“Tiền của là một ông chủ xấu,
nhưng cũng là một đầy tớ tốt”
1. Người ta thường nói rằng
“Có tiền mua tiên cũng được”:
“Tiền của” vốn là niềm ao ước
của mọi người trên thế gian này, không phân biệt đẳng cấp, học thức hay địa vị.
Người ta thường quan niệm: “Hạnh phúc có được trên đời này, ấy chính là đầy đủ
vật chất lẫn tinh thần”. Từ những hạnh phúc nhỏ như được làm cha mẹ, có một địa
vị trong xã hội, có tiền của vật chất, có tình yêu, có tình bạn.... Những sự ấy
mà có được sự kết hợp hài hòa, chắc hẳn nó sẽ cho ta một cuộc sống hạnh phúc
toàn diện.
2. Chẳng ai muốn xây nhà
mình trên cát:
Có người nói: "Loài
người sinh ra, vốn khổ lụy cho chính những gì do bản thân mình tạo ra?" Lại
có cách nói khác tương tự: "Loài
người sinh ra đồng tiền và phải làm nô lệ cho nó".
Thuở nguyên thủy, loài người
chưa có ý niệm trao đổi vật chất, thì cũng không cần phương tiện để trao đổi.
Phát triển dần theo quy luật tự nhiên, càng văn minh loài người càng nhiều nhu
cầu đòi hỏi, nên đã thiết lập ra đồng tiền làm đơn vị đo lường để dễ dàng trao
đổi vật chất. Lúc này, đồng tiền trở thành phương tiện trao đổi.
* Thời nay, ai cũng phải kiếm
tiền để đảm bảo cho cuộc sống của mình, không có tiền thì không thể có vật chất
xung quanh, vì vật chất góp một phần lớn để củng cố cho tinh thần. Nhưng có thể
nói: "Người thông minh là người biết sử dụng đồng tiền, chứ không phải là
làm nô lệ cho nó". Kiếm tiền và sử dụng đồng tiền là hai nghĩa hoàn toàn
khác nhau. Đi buôn ai cũng muốn lãi suất cao, làm công thì mong thù lao tỉ lệ
nghịch với công do mình sản sinh ra, và kết quả những công việc đó được đo bằng
đồng tiền. Nhưng khi có đồng tiền trong tay rồi, thì mỗi người sử dụng nó có
khác nhau. Do đó, nếu số tiền kiếm ra được mà bị thất thoát đi, thì sự đau khổ
nơi mỗi con người cũng khác nhau. Nhưng nếu chúng ta ý thức rằng: “tiền bạc chỉ
là vật nay có mai không”. thì có lẽ ta sẽ bớt đi phần lớn khổ đau trong cuộc đời.
3. Vậy, tiền có phải là
nguyên nhân chính quyết định hạnh phúc hay khổ đau không?
Khi ta có tiền để mua được
một chiếc xe ô tô đẹp và ở trong một biệt thự rộng lớn cùng gia đình, vợ, con…
Hoặc rất vui khi xin được một việc làm hợp ý, đúng nghề, lương cao. Cũng như
khi nhìn thấy một đôi vợ chồng nào đó cùng con cái đi trên một chiếc xe đẹp vui
vẻ cười nói… Thì ta thường cho đó là hạnh phúc và là điểm chuẩn để mơ ước và cố
gắng thực hiện cho mình. Điều đó không thể nói là sai, nhưng đó chỉ là hạnh
phúc bên ngoài mà ta thường thấy và luôn mong ước.
* Nhiều khi một túp lều tranh
hai trái tim vàng trong cuộc sống yên lành của một gia đình nào đó, cũng đủ để
chúng ta mơ ước một đời. Nếu có thêm biệt thự thì tất nhiên hạnh phúc từ gốc vẫn
không mất. Nhưng vật chất đều có sinh có diệt (vật chất không vĩnh cửu) hôm nay
ở trong biệt thự, ngày mai vẫn có thể lại ở trong túp lều tranh. Dù thế nào đi
chăng nữa, hạnh phúc vẫn không mất nếu trong ta vẫn muốn giữ, muốn xây, nhưng rất
cần sự củng cố về tinh thần.
