Ads

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - SỐNG TRONG CHÚA KYTÔ

PHẦN III: SỐNG TRONG CHÚA KYTÔ
CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
1700-1876
Bài 39: CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA
1701-1729 "Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4,23).

287- H. Tại sao con người là hình ảnh Thiên Chúa?
T. Vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người, ban cho có linh hồn thiêng liêng, có trí tuệ và ý chí tự do. Cho nên ngay từ trong lòng mẹ, con người đã hướng về sự thiện đích thực và hạnh phúc muôn đời.
288- H. Con người có giữ được nguyên vẹn hình ảnh Thiên Chúa nơi mình không?
T. Không, tội lỗi đã làm tổn thương hình ảnh ấy nơi con người, khiến họ dễ hướng về điều xấu và dễ bị sai lầm.
289- H. Chúa Kitô đã là gì để phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người?
T. Chúa Kitô đã chết và sống lại để phục hồi hình ảnh ấy cho những ai tin vào Người và sống như môn đệ Người.
290- H. Sống như môn đệ Chúa Kitô là thế nào?
T. Là thực hiện tinh thần bài giảng trên núi được gồm tóm trong các mối phúc thật.
291- H. Có những mối phúc thật nào?
T. Chúa Kitô đã công bố tám mối phúc thật này:
Thứ nhất ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Thứ hai ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.
Thứ ba ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được an ủi vậy.
Thứ bốn ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.
Thứ năm ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.
Thứ sáu ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.
Thứ bảy ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.
Thứ tám ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
292- H. Tám mối phúc thật nhắc ta điều gì?
T. Tám phối phúc thật nhắc ta nhớ rằng hạnh phúc đích thật và cuối cùng của con người là Thiên Chúa. Các mối phúc là tiêu chuẩn để đánh giá và hướng dẫn đời sống kitô-hữu.

Bài 40: TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
1730-1748 "Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau" (Gl 5,13).

293- H. Tự do là gì?
T. Tự do là khả năng chọn lựa, nhờ đó mà con người có thể cân nhắc, quyết định và chịu trách nhiệm về các hành vi của mìnH.
294- H. Khi nào con người được tự do đích thực?
T. Là khi con người biết dùng tự do để phục vụ điều thiện. Tự do ấy đạt tới mức hoàn hảo khi qui hướng về Chúa là Sự Thiện Tuyệt Đối.
295- H. Tự do quan trọng thế nào?
T. Tự do đem lại giá trị luân lý cho các hành vi của con người. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm một cách cố ý, tức là có ý thức và tự do.
296- H. Con người có thể lạm dụng tự do của mình để làm điều xấu không?
T. Con người có thể lạm dụng tự do để chối bỏ tình yêu Thiên Chúa và khi đó trở thành nô lệ tội lỗi.
297- H. Có những trường hợp nào ta được giảm bớt trách nhiệm hoặc không bị qui trách nhiệm?
T. Có ba trường hợp này:
Một là do không biết,
Hai là do bị ép buộc,
Ba là do sợ hãi.
298- H. Ân sủng của Thiên Chúa có làm mất tự do con người không?
T. Ân sủng chẳng những không làm mất tự do của con người, mà còn tăng thêm tự do nội tâm. Nhờ ân sủng, Chúa Thánh Thần giáo dục con người trở thành những cộng tác viên đắc lực của Người.

Bài 41: TRÁCH NHIỆM LUÂN LÝ
1749-1775 "Các người chết được xét xử tùy theo việc họ đã làm chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách" (Kh 20,12).

299- H. Muốn đánh giá một hành vi là tốt hay xấu, nặng hay nhẹ, ta dựa vào đâu?
T. Ta dựa vào ba điểm này:
Một là điều ta chọn là tốt hay xấu,
Hai là ta nhắm mục đích tốt hay xấu,
Ba là những hoàn cảnh lúc ấy làm cho sự việc thành nặng hoặc nhẹ hơn.
300- H. Mục đích ta nhắm ảnh hưởng đến việc ta làm như thế nào?
T. Một hành động tốt được làm vì mục đích xấu, sẽ trở thành xấu, và ngược lại, mục đích dù tốt đến đâu cũng không làm cho hành động xấu trở thành tốt, vì “mục đích không biện minh cho phương tiện”.
301- H. Hành vi tốt xấu của con người còn bị điều gì chi phối nữa không?
T. Còn bị chi phối bởi bảy xúc cảm chính là: mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét và ham muốn (Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục).
302- H. Vậy ta phải làm gì đối với các xúc cảm của ta?
T. Ta cần tập làm chủ và qui hướng các xúc cảm ấy đến những điều tốt.

