Niềm vui có Chúa
Sống trên đời, ai cũng mong
tìm cho mình có được một cuộc sống vui và hạnh phúc, thế nhưng dễ có mấy ai tìm
được. Có nhiều người tưởng rằng phải có nhiều tiền, có chức quyền, có hưởng lạc
tự do, có thành công không có thất bại, có sức khỏe không có ốm đau, có đoàn tụ
không có chia ly… mới vui và hạnh phúc. Thế nhưng, thứ niềm vui đặt nhầm chỗ ấy
chẳng bao giờ thỏa mãn và vững bền. Niềm tin Kitô giáo chỉ cho chúng ta thấy có
một niềm vui vĩnh cửu, nó không ở đâu xa cũng chẳng vượt quá tầm tay của con
người, đó là niềm vui có Chúa trong cuộc sống của mình.
Thật vậy, trong Tông huấn “Evangelii Gaudium - Niềm Vui Phúc Âm,” Đức
Thánh Cha Phanxicô khẳng định, “Niềm vui của Phúc Âm tràn ngập tâm hồn và đời sống
của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai đón nhận quà tặng cứu độ của
Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, ưu phiền, sự trống rỗng và cô đơn trong
tâm hồn. Với Đức Kitô, niềm vui không ngừng được sinh ra.” Nói khác đi, người
có Đức Kitô không còn bị lệ thuộc hay điều khiển bởi những giá trị vật chất, những
lắng lo, ưu phiền và đau khổ của cuộc sống trần thế, bởi vì niềm vui lớn nhất
mà họ đang có chính là hồng ân cứu độ, không gì có thể lấy mất nơi họ niềm vui
lớn lao này. Một khi đã có niềm vui đó, họ không giữ lại cho riêng mình nhưng
biết mở ra để chia sẻ cho người khác, nhờ vậy niềm vui của họ tiếp tục được
nhân lên.
Hình ảnh của Đức Maria
trong biến cố Mẹ đi thăm bà Elisabeth (Lc
1:39-56) mở ra cho chúng ta thấy niềm vui của người có Chúa là như thế: Mẹ
không còn ngại khó ngại khổ, sợ gian truân vất vả khi phải rời bỏ chốn thân
quen để đi đến với người chị họ Elisabeth và ở lại giúp đỡ bà. Mẹ chỉ cảm thấy
một niềm vui trào dâng trong tâm hồn vì Mẹ đang có Chúa ở cùng, một niềm biết
ơn sâu xa đối với tình yêu của Thiên Chúa dành cho Mẹ, và khao khát được chia sẻ
niềm hạnh phúc ấy đến cho gia đình Elisabeth.
Do đó, người có Chúa không
hệ tại nơi danh xưng Kitô hữu, nhưng hệ tại ở việc đặt Chúa làm trung tâm của
cuộc sống mình, đặt Chúa làm cứu cánh của cuộc đời mình. Và cũng nhờ Chúa, họ
có thể vượt lên trên mọi chướng ngại của cuộc sống, bất chấp mọi thử thách gian
nan của cuộc đời. Họ như các Thánh Tử Đạo vẫn an nhiên tự tại trước cái chết gần
kề vẫn có thể bảo tồn châm ngôn: “Luôn luôn sống trong vui mừng và tràn đầy hy
vọng nơi Thiên Chúa.” Các ngài vẫn trải nghiệm được niềm vui giữa những khó
khăn, thử thách vì xác tín rằng cuộc đời có Chúa là có tất cả, không gì có thể
cướp đi niềm vui có Chúa. Bằng tình yêu cao cả, họ được thông phần vào thập giá
của Đức Kitô để rồi cùng với Người bước vào sự phục sinh vinh hiển. Chỉ người
có Chúa trong cuộc sống mới có thể nói được như thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu:
"Niềm vui nằm trong cuộc sống con người và con người có thể đạt được nó bất
cứ lúc nào và ở đâu, ngay cả trong lâu đài tráng lệ của hoàng cung hay trong chốn
thâm u của ngục tù."
Người có Chúa thường trải
nghiệm được những hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống hàng ngày là:
“bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa,
tiết độ” (Gl 6:22). Đó là những ân huệ
mang về cho họ một cảm nghiệm thanh thản và bình an. Họ có tâm hồn đơn sơ, sống
hài hòa với bản thân và liên đới với tha nhân. Họ không bận tâm trước những
thành công hay thất bại, căng thẳng, mệt mỏi với những toan tính nhỏ nhen. Họ
như Đức Maria biết khiêm tốn nhận ra tôi là ai, Chúa là ai, tôi chỉ là “phận nữ
tỳ hèn mọn”, nhưng được Chúa yêu thương “nhìn đến”. Nơi tôi có gì cao cả là do
Đấng toàn năng đã làm cho. Vì vậy, họ dễ dàng bằng lòng với bản thân, hài hòa với
tha nhân và an vui phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa cuộc sống của mình.
