theo năng lực và phân phối theo nhu cầu’,
là luật Dòng của Thánh Basilio, Thánh Martino và Thánh Benedicto. Nhưng, không
phải lao động vì bắt buộc (như tù khổ sai), và phân phối theo cách giàu sang; tất
cả các Tu Sĩ đều lao động vì tự nguyện, và phân phối theo cách thanh bần. Nghĩa
là không bận tâm đến tư hữu và phú quý, để lòng trí dễ lo học tập đạo đức, và
chuyên cần ba đường hoạt động.
* Đức thanh bần không phải chỉ
có tiềm tàng trong tâm hồn, nhưng còn biểu lộ trong các thứ cần dùng, như nhà ở,
cơm ăn, áo mặc, để nhắn nhủ người giàu sang và an ủi người nghèo nàn. Cần tiền
của nhưng không ham tiền của.
* THỨ SÁU là ĐỨC THANH KHIẾT, không lo nghĩ và không tìm khoái lạc vật chất nơi tấm thân của
mình. Vẫn hay khoái lạc thiên nhiên không phải là xấu, nhưng ý tưởng và động
tác để gây ra khoái lạc đó, có thể gây thiệt hại cho bản thân và người khác, hoặc
vì thái quá, hoặc vì không phải trong vòng phu phụ. Thiệt hại cho cơ thể vì gây
bệnh tật nhất là cho thần kinh hệ, gây tác hại cho tinh thần bị tối tăm mù
quáng. Vì thế, muốn lo việc đạo đức, rất cần phải giữ tự chủ và sáng suốt, do
đó mà phải giữ thanh khiết.
* Sáu Đức Tính này quan hệ mật
thiết với nhau, thiếu một Đức Tính nào, có thể thiếu hay kém mấy Đức Tính khác.
Vậy Tu Sĩ phải khấn giữ cả Sáu hay một số Đức Tính nào chăng?
VIII. KHẤN HỨA
* Không hiểu là Tu Sĩ cần phải
khấn hứa, vì:
* MỘT là, khấn hay hứa với
ai, cần phải được người ấy chấp nhận. Khấn hứa với Thiên Chúa, không thấy dấu
gì gọi là Thiên Chúa chấp nhận, vì có khi hay cho người này mà không hay cho
người khác, hoặc có người sai lầm tưởng là hay. Cũng không thể dựa vào cấp trên
chấp nhận, mà bảo là Thiên Chúa chấp nhận; vẫn hay, cấp trên đại diện Thiên
Chúa, nhưng trong một giới hạn nào, chứ không phải là toàn quyền.
* HAI là, vì có điều nguy hiểm,
khiến cho người ta mắc tội nặng, nếu đã khấn hứa với Thiên Chúa mà không thi
hành. Lại phải đặt thêm luật có quyền thay Thiên Chúa để tha lời khấn, khiến
cho có người lừa gạt cả quyền ấy, khi đã muốn cho khỏi giữ lời khấn.
* BA là, vì việc có tự do mới
có giá trị; lời khấn ràng buộc, khiến cho có người giữ bổn phận một cách bất đắc
dĩ, chỉ vì đã khấn hứa.
* BỐN là, vì đến tuổi nào, hay
là sáng suốt hiểu biết đến thế nào, không ai dám chắc ngày tương lai chính mình
và ngoài mình thay đổi làm sao, có còn giữ lời khấn hứa được chăng. Vẫn hay, có
ơn Thiên Chúa ban giúp cho những người đã khấn hứa, nhưng ai dám chắc dù tương
lai thế nào, mình cũng có đủ điều kiện để nhận được ơn đó.
* NĂM là, không nên tưởng
Thiên Chúa như người ta, muốn có ai hứa chắc hay là cam đoan với Ngài. Có người
vì hiểu biết kém cỏi, nên muốn có như thế để tin mà giao phó tiền bạc hay là ký
thác công việc; không ngờ tự mình ràng buộc người và ràng buộc chính mình, có
khi vô tình khiến cho có người bỏ mình, vì họ đã không thể giữ lời hứa thì
không dám đến với mình. Còn người hiểu biết tâm lý sâu xa, thì biết ai không hứa
mà vẫn giữ trung thành, ai có hứa mà vẫn phản bội.