Bài 42: LƯƠNG TÂM
1776-1802 "Dân ngoại là những người không có luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình" (Rm 2,14).

303- H. Lương tâm là gì?
T. Lương tâm là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi đáy lòng mỗi người để soi dẫn họ làm lành lánh dữ.
304- H. Ta phải nghe theo tiếng lương tâm thế nào?
T. Ta buộc phải luôn lắng nghe và làm theo tiếng lương tâm.
305- H. Thế nào là lương tâm ngay thẳng?
T. Là lương tâm gồm ba yếu tố này:
Một là nhận biết các nguyên tắc luân lý,
Hai là ứng dụng các nguyên tắc ấy vào hoàn cảnh cụ thể.
Ba là phán quyết về các hành vi cụ thể đã làm, đang làm hay sắp làm.
306- H. Ta phải làm gì để đào tạo lương tâm mình?
T. Ta phải xa lánh tội lỗi, phải cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa, nghe theo các giáo huấn của Hội Thánh, vâng lời những người có trách nhiệm dạy dỗ ta và năng bàn hỏi với những người đạo đức khôn ngoan.
307- H. Có những nguyên nhân nào khiến lương tâm phán đoán sai lạc không?
T. Có ba nguyên nhân này:
Một là do không chịu học hỏi khiến lương tâm thiếu hiểu biết,
Hai là do qua quen phạm tội khiến lương tâm trở thành chai lì mù quáng,
Ba là do những hoàn cảnh bên ngoài tác động.

Bài 43: NHÂN ĐỨC
1803-1811, 1833-1839 "Thưa anh em, những gì là chân thật, cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý" (Pl 4,8).

308- H. Nhân đức là gì?
T. Nhân đức là thói quen tốt và bền vững giúp ta làm sự thiện cách dễ dàng hơn.
309- H. Có mấy thứ nhân đức?
T. Có hai thứ:
Một là các nhân đức nhân bản giúp ta hoàn thiện chính mình và sống tốt với mọi người,
Hai là các nhân đức đối thần, trực tiếp qui về Thiên Chúa, giúp ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời.
310- H. Có mấy nhân đức nhân bản?
T. Có nhiều nhân đức nhân bản, trong đó bốn nhân đức chính là: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ.
311- H. Đức khôn ngoan là gì?
T. Đức khôn ngoan là nhân đức giúp ta nhận rõ điều tốt cần làm và những phương tiện chính đáng để làm điều tốt ấy.
312- H. Đức công bằng là gì?
T. Đức công bằng là nhân đức giúp ta quyết tâm dành cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và dành cho người khác những gì thuộc về họ.
313- H. Đức dũng cảm là gì?
T. Đức dũng cảm là nhân đức giúp ta bền lòng bền chí theo đuổi điều thiện dù gặp nhiều gian nan thử thácH.
314- H. Đức tiết độ là gì?
T. Đức tiết độ là nhân đức giúp ta biết tự chủ trước sức quyến rũ của các thú vui và giữ được chừng mực khi hưởng dùng mọi sự ở đời này.
315- H. Có kinh nào giúp ta dễ nhớ những nhân đức phải tập luyện chăng?
T. Có kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức”:
Thứ nhất Khiêm nhượng chớ kiêu ngạo,
Thứ hai Rộng rãi chớ hà tiện,
Thứ ba Giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục,
Thứ bốn Hay nhịn chớ hờn giận,
Thứ năm Kiêng bớt chớ mê ăn uống,
Thứ sáu Yêu người chớ ghen ghét,
Thứ bảy Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.

Bài 44: NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN
1812-1832. 1840-1845 "Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" (1Cr 13,13).

316- H. Có mấy nhân đức đối thần?
T. Có ba nhân đức đối thần là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
317- H. Đức Tin là gì?
T. Đức Tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta trao phó trọn bản thân và đời mình cho Thiên Chúa, cùng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải mà Hội Thánh truyền lại cho ta.
318- H. Đức Cậy là gì?
T. Đức Cậy là ơn Thiên Chúa ban giúp ta dựa vào sức mạnh Chúa Thánh Thần mà vững lòng mong đợi hạnh phúc Nước Trời Chúa Giêsu đã hứa ban.
319- H. Đức Mến là gì?
T. Đức Mến là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và lại vì Chúa mà yêu thương mọi người như chính bản thân.
320- H. Ngoài ba nhân đức đối thần, ta còn được hưởng những ơn nào nữa không?
T. Ta còn được nâng đỡ bởi bảy ơn Chúa Thánh Thần:
Một là ơn khôn ngoan,
Hai là ơn hiểu biết,
Ba là ơn thông minh,
Bốn là ơn biết lo liệu,
Năm là ơn sức mạnh,
Sáu là ơn đạo đức,
Bảy là ơn biết kính sợ Thiên Chúa.

