Ads

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

THÁNH CẢ GIUSE

“Thánh Giuse gồm no mọi nhân đức”
Kinh Thánh chỉ mô tả thánh Giuse bằng một từ ngữ ngắn gọn: “Người Công Chính”. Dĩ nhiên, khái niệm “công chính” ở đây được hiểu theo nghĩa Tân Ước, tức là con người trọn lành, bao dung, nhân từ, theo mẫu gương của Chúa Giêsu. Giáo Hội thường suy tôn thánh Giuse với nhiều tước hiệu cao trọng:
Ông thánh Giuse là đấng sáng láng trên hết các thánh Tổ Tông.
Ông thánh Giuse trọn tốt trọn lành.
Ông thánh Giuse cực thanh cực tịnh.
Ông thánh Giuse cực khôn cực ngoan.
Ông thánh Giuse hay vâng lời chịu lụy.
Ông thánh Giuse là đấng ngay chính tận trung.
Ông thánh Giuse là gương nhân đức nhịn nhục.
Ông thánh Giuse yêu chuộng nhân đức khó khăn.
Ông thánh Giuse là mẫu sáng láng về cách ở trong nhà, v.v…
Các tước hiệu đó có thể gồm tóm trong câu “thánh Giuse gồm no mọi nhân đức”: khiết tịnh, vâng phục, nghèo khó, nhẫn nhục, khiêm nhường, v.v… Nhân đức mà “no” luôn là phải biết! Tuy nhiên, đối với dân làng Nazareth cách đây hơn 2000 năm, thì thánh Giuse cũng chỉ là một bác thợ mộc âm thầm vô danh tiểu tốt, thế thôi! Bên ngoài chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì khiến người khác phải chú ý. Suốt gần ba mươi năm sống bên cạnh Chúa Giêsu và Đức Mẹ, thánh Giuse không để lại một tác phẩm, một công trình, hay một câu nói để đời nào. Ngài chỉ âm thầm lặng lẽ chu toàn bổn phận làm chồng, làm cha của mình một cách tốt nhất có thể.
Lúc đã về trời, xem ra thánh Giuse vẫn tiếp tục “sống âm thầm lặng lẽ”. Lặng lẽ âm thầm cả trong việc can thiệp cho những nhu cầu của nhân thế. Đức Mẹ còn hiện ra nơi này nơi nọ, còn thánh Giuse rất hiếm khi. Có chăng chỉ là mộng báo trong giấc ngủ, hay là âm thầm giả trang để thực hiện việc này việc nọ cho các con cái của mình. Tuy nhiên, sự can thiệp của ngài thường rất kỳ diệu.
Xin được dẫn chứng: sau khi khánh thành nguyện đường Loretta, tiểu bang New Mexico, năm 1878, thì thực tế nảy sinh một vấn đề hết sức nan giải: ca đoàn gồm toàn các nữ tu và nữ sinh với tu phục và váy đầm dài tới gót chân, không thể leo lên gác ca đoàn bằng chiếc thang gỗ. Bởi lẽ vào thế kỷ thứ 19, chỉ có phái nam được hát trong ca đoàn nên họ dùng thang gỗ để leo lên gác ca đoàn mà không cần cầu thang.