* Thiên Chúa chí minh chí thiện,
biết cả quá khứ, hiện tại và tương lai, ý tưởng, tâm tình và ý chí của mỗi người,
nên không chắc có cho ai khấn hứa gì với Ngài, như Chúa Cứu Thế đã dạy rõ ràng,
không được thề bồi.
* Cũng phải công nhận lời hứa
có ích lợi cho cả đôi bên. Bên hứa để quyết tâm mình làm việc đã hứa, không còn
nghĩ qua việc khác. Bên nhận lời hứa có thể an tâm, tin cậy người đã hứa với
mình. Đó là việc giữa hai người với nhau, không phải giữa người ta với Thiên
Chúa. Tu Sĩ có thể hứa hay cam đoan với cấp trên, không nên khấn hứa với Thiên
Chúa. Ai cũng phải nhớ ’Không nên tự ý đưa Thiên Chúa vào việc của mình, mong
được dễ dàng hay ích lợi cho mình’.
IX. ĐIỀU KIỆN
* Muốn thực hiện được các điều
vừa trình bày, thiết tưởng phải có những điều kiện về người được nhận, người phụ
trách giáo dục và tổ chức
* Từ việc nhận cho vào học, đến
cho lên lớp, là qua những giai đoạn thường quen xưa nay trong Dòng Tu, như Dự
Tu, Tập Sinh, Hứa Sinh, là người dự tu, người đương tập luyện, người đã khấn hứa.
Phải cầu nguyện, suy xét và bàn hỏi về ơn thiên triệu.
* Đường siêu nhiên rõ ràng thế
nào, đặc biệt cho một số người, không dám nói đến. Ở đây chỉ xin nói vắn tắt về
điều kiện thiên nhiên thông thường, là có khả năng học tập và thực hành Sáu Đức
Tính và Ba Đường Hoạt Động của Tu Sĩ, như đã trình bày; lại phải có lòng yêu
quý và có tính tình thích hợp. Dĩ nhiên, không có điều gì lỗi với luật đạo và
luật đời.
* Người Phụ Trách, bất luận ở
cấp bậc nào và công việc gì, cũng phải có điều kiện thông minh, học thức, khôn
ngoan, biết suy tư lý luận, biết tâm lý, sống bác ái, công bình, nhân từ, hiền
hậu, kiên nhẫn, yêu quý và thực hiện Sáu Đức Tính và Ba Đường Hoạt Động như
trên, biết đối nội và đối ngoại. Phụ trách việc gì, phải là người rất chuyên
môn việc ấy. Phải biết tiên liệu và đề phòng thực tế. Phải hợp tác với Thiên
Chúa, không làm gì một mình, đừng quá lo sợ về trách nhiệm. Hết lòng hết sức
thi hành nhiệm vụ, nhưng không quên tài sức của con người hữu hạn.
* Có nhiều cách thức và đường
lối giáo dục, không thể kể hết được, chỉ xin kể đại lược một vài nguyên tắc về
cách thức đường lối ưa thích hơn:
* Đừng bao giờ đem Thiên Đàng
và Nước Trời mà gợi thèm thuồng; hay đem Hỏa Ngục mà dọa dẫm gây sợ hãi. Vẫn
hay, được Thiên Đàng và tránh Hỏa Ngục, có ý nghĩa được Thiên Chúa và tránh cho
khỏi mất Thiên Chúa, là mục đích của con người. Nhưng, như trên đã nói, những từ
Thiên Đàng và Hỏa Ngục, dễ gợi ích kỷ và vị kỷ. Đối với Tu Sĩ, không nên nhắc đến,
thà nói rõ là lo cho được Thiên Chúa, và tránh cho khỏi mất Thiên Chúa thì hơn,
vì Tu Sĩ cần phải tập đức xả kỷ vị tha.