Bài 45: TỘI LỖI
1846-1876 "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta" (1Ga 1,8).

321- H. Tội là gì?
T. Tội là lời nói, việc làm hoặc ước muốn nghịch với Luật Chúa. Tội xúc phạm đến Thiên Chúa, gây tổn thương cho bản thân và cho tình liên đới với tha nhân.
322- H. Thế nào là tội trọng?
T. Tội trọng là cố tình phạm luật Thiên Chúa trong những điều quan trọng mà ta kịp suy biết.
323- H. Tội trọng làm hại ta thế nào?
T. Tội trọng phá hủy sự sống và phẩm giá cao quý của con người; đồng thời cắt đứt tình nghĩa với Thiên Chúa, và nếu không hối cải, thì sẽ phải xa cách Người đời đời.
324- H. Khi lỡ phạm tội trọng thì phải làm gì?
T. Phải thực lòng thống hối và lo liệu đi xưng tội ngay, đồng thời dùng mọi phương thế để không tái phạm nữa.
325- H. Thế nào là tội nhẹ?
T. Tội nhẹ là khi lỗi phạm một điều luật nhẹ hoặc một điều luật nặng nhưng chưa kịp suy biết đầy đủ hoặc chưa hoàn toàn ưng theo.
326- H. Tội nhẹ làm hại ta thế nào?
T. Tội nhẹ khiến ta giảm bớt lòng mến Chúa, dễ hướng chiều về điều xấu và dễ phạm tội trọng hơn.
327- H. Các tội ta phạm thường do những nết xấu nào?
T. Thường do bảy nết xấu này, quen gọi là bảy mối tội đầu:
Một là kiêu ngạo,
Hai là hà tiện,
Ba là dâm ô,
Bốn là hờn giận,
Năm là mê ăn uống,
Sáu là ghen ghét,
Bảy là lười biếng.
328- H. Khi nào ta có trách nhiệm đối với tội người khác?
T. Ta có trách nhiệm đối với tội người khác phạm khi chỉ bày, khuyến khích, cộng tác cách trực tiếp hay gián tiếp, bao che hoặc không ngăn cản khi có thể.
329- H. Chúa có thái độ nào đối với tội nhân?
T. Chúa hằng tỏ lòng từ bi thương xót và sẵn sàng tha thứ cho những người thật lòng sám hối ăn năn.
330- H. Ta phải có thái độ nào đối với tội lỗi?
T. Ta phải dứt khoát với tội lỗi, xa tránh dịp tội, siêng năng xưng tội, rước lễ và cố gắng đổi mới đời sống hằng ngày.

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI
1887-1948
Bài 46: CON NGƯỜI XÃ HỘI
1878-1896 "Đức Chúa phán với ông Cain: “Aben, em ngươi đâu rồi”.... Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta" (St 4,9).

331- H. Vì sao con người có tính xã hội?
T. Vì con người được dựng nên theo hình ảnh cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa, nên tự bản chất con người có tính xã hội.
332- H. Ta phải sống thế nào để thăng tiến bản thân theo đúng ơn gọi của mình?
T. Ta phải sống liên đới với mọi người trong xã hội, gặp gỡ nhau, đối thoại với nhau và phục vụ lẫn nhau.
333- H. Thiên Chúa muốn ta sống trong xã hội như thế nào?
T. Thiên Chúa muốn ta sống hài hòa với mọi người, xây dựng một nền văn minh tình thương theo mẫu mực Ba Ngôi Thiên Chúa.
334- H. Các tổ chức xã hội phải nhắm tới điều gì?
T. Các tổ chức xã hội phải nhắm tới việc phục vụ và phát triển con người toàn diện.
335- H. Muốn cho xã hội phát triển tốt đẹp, các tổ chức cấp cao cần phải hành động như thế nào?
T. Các tổ chức cấp cao cần bảo trợ và bổ túc những đoàn thể cấp thấp hơn để những đoàn thể này và các cá nhân dễ phát huy sáng kiến và chu toàn trách nhiệm của mìnH.
336- H. Người kitô-hữu có bổn phận nào đối với xã hội?
T. Người Kitô-hữu cần tích cực hoán cải nội tâm và cổ võ công bằng bác ái, đồng thời góp phần đổi mới các định chế và điều kiện sống trong xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng.