Các nữ tu đã mời nhiều tay thợ chuyên nghiệp đến làm cầu thang nhưng sau khi quan sát, đo đạc, tính toán, tất cả đều lắc đầu nói không thể thực hiện được vì gác ca đoàn thì cao, lòng nhà nguyện lại hẹp, cầu thang sẽ chiếm qúa nhiều chỗ kê ghế. Sau cùng, Mẹ Bề Trên Magdalenđưa ra quyết định: khi khởi công xây dựng nguyện đường, công trình được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse, quan thầy nghề thợ mộc, thì nay khi gặp khó khăn, công việc cũng phải được giao cho Thánh Giuse lo liệu. Ngay hôm đó, các nữ tu bắt đầu làm tuần 9 ngày xin Thánh Giuse. Sau 8 ngày liên tục cầu nguyện với lòng tin tưởng và phó thác nơi Thánh Giuse thì đột nhiên vào ngày thứ 9, xuất hiện một ông già râu tóc bạc dắt theo một con lừa tới xin làm cầu thang lên gác ca đoàn. Ông thợ mộc chỉ mang theo một ít đồ nghề đơn giản: 1 cái cưa, 1 thước đo hình chữ T và 1 cái búa. Ông cũng không đòi tiền công trước hoặc tiền ứng mua vật liệu. Với tinh thần đơn sơ, các nữ tu nghĩ rằng sẽ thanh toán tiền công và tiền vật liệu sau khi công việc hoàn tất nên không cần hỏi tên tuổi ông thợ.
Sau thời gian 7-8 tháng, các nữ tu được thông báo cầu thang đã hoàn tất nhưng không tìm thấy ông thợ đâu hết: ông thợ đã đột nhiên bỏ đi mà không đòi tiền công và tiền vật liệu, cũng không để lại tên tuổi hoặc điạ chỉ. Các nữ tu đã nhờ tìm kiếm khắp nơi, tuy nhiên, không ai nghe biết về ‘ông thợ kỳ lạ’ này.
Và rồi Mẹ Bề Trên đã phải đến xưởng gỗ để thanh toán tiền vật liệu, nhưng mọi người làm việc tại đây cho biết không có ai đến mua gỗ làm cầu thang cho nguyện đường. Do không tìm ra tông tích ông thợ ‘huyền bí’ này nên người đương thời đều kết luận đó chính là Thánh Giuse đã đáp lời cầu xin của các nữ tu.
Điều đáng nói nữa là sự kỳ diệu của chiếc cầu thang. Chíêc cầu thang có hình xoắn ốc ngoằn ngoèo, mà không có cột chịu lực nào ở giữa. Toàn bộ sức nặng tựa trên chân cầu thang và phần nối với gác ca đoàn. Điều này trái hẳn với nguyên lý về trọng lực khiến các khoa học gia không sao giải thích được. Kiến trúc sư Urban C. Weidner cũng là chuyên gia nghiên cứu gỗ cho biết ông chưa bao giờ thấy cầu thang hình xoắn ốc bằng gỗ mà không có cột chịu lực ở giữa. Theo ông, nó sẽ sụp đổ ngay khi có người đặt chân bước lên. Thế mà các nữ tu phải lên xuống cầu thang mỗi ngày để hát phụng vụ. Năm 1959, cả ca đoàn học viện Loretto đứng hát trên các bậc thang mà nó vẫn vững chắc như làm bằng ximăng cốt sắt.
Về gỗ làm cầu thang, nhiều chuyên gia đã phân tích, tìm hiểu loại gỗ và xem loại đó xuất xứ từ đâu. Tuy nhiên, không một ai có thể khẳng định là loại gỗ nào để tìm ra xuất xứ của nó. Việc ông thợ lấy gỗ từ đâu mang về làm cầu thang vẫn còn là một bí ẩn.
Cầu thang có 33 bậc cùng một kích thước, tượng trưng cho 33 năm Chúa sống ở trần gian. Điều đặc biệt nữa là cầu thang không có dù 1 chiếc đinh, hoặc keo dán để liên kết các vật liệu với nhau. Ông thợ ‘bí mật’ đó chỉ dùng các chốt gỗ hình vuông để liên kết một cách tài tình, chính xác và hết sức mỹ thuật.
