Ads

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

GIÁ TRỊ THIÊNG LIÊNG CỦA THÁNH LỄ MISA.


BÀI HÁT: CHỈ CÓ MỘT TÌNH YÊU
Hỏi: Xin cha giải thích thắc mắc sau đây:
1- xin lễ với giá tiền cao và có nhiều cha đồng tế thì có lợi ích thế nào so với lễ Chỉ có một linh mục làm và  người xin  chỉ có ít tiền xin lễ ?

2- linh mục có được phép đi làm quảng cáo thương mại cho ai, và  có nên xưng “con” với mọi người  ở nơi công cộng hay không?

Trả lời:
1- Về câu hỏi thứ nhất, xin được trả lời như sau:
Như tôi đã có đôi lần viết về vấn đề này, nhưng nay xin được nói lại một lần nữa về lợi ích thiêng liêng của Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) hay Lễ Misa (Missa).
Thánh lễ này được  dâng trên bàn thờ ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội ngày nay để diễn lại cách bí tích Bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với Nhóm Mười Hai Tông Đồ và Hy tế đền tội mà Chúa dâng  lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa  để một lần đền tội thay cho  toàn thể nhận loại khỏi phải phạt và chết  đời đời vì tội.

Vì thế, Thánh Lễ Tạ Ơn hay Thánh Lễ Misa là đỉnh cao của đời sống Giáo Hội và của toàn thể  Dân Chúa đang hiệp thông với Giáo Hội, vì Thánh Lễ là nguồn ban phát ơn Cứu Độ của Chúa Kitô cho chúng ta ngày nay cùng thể thức và mục đích của Hy Tế thập giá mà Chúa Kitô  đã dâng lên Chúa Cha trên đồi Calvary xưa kia; đúng như Giáo Hội  đã dạy trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, là  “mỗi lần hy tế thập giá được dâng trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế (1 Cor 5:7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” (LG số 3)
Nghĩa là qua Thánh Lễ, chúng ta  hiệp thông cùng Giáo Hội  dâng lời cảm tạ Chúa Cha  cùng với Chúa Kitô  và được lãnh nhận ơn cứu chuộc của Chúa  một lần nữa lại tái diễn và ban phát cho ta ngày nay  mỗi  khi Thánh Lễ Tạ Ơn được cử hành ở khắp nơi trong Giáo Hội. Vì mục đích cao trọng này của Thánh Lễ nói chung, nên không có sự khác biệt nào giữa Thánh Lễ  do một linh mục tầm thường cử hành, hay do Giám mục và cả Đức Thánh Cha cử hành cũng vậy, vì các vị này chỉ là thừa tác viên (ministers) khi  dâng Thánh Lễ  nhân danh Chúa Kitô (in persona Christ). Nghĩa là chính Chúa Kitô cử  hành Thánh Lễ hay ban phát bất cứ bí tích nào qua tay thừa tác viên con người là Linh mục, Giáo mục hay Đức Thánh Cha.

Vì thế, không hề có sự khác biệt nào về mục đích và ơn ích thiêng liêng của Thánh Lễ  do một linh mục cử hành hay do chính Đức Thánh Cha dâng trên bàn thờ như đã nói ở trên. Nói rõ hơn, dù Thánh Lễ chỉ có một linh mục tầm thường cử hành hay có giám mục  và nhiều linh mục đồng tế thì cũng không có gì khác biệt về mục đích và ân sủng của Thánh Lễ. Phải  nói lại điều này để đừng ai lầm tưởng rằng Thánh Lễ có nhiều linh mục đồng tế thì có giá trị thiêng liêng hơn Thánh Lễ chỉ có một linh mục cử hành.

