Ads

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

THÁNH TÊRÊSA. Ngày 1.10

St. Therese of Lisieux at death

1. Sơ lược tiểu sử.
Tên thật là Maria Phanxico Teresa Martin, sinh ngày 02.01.1873 tại Alecon, Normandie, Pháp. Sau khi gia nhập dòng Carmel tại Lisieux, nước Pháp, Maria Phanxico được đổi tên thành “Têrêsa Hài Ðồng Giêsu và Nhan Thánh”. Chị cũng còn được gọi là Têrêsa thành Lisieux.

Têrêsa mồ côi mẹ khi chưa tròn bốn tuổi, được cha là ông Louis Martin săn sóc giáo dục chu đáo. Ông là tấm gương lớn cho Chị trên con đường làm tôi trung của Chúa.

Sau khi được Rước lễ lần đầu và lãnh nhận bí tích Thêm sức vào năm 10 tuổi, Têrêsa lâm trọng bệnh. Chị tin rằng, Ðức Mẹ cứu chữa Chị một cách lạ lùng. Từ đó, Chị hết lòng yêu mến Đức Mẹ.

Đến năm 1887, vào đêm sinh nhật của mình, Têrêsa cảm nhận như ơn Chúa đang thúc bách mình dữ dội. Chị càng tỏ ra yêu mến Chúa nồng nàn hơn. Chị bắt đầu ý thức ơn gọi tu trì của mình. Dù ở tuổi 15, chưa được phép tu Dòng, Têrêsa đã được chính Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII ban cho đặc ân miễn tuổi để được vào Dòng Carmel.

Sống trong dòng Carmel chưa được bao lâu, sức khỏe của Têrêsa bắt đầu suy sụp. Nhưng Chị vẫn chịu đựng cách anh dũng, không mộtlời than thở. Thứ Sáu tuần Thánh năm 1896, Têrêsa bắt đầu ho ra máu. Căn bệnh lao phổi đã đi đến hồi nghiêm trọng. Lúc này, dù đã được Bề Trên chấp nhận cho sang Việt Nam truyền giáo và lập dòng, nhưng vì bệnh càng ngày càng nặng, Chị đã không thể sang Việt Nam.

Tháng 07.1897, Têrêsa được chuyển đến bệnh xá của đan viện, nơi người nữ tu trẻ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30.09.1897, ở tuổi 24. Trên giường bệnh, người ta nói rằng Têrêsa đã trối: "Con đã đạt đến mức mà không thể nào chịu đau khổ được nữa, bởi vì đau khổ đã trở nên quá ngọt ngào đối với con."

Têrêsa chỉ là một nữ tu hèn mọn, quanh năm suốt tháng đóng khung trong bốn bức tường nhà tu kín cho đến khi lìa trần. Vậy mà 28 năm sau, năm 1925, Chị đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Hai năm sau, cũng chính Ðức Piô XI tôn vinh Thánh Nữ làm Quan Thầy các Nhà Truyền Giáo và các Xứ Truyền Giáo. Ngày 19.10.1997, bởi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Chị cũng được phong tặng Tiến sĩ Hội Thánh, vì linh đạo Thơ Ấu mà Chị đã để lại cho tất cả mọi người muốn theo Chúa để nên trọn lành.

2. Ai là người lớn nhất Nước Trời?
Ngày lễ thánh thánh Têrêsa, Hội Thánh muốn ta suy niệm lời dạy của Chúa Giêsu: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.

Lời phán quyết của Chúa trở thành linh đạo của thánh Têrêsa. Đó là linh đạo Thơ ấu Thiêng Liêng mà thánh nhân để lại cho chúng ta: Những ai “coi mình như trẻ nhỏ, là người lớn nhất Nước Trời”.

Vậy để nên như trẻ thơ, hay để sống con đường thơ ấu thiêng liêng mà thánh Têrêsa đã vạch ra, chúng ta cần phải:
Bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường.
Chướng ngại lớn nhất của sự thánh thiện là tính kiêu ngạo. Kẻ thù mạnh nhất của chính ta là cái tôi của mình. Vì thế, như trẻ thơ hồn nhiên, dễ mến, vô tư, ta cần loại bỏ tính kiêu ngạo, loại bỏ thói xem mình là trọng tâm, là trên là nhất, là hơn mọi người.

