Ads

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

THÁNH STÊPHANÔ, NGÀY 26-12

Thánh STÊPHANÔ - Tử Đạo Tiên Khởi
Thật đáng tiếc khi chúng ta không biết được nhiều hơn về thánh Stephanô. Như một người trong số người Do thái lưu lạc nói tiếng Hy Lạp, được giáo dục theo văn minh La-Hy và như vị tiền hô của thánh Phaolô, Ngài là một nhân vật rất quan trọng trong lịch sử Giáo hội thời sơ khai.

Có chút hiển nhiên là Ngài đã được giáo dục tại Alexandria. Có lẽ Ngài thuộc vào số những người "Hy Lạp" tìm Chúa vào những ngày cuối cùng của Người trên trần gian (Ga 12,20). Nếu đúng như vậy thì quả Ngài đã chứng minh nơi con người mình những lời Chúa Giêsu đã nói rằng: "hạt lúa mì không thể sinh hoa trái nếu không rơi xuống đất và chết đi" (Ga 12,24-25).

Ngài xuất hiện lần đầu trong lịch sử như một trong bảy vị Phó tế các tông đồ đã tấn phong (Cv 6) để trợ giúp các Ngài trong việc quản trị, nhưng Ngài dường như đã dấn mình vào việc rao giảng và hộ giáo hướng tới những hội đường nói tiếng Hy Lạp. Chính ở nơi một những hội đường này mà nhóm người "tự do" đã tố cáo Ngài truóc hội đồng công tọa như một người lạc đạo. Họ bắt giam và thử thách thánh Stephanô.

Diễn từ Stephanô nói để biện minh cho mình được thánh Luca kể lại khá dài dòng và xem ra có hơi buồn đối với độc giả tân tiến. Đó là gì, nếu không phải là một đoạn lược tóm lịch sử Cựu ước? Tại sao nó lại đưa những người học thức tới cơn giận dữ không kiềm chế nổi?

Bởi vì sự vặn ngược trong đó cũng như sự giải thích minh nhiên hoặc mặc nhiên không đặt vào câu chuyện. Ngài đưa ra hai điểm: trước hết, Thiên Chúa không chỉ tìm được trong đền thờ hay ở Giêrusalem hoặc ở Palestina, nhưng ở bất cứ nơi nào. Thiên Chúa ở với Abraham tại Chaldes, với Giuse ở Ai cập, với Môsê trên núi Sinai, với dân Israel trong sa mạc,với David cả trước khi xây cất đền thờ. Điểm thứ hai là các nhà lãnh đạo chính thức của Do thái thường hay khước từ sứ giả của Chúa. Các tổ phụ bán Giuse đi làm nô lệ, miêu duệ của họ bắt Môsê phải lưu lạc, trong hoang địa, Aaron dẫn họ xa khỏi lề luật mà thờ ngẫu tượng. Liên tiếp, các thủ lãnh của dân Do thái đã loại bỏ, ném đá và bắt bớ những ngôn sứ của Chúa. Bấy giờ tới tuyệt đỉnh, họ đã sát hại Đấng thiên sai, người công chính, Con người. Nhưng Chúa Giêsu bây giờ đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang.

Hội đồng công tọa điên tiết. Họ xô Stephanô ra một chỗ ở ngoài thành và ném đá. trước khi chết, Ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ". Lời cầu đã được Chúa và cả Saulê nghe thấy. Saulê có mặt trong vụ này. Ông biết mình đang chứng kiến một tội phản. Tự mình, ông không ném đá nhưng giữ áo cho nhóm người hành sự. Sau này, ông cố trấn an lương tâm bằng việc bắt bớ dữ dội các Kitô hữu khác. Nhưng khốn cho ông khi đạp mũi nhọn. Sau đó không lâu, ông đi Damas, con đường dẫn ông tới cuộc tử đạo như Stephanô. Thánh Augustinô nói: "Nếu Stephanô không cầu nguyện, Giáo hội khó có thể có được một Phaolô".
-------------   -------------
Lời Chúa: Cv 6, 8-10; 7, 54-60
Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Stêphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stêphanô.
Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Suy Niệm
Giáo Hội mừng kính lễ thánh Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh.
Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu. Người làm chứng đã trở thành người tử đạo. Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5),đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8).
Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9). Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông. Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12). Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7). Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.

Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15). Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa. Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu. Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56). Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy.
“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”
Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người, một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân.
Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa. Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành. Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58). Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).

Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu. Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung. Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện.Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy:
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59).
Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài, như Ngài đã trao đời Ngài vào tay Cha. Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết, Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông. Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình. “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).

Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi. Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần. Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới.
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng. Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình. Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết, chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.   

Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại chọn những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, và chúng con thật sự đắn đo trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng chọn Chúa là lội ngược dòng, theo Chúa là bước vào con đường hẹp: con đường nghèo khó và khiêm nhu, con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng, nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người. Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa. Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa nhiều lần trong ngày, qua những chọn lựa nhỏ bé,để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, và để chúng con thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