* Giáo dục, trước hết bằng
gương sáng và bằng thương yêu. Người giáo dục phải là người biết làm cho môn
sinh tin tưởng, yêu mến và cậy trông; không nên làm cho người ta nghi ngờ, sợ
hãi.
* Đừng bao giờ thử thách,
nhưng dùng tâm lý để tìm hiểu. Nếu có cần thử cho biết, thì tìm cách hợp lý, đừng
bắt chước những chuyện trong sách nghịch lý, vô ích, thiệt hại, như bảo trồng
cây ngược, bảo đổ nước đầy rồi tháo nước ra, phá hỏng một vật gì v.v...
* Người giáo dục có thể thưởng
cho vui để khuyến khích, không bao giờ được đánh hay phạt, vì Tu Sĩ là người đã
trưởng thành và tự nguyện.
* Muốn cho Tu Sĩ tập luyện đức
tính nào, phải làm cho họ yêu mến tìm kiếm đức tính đó, bằng cách giải thích rõ
ràng, cặn kẽ đức tính đó ích lợi cho mình và người khác, vì hợp với ý Thiên
Chúa và luật Thiên Chúa.
* Trái lại, muốn cho Tu Sĩ
tiêu diệt ác tính nào, phải làm cho họ ghét bỏ xa lánh ác tính đó, bằng cách giải
thích rõ ràng cặn kẽ ác tính đó thiệt hại cho họ và nhiều người khác, vì trái ý
Thiên Chúa và luật Thiên Chúa. Rồi chỉ rõ phải có những ý tưởng, tâm tình, ngôn
ngữ, cử chỉ, hành vi làm sao.
* Thánh Thomas kể đến 65 đức
tính phải tập, và 83 ác tính phải tránh, nhưng đó mới nói chung cho mọi người,
chưa nói riêng về Tu Sĩ. Cho hay, tập luyện đức tính và tiêu diệt ác tính, cần
phải nhiều công phu và kiên chí đến thế nào.
* Phúc cho Tu Sĩ, là nhờ có
ơn Thiên Chúa và nghe người biết giáo dục, có được Sáu Đức Tính là cột, mến
Thiên Chúa yêu thương người ta là mái, còn nền, tường, cửa ..... có thể theo
sau, mong được ngôi nhà đạo đức thánh thiện.
* Ai cũng biết, muốn được ơn
Thiên Chúa, cần phải được giáo dục cho biết chuyên cần cầu nguyện, lãnh nhận Bí
Tích và hãm mình đền tội. Có lẽ không cần phải nói nhiều, vì, đây thuộc về giáo
dục chung, không phải giáo dục riêng mỗi người Tu Sĩ.
* Cũng không muốn nói đến tổ
chức Dòng Tu, vì đã có luật chung của Giáo Hội và luật riêng của mỗi Dòng. Chỉ
xin nói đến một vài điểm về Tu Viện:
* Nhà cửa phải đơn sơ, thanh
bần, thích hợp với tinh thần và hoàn cảnh của Tu Sĩ, nhưng đầy đủ tiện nghi để
giúp Tu Sĩ trong Ba Đường Hoạt Động. Bao giờ cũng sạch sẽ, nghiêm trang, tươm tất,
yên lặng, đầy đủ ánh sáng và khí trời. Thanh bần không phải để rêu bám nhện
giăng cỏ mọc bừa bãi, rào hỏng tường hư không sửa chữa, đó là dấu người trong
nhà lười biếng, hay là người phụ trách liều lĩnh; có người lại cứ muốn để thế,
ý như tỏ ra mình đây là người sống nghèo nàn; hay lại có người chỉ lo bên
trong, không quan tâm đến bên ngoài, chỉ lưu ý về tinh thần, không tha thiết đến
vật chất. Nhưng đừng quên trong và ngoài vẫn lôi cuốn nhau, cũng như vô hình và
hữu hình.