Bài 47: THAM GIA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
1897-1927 "Bằng mọi cách tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35).

337- H. Các quyền bính trong xã hội do đâu mà có?
T. Mọi quyền bính hợp pháp đều do Thiên Chúa ban cho để phục vụ ích chung của xã hội. Vì thế, mọi người cần tuân phục và tôn trọng.
338- H. Người cầm quyền phải cư xử thế nào?
T. Người cầm quyền không được cư xử độc tài, tuỳ tiện, nhưng phải hành động vì ích chung theo đúng các đòi hỏi luân lý.
339- H. Ích chung là gì?
T. Ích chưng là tất cả những điều kiện xã hội giúp cho các tập thể và từng người phát triển cách toàn diện và dễ dàng hơn. Ích chung có thể mang tầm mức một đoàn thể, một quốc gia hoặc toàn thế giới.
340- H. Ích chung gồm những yếu tố nào?
T. Gồm ba yếu tố này:
Một là tôn trọng phẩm giá con người,
Hai là nhắm đến phúc lợi của mọi người và sự phát triển xã hội,
Ba là góp phần xây dựng một trật tự công bằng bền vững.
341- H. Ta phải tham gia xây dựng ích chung thế nào?
T. Ta phải tham gia bằng những cách này:
Một là chu toàn các trách nhiệm cá nhân trong xã hội,
Hai là tích cực góp phần vào sinh hoạt chung,
Ba là sống đúng theo các đòi hỏi của lương tâm trong các bổn phận xã hội.

Bài 48: CÔNG BẰNG XÃ HỘI
1928-1948 "Khi cày, thợ cày phải mong được chia phần; và khi đạp lúa, kẻ đạp lúa phải mong được chia phần" (1Cr 9,10).

342- H. Công bằng xã hội là gì?
T. Là những điều kiện thuận lợi giúp cho cá nhân cũng như tập thể đạt được những gì họ có quyền đạt tới. Những điều kiện này là: tôn trọng con người, xây dựng sự bình đẳng và tình liên đới nhân loại.
343- H. Thế nào là tôn trọng con người?
T. Tôn trọng con người là coi người khác như chính bản thân mình và tích cực phục vụ mọi người, kể cả những người suy nghĩ và hành động khác ta cũng như những kẻ thù ghét ta.
344- H. Ta phải có thái độ nào đối với người nghèo khổ?
T. Ta phải yêu thương và giúp đỡ những người cùng cực túng bấn, vì Chúa Giêsu đã dạy rằng: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
345- H. Tại sao mọi người đều bình đẳng với nhau?
T. Mọi người đều được bình đẳng với nhau vì có cùng một phẩm giá như nhau và do đó, có cùng những quyền lợi căn bản như nhau.
346- H. Sự khác biệt giữa người này với người kia nhắc ta nhớ điều gì?
T. Nhắc ta bài học về tình liên đới và chia sẻ, nhờ đó góp phần làm phong phú cho nhau.
347- H. Mọi người sống liên đới với nhau thế nào?
T. Mọi người cần biết chia sẻ trách nhiệm với nhau và nâng đỡ nhau về vật chất cũng như tinh thần để cùng nhau nỗ lực xây dựng một trật tự xã hội công bằng hơn.

CHƯƠNG III: ƠN CHÚA CỨU ĐỘ - LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG
1949-2051
Bài 49: LUẬT LUÂN LÝ
1950-1986 "Ta sẽ đặt luật của Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết trên tim lòng chúng" (Gr 31,33).

348- H. Thiên Chúa đã ban điều gì để hướng dẫn ta đi trong đường lối Người?
T. Thiên Chúa đã ban luật luân lý, gồm luật tự nhiên, luật Cựu ước và luật Tân ước.
349- H. Luật tự nhiên là luật nào?
T. Luật tự nhiên là luật được Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn mọi người, ở mọi nơi và mọi thời để giúp lý trí phân biệt điều thiện, điều ác.
350- H. Luật Cựu ước là luật nào?
T. Luật Cựu ước là luật Thiên Chúa đã ban cho dân Israel qua Môsê tại núi Sinai, gồm tóm trong Mười Điều răn.
351- H. Luật Tân ước là luật nào?
T. Luật Tân ước là luật đã được Chúa Kitô công bố cách đặc biệt trong bài giảng trên núi. Luật Tân ước là luật yêu thương, luật ân sủng và tự do.
352- H. Luật Tân ước có giá trị như thế nào?
T. Luật Tân ước kiện toàn luật tự nhiên và luật Cựu ước, đòi ta phải thay đổi tận cõi lòng để nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x.Mt 5,48).
353- H. Các lời khuyên Tin Mừng là gì?
T. Các lời khuyên Tin Mừng là những lời mời gọi và chỉ dẫn đặc biệt để giúp ta đạt tới mức hoàn hảo hơn trên con đường thiêng liêng tùy theo ơn gọi của mỗi người.

