Ads

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

SỰ THINH LẶNG

TẬP 1
Nếu không có những đợt sóng nhấp nhô dưới dòng sông như hòa cùng lời xào xạc của lá trên cao, tôi cứ ngỡ mình đang ở giữa bức tranh rộng lớn, toàn những màu xanh pha trộn đậm nhạt, óng ánh dưới mặt trời. Những con sóng lao xao, lấp lánh như tô, như vẽ cho nét hài hòa của thiên nhiên tuyệt sắc thêm êm ả, ngút ngàn từ nhánh sông dài, đẹp như giải lụa xanh lam sóng sánh, lăn tăn những nếp bạc gấp bất kỳ, chập chùng theo từng ngọn gió.
Giữa khu vườn rộng bên bờ sông, trải đầy bóng mát của những rặng thông cao, tôi ngồi yên trên chiếc ghế gỗ chơ vơ, nghe thinh lặng nói lời dịu dàng của sóng, của gió, của tiếng thông vi vu reo và cả tiếng chim chíp của con chim nhỏ nào hót mãi điệp khúc ngàn năm. Hiểu được tiếng nhỏ nhẹ của âm thanh không lời chung quanh, ngỏ cùng một lối chuyện trò với tôi như hôm qua, rất gần, mà tâm trí mỏi mòn cứ tưởng xa lắm trong lối về của ý.
Cảm giác tìm về của tôi tràn đầy như cơn gió lộng, ùa khắp đất trời, xô từng con sóng nhỏ vổ vào gềnh đá tiếng vang của bài hát muôn trùng, cho thinh lặng - người bạn cũ - đến thật gần nhã nhặn tiếp nối câu chuyện dở dang mà đoạn kết vẫn là nỗi hoài mong trong tôi. Thinh lặng giảng giải cho tôi lời tự tình của gió, người lữ hành không mỏi mệt, mênh mang kể lể về cuộc đời, về phận mình vô định, thổi xuyên năm tháng trong cuộc hành trình xa xăm mang theo bao nhiêu câu chuyện cũ kỹ mà mới mẻ từng ngày. Gió hát lời reo vui của lá, đùa với cỏ, đong đưa từng nụ hoa cho màu sắc mang hồn sống động. Gió đưa cánh chim vút bay, nâng cánh diều chao đảo, chuyển ngàn mây đổi mới bầu trời, đem mưa về tưới xanh đồng ruộng.
Ai nghe được tiếng thinh lặng nói về cuộc chuyển hoá của muôn loài, của hạt mầm âm thầm hư thối trong lòng đất để vươn cao mầm mới. Của con sâu róm xấu xí cuộn mình trong tổ kén tối tăm, để mai ngày thành cánh bướm muôn màu rực rỡ. Thinh lặng không phải là nỗi trống vắng hư vô, nhưng là một tròn đầy huyền nhiệm như huyệt mộ thâm u ngày thứ bảy sau chiều Thập Tự, để nối kết cái chết đau thương của Đức Giêsu chuyển vào ngày Chúa Nhật rạng ngời ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, trỗi dậy Sự Sống. Thinh lặng của đợi chờ trong cõi lòng thanh vắng, thay đổi con người ấu trĩ, nông nổi hôm qua, thành con người trưởng thành, điềm đạm hôm nay trong ý thức tràn đầy về một Đấng Chí Thánh âm thầm ở giữa họ, không ngừng đổi mới tâm hồn họ bằng Tình Thương lớn lao của Ngài.
Thinh lặng trở về với chính mình để khám phá một kho báu vô song của Đền Thờ trong tâm hồn mỗi người là nơi ngự trị của Thiên Chúa cao cả, uy linh và tràn đầy thương xót. Để khi đối diện với Đấng cao cả đó, con người nhận ra rất rõ những mọn hèn, khiếm khuyết của mình trong kinh ngạc vô cùng trước Tình Thương quá lớn lao của Đấng uy linh đã đến, trong thinh lặng, ngự giữa tâm hồn yếu đuối bé nhỏ mà không một lời phiền trách. Khi nhận ra sự hiện diện cao cả của Ngài trong thẳm sâu tâm hồn là một hiện hữu đích thực của Tình Yêu vô biên, Tình Yêu có sức chuyển hoá cái chết thành sự sống, đau khổ thành vinh quang, nghèo nàn, bất lực của con người thành nguồn sống dồi dào, sung mãn đến phong phú vô tận của tinh thần, thoát khỏi những ràng buộc trong vật chất hư hao.
Thinh lặng thật sâu để đi được vào cõi tĩnh lặng tâm linh, vượt qua vùng cảm xúc thường tình của tình cảm con người gây biết bao sóng gió, bão táp của chao đảo muộn phiền hay âu lo sợ sệt, khi nhận định được rõ Sự Hiện Diện của Chúa là nền tảng yêu thương vững chắc mà không một thách đố nào có thể lay ngã, không một lời nói, hành vi nào có thể gây tổn thương. Thiên Chúa là tảng đá kiên cố cho linh hồn tôi bám trụ, như con lật đật giữa cuộc đời ngả nghiêng trăm hướng nhưng vẫn tìm lại được thế bình tâm.
Ngài đã xuống tận đáy lòng con,
xin cho con chỉ tập trung vào tận đáy tâm hồn con.
Ngài là thượng khách của lòng con,
xin cho con bước vào nhà là chính tâm hồn con.
Ngài đã chọn cư ngụ trong lòng con,
xin cho con biết ngồi yên, ngay tận tâm hồn con.
Duy có Ngài ở lại trong con,