* Phải sắp đặt các vật các
nơi cho gọn gàng, sáng sủa, vui tươi. Có được khung cảnh cây xanh, hoa lá, hồ
nước càng hay, để giúp việc suy tư nguyện ngắm. Không nên sợ Tu Sĩ mơ mộng, mà
làm cho Tu Sĩ khó chiêm niệm, và có thể thành những người khô khan như cây cỏ.
* Đó là đại khái về phần vật
chất hữu hình. Còn về phần tinh thần vô hình, phải làm thế nào cho Tu Sĩ được
bình an, vui vẻ, thương yêu, tin cậy, giúp đỡ nhau như anh chị em thực trong một
gia đình thực, bất phân tuổi tác, học thức, tính tình và quá khứ khác nhau.
Không nên vì sợ tình cảm xấu, sai lầm, mà chận đứng tình cảm tốt, tiêu diệt tất
cả các tình cảm thiên nhiên của con người, đến nỗi chỉ còn những thói quen, tục
lệ, công thức và hình thức, như những chiếc bánh xe hay đinh ốc trong một bộ
máy. Làm thế nào để cho mỗi Tu Sĩ gặp được một gia đình thực, dù ăn uống kham
khổ, cũng không còn mong đi đâu, dù đổi được lầu son gác tía cũng không màng.
* Về giáo dục và tổ chức, còn
có nhiều điều phải nói, vì tin đó chính là hai con đường cần thiết giúp cho Tu
Sĩ. Đúng thì vui sướng mà tu cho đẹp lòng Thiên Chúa. Sai thì đau khổ mà tu cho
qua ngày. Không nên có quan niệm đời sống chung và mọi sự trong Tu Viện đều phải
giúp cho người ta đau khổ để lập công đền tội. Nhưng, cần hiểu đời sống chung
và mọi sự trong Tu Viện, phải giúp cho người ta thấy Tu Viện là ’Phòng Khách’ của
Thiên Đàng, hay là ’Con Tàu’ đầy đủ tiện nghi êm ái và vui tươi nhất để đưa tới
Thiên Đàng.
*************
*************
THẢO LUẬN
I. DÂNG MÌNH
* Như thế các Dòng có nên bỏ
từ ’Dâng mình’ cho Thiên Chúa không?
* Không dám nói riêng các
Dòng hay nói chung mọi người nên bỏ từ ’Dâng mình’, ’Tận hiến’, hay ’Toàn hiến’,
nhưng chỉ nói ai thấy các từ ấy không đẹp lòng Thiên Chúa, hoặc vì vẫn tin mình
là của Thiên Chúa, hoặc vì thấy mình không xứng đáng được Thiên Chúa nhận, hoặc
vì lo sợ mình có thể dựa vào danh từ mà không lo cho có công việc thực chất,
sinh kiêu ngạo, thì không nên dùng. Hay là ai muốn mượn những danh từ để khuyến
khích người khác, hoặc thúc đẩy chính mình, thì nên tìm danh từ thiết thực hơn,
không giả tạo, không sai lầm và không nguy hiểm, ví như Tu Sĩ là người học tập
phụng sự Thiên Chúa, học tập mến Thiên Chúa yêu thương người ta, lo cho đẹp
lòng Thiên Chúa, lo cho được Thiên Chúa nhận, lo cho nên đạo đức thánh thiện
v.v...
II. TÔNG ĐỒ
* Như thế, thì phải làm việc
Tông Đồ trực tiếp chăng?
* Không nói người Dòng tĩnh
tu cũng phải làm việc Tông Đồ trực tiếp như giảng dạy; nhưng, khi cần kíp, Tu
Sĩ các Dòng này cũng nên theo lời Giáo Quyền yêu cầu, làm các việc đó cho đến
khi có người thay thế.
* Việc gì tốt cũng phải tùy
theo nhu cầu, khả năng, khuynh hướng và tính tình. Thiết tưởng phải theo trật tự
đó. Trước tiên là tùy nhu cầu của người ta và của mình, khả năng làm được chừng
nào thì làm chừng ấy; nếu không có khả năng, không ai bắt buộc hay là kêu mời,
và chính mình muốn làm cũng không được. Còn khuynh hướng và tính tình thích hợp,
làm mà vui hơn, có thể đắc lực hơn. Nhưng vì nhu cầu, mình cũng phải dẹp khuynh
hướng và tính tình của mình lại một bên.
* Dĩ nhiên, nếu vì nhu cầu của
người ta mà có nguy hiểm đến đạo đức của mình, mình có quyền từ chối. Có lẽ Tu
Sĩ nào cũng phải theo mấy nguyên tắc này; nhưng nếu việc làm ngoài luật Dòng,
phải có lệnh hay có phép Bề Trên Tổng Quyền hay Giáo Chủ.
* Tu Sĩ nào cũng nên học khoa
học đạo và đời, hay là nên chia ra từng Dòng chuyên môn?
* Xin cảm ơn câu hỏi, nói
chia ra từng Dòng chuyên môn, mà không nói dành cho các Dòng chuyên môn. Nên hiểu
các Dòng chia với nhau, hay là nhập vào từng nhóm với nhau, nhận lấy chuyên môn
một hay là hai, ba khoa học gì quan hệ với nhau, để cho khỏi phí phạm sức lực
và tiền của, hoặc lại dẫm chân lên nhau, lại có thể giúp đỡ nhau về giáo sư,
sách vở, tài liệu, và Giáo Hội có dưới tay đủ các khoa học chuyên môn. Sau nữa,
người ưa thích khoa học nào, có thể chọn Dòng chuyên môn khoa học ấy. Còn học
theo phổ thông, không phải chuyên môn, thì Tu Sĩ của bất cứ Dòng nào, cứ theo
năng lực và theo Bề Trên, học được nhiều chừng nào hay chừng ấy, trước là những
khoa học đạo, sau là các khoa học đời.
III. THANH BẦN
* Dòng nào cũng phải thanh bần
thì giống nhau, hay là có thể có nhiều bậc khác nhau?
* Dòng nào cũng theo tinh thần
vị Sáng Lập. Vị nào cũng chú ý đến đức thanh bần. Luật Dòng nào cũng lấy đức
này làm trọng. Nhưng không thể hoàn toàn giống nhau, vẫn có nhiều bậc khác
nhau. Nếu có thể lấy hình thức tối thiểu và tối đa, thì chỉ mong đừng có Dòng
nào xuống dưới tối thiểu, hay là lên quá tối đa. Muốn cho rõ thêm, thì về nhà cửa
ăn uống, tối thiểu là như người nghèo ở địa phương, không phải là túng thiếu
cùng khổ; mà tối đa là khởi sự bậc trung lưu. Nhưng Tu Viện phải đủ tiện nghi
căn bản cho việc học tập đạo đức và công cụ đầy đủ, không phải đắt tiền, sang
trọng cho các hoạt động.
IV. HUẤN LUYỆN
* Nếu như Bộ Tu Sĩ dự định mở
lớp huấn luyện những người phụ trách các Dòng, đó là điều rất hoan nghênh;
nhưng không biết ai là giáo sư và ai là sinh viên?
* Nếu Bề Trên các Dòng đồng
ý, thì Bộ Tu Sĩ mới mở được lớp đó. Giáo sư và sinh viên cũng do các ngài đề
nghị cẩn mật những người có khả năng, và Bộ Tu Sĩ sẽ đặt Ban Giám Đốc gồm có
1/3 người của Bộ, và 2/3 người của Bề Trên các Dòng đề nghị, sẽ lựa chọn và chấp
nhận./-
@Thiên Phong-Trần Minh Đức
Bảy
niemtinm@aol.com