Hạt bụi nào hóa kiếp thân
tôi
Để một mai vươn hình hài lớn
dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong
chơi.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân
tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp
không nguôi.
Bao nhiêu năm làm kiếp con
người
Chợt một chiều tóc trắng
như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một
ngày.
Mặt trời nào soi sáng tim
tôi
Để tình yêu xay mòn thành
đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin
vui.
Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã
dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không
hay...
Trịnh Công Sơn
Giáo Hội luôn nhắc nhở con
cái về thân phận con người. Lời mời gọi xám hối hãy xé lòng, đừng xé áo. Lời nhắc
nhở bố thí, cầu nguyện, cảnh giác những cơn cám dỗ trong cuộc sống... một vài
điều gọi là nhắc nhở phận người chóng nhớ mau quên. Có là ai, có là gì… cũng phải
tuân theo định luật tự nhiên! Có bao nhiêu, có thế nào... rồi cũng xuôi tay chẳng
mang được chi!
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng
ưu tư khắc khoải về thân phận con người: Là ai? Từ đâu đến? Đi về đâu? “Hạt bụi
nào hóa kiếp thân tôi?” ông nhận ra phận người đến từ bụi đất, mang kiếp sống
mong manh vắn vỏi. Hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ bao la, bất lực trước định luật
tự nhiên của tạo hoá, bị lôi cuốn theo con tạo xoay vần cuộc sống. Sau “một mai vươn hình hài lớn dậy” để sống
kiếp cát bụi phù du tạm bợ, dù muốn hay không, chấp nhận hay chống đối, hạt bụi
lại rũ áo ra đi về với thân phận bụi đất của mình. “Để một mai tôi về làm cát bụi”,
thế là hết, là xong một kiếp người.
Vẫn biết bụi đất một mai sẽ
trở về đất bụi. Vẫn biết nơi đến, chốn về như nhau: tất cả chỉ là phù du, vô
nghĩa. Nhưng trong lòng ông, “từ vực sâu nghe lời mời đã dậy” đang mong chờ một
điều gì đó thâm sâu hơn, cao quý hơn những gì tầm thường đang cuốn hút hạt bụi
xoay vòng trong cơn lốc đảo điên. Hình như đôi tai tâm hồn ông đã nghe được lời
mời gọi thiêng liêng nào đó. À, thì ra cát bụi mệt nhoài sau những chuỗi ngày
“mặt trời soi một kiếp rong chơi”, sau những tháng năm hòa mình vào những “tiếng
động gõ nhịp không nguôi” cuộc đời, sau “bao nhiêu năm làm kiếp con người” bỗng
chợt nhận ra thiếu vắng một cái gì đó trong cuộc sống. Hạt bụi nhỏ bé như pha
lê được mặt trời soi sáng để rồi trái tim khát khao tin yêu thổn thức “xin úp mặt
bùi ngùi, từng ngày qua mỏi ngóng tin vui.”
Là tin vui gì? Ai có thể
mang đến cho đất trời tin vui bất diệt? Mỗi hạt bụi trong vũ trụ bao la đang chờ
đợi một tin vui khác nhau. Có hạt mong được chiếu sáng lấp lánh dù là hư ảo chớp
nhoáng. Hạt mong được tích lũy thêm những lớp đất cát phù du dù bụi sẽ chẳng
mang được chi khi “một mai về làm cát bụi”. Hạt khác thích cả đời rong chơi dưới
ánh mặt trời. Hạt lại thích hưởng thụ cho bỏ kiếp phù sinh vắn vỏi. Có hạt mong
được nâng đỡ những hạt bụi khác mảnh mai yếu kém hơn. Hạt lại mong cho đi chính
mình để làm men làm muối ướp mặn cho đời. Tin vui mà nhạc sĩ họ Trịnh, bạn và
tôi đang mong chờ là tin vui gì?