Liên quan đến vấn đề bổng lễ (mass  stipends) tức là số tiền người xin lễ bỏ ra để xin một hay nhiều lễ  cầu cho ai, thì cần thiết phải nói lại rằng: tiền xin lễ chỉ có mục đích trả thù lao cho linh mục cử hành, theo qui định của Giáo quyền địa phương và theo giáo luật.Thí dụ  ở Mỹ, số tiền này được ấn định là 5  hay 10 đôla tùy mỗi giáo phận. Số tiền này chỉ có mục đích đãi ngộ cho linh mục cử hành Thánh Lễ  theo tinh thần lời  dạy sau đây của Thánh Phaolô :
"anh  em không biết rằng người  lo các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ  phục  vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ sao?. Cũng vậy, Chúa truyền cho những  ai  rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng." (1 Cor 9: 13-14)
Nghĩa là linh mục được quyền hưởng bổng lễ của người xin lễ theo qui định của giáo quyền địa phương.

Nhưng nếu  giáo dân nghèo túng, không có tiền xin lễ, thì linh mục vẫn được khuyến cáo dâng lễ cho họ (giáo luật số 945 & 2) nghĩa là không được từ chối dâng lễ chỉ vì người xin không có tiền dâng cúng.

Một điều quan trọng nữa cần nói lại là linh mục không được phép đòi hỏi người xin lễ dâng số tiền cao hơn mức qui định của giáo quyền địa phương. Đòi tiền nhiều mới  chịu dâng lễ là phạm tội mại thánh (simony) cần phải tránh.

Mặt khác, cũng  cần  phải  nói lại ở  đây một lần nữa là số tiền người xin lễ dâng cúng dù to hay nhỏ,  dù  chỉ  có 5 đô hay 500 đô do hảo tâm của người xin lễ bỏ ra, thì cũng không hề có ảnh hưởng  gì đến việc Chúa  ban ơn thánh của Ngài cho ai được hưởng ý lễ. Nghĩa là ơn thánh của Chúa không thể mua được bằng tiền bạc và Thánh Lễ là vô giá (invaluable) vì không thể mua  hay đổi chác được bằng bất cứ báu vật nào của con người. Xin nhớ kỹ điều này để đừng ai lầm tưởng rằng hễ  bỏ ra nhiều tiền xin lễ, để được rao tên trong nhà thờ, được thắp thêm đèn nến và kéo chuông inh ỏi thì được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn là chỉ có 5 đô xin lễ và linh mục âm thầm cử hành không ai biết đến. Số tiền nhiều hay ít chỉ có giá trị đãi ngộ cho một hay nhiều linh mục dâng và đồng tế Thánh Lễ chứ không có giá trị xin ơn thánh của Chúa ban cho người sống hay cho các linh hồn đã ly trần. Xin nhớ kỹ điều này để đừng ai phải áy náy khi không có nhiều tiền bỏ ra xin lễ, và có đông linh mục đồng tế, hay chỉ có ít tiền xin một lễ không ai biết đến.

Nếu người  chết mà khi còn sống đã quyết tâm yêu mến Chúa và tuân giữ các giới răn của Chúa thì dù sau khi chết,  không được linh mục nào dâng lễ hay đồng tế, và cho dù xác của mình không được phép mang vào trong nhà thờ như đã xảy ra ở một địa phương  kia bên nhà, thì cũng không thiệt thòi gì về mặt thiêng liêng. Ngược lại, một người khi còn sống đã xa lìa hay hoàn toàn chối bỏ Chúa bằng chính  đời sống của mình cho đến khi chết, thì  dù  tang lễ, hay lễ giỗ có cả Hồng Y,  giám mục và hàng trăm linh mục đồng tế thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.

Tóm lại, ơn thánh Chúa ban cho ai là hoàn toàn do  lòng nhân hậu và công bằng của Chúa  chứ không hề dính dáng gì đến số tiền lớn nhỏ của người xin lễ. Và một thánh Lễ do một linh mục dâng cũng có giá trị như Thánh Lễ của Giám mục, Hồng Y hay chính Đức Thánh Cha, vì không phải cá nhân và phẩm chất  của người cử hành mà là chính Chúa Kitô dâng lại hy tế thập giá và diễn lại Bữa Ăn sau hết của Người qua tay các thừa tác viên con người là linh mục, giám mục hay Đức Thánh Cha, cũng là giám mục trong chức năng (competence) như mọi linh mục và  giám mục khác. 