4. Tinh thần quyết định tất
cả:
Để tạo dựng cho mình ý thức
đó, thì đòi hỏi nơi ta một quá trình học hỏi và luyện tập, tất nhiên không thể
thiếu tác động giáo dục của gia đình và xã hội từ thuở ấu thơ. Vậy, tạo cho
mình một hạnh phúc vĩnh cửu là một điều rất khó, nhưng tất cả đều từ tâm mà ra.
Trong cuộc đời “mất và được” luôn là lẽ tất nhiên, hôm nay không còn nữa cái
mình nâng niu hôm qua và chắc chắn là sẽ có nuối tiếc; nhưng mỗi người có một
tình cảm khác nhau và cũng có một bản lĩnh khác nhau, nên mức độ nuối tiếc cũng
khác nhau, và vì thế mà khổ đau nơi mỗi người cũng không thể giống nhau.
* Thánh Phaolô đã từng có
kinh nghiệm này khi viết thư gởi cho cộng sự viên của mình: “Thật thế, cội rễ
sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó,
nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (ITi 6,10).
5. Ăn mày có thể là ta?
Khi cuộc đời thành đạt và
ta dùng công sức giúp đời thì tiếng thơm sẽ vang vọng, nhưng biết làm sao nếu
sau này điều ta làm hôm nay lại là sai. Đâu có gì bền vững với thời gian. Dù có
công sức, có trí, có tài được làm quan chẳng hạn; nhưng “Quan nhất thời, dân vạn
đại”. Hiểu được như vậy, thì ta không còn dùng quyền lực để ức hiếp dân lành để
mai này tạo nghiệp xấu cho mình và hậu thế. Vậy, nếu khi đời đã trao trách nhiệm
cho ta tạo dựng Non sông Đất nước, Giáo hội hay Nhân loại thì tất nhiên ta
không thể chối từ. Vận mệnh Đất nước, Giáo hội hay Nhân loại không cho phép ta
chỉ nghĩ về mình nữa mà phải nghĩa đến hạnh phúc của cả dân tộc, dân thánh và
muôn người. Nhưng đến một ngày nào đó, tự tâm ta lại cho mình quyền được hưởng
lộc, vinh hoa, phú quí của giang sơn và nói rằng do công sức mình đã từng tạo dựng.
Thì than ôi!!!
* Ai có thể biết được: “Hôm
nay làm vua mai thua làm giặc” như lịch sử đã từng chứng minh, khi quyền lực
trong tay đã hết, còn bị kẻ thắng cuộc truy lùng, sát hại, thì biết trách ai
đây? Nếu hiểu rõ thực tế đó theo thuyết "nhân quả" thì mấy ai còn thấy
khổ đau, và sẽ không giành giật, không vụ lợi, vì ý thức rằng: "nhân nào
thì sinh ra quả ấy".
* Nếu mỗi người chúng ta đều
biết ý thức hành động của mình “phân đúng, phân sai” rõ ràng thì thiết nghĩ
trong tương lai chắc bớt khổ đau và tạo dựng hạnh phúc vững hơn.
Có người cả cuộc đời được
an hưởng hạnh phúc, bởi sống trong nhung lụa, hạnh phúc nhiều hơn khổ đau, vui
nhiều hơn buồn mà tự quả quyết đời tôi là vậy, thì thật không rõ có khi nào họ
nghĩ rằng: “ăn mày có thể là ta, đói cơm rách ái hóa ra ăn mày”. Còn những ai
đã có quá khứ hạnh phúc, nay lại tạo dựng thêm những nhân tốt, nhân mới, bằng
lòng hảo tâm thì trong tương lai chắc chắn sẽ vẫn được hưởng quả do nhân tạo
ra.
* Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy
rằng: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em
đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em
đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc
6,38). Quả thật, với việc lành ta làm cho người khác mà được Thiên Chúa trả đáp
hậu đãi như vậy; nhưng với việc dữ ta gây ra cho người khác, thì thử hỏi: khi
Thiên Chúa đong lại cái đấu của Ngài thì nào có ai đỡ nổi đấu ấy.
