1) Thói ích kỷ là nguyên
nhân gây bất hạnh trong gia đình: Nhìn vào bất cứ gia đình bất hạnh nào, chúng
ta luôn thấy có bóng dáng của thói xấu ích kỷ của ai đó trong gia đình này. Nếu
người ích kỷ lại là cha hay mẹ, thì nỗi đau khổ lại càng lớn lao hơn. Gia đình
nào càng có nhiều người ích kỷ, thì gia đình đó càng có nhiều nỗi bất hạnh và
ngược lại, gia đình nào càng có nhiều người vị tha, biết hy sinh cho người
khác, thì gia đình đó càng có điều kiện sống trong bầu khí yêu thương bình an
và hạnh phúc.
2) Thực tập sống yêu thương
để xây dựng hạnh phúc gia đình:
Thiên Chúa đã tạo dựng nên gia đình để làm nơi
huấn luyện tình yêu thương cho con người.
* Khi vừa sinh ra,
đứa con đã nhận được tình thương vô điều kiện của cha mẹ và em phải học để đáp
lại bằng tình hiếu thảo, thể hiện qua thái độ ngoan ngoãn vâng lời hầu làm cho
cha mẹ hài lòng. Đây là tình yêu “nhận nhiều hơn cho”.
* Lớn lên một chút, các em dần
dần khám phá ra: ngoài cha mẹ, các em còn có các anh chị em khác trong gia đình
cũng đang yêu thương em bằng tình huynh đệ. Với tình yêu này, các em phải tập sống
“cho đi nhiều hơn nhận lãnh”.
* Ngoài gia đình, mỗi em lại
có bạn bè để chọn lựa và yêu thương gọi là tình bạn hữu. Các em phải tập “cho
và nhận ngang nhau: “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”. Vì “Có đi có lại mới toại
lòng nhau”.
* Đến khi trưởng thành, người
thanh niên sẽ tự chọn một người khác phái đồng trang lứa để yêu và được yêu.
Tình yêu đó gọi là tình yêu nam nữ, và dẫn đến tình phu thê. Trong đó mỗi bên sẽ
thực hành “cho nhiều nhận ít”. Hai người có bổn phận hiến thân cho nhau và hy
sinh vì nhau để được hạnh phúc.
* Đến khi có con cái, cha mẹ
lại yêu thương con bằng một tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện và không lựa chọn
gọi là tình phụ tử hay tình mẫu tử, trong đó cha mẹ thể hiện tình yêu bằng việc
“cho đi không cần nhận lại”, hy sinh tất cả mà không mong báo đền. Đây là tình
yêu cao cả phản ảnh tình yêu bao la của Thiên Chúa là Tình Yêu.
* Như vậy trong môi trường
gia đình, con người sẽ có điều kiện để thực tập sống tình yêu thương từ nhỏ đến
lớn, từ dễ đến khó.
Cuối cùng riêng các tín hữu
Kitô còn được mời gọi thực tập sống yêu thương noi gương Chúa Giêsu. Đó là sống
“mến Chúa yêu người”, người tín hữu cần học noi gương Chúa Giêsu “yêu thương đến
cùng”; “cho phúc hơn nhận”; “Tha thứ vô điều kiện”... Đây là tình yêu cao quý
nhất: Yêu đến nỗi sẵn sàng tha thứ những đối xử tệ bạc của tha nhân...
Đây cũng là tình yêu tột
cùng của Chúa Giêsu, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Người đã khiêm nhường
rửa chân cho môn đệ và muốn ở lại với con cái loài người mọi ngày trong bí tích
Thánh Thể, trở nên của ăn giúp loài người được hạnh phúc đời đời, luôn bao dung
tha thứ vô điều kiện trước những tội lỗi và những đối xử tệ bạc của loài người,
đã tình nguyện chết đền tội thay để cứu loài người khỏi chết và sau này còn được
hưởng hạnh phúc đời đời.
Người tín hữu Ki-tô được mời
gọi để sống yêu thương noi gương Chúa Giêsu. Chúng ta phải yêu mọi người, nhất
là những người bất hạnh bệnh tật đau khổ và bị bỏ rơi, phải cầu nguyện điều tốt
cho những kẻ đang thù ghét làm hại mình.
Tình yêu này đòi người tín
hữu phải năng xét mình để quyết tâm từ bỏ cái tôi ích kỷ và tính tự mãn của
mình, phải năng học sống Lời Chúa và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống
nhân bản, công chính để nên con thảo đẹp lòng Chúa Cha như Chúa Giêsu, giúp
chúng ta sống tình yêu thương phục vụ để nên môn đệ thực sự của Người và giúp
chúng ta chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng để
làm chứng cho Chúa, chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho mọi người.
Tất cả những điều này tóm lại
trong kinh Thương Người có Mười Bốn Mối và Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô mà
các tín hữu cần đọc và quyết tâm thực tập mỗi ngày.
Tóm lại: Vai trò của gia
đình trong việc đào luyện con người sống tình yêu thương cụ thể thật quan trọng
và không thể thay thế được. Nếu cha mẹ anh chị em là những người yêu thương
chúng ta nhất và dễ thương nhất đối với chúng ta, mà chúng ta không yêu được,
thì làm sao chúng ta có thể yêu những người xa lạ, những người mình không mấy
thiện cảm, nhất là những người luôn thù ghét và chống lại chúng ta? Những ai đối
xử không tốt với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt của mình… thì
cũng khó lòng có thể đối xử tốt được với tha nhân bên cạnh theo đòi hỏi của Tin
mừng.
Lời cầu:
Lạy Chúa, xin cho mọi người
trong gia đình chúng con mỗi ngày biết từ bỏ tính ích kỷ và tự ái cao để thực tập
sống yêu thương bằng việc năng nghĩ đến người khác và khiêm nhường phục vụ người
thân trong gia đình mình nhiều hơn, biết quảng đại tha thứ và làm tốt cho các bạn
bè và những người đau khổ bất hạnh nhiều hơn…, để nhờ ơn Chúa giúp và nhờ lời
chuyển cầu của Mẹ Maria, chúng con sẽ mở rộng vòng tay yêu thương đến hết mọi
người, hầu chu toàn sứ vụ giới thiệu Chúa là Tình Yêu cho họ. – Amen.
LM ĐAN VINH