Kiến trúc sư kiêm chuyên gia nghiên cứu gỗ Urban Weidner đã có nhận xét: một trong những điều làm sửng sốt các kỹ sư và các nhà kiến trúc là những tấm gỗ được ghép nối thành sườn cầu thang với độ cong tuyệt hảo, mỗi tấm gỗ có độ cong thật chính xác, đường ghép nối lại hết sức tinh vi, không tìm thấy một khuyết điểm nào. Ông vẫn không lý giải nổi tại sao một kỹ thuật tinh vi như thế mà vào thập niên 1870, một mình ông thợ mộc với những dụng cụ rất thô sơ, lại có thể thực hiện được.
Và cho đến nay, mỗi năm được biết có khoảng 250 ngàn khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến nguyện đường Loretta để chiêm ngưỡng chiếc cầu thang lạ lùng này, trong số đó, có cả kỹ sư, kiến trúc sư, khoa học gia đến tìm hiểu và nghiên cứu.
Phép lạ đó nói lên điều gì, nếu không phải nói lên rằng sự can thiệp của thánh Giuse thường rất âm thầm lặng lẽ (lặng lẽ 7-8 tháng trời), nhưng rất diệu kỳ.
Có lẽ vì các nhân đức trỗi vượt của thánh Giuse và đặc biệt là vì sự đáp ứng mau mắn cho những ai kêu cầu, mà thánh Giuse là vị thánh được nhiều người yêu mến nhất, ngoài trừ Đức Mẹ. Người ta ước chừng một phần tư nam giới Kitô giáo, tức là khoảng một phần tám dân số Kitô giáo nhận thánh Giuse làm Bổn Mạng. Rất nhiêu dòng tu còn nhận ngài làm Quan Thầy của dòng, và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Giuse. Thánh Giuse cũng là Bổn mạng của toàn thể giới Gia Trưởng. Vì thế anh em Gia trưởng được mời gọi theo gương sống của thánh Quan Thầy, sống xứng đáng là người chồng người cha mẫu mực thánh thiện. Sống thánh thiện mẫu mực một cách cụ thể đó là gì?
Trong tập Kỷ Yếu của Gia Trưởng Giáo phận, tôi đọc thấy một bài thơ rất ý nghĩa của một gia trưởng ở giáo xứ Thuận Nghĩa.
Bài thơ có tựa đề “Mười Không, Mười Có”. Xin được trích lại:
Mười “Không”
Một không say xỉn la cà
Hai không bài bạc cửa nhà tan hoang.
Ba không lừa dối điếm đàng,
Bốn không trộm cướp, xóm làng bất an.
Năm không lươn lẹo tham giàu,
Sáu không ma tuý đời tàn ai ơi.
Bảy không biếng nhác ươi lười.
Tám không mèo mỡ bạn đời lung tung.
Chín không bất nghĩa bất trung,
Mười không kiêu ngạo và không bất bình.
Mười “Có”
Một có đạo đức chân thành
Dựng xây đoàn hội, gia đình chăm lo.
Hai có trách nhiệm lớn to.
Dựng xây nước Chúa sao cho vẹn toàn.
Ba có bổn phận lo toan,
Bảo vệ giáo xứ cộng đoàn vui tươi.
Bốn có bác ái thương người,
Chung xây xã hội đẹp tươi an bình.
Năm có thiện chí hy sinh,
Giúp người hoạn nạn, bất hoà khổ đau.
Sáu có nhân nghĩa trước sau,
Giúp đời vơi bớt nỗi sầu bất công.
Bảy có thiện ý thực lòng,
Giúp đời tốt đẹp cả trong lẫn ngoài.
Tám có trí sạch lòng ngay,
Để đời ta có tháng ngày thảnh thơi.
Chín có mến Chúa yêu người,
Lòng thanh, trí sạch, sáng ngời quanh năm.
Mười có quyết chí quyết tâm,
Thành Gia trưởng tốt – đến gần Giuse.
Chắc chắn thánh Giuse là người giữ “Mười Không và Mười Có” đó triệt để hơn ai hết. Cầu chúc các anh em Gia Trưởng trong các gia đình Công giáo cũng luôn giữ được như thế!
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long