6. Người khôn dùng tiền bạc
để mua nhân nghĩa:
Trong Kinh Thánh, Lời Chúa
Giêsu dạy rằng: "Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà
tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở
vĩnh cửu” (Lu 16,9).
* Tình bạn bao đời vẫn là tri
âm tri kỷ, có ai muốn mất bạn bao giờ; nhưng đôi khi vì danh vọng mà nhiều khi
bán đứt bạn bè. Một người bạn đã từng cùng ý chí xây dựng cuộc đời, trao tâm sự
của mình cho nhau đến mức cả cái “bí mật cũng bật mí”, ấy thế mà giận nhau nó lại
nói chuyện mình cho đời, hỏi có giận bạn không?
* Nói thì nói vậy, nhưng chẳng
lẽ trên đời này ta không có bạn? Ta thường trách bạn nhiều hơn là phải nghĩ làm
gì cho bạn, để rồi người không vừa lòng thì ta giận, còn ta không vừa lòng thì
ta phản. Còn khi trong ta có lòng cảm thông và vị tha, thì chắc chắn ta không
bao giờ mất bạn, mà dẫu có thể mất bạn đi chăng nữa, có chăng cũng chỉ mất một
người vì không thể mất trái tim này cho đời. Gạt bỏ trong mình lòng ganh tị, mặc
cảm tự ti, trọn tâm này ta trao cho bạn, thì cũng có ngày người hiểu ta. Để rồi
mà có những thời gian ngồi thưởng thức cùng bạn mình ly rượu tri kỷ chẳng hề
say: “Say rượu, hết say rồi lại tỉnh. Say tình, tỉnh rồi vẫn còn say”. Hay dẫu
có say, thì đó chính là những giọt say tình, chẳng bao giờ phôi phai.
7. Đừng đánh mất chính mình:
Thấy người đời làm lên sự
nghiệp, có công danh, tiền bạc, chức vị… Nhìn lại mình thật đen đủi, hẩm hiu vì
mình có thành đạt gì đâu.
* Ngày trước “thằng ấy”, nó
có hơn mình cái gì đâu, thậm chí còn kém nữa đàng khác, bây giờ nó đã là vương
là tướng một vùng… So sánh như vậy chỉ dẫn đến bi quan, ích kỷ mà thôi, hhông
thể so sánh trong cuộc sống với nhau như thế được, vì cuộc đời này mỗi người có
một thế mạnh, nào ai biết hết được mọi điều, vì “nhân vô thập toàn” mà.
* Khi gặp hoạn nạn cô đơn buồn
tẻ, ta thường hay nhớ tới tuổi ấu thơ, luyến tiếc một quãng đời tươi đẹp đã
qua. Nhớ lại quá khứ thấy tràn đầy hạnh phúc, nhìn vào hiện tại khổ đau! Có lẽ
ta kêu lên tiếng trách trời?
* Đừng trách trời như thế,
hãy học lấy tinh thần của thánh Phaolô: “Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền
của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em” (IICr
12,15).
* Trước mắt ta, là cả một
ngày mai, dù không hiểu rằng điều gì sẽ xảy ra; nhưng ta vẫn luôn có cả một tiền
đồ trước mặt, có cả một cuộc tranh đấu để tự khẳng định mình. Ta sẽ có thể được
tất cả, hoặc có ít thôi, thậm chí không có gì! Điều này tương lai sẽ trả lời.
Nhưng sau này ta vẫn có thể có, những cái không phải là tiền bạc cũng không phải
là danh vọng, nhưng đó chính là “niềm tin”.