Người có Chúa luôn nhìn cuộc
sống bằng cái nhìn đầy tích cực, quảng đại cho đi và sống trong hạnh phúc. Họ
có thể nhìn thấy thành công giữa những thất bại, nhìn thấy ân sủng giữa những lầm
lỗi. Họ nhạy cảm trước những nhu cầu của người khác và tìm cách làm cho người
khác được vui. Họ coi niềm vui của người khác là niềm vui của chính mình, thậm
chí có phải đánh đổi bằng những hy sinh vất vả của mình để người khác nhận được
vui thì họ cũng sẵn sàng làm. Họ cảm nghiệm được chân lý của sự trao ban “cho
thì có phúc hơn là nhận” ( Cv: 20,35 ),
sự hy sinh mà họ bỏ ra không lớn bằng hạnh phúc mà họ nhận lại: không ăn thêm một
cái bánh để người nghèo có được một bữa no, không nói một câu lên án để mang về
cho người khác sự an bình, hỏi thăm ai đó một câu để làm cho người ấy cảm thấy
mình được quan tâm, cho đi một nụ cười để làm cho người xung quanh cảm thấy hạnh
phúc, giúp người một chút để họ cảm thấy được yêu thương… Một chút cho đi nho
nhỏ đó lại có khả năng mang về hạnh phúc thật lớn lao, bởi niềm hạnh phúc lúc
này được nhân ba: Chúa vui, người khác vui và mình cũng vui.
Là Kitô hữu, chúng ta được
mang danh là người có Đức Kitô trong cuộc đời, nhưng hôm nay chúng ta cần tự hỏi
mình: Tôi có còn để mình chạy theo những giá trị vật chất như là chúa tể mang lại
hạnh phúc cho cuộc đời của mình đến nỗi không có tiền của không hạnh phúc,
không có chức tước không lạc quan, không có sức khỏe không hy vọng, không có hưởng
thụ không vui…? Tại sao tôi vẫn còn mãi luẩn quẩn trong vòng của cuộc sống đau
khổ, thất vọng, chản nản, buồn phiền? Phải
chăng đó là vì tôi chưa thực sự để cho Đức Kitô đóng vai trò trung tâm, là cứu
cánh của cuộc đời mình, nên đã bị nô lệ bởi vô vàn những thứ có và không có, để
rồi buồn khổ và thất vọng? Phải chăng tôi quên mất rằng Đức Kitô đã đến mang lại
cho tôi niềm vui ơn cứu độ, niềm hạnh phúc vĩnh cửu, đó là niềm hạnh phúc lớn
nhất không có hạnh phúc nào sánh bằng? Phải chăng tôi quên Chúa có đủ sức mạnh
để giúp tôi vượt qua mọi thử thách của cuộc sống nên đã không chạy đến với
Ngài? Phải chăng tôi quên mất, thậm chí cả những tội lỗi đang ghì nặng tâm hồn
và cuộc sống của tôi, Ngài cũng có khả năng tha xóa hết, để rồi không dám cầu
xin Ngài?
Để có thể lấy lại niềm hạnh
phúc của người có Chúa trong cuộc sống, chúng ta cần khởi đi từ đời sống đức
tin, đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Chúa và siêng năng cầu nguyện. Qua cầu
nguyện, chúng ta được nối kết tương quan với Chúa, được Chúa biến đổi, mọi tội
lỗi và bất an đều được xóa bỏ, mọi đau khổ và thất vọng đều được nâng đỡ. Cũng
từ đó, đời sống của chúng ta được thích ứng với lối sống của Chúa, chúng ta có
khả năng sống cho những hành động bác ái, yêu thương. Cuộc sống của chúng ta chắc
chắn sẽ thay đổi, chúng ta sẽ lại tìm thấy niềm vui của người có Chúa đồng
hành.
Lạy Chúa là niềm vui mỗi
ngày của con. Cuộc đời vẫn đẹp khi có Chúa giúp con yêu đời, yêu người dù cuộc
đời có nhiều éo le và lòng người vẫn còn đầy trắc trở. Xin cho con biết cười
lên, nụ cười của lòng nhân hậu Chúa, nụ cười bình an trong mọi hoàn cảnh; nụ cười
thật tươi trong tin yêu và phó thác, nụ cười thanh thản vì không còn lo toan,
tính toán gì cho bản thân mình, để có thể sống thật vui, thật hạnh phúc với
Chúa và với mọi người. Amen.
Nt. Maria Stephano, fmsr
****************************************
Phần gợi ý cầu nguyện
1/ Đọc đoạn Lời Chúa (Pl 4:
4-7).
4 Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên
anh em!
5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến.
6 Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem
lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước Thiên Chúa những điều anh em
thỉnh nguyện.
7 Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết,
sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.
* Bạn có cảm thấy thực sự sống
vui và bình an không?
* Nếu không, điều gì ngăn cản
khiến bạn không thể sống vui được: tương quan bị sứt mẻ, lo lắng, buồn phiền,
thất vọng, chán nản, tức giận, hận thù, tội lỗi, yếu đuối, cuộc sống cô đơn, tẻ
nhạt, vô nghĩa…?
* Thiên Chúa nói với Thánh
Giêrônimô “hãy dâng cho Cha mọi tội lỗi của con”. Vì thế, không có gì mà bạn
không thể dâng cho Chúa. Hãy dâng cho Chúa món quà của bạn!
2/ Nhớ lại những biến cố tích
cực trong cuộc đời đã làm bạn hạnh phúc. Chọn một biến cố có ảnh hưởng tới cuộc
sống của bạn nhiều nhất. Sống lại những cảm xúc trong biến cố. Khám phá sự hiện
diện của Chúa trong biến cố.
* Qua biến cố đó Chúa mời gọi
bạn điều gì?
* Bạn đã đáp lại tiếng Chúa
để sống niềm vui ấy thế nào?
* Quyết tâm sống của bạn.