BÀI HÁT: CON XIN DÂNG MẸ
Đức Hồng Y Heimy
Sheen, vị chủ chăn của giáo phận thủ đô Manila kể về một biến cố quan trọng nổi
bật nhất trong cuộc đời tận hiến của ngài. Năm ngài được 25 tuổi, giữa lúc đang
chuẩn bị lãnh chức linh mục, thì một bức ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ được đưa từ
Tây Ban Nha sang và đặt trong nhà nguyện của chủng viện. Hôm đó là ngày mồng 7
tháng 10 năm 1953, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi. Thầy Heimy Sheen nằm liệt giường
vì chứng bệnh suyễn, không thể tham dự nghi thức được. Phòng bệnh sát bên cạnh
nhà nguyện cho nên thầy có thể nghe được tiếng hát của ca đoàn chủng viện trong
nghi thức rước ảnh Đức Mẹ.
Thật thế, chủng sinh
Heimy Sheen là một người khách hầu như thường xuyên của nhà bệnh, thầy thường bỏ
lớp vì bệnh. Điều này làm cho thầy nghi ngờ về ơn gọi của mình. Về mặt tinh thần
và đạo đức dĩ nhiên thầy rất vững mạnh, nhưng thầy không ngừng tự hỏi: liệu sức
khỏe quá yếu kém của mình có là một chướng ngại cho thiên chức linh mục hay
không? Thầy quá xấu hổ vì phải thường xuyên đến bệnh xá của chủng viện.
Nhớ lại những gì diễn
ra trong buổi chiều ngày 07-10-1953, vị Hồng Y Tổng giám mục Manila nói như
sau: “Tôi nghe mọi người rời nhà nguyện để đi vào nhà cơm dùng bữa tối, khi biết
chắc không còn ai trong nhà nguyện nữa. Tôi liền cố gắng bò xuống khỏi giường
và nép vào nhà nguyện.
Tôi quỳ trước ảnh Đức
Mẹ được đặt trên bàn thờ và thành tâm cầu nguyện, rồi tôi viết cho Đức Mẹ một
lá thư với nội dung như sau: “Lạy Mẹ, xin cho con được lành bệnh. Con đưa ra một
kỳ hạn: hôm nay là ngày 7 tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi và con đang yếu nhược
đây. Nếu đến ngày 27 tháng 11, lễ kính ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ, mà con vẫn
còn bệnh thì con sẽ xem như đó là một dấu hiệu con không có ơn gọi, con sẽ rời
chủng viện và trở về thế gian”.
Viết xong lá thư, người
chủng sinh 25 tuổi lấy máu ký tên vào, rồi thầy xếp bức thư lại, đặt dưới tượng
Đức Mẹ và trở về phòng bệnh. Thầy nghĩ rằng: nếu trước ngày 27 tháng 11, thầy
còn lên cơn suyễn thì đó là dấu hiệu Chúa dùng để nói với thầy rằng: Thầy không
có ơn gọi, và như vậy, thầy phải lên đường về nhà thôi.
Nhưng tháng 10 và
tháng 11 trôi qua mà thầy không hề bị lên cơn suyễn nào. Ngày 3 tháng 4 năm
1954 thầy chịu chức linh mục. Đức Hồng Y Tổng giám mục Manila cho biết; kể từ
ngày người viết tối hậu thư cho Đức Mẹ, điều không thể tưởng tượng được là ngài
không còn bị suyễn nữa. Mười ba năm sau, ngài được thánh hiến làm Giám mục. Khi
ngài trở lại chủng viện để dâng thánh lễ, ngài vẫn còn thấy lá thư dưới bệ bức
tượng, với nguyên vết máu mà ngài đã dùng để ký tên vào.
THÁNH NỮ CATHERINE LABOURÉ
Ảnh Đức Mẹ hay làm
phép lạ đã được trao cho thánh nữ Catherine Labouré vào năm 1830, khi thánh nữ
được 24 tuổi. Trên bức ảnh có dòng chữ như sau: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ được cưu mang
không tì vết tội lỗi. Xin cầu cho chúng con là những kẻ chạy đến với Mẹ.” Năm 1836,
thánh G. M. Vianney, quan thầy của các linh mục đã dâng hiến giáo xứ Ars cho ảnh
Đức Mẹ hay làm phép lạ.
Năm 1854, Đức Piô IX
đã công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội và bốn năm sau khi hiện ra với
thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã tự xưng: Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội.
Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã tôn kính ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ một cách
đặc biệt. Thánh nữ đã cho biết một lần khỏi bệnh là nhờ ảnh Đức Mẹ hay làm phép
lạ. Catherine Labuoré đã được phong hiển thánh năm 1947. Cho đến ngày nay, thân
xác của thánh nữ vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù qua đời năm 70 tuổi, gương mặt
thánh nữ thể hiện một nét tươi trẻ lạ thường.
Các tín hữu trên khắp
thế giới dành cho ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ một sự tôn kính đặc biệt. Mẹ vẫn
làm phép lạ, tất cả những ai chạy đến với Mẹ đều được Mẹ cứu giúp. Đó phải là
niềm tin và hy vọng của những người con của Mẹ.
Lạy Mẹ, trong cơn lao
đao thử thách, chúng con thường chạy đến với Mẹ và Mẹ vẫn luôn hằng cứu giúp
chúng con, có khi bằng những cách thế vượt qua khỏi sự chờ đợi của chúng con.
Xin cho chúng con luôn cảm nhận được sự che chở phù hộ của Mẹ và biết chạy đến
với Mẹ mỗi ngày khi này và trong giờ lâm tử. Amen!
R. Veritas