BÀI HÁT: XIN VÂNG
Một linh mục nổi tiếng thánh thiện và nhiệt
thành, có kể lại kinh nghiệm khi được mời dự tiệc tại một nhà giáo dân khá giả
trong giáo xứ như sau:
Trong suốt bữa tiệc thịnh soạn hôm đó, giữa tiếng
cười nói của thực khách, có một điều làm tôi thắc mắc, đó là tiếng nước chảy
đâu đó trong nhà. Vì là lần đầu tiên được mời, tôi không dám lên tiếng, chỉ
mong sao có người nhà nhận ra tiếng nước chảy đó.
Sau cùng, không thể cầm lòng được, tôi hỏi một
người giúp việc. Với nụ cười lịch sự, người này giải thích:
Cách đây khoảng 40 năm, khi người ta đào móng
xây nhà và dựng nông trại, tình cờ họ đã khám phá ra mạch nước ngầm. Thế là họ
xây một căn phòng ngay bên mạch nước, kế đó họ xây những căn phòng khác ở chung
quanh.
Mạch nước ngay trong nhà mình, tư tưởng đó xâm
chiếm tâm trí tôi suốt quãng đường về, và tôi đoán ra đâu là bí quyết hạnh phúc
của gia đình giáo dân ngoan đạo và tốt lành đó.
Câu chuyện trên đây gợi lại trong tâm trí chúng
ta lời sứ thần chào Đức Trinh Nữ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1,28).
Vâng, Mẹ chính là mạch suối tràn đầy thánh ân, mạch suối trong lành tươi mát, mạch
suối không bao giờ cạn của Thiên Chúa.
Để chuẩn bị cho Ngôi Hai xuống thế làm người,
Thiên Chúa đã dọn sẵn cung lòng Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền, xứng đáng cho
Con Thiên Chúa ngự đến. Thiên Chúa đã ưu đãi và ban ơn đặc biệt cho Mẹ qua lời
sứ thần: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa” (Lc 1,30). Và để bảo đảm
cho sự can thiệp đặc biệt này, sứ thần loan báo thêm: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với
Trinh Nữ, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ”(Lc 1,35). Như vậy việc
sinh con này hoàn toàn do Thiên Chúa, xác thịt không tham dự vào.
Cuối cùng, thiên thần đã kết thúc sứ điệp Truyền
Tin bằng một lời bảo đảm tuyệt diệu: “Vì không việc gì mà Thiên Chúa không làm
được” (Lc 1,38).
Và Đức Maria, với tâm tình đầy tin tưởng, vâng
phục và phó thác liền thưa: “Xin vâng” (Lc 1,38). Một câu tuy ngắn gọn nhưng đã
thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới. Một câu đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi. Một
câu đã đem lại cho nhân loại niềm hy vọng và bình an.
Với “Uy quyền Đấng Tối Cao”, một thế giới tuyệt
vọng trong vòng kiềm tỏa của tội lỗi, đã hy vọng được ơn giải thoát. Với “Uy
quyền Đấng Tối Cao”, một cung lòng trinh nữ không sinh con, đã được dâng hiến để
hạ sinh Đấng Cứu Thế. Với “Uy quyền Đấng Tối Cao”, một nhân loại đang sống dưới
ách nô lệ của Satan, đã được tự do làm con cái Chúa.
Lời thưa “xin vâng” của Mẹ không chỉ thốt lên một
lần để thay cho tất cả, nhưng là tiếng “Xin vâng” liên lỉ trọn cả kiếp người. Từ
tiếng “Xin vâng” đầy phó thác và tuân phục vào ngày Truyền Tin đến lời “Xin
vâng” trọn vẹn tin yêu và chấp nhận dưới chân thập giá.
Thiên Phúc