Theo nhà thiên văn học Johan Kepler (thế kỷ thứ
XVII), bình thường các ngôi sao vẫn quay cách đều nhau, nhưng vào năm Chúa
Giáng Sinh, sao Thổ - Jupiter và sao Hỏa – Saturn, nhích lại sát nhau đến độ ánh
sáng của ngôi sao này cộng hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng
sáng khác thường kéo dài đến cả mấy tháng… Sự kiện lạ thường đó đượcc gọi là
ánh sao Đấng Cứu Thế. Thánh Thi diễn tả:
Kìa xem điềm lạ ánh sao.
Hào quang rộng tỏa khắp bầu không trung.
Ánh sao lạ mọc lên phía trời Tây (phía Tây của
miền Lưỡng Hà), khiến cho các đạo sĩ ở phương Đông làm cuộc hành trình tìm kiếm
Đấng được tỏ hiện bằng Ngôi Sao lạ tỏa sáng, mà Lời Ngôn sứ được tiên báo bởi một
phù thủy dân ngoại xa xưa tên là Balaam: “Một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacóp, một
vương trượng nổi dậy từ nhà Israel” (Ds 24,17).
Xa xưa trong hành trình xuất hành, Thiên Chúa
đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa,
với các đạo sĩ phương Đông, Ngài dùng ánh sao dẫn đường đến Belem để gặp Đấng Cứu
tinh, trong thân phận một Hài Nhi được đặt trong máng cỏ, Thánh Augustino nhận
định: "Một mầu nhiệm vĩ đại: Có một Hài nhi đang nằm trong máng cỏ, và bé
thơ này đã dẫn dắt các vị Đạo sĩ đến từ phương Đông. Hài nhi ẩn mình trong chuồng
chiên lừa, đã được tỏ hiện lộ trên bầu trời (bằng ánh sao sáng), để sự tỏ biểu
trên bầu trời sẽ được thực hiện nơi chuồng chiên lừa , sự tỏ hiện này cùng lúc
biểu lộ sự vĩ đại và sự khiêm tốn của Hài Nhi. Sự tỏ hiện trên bầu trời, đã được các đạo sĩ tìm kiếm và
thấy trong chuồng chiên bò… Ngài được yêu mến tôn thờ bởi các đạo sĩ và làm lo sợ các con người thiếu thiện tâm.
(Saint Augustin: sermon CC).
Chính Hài nhi là ngôi sao cứu tinh của nhân loại
như chính tên Giêsu: Đấng Cứu Chuộc. Hài nhi là Đấng Messia, là Chúa Kitô, Ngài
là "ánh sáng chiếu soi muôn dân" mà Ngôn sứ Isaia loan báo: "Hãy đứng lên, hãy tỏa
sáng ra" (x. Is 60,1-6).
Tỏa sáng từ bầu trời mà các đạo sĩ dõi theo nên
Thánh Augustino nói: «Nếu các mục đồng đã nhận được các tin vui từ các thiên thần
và các Đạo sĩ bởi ngôi sao. Tất cả đã đều nhận được từ trên trời, biết rằng Vua Trời đất
hữu hình trên trái đất, để vinh quang ca ngợi Thiên Chúa trên các tầng Trời và
hòa bình trên trái đất được trao ban cho con người thiện chí (Saint Augustin:
sermon CXCIX).
Các nhà Đạo sĩ là hình ảnh cho những người
thành tâm thiện chí, tuy không thuộc niềm tin chờ đợi đấng Cứu Thế. Nhưng họ vẫn
luôn tìm kiếm chân lý và khi thấy dấu lạ Đấng phải đến qua một vì sao, họ đã
tìm kiếm trong kiên trì và cuối cùng họ đã gặp được Hai Nhi Giêsu và dâng cho Ngài những thứ quý giá nhất.
Sự viếng thăm của ba nhà đạo sĩ dân ngoại được
coi là cách Thiên Chúa dùng để tỏ mình ra cho nhân loại. Chúa mời gọi tất cả mọi
người: Do thái và người ngoại giáo, khắp cùng trái đất đến nhận lãnh ơn cứu độ.
Các nhà đạo sĩ "thờ lạy" Hài nhi: Động từ "thờ lạy" (preskunêô) được Kinh Thánh Cựu Ước thường dùng để chỉ việc lương dân đến tôn thờ Giavê
trong Đền Thờ. Thánh sử Matthêu dùng lại động từ «thờ lạy» nói đến tính đại đồng
của ơn cứu rỗi mà Đức Giêsu mang đến, tất cả muôn dân sẽ đến thờ lạy Thiên
Chúa. Trong sách Tin Mừng Matthêu nhấn mạnh rằng: các dân tộc "sẽ đến từ
phương Đông và phương Tây, an phần vào bữa tiệc với Abraham" (Mt 8,11).
