Lich sử:
Việc tôn kính Thánh gia trong giáo hội Công
giáo chính thức bắt đầu vào thế kỷ 17 bởi Giám mục Chân Phước François de
Laval, người Canada gốc Pháp, vị giám mục đầu tiên của Québec.Dòng Ða Minh và
dòng Phanxicô cũng đã góp một phần lớn vào phong trào sùng kính Thánh gia này.
Lễ kính Thánh gia:
Lễ Thánh Gia bắt đầu trước tiên từ Canada, dần
dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Thời kỳ này, người ta nhận
thấy các gia đình bị tục hóa, nhiều gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia
đình bị tiêu tán. Có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Vì vậy tín hữu
tìm tới gia đình gương mẫu Thánh Gia để giúp các gia đình công giáo sống đạo và
sống ơn bí tích hôn phối.
Năm 1893, Giáo hoàng Lêô XIII cho tổ chức lễ
kính Thánh Gia vào ngày chủ nhật trong tuần lễ Bát Nhật của Lễ Ba Vua, nghĩa là
trong khoảng từ ngày 07 tháng 01 đến ngày 13 tháng 01 của năm. Trong năm này,
người ta thấy có việc cử hành lần đầu tiên một lễ kính Thánh Gia, do lời xin với
Tòa Thánh từ các giáo phận hoặc các dòng tu có lòng tôn sùng Thánh Gia.
Tranh sơn dầu "Thánh Gia với Chúa Thánh
Thần" của Bartolomé Esteban Murillo (1618-1682)
Tuy nhiên, lễ Thánh Gia vẫn chỉ cho phép một số
nơi cử hành, sau đó mới lan ra trong toàn thể giáo hội Công giáo. Và lễ Thánh
Gia vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong Năm phụng vụ.
Năm 1911, trong sách Lễ Rôma, do Giáo hoàng Piô
X cho tu sửa và công bố, cũng không có lễ Thánh gia. Năm 1920, lễ Thánh Gia mới
lại được đưa vào trong sách lễ Rôma, và chỉ định ngày chủ nhật thứ I sau lễ Hiển
Linh.
Ngày 26 tháng 10 năm 1921, Thánh Bộ Nghi lễ đã
ra một sắc lệnh truyền cử hành một số lễ trong toàn thể Giáo hội, trong số lễ
này, có lễ Thánh Gia, được cử hành vào chủ nhật Bát nhật sau Lễ Hiển Linh.
Năm 1969, Lễ Thánh Gia và lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên
Chúa, là hai lễ được sắp xếp lại khi cải tổ năm phụng vụ và lịch phụng vụ do
Công đồng Vaticanô II khởi xướng. Kết quả của việc cải tổ này áp dụng cho toàn
thể Giáo hội Công Giáo là lễ Thánh Gia được dời sang chủ nhật trong Tuần Bát nhật
Lễ trọng Giáng sinh, hoặc nếu không có ngày chủ nhật thì cử hành vào ngày 30
tháng 12
Hiện nay lễ Thánh gia thất được cử hành vào
chủ nhật ngay sau lễ Giáng Sinh. Nếu Lễ Giáng Sinh và tết Dương Lịch rơi vào chủ
nhật (tức là không có chủ nhật nào ở khoảng giữa), lễ Thánh Gia Thất sẽ được cử
hành vào ngày 30 là ngày thứ sáu.
Ý nghĩa lễ Thánh gia:
Năm 1921, khi ban hành việc mở rộng lễ Thánh
Gia cho toàn thể Giáo hội Công Giáo, Thánh Bộ Nghi lễ ban sắc lệnh như sau:
"Việc mừng lễ Thánh Gia thất với một lễ phụng vụ là một điều rất thích hợp
và giúp cho việc phát triển lòng sùng mộ đối với Thánh gia. Ngoài ra nhờ việc cử
hành này, mà chúng ta suy niệm và bắt chước các nhân đức của các thành phần Thánh
thiện trong gia đình Nazareth". Như vậy việc mừng lễ Thánh gia có chủ đích
thần học là để ca tụng tôn vinh Ba Đấng Thánh trong nhà Nazareth. Việc này nhằm
giới thiệu cho các gia đình Công Giáo về một gia đình kiểu mẫu trong kinh Thánh
để học tập theo.
Đây cũng là dịp để những thành viên trong gia
đình nhớ về công lao của cha, mẹ và thêm gắn bó với gia đình của họ.
Các hoạt động:
Thánh gia cũng được chọn làm bổn mạng cho nhiều
giáo xứ, nên việc tổ chức lễ kính Thánh Gia thường với quy mô lớn quy tụ nhiều
người.
Lễ Thánh Gia cũng là dịp để mừng kỷ niệm ngày
cưới theo từng năm của các gia đình (lễ "ngọc khánh", "ngân
khánh" hay "kim khánh" trong hôn phối). Việc kỷ niệm này mang ý
nghĩa chúc mừng và khích lệ các đôi hôn nhân trong dịp kỷ niệm thành hôn và nhắc
nhở các Kitô hữu nhìn lại để canh tân đời sống hôn nhân gia đình.
Tên "Thánh Gia" ngoài việc đặt cho một
số nhà thờ, còn được đặt cho một số hội dòng, trường đại học và bệnh viện…