* Vậy, để đem lại cho mình một
quan niệm sống đúng nghĩa, giảm bớt khổ đau. Ta luôn nhớ rằng: Cuộc đời này
luôn có một phạm trù tương phản và tồn tại: Tiền bạc - Bần hàn; Danh vọng - Lầm
than; Tình bạn - Kẻ thù; Hạnh phúc - Khổ đau… Những cặp phạm trù ấy luôn luôn
đi đôi với nhau, và có thể đổi chỗ cho nhau. Nhưng dù ta có đạt được tất cả hoặc
ta mất tất cả, nên nhớ rằng: “Đừng đánh mất chính mình”.
8. Nhận định, thay lời kết:
Ngày hôm nay, người ta chỉ
quan tâm đến việc kiếm tiền sao cho thật nhiều. Vì, theo quan điểm khách quan về
mặt vật chất, thì tiền cần thiết cho cuộc sống. Làm sao chúng ta có thể mua thức
ăn, đồ dùng, hàng hóa và nhiều thứ khác cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà
không có đồng tiền nào?
* Để có tiền chúng ta phải chịu
khó lao động, sản xuất thật nhiều để thu nhận được nhiều tiền của. Một khi đã
có càng nhiều tiền, thì cuộc sống càng nhiều tiện nghi. Đối với người trí thức,
tiền là thứ ưu tiên cho họ cải thiện kiến thức, tiền giúp họ mua sách báo, thiết
bị học tập, nguyên liệu nghiên cứu…v,v. đây là phương thức lao động chân chính.
* Tuy nhiên cũng không ít người
kiếm tiền bằng những hành vi bất chính… điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một đời sống
bất ổn và tâm hồn cũng sẽ bất an.
* Tiền thì cần thiết cho cuộc
sống vật chất cũng như kiến thức của chúng ta. Thực vậy, nó không phải là thứ
duy nhất mà chúng ta quan tâm đến trong thời đại hôm nay.
* Cuộc sống sẽ tồi tệ nếu
chúng ta lãng phí tất cả thời giờ cho chúng! Kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta
cần phải biết làm sao để sử dụng nó cho đúng mức. Chúng ta cần phải xem nó như
người đầy tớ và không bao giờ để cho nó làm chủ chúng ta.
* Với tiền mà chúng ta kiếm
được, chúng ta phải tằn tiện để chia sẻ cho những công việc phúc lợi và tổ chức
từ thiện. Danh ngôn Tây Phương có câu: “Người có hạnh phúc thực sự chính là người
biết quan tâm đến hạnh phúc của người khác”. Chính vì thế mà đã có những tổ chức
trên thế giới càng ngày càng tình nguyện tài trợ hay giúp đỡ các nước nghèo và
người nghèo ở khắp nơi mà không cần trả đáp. Cũng có những thanh niên tình nguyện
sẵn sàng bỏ công bỏ của, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để giúp đỡ người nghèo khó
và túng thiếu. Có phải do tiền mà họ làm được như vật không? Câu trả lời tuyệt
đối là “không”. Bởi vì: tiền không phải là tất cả. Như một số kinh nghiệm từng
nói dưới đây:
- Tiền có thể mua được nhà,
nhưng không mua được tổ ấm.
- Tiền có thể mua được giường,
nhưng không mua được giấc ngủ ngon.
- Tiền có thể mua được lịch,
nhưng không mua được thời giờ.
- Tiền có thể mua được sách
vở, nhưng không mua được kiến thức.
- Tiền có thể mua được thực
phẩm, nhưng không mua được sự ngon miệng.
- Tiền có thể mua được địa
vị, nhưng không mua được sự kính trọng.
- Tiền có thể mua được máu,
nhưng không mua được sự sống.
- Tiền có thể mua được thuốc
chữa bệnh, nhưng không mua được sức khỏe.
- Tiền có thể mua được tình
dục, nhưng không mua được tình yêu.
- Tiền có thể mua được bảo
hiểm, nhưng không mua được sự an toàn.
* Và như bạn biết đấy, tiền bạc
cuối cùng vẫn chỉ là phù du, chẳng có nghĩa lý gì hết nếu ta không biết sử dụng
nó.
* Vì chưng: "Chúng ta
không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (x. Lc 16,13;
Mt 6,24).
Linh mục JB. Bùi Ngọc Điệp