Cho nên, không thể nói  là tham dự Thánh Lễ của giám mục, hay của Đức Thánh Cha thì được nhiều ơn ích thiêng liêng hơn là tham dự Lễ của một linh mục không tên tuổi. Xin nhớ kỹ  điều này mỗi khi đi tham dự Thánh Lễ.

2- Về câu hỏi thứ 2 , xin được nói lại một lần nữa là linh mục của Chúa không thể kiêm thêm “nghề thương mại” để đi làm quảng cáo bán hàng cho một cơ sở thương mại nào;  như một linh mục kia đã nằm dài trên chiếc ghế đấm bóp để quảng cáo cho công dụng của loại ghế này. Làm như vây là đã hạ giá vai trò và chức năng linh mục của mình, tự đồng hóa  mình với những người buôn bán cạnh tranh trên thị trường thương mại, với những thủ đoạn lường gạt,  xảo trá để  mong bán hàng cho thật nhiều, bất kể hàng hóa của mình tốt hay xấu, có lợi hay làm hại người tiêu thụ.

Với chức năng (competence) là linh mục, thì  chỗ đứng và nơi trình diễn  của mình phải là bàn thánh, (Altar)  giảng đài (pulpit) tòa giải tội (confessional) và giường bệnh nhân, chứ không thể là khán đài với micrô cầm tay để kể chuyện tếu, hay  hát những bài ca ướt át để giúp vui trong các tiệc cưới hay  hội họp công cộng, nhất là đi  rao hàng cho người khác trên truyền thanh và truyền hình.

Linh mục của Chúa Kitô không bao giờ được phép làm những việc này của người đời, nếu muốn sống và hành xử đúng cương vị của mình là linh mục.

Một đều đáng nói nữa là linh mục, khi đứng trước công chúng, thì không đươc tự hạ mình (cách giả dối, không xứng hợp) khi xưng “con”với hết mọi người lớn nhỏ.

Mình không được phép xưng “cha” với ai – trừ với mấy trẻ em, nhưng cũng không nên khiêm nhường  giả tạo, lễ độ  không đúng chỗ khi tự xưng “con” với hết  mọi người trước công chúng.

Trong phạm vi riêng tư, như nói chuyện với mấy cụ già đáng tuổi cha mẹ mình thì linh mục có thể xưng “con” với họ theo văn hóa Viêt Nam. Nhưng trước công chúng, với nhiều thành phần  nam nữ lớn nhỏ, và thuộc các tôn giáo khác nhau, thì xưng “con” với mọi người là  điều không chính đáng với tư cách là linh mục và cũng không  phù hợp với lễ phép theo văn hóa Việt Nam. Xưng hô như thế vừa tự hạ giá mình không chính  đáng mà còn gây khó nghe  cho người khác, trong đó có nhiều người còn nhỏ tuổi hơn mình và không phải là tín hữu công giáo. Tại sao không xử dụng cách xưng hô  bình thường và không có gì là thiếu lịch sự hay lễ độ  như xưng “tôi” hay “chúng tôi” với người nghe, mà phải hạ mình cách không thích hợp khi xưng “con”  với hết mọi người như vậy? Đức khiêm nhường (humility) của Kitô giáo không đòi hỏi phải làm như vậy.

Vì ngôn ngữ Việt Nam đặc thù hơn mọi ngôn ngữ  khác, nên cách xưng hô cũng cần áp dụng cho đúng nơi đúng chỗ. Nếu người trẻ mà xưng tao  gọi mày với người lớn là vô lễ, là  thiếu giáo dục, thì linh mục mà xưng con” với cả những người trẻ tuổi hơn mình thì lại là điều chướng tai, gai mắt xét về mặt văn hóa và theo phép lịch sự thông thường.

Ước mong ai đang vô tình hay hữu ý xưng hô không thích hợp như trên cần sửa lại cách xưng hô của mình trước công chúng để không làm phiền cho người nghe nói chung và cho người Công giáo nói riêng.
Tác giả:  Lm. PX. Ngô Tôn Huấn