Con Một Thiên Chúa đã từ bỏ
vương quyền trên chốn trời cao nhập thể làm người chỉ với một khát vọng duy nhất:
mang Tin Vui đến cho con người, cho những hạt bụi bé nhỏ dấu yêu. Trong Ngài, bụi
đất trở thành vô giá. Với Ngài, đất bụi trở thành bất tử. Nhờ Ngài, bụi đất nếm
mùi thiên thu vĩnh cửu. Nhưng, phũ phàng thay không phải tất cả hạt bụi đều chấp
nhận Ngài!
Tin Vui dù muộn nhưng không
bao giờ trễ. Chẳng phải ai cũng được phúc đón nhận Tin Vui từ thưở bình minh.
Dòng đời ngược xuôi tuy vất vả nhưng hào nhoáng, tuy tạm bợ nhưng đầy hấp dẫn,
tuy nhiều đau khổ nhưng không thiếu niềm vui giả tạo. Không dễ gì mà cát bụi chấp
nhận phận mình từ thưở mới “vươn hình hài lớn dậy”.
Nhạc sĩ tài ba họ Trịnh đã
đi sâu vào cuộc sống khi ông kinh nghiệm bản thân từ từ đi qua ba giai đoạn đời
người: Với thời trai trẻ hăng say yêu đời, dù biết phận mình là cát bụi nhưng
đó là tiếng hò reo mừng vui: “Ôi cát bụi tuyệt vời!”. Cuộc sống dần trôi với
bao đắng cay chất đầy lên đôi vai gầy mà ý nghĩa cuộc đời vẫn biệt tăm, ông
buông một tiếng thở dài chán chường “Ôi cát bụi mệt nhoài!”. Tiếp tục cuộc hành
trình vô định của con người, sắp đến đích mà không biết nơi đến là đâu, kết
thúc bài nhạc là một lời chua chát xuôi tay tuyệt vọng: “Ôi cát bụi phận này!”
Con người, chỉ khi “chợt một
chiều tóc trắng như vôi” mới giật mình nhìn lại mình, vội vàng đi tìm ý nghĩa
cuộc sống. Khi nhìn “lá úa trên cao rụng đầy” với “cụm rừng nào lá xác xơ cây”
lòng người mới chùng xuống, băn khoăn lòng hỏi lòng chiếc lá vàng kia đi về
đâu? Phận người có gì hơn một chiếc lá vàng, một hạt bụi không? “Trăm năm vào
chết một ngày”, đời người ky cóp, một ngày xuôi tay!
Hình ảnh người cha nhân
lành trong ngụ ngôn đứa con hoang đàng lúc nào cũng thấp thỏm trước ngõ chờ
mong đứa con đi xa trở về! Muộn nhưng không bao giờ trễ! Đừng để đến khi “vết mực
nào xóa bỏ không hay...” thì buồn thay cho một kiếp người! Sống vô duyên, chết
phận bạc!
Lạy Chúa, xin cho con cất
bước trở về với Chúa khi còn có thời gian chuẩn bị và nhắc con nhớ đến những từ
ngữ xa lạ: ăn chay, bố thí, cầu nguyện. Xin cho con biết cho đi một phần những
gì con đang có để giúp những hạt bụi khác cảm nếm hương vị tình yêu trong cuộc
sống. Xin giúp con một lần ăn chay với cả tâm hồn yêu thương để nhìn ra được
tình yêu Thiên Chúa với thân phận bụi đất nghèo hèn.
Lạy Đấng Vĩnh Cửu, cuộc sống
lúc bấy giờ sẽ không còn là phù du vô nghĩa, không còn là những tiếng kêu tuyệt
vọng từ đáy vực sâu mà là những tiếng kêu ngạc nhiên hoan lạc, những bản tình
ca bất tận ca ngợi tình yêu Thiên Chúa bao la. Ôi cát bụi tuyệt vời! Ôi con người
tuyệt vời!
Con người là chi mà Chúa cần
nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải
bận tâm? (Tv 8:5)