Bài 50: ƠN CHÚA
1987-2029 "Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5).

354- H. Bởi sức tự nhiên ta có thể sống đẹp lòng Thiên Chúa không?
T. Nếu không có ơn Chúa giúp thì chẳng được, như lời Chúa Giêsu phán rằng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được!” (Ga 15,5).
355- H. Ơn Chúa là gì?
T. Ơn Chúa là sự trợ giúp Thiên Chúa ban, để ta sống xứng đáng là con cái Người và được dự phần vào sự sống thâm sâu của Ba Ngôi.
356- H. Có mấy thứ ơn Chúa?
T. Có hai thứ:
Một là ơn thánh hóa có tính cách thường xuyên,
Hai là ơn trợ giúp tuỳ hoàn cảnH.
357- H. Ơn Chúa hoạt động nơi ta như thế nào?
T. Ơn Chúa thúc giục ta tin vào Chúa Kitô, rồi khi chịu phép Rửa tội ta được công chính hóa, tức là được tha tội, được thánh hóa và trở nên con người mới.
358- H. Ngoài ơn công chính hóa, ta còn được những ơn nào?
T. Ta còn được nhiều ơn riêng do các bí tích khác, rồi những ơn dành cho chức phận mình, và có khi được những ơn đặc biệt để phục vụ cộng đoàn gọi là các đoàn sủng.
359- H. Ta phải cộng tác với ơn Chúa thế nào?
T. Ta phải tỉnh thức để mau mắn đón nhận và nỗ lực cộng tác với ơn Thiên Chúa ban.
360- H. Nếu mọi sự đều do ơn Chúa thì con người có công trạng gì?
T. Bởi sức tự nhiên ta chẳng có công trạng gì, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, ta có thể lập công cho mình và cho người khác.

Bài 51: HỘI THÁNH LÀ MẸ VÀ THẦY
2030-2051 "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20).

361- H. Hội Thánh giúp gì cho ta trong việc giữ luật Chúa?
T. Hội Thánh là người thầy dạy dỗ và là người mẹ nâng đỡ ta trong việc sống theo luật Chúa dạy.
362- H.Quyền giáo huấn của Hội Thánh bao gồm những lãnh vực nào?
T. Hội Thánh có quyền và có trách nhiệm rao giảng chân lý về ơn cứu độ, loan báo ở mọi nơi và mọi thời những nguyên tắc luân lý, cả những gì liên quan đến trật tự xã hội và phẩm giá con người.
363- H. Hội Thánh thực hiện quyền giáo huấn bằng cách nào?
T. Quyền giáo huấn của các chủ chăn trong Hội Thánh thường được thực hiện bằng việc giảng dạy đạo lý dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền.
364- H. Trong trách nhiệm ấy, Hội Thánh được Chúa gìn giữ thế nào?
T. Hội Thánh được Chúa gìn giữ để không sai lầm khi giảng dạy về đức tin và luân lý.
365- H. Để giúp ta tăng lòng mến Chúa yêu người, Hội Thánh có những điều răn nào?
T. Hội Thánh có sáu điều răn:
Thứ nhất: Dự lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc
Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc,
Thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần
Thứ bốn: Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục sinh,
Thứ năm: Giữ chay những ngày Hội Thánh buộc,
Thứ sáu: Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng các ngày khác Hội Thánh dạy.
366- H. Người tín hữu cần đón nhận giáo huấn của Hội Thánh thế nào?
T. Người tín hữu có bổn phận tích cực tìm hiểu và vâng nghe các giáo huấn của Hội Thánh với tình con thảo.
367- H. Người tín hữu góp phần xây dựng Hội Thánh cách nào?
T. Bằng cách sống thánh thiện, tham gia và đóng góp cho các hoạt động của Hội Thánh, nhất là trong việc Truyền giáo.