Trên tờ Records của giáo phận
Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau
gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời
cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.
“Không có gì tách tôi ra khỏi
lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết,
dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến
của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.
Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt
đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy
thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn
toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không
tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy
không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược
đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ
chơi à.
Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ
nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn
khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp
tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở
dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong
kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận
nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin
sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở
các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn
sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con
phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa
muốn nói với con điều gì?”.
Khốn nạn thân tôi, trong
khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu
nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao
lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết
hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi.
Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu
nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như
tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày
tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến.
Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn
sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân
thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa,
nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống
cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong
tình yêu thương của Thiên Chúa.
Chẳng vậy, mà trong Phúc âm
biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng
mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng
để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý
Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn
của cuộc sống quay cuồng chung quanh.
Chẳng vậy, tất cả các lần Đức
Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy
cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng
tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.
Tôi đặc biệt mong muốn lặp
lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua
ngưỡng cửa hy vọng”:
Việc cầu nguyện vừa là tìm
tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên
Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế,
là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr
2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn.
Trong việc cầu nguyện, trước
hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp
con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.
Trên tất cả mọi sự, tôi nhận
rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục
trong tôi.
Những lời cảnh báo này thật
đáng suy nghĩ. Bao nhiêu lần tôi đi dự lễ ngày Chúa Nhật mà chỉ mong cha làm
cho nhanh nhanh để tôi về còn lo làm chuyện khác. Tôi có chuyện gì đáng lo hơn
là phần rỗi linh hồn của tôi.
Tôi có một công việc rồi,
còn muốn kiếm thêm một công việc nữa đến nỗi không còn có giờ cầu nguyện nữa. Sống
như điên, cày như điên như thế có phải là cuộc sống được chúc phúc không?