xin cho con biết chìm sâu xuống tận đáy tâm hồn con.
Duy có Ngài hiện diện trong lòng con,
xin cho con biết xoá mình đi khi Ngài ở bên con.
Khi con đã gặp Ngài,
không còn con và Ngài nữa.
Con chẳng là gì cả, và Ngài là tất cả của con.
Rabbouni 25, theo Swami Abhisiktananda
Mai Hoa
TẬP 2
“Những đan sĩ phải siêng năng trau dồi thinh lặng trong mọi lúc.”
Thinh lặng là mẹ của Thần Khí. Nó nảy nở trong chúng ta một đan viện của tâm hồn. Nó mang chúng ta ra khỏi tiếng ồn ào từ sự hỗn độn, huyên náo, và mơ hồ của một thế giới quay cuồng và đưa chúng ta đến một trọng tâm trầm tĩnh, lắng đọng của một bản chất thiêng liêng.
Tại trọng tâm này thinh lặng cho chúng ta nghỉ ngơi. Ở đó Chúa làm việc trong ta, giũ sạch trong con tim chúng ta những ý nghĩ, nỗi đau, ao ước, đòi hỏi, tiếng la hét tựa như một đứa trẻ đòi được để ý và những điều ấy tách rời chúng ta khỏi con người tốt đẹp của chúng ta.
Trong thinh lặng, chúng ta học lắng nghe những người khác cũng đang tìm kiếm Thiên Chúa trong một đan viện của tâm hồn, để nghe những nỗi đau và sự khôn ngoan của họ, những kinh nghiệm của họ và sự thật trong con người họ, để từ đó đưa sự khôn ngoan của chúng ta ra ánh sáng, đặt vấn đề và phát triển nó.
Chính thinh lặng kiềm chế chúng ta khỏi ước muốn luôn sẵn sàng xuất phát những ý tưởng trống rỗng và những bình luận ác nghiệt từ con người ích kỷ của chúng ta.
Luật [Thánh Biển Đức] dạy rằng, “Có câu chép rằng, trong lúc thao thao bất tuyệt anh sẽ không tránh được sự tội.”
Chúng ta được đòi hỏi, mời gọi, để từ bỏ những thỏa mãn quá thường tình nơi những chuyện thế tục khi mà chúng ta có những bắt bẻ sắc bén, những phê bình chanh chua, những cám dỗ không thành thật, và những điều này thường đi kèm với những lời nói ba hoa trống rỗng thiếu suy tư, những lời nói lãng phí đi chiều sâu của cuộc sống.
Trong Đan Viện của Tâm Hồn, chúng ta được thách thức để thay thế tất cả những tư tưởng trống rỗng bằng chiều sâu của sự suy niệm, sự thanh thản của ý nghĩ, và sự sáng tỏ của hiểu biết sâu sắc mà qua đó chính sự thinh lặng lại mang đến sự thức tỉnh cho một linh hồn đang mong mỏi sự thinh lặng đó đến trong thinh lặng.
Thinh lặng che chở chúng ta khỏi sự ồn ào của chính mình và chuẩn bị chúng ta cho công việc của Chúa nơi chúng ta.
Trong thinh lặng, chúng ta hiểu được chính mình.
Trong thinh lặng chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa mời gọi chúng ta vượt lên chính chúng ta, để luôn hướng tới cái gì tốt hơn và hơn thế nữa.
Điều cốt yếu là trong Đan Viện của Tâm Hồn, không gian dành cho sự thinh lặng được trân quý và giữ gìn, được tìm kiếm và làm cho linh thiêng, khiến cho đời sống thiêng liêng có thể phát triển và hưng thịnh nơi chúng ta, nếu không trong chúng ta chỉ có cỏ lùng bén rễ bằng những lời nói trống rỗng mà thôi.
Trong cuộc sống của chúng ta, khi chúng ta dành chỗ cho sự thinh lặng, chúng ta có thời gian để chữa lành những gì hãy còn âm ỉ nung nấu và đang ẩn nấp ở một chỗ nào đó trong ta mà đôi khi ngay cả chính chúng ta cũng không biết, nhưng sức mãnh liệt của những nung nấu âm ỉ này có khả năng thiêu rụi linh hồn chúng ta với nọc độc của nó theo thời gian.
Như Luật nhắc nhở chúng ta, “Có câu chép rằng, "Cái lưỡi nắm giữ chìa khoá cho sự sống và sự chết."
Thinh lặng là một lá chắn giúp chúng ta thoát khỏi những thúc đẩy bồng bột khiến chúng ta ngăn cản những thay đổi, hay loại bỏ những thách đố mới, hay bác bỏ những tư tưởng mới, hay lên án những ý kiến của người khác.
Thinh lặng là điều khước từ sử dụng hài hước gây tổn thương, lời mỉa mai nhằm làm giảm giá trị, lời phê phán để hạ phẩm giá của người khác.
Luật dạy, “Chúng ta tuyệt đối lên án bất kỳ hành động thô bỉ, chuyện tầm phào, và cuộc trò chuyện nào dẫn tới sự cười đùa.”
Như vậy, sự thinh lặng mở mang cho chúng ta nhiều triển vọng, đón nhận người khác, tới nhiều dòng tư tưởng, mà nếu như không có thinh lặng mang tới thì chúng ta mãi mãi không cảm nhận được.
Chuyển ngữ từ sách "Đan Viện của Tâm Hồn: Lời Mời Gọi cho Cuộc Sống Đầy Ý Nghĩa (Monastery of the Heart: An Invitation to a Meaningful Life, Bluebridge, 2011), của Sơ Joan Chittister, OSB.