Ta cần tập tành nhân đức khiêm nhường, đơn sơ hằng ngày trong mọi công tác, mọi lời nói, mọi hành động, mọi suy nghĩ. Như trẻ thơ, ta hoàn toàn phó thác và nép mình vào vòng tay Chúa, để mặc Chúa dẫn dắt đời mình.

Hiền lành.
Trẻ thơ không biết giận, không biết trả thù, không mưu toan, không mánh mung… Sự hiền lành của trẻ thơ vừa cho thấy tính thật thà, tin tưởng đối với người khác, vừa cho thấy sự trong sáng của tâm hồn không lây nhiễm bất cứ một bóng dáng nào của xảo quyệt, dù là tư tưởng, lời nói hay hành động.

Từ bỏ mình.
Như thánh Têrêsa quên mình để phụng sự Chúa và tận lực tận tình phục vụ con người, chúng ta cần học tập sự từ bỏ ấy, để luôn có nơi tâm tư mình sự nhẹ nhàng thanh thoát. Chỉ có từ bỏ, ta mới theo Chúa dễ dàng. Chỉ có từ bỏ, tâm hồn ta mới không có bất cứ vướng bận nào, nhưng luôn suy nghĩ và hành động có lợi vì danh Chúa, vì anh chị em của mình.

Chấp nhận trong vui tươi.
Trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, cũng như trong mọi tương quan khi sống cùng mọi con người, ta luôn thể hiện tinh thần vui tươi và chấp nhận chính những hoàn cảnh, biến cố và con người đang hiện diện với ta.

Có hai thứ chấp nhận: chấp nhận miễn cưởng và chấp nhận vui tươi. Chỉ có chấp nhận cách vui tươi, tự nguyện, ta mới thấy hạnh phúc trong đời mình. Khi đã có hạnh phúc, ta sẽ dễ dàng hướng về Chúa, hiến dâng lên Người tất cả những gì ta đang phải mang, phải gánh.

Thánh Têrêsa đã sống trong Chúa bằng sự chấp nhận mọi hoàn cảnh, dù đau thương nhất. Thánh nhân luôn vui tươi hiến dâng lên Chúa tất cả mọi chiều kích của cuộc đời đang xảy ra cho mình, và hiến dâng chính mình như hiến lễ trong vui tươi và tràn ngập niềm hạnh phúc thiêng liêng sâu xa của cõi tâm hồn.

Sống con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng cùng thánh Têrêsa, đó là con đường nhỏ nhặt trong từng nhịp thở của đời ta, diễn ra từng phút giây, nhưng không dễ dàng.

Ta hãy tập cho mình nên thánh từng giây phút thật nhỏ nhặt, thật đời thường, nhưng cũng thật to lớn, thật phi thường. Hãy thánh hóa mỗi giây phút đi qua đời ta bắng cách thánh hóa chính phút giây hiện tại này. Nhờ sự thánh hóa liên lý ấy, đời ta sẽ là một chuỗi của sự thánh thiện, đẹp lòng Chúa.

Đó là con đường thơ ấu thiêng liêng diễn ra trong từng giây phút sống đời ta. Con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng vừa nhỏ nhặt, vừa to lớn, vừa đời thường, vừa phi thường ấy sẽ đưa ta đi lên mãi, trở thành “người lớn nhất trong Nước Trời”.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Con chỉ muốn ước mong, mong ước những chi đẹp lòng Ngài.
Con chỉ muốn khát khao, khao khát những gì Chúa muốn.
Con chỉ muốn thương yêu, yêu mến những chi Ngài yêu.
Con chỉ muốn Chúa ơi, muốn sao vui lòng Chúa thôi.

PK: Xin tri ân Ngài vì Hồng Phúc xuống trên đời con.
Lời ca tụng Danh Chúa muôn muôn đời, Chúa hỡi!
Lời hát khen ca ngợi suốt một đời TẠ ƠN.


Trích từ lời bài hát: Con chỉ muốn- FIAT- Xin Vâng. ( Nhạc của LM. Giuse Vũ Hùng Sơn, Ý Lời Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu)