1. Mục đích và ý nghĩa:
+ Trở về với Thiên Chúa.
+ Noi gương Chúa Giêsu và vâng lời
Giáo Hội.
+ Hy sinh hãm mình đền tội.
+ Thành tâm sám hối tội lỗi.
+ Tham gia công tác từ thiện, bác
ái.
+ Cầu nguyện và làm việc lành.
2. Tiêu chuẩn:
+ Tuổi giữ chay, theo GL 97 và
1252: “Mọi tín hữu tuổi từ 18 cho đến 60 tuổi thì buộc phải giữ chay”.
+ Tuổi ăn kiêng, theo GL 1252 “buộc
những tín hữu tuổi từ 14 trở lên”.
+ Tại Việt Nam hiện nay chỉ còn buộc
giữ chay hai ngày: Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. (Một số giáo phận còn
giữ luật cũ tất cả các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay).
+ Luật giữ chay kiêng thịt cũng có
thể miễn hoặc giảm cho những người (già yếu, đau bệnh, phụ nữ có thai, phụ nữ
nuôi con bằng sữa mẹ…).
3. Cách thức:
+ Chỉ ăn một bữa no trong ngày. Nếu
lấy bữa trưa làm chính thì bữa sáng và bữa tối chỉ được ăn chút đỉnh mà thôi.
+ Không ăn các loại “thịt”.
+ Không ăn quà vặt trong ngày.
+ Không uống các thức uống có chất
kích thích như rượu, bia…
4. Kinh Thánh dạy ta ăn chay như thế nào để đẹp lòng
Thiên Chúa?
* Is 58,2-12: Cách ăn chay mà Ta ưa
thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho
người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần
thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?
* Ge 2,12-13: Đây là sấm ngôn của Đức
Chúa: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn
chay, khóc lóc, và thống thiết than van". Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.
Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu,
chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ.
* Hc 34,26: Cũng thế, kẻ ăn chay đền tội, rồi
đi phạm lại vẫn những tội ấy, hỏi ai sẽ nghe lời nó cầu xin? Hạ mình kiểu đó, nào được ích lợi gì?
* Mt 6,16-18: Còn khi ăn chay, anh
em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để
thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng
rồi. Còn anh em, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không
ai thấy là anh em ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em.
5. Tóm lại:
* Mùa Chay là mùa mà Giáo Hội kêu gọi
mọi người Kitô hữu sống tinh thần: “Âm thầm cầu nguyện, lặng lẽ hy sinh và
thành tâm sám hối”.
* Để có thể giữ chay tốt, ta nên chú
ý đến ý nghĩa của việc giữ chay hơn là những tiêu chẩn và cách thức (hình thức).
Ví dụ như: nếu ta giữ đúng những tiêu chuẩn và cách thức của luật giữ chay, mà
lại thay thế bữa thịt bằng một bữa ăn đặc sản vùng biển tốn kém, thì còn gì là
ý nghĩa chay tịnh nữa.
* Đàng khác, nếu ta chỉ giữ chay với
thói quen hình thức, mà không yêu thương, từ tốn, nhã nhặn, tha thứ cho những
người xung quanh ta, thì giữ chay nào có ích gì.
* Vậy, ăn chay theo đạo Công-giáo là
nhịn ăn hoặc bớt ăn để diễn tả sự hy sinh tự nguyện, để cổ võ lòng đạo đức hoặc
lập thêm công đức; hơn nữa, nhịn ăn hay bớt ăn cũng là để chia sẻ với người
nghèo khó trong tinh thần bác ái và phục vụ.
6. Cầu nguyện: (trích tập
Rabbouni, số 94)
Lạy Chúa Giêsu!
Bị cám dỗ là thân phận của
con người, nhưng thắng được cám dỗ là
nhờ ơn của Chúa.
Cuộc sống hôm nay, cho chúng con bao cám dỗ ngọt
ngào, làm khuấy động những thèm
khát nơi chúng con:
Cám dỗ chiếm đoạt và sở hữu.
Cám dỗ thống trị bằng quyền
uy hay tri thức.
Cám dỗ sống buông thả theo
bản năng tự nhiên.
Cám dỗ nào cũng hứa cho
chúng con ít nhiều hoan lạc, nhưng thật ra lại làm chúng
con nghèo nàn và thất vọng, vì sự giam mình trong cái
tôi ích kỷ.
Xin cho chúng con thắng được
những cơn cám dỗ:
nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, nhờ chay tịnh và làm chủ bản
thân.
Xin cho chúng con dám lội
ngược dòng với thế gian, để đi vào con đường hẹp của
Chúa, con đường nghèo khó khiêm
nhu, con đường hy sinh phục vụ.
Ước gì chúng con được lớn
lên trong tình yêu của Chúa, sau những lần chiến đấu vất
vả cam go.
Và ngay cả khi yếu đuối sa
ngã, xin cho chúng con can đảm đứng
lên, vững tin vào lòng Chúa tín
trung tha thứ. Amen.
Linh mục JB. Bùi Ngọc Điệp