Các nhà Đạo sĩ thờ lạy và dâng lên Hài Nhi các
lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược, là những lễ vật được dâng cho bậc vương giả
(xem Tv 72,15 vàng, Is 60,6 vàng và hương, Tv 45,8 mộc dược). Các lễ vật như là
cử chỉ niềm tin của các đạo sĩ tuyên bố: Hai Nhi là Đấng Quân Vương mang tính
thần tính và nhân tính. Vàng có tính cách quý báu và cao sang, trong thời xưa
dành cho vua chúa. Dâng vàng cho Hài đồng Giêsu có ý nói Hài nhi Giêsu là Vua,
vàng cũng biểu tượng cho lòng mến của con người, Đấng vì yêu mến làm tất cả cho
con người. Nhũ hương - Trầm hương dùng trong việc tế lễ trong sự ca ngợi và thờ
lạy Thiên Chúa. Chúa Hài đồng là Thiên Chúa được thờ lạy và ca tụng, cho nên trầm
hương còn chỉ sự vinh quang. Mộc Dược dùng để chữa lành người bệnh và tẩm liệm
thi thể người chết thời xưa. Mộc dược nói lên nhân tính và loan báo sự chết của
Hài nhi, Ngài được tẩm ướp và chôn trong mồ. Mộc dược cũng biểu tượng cho sự hy
sinh, Hài Nhi - Đấng sẽ hy sinh.
Dõi theo ánh sao hang đá Belem, và theo chân
các Đạo sĩ, chúng ta được mời gọi đến bên Hài Nhi Giêsu để thờ lạy, và dâng lên
Ngài lễ vật cuộc đời, như Thánh Léo Cả nhận định: «Mặc dù tất cả giàu có, phong phú đến từ
Thiên Chúa, Thiên Chúa mong đợi chúng ta dâng hiến hoa trái của việc làm nơi
chúng ta; Nuớc trời không dành cho những con người mê ngủ, nhưng cho những người
thức tỉnh và làm việc trong lệnh truyền của Thiên Chúa (saint Léon le Grand:
sermon XXXII, pour l’Epiphanie, II 4).
Thật thế đời chúng ta là của lễ không hề ngưng
với những hoa quả thường ngày là lao công: công việc hàng ngày với tinh thần
trách nhiệm mến yêu là vàng, với sự hy sinh cao cả là mộc dược, với tâm tình hớn
hở phục vụ cho vinh quang Thiên Chúa tựa
như trầm hương…
"33 năm sau", (tựa đề câu chuyện) viếng
Hài Nhi, một trong ba đạo sĩ đã đi triều bái vua Do Thái mới sinh tự hỏi "Những
gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?".. Suốt cuộc đời, ông không thể nào quên
được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh
sáng sao lạ dẫn ông đến hang đá Bêlem. Tiếp câu hỏi: "Liệu đứa bé ấy có trị
vì dân Israel được không?". Làm cho đạo sĩ bồn chồn đứng ngồi không yên. Rồi
chẳng dừng được, một lần nữa ông quyết định lên đường đi đến Palestine. Tại
Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến những vì sao lạ, nhưng không ai biết
gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy. Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều
lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà đạo sĩ biết:Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người
nói phạm thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử
"tử hình thập giá".
Thất vọng ê chề, đạo sĩ thẫn thờ nhập vào đoàn
những người hành hương trở lại Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần. Chen lấn
vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, ông chú ý đến một đám đông đang bu
quanh một nhóm người. Tò mò đạo sĩ lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ
nói: "Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm xàm".
Nhưng tai ông lại nghe một người trong nhóm nói
tiếng nước mình và rõ ràng ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng
đinh, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Như bị một sức mạnh vô
hình thúc đẩy, đạo sĩ chen vào đám đông cất tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông
Giêsu đó ở đâu?". Ðại diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô
trả lời: "Ngài đang ở giữa chúng tôi. Ngài đang ở trong chúng tôi. Chúng
tôi là môi miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của Ngài".
Trong lúc Phêrô đang nói, bỗng có một luồng gió
thổi mạnh và hình lưỡi lửa một lần nữa thổi tràn xuống mọi người, đạo sĩ bỗng lại
thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống
mọi người.
Trong tâm hồn, ông chợt hiểu: Mỗi người phải trở
nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi người phải là ngôi sao sáng mang Ngài đến cho mọi người xung quanh bằng
chính của lễ cuộc đời đầy ắp vàng – lòng mến, vinh quang cho Thiên Chúa và đến
với con người – trầm hương, hy sinh phục vụ vì anh em là mộc dược cuộc đời.
Thật chí lý từ xa xưa, Thánh Phaolô kêu gọi
chúng ta “Giữa thế hệ đó anh em hãy chiếu
sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philipphê 2,15) – Thánh Phêrô xác tín: "Sao Mai xuất hiện
trong lòng chúng ta" (2 Pr 1, 19) – Ðức Giêsu đã nói: "Các con là ánh sáng thế
gian" (Mt. 5, 14).
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn