Trong Giáo Hội Việt Nam, tháng 10 là tháng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Đặc biệt ở việc lần chuỗi Mân Côi đều khắp. Đặc biệt còn ở chỗ sốt sắng nhớ về biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đức Mẹ hiện ra ở Fatima nhiều lần. Lần hiện ra sau cùng là vào ngày 13 tháng 10 năm 1917.
Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với Francisco, Jacinta Marto và Lucy dos Santos.
Ở Fatima, Đức Mẹ đã cho con cái Mẹ nhìn thấy một tình hình khủng khiếp. Nhưng đồng thời cũng đem lại cho đoàn con niềm hy vọng cứu rỗi. Những gì Đức Mẹ nhắn nhủ ở Fatima chỉ là nhắc lại những điều căn bản của Phúc Âm. Toà Thánh đã công nhận biến cố Fatima.
Trước tình hình thế giới hiện nay có khả năng bùng nổ nhiều bất ổn bất ngờ, tôi thiết nghĩ sự nhắc lại sứ điệp Fatima là điều hữu ích, cần làm.
Những gì tôi nhắc lại dưới đây về biến cố Fatima đều được rút ra từ tài liệu chính thức phát hành ở Fatima. Đó là tạp chí nói về hai Á thánh Phanxicô và Giaxinta, số mới nhất tháng 9/2004. Tất nhiên đây là những thông tin, không buộc phải tin, nhưng nên tiếp thu suy gẫm.
Những Cảnh Khủng Khiếp
Theo tiết lộ của Lucia được viết ra trên giấy, để nộp cho Giáo quyền và đã được Tòa Thánh cho phép công bố năm 2000, thì Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đã cho ba trẻ thấy hai cảnh khủng khiếp này:
Một cảnh khủng khiếp xảy ra cho Hội Thánh ở thế gian này.
"Một Giám mục mặc y phục trắng (chúng con có cảm tưởng đó là Đức Giáo Hoàng) tiếp theo là nhiều giám mục khác, nhiều linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ, trèo lên một ngọn núi hiểm trở. Trên ngọn núi ấy có một cây thánh giá lớn coi vẻ như làm bằng cây gỗ sến còn nguyên vỏ. Trước khi tới được thánh giá, Đức Thánh Cha phải đi qua một thành phố nửa hoang tàn, nửa hoảng sợ. Ngài bước đi thất thểu, mệt mỏi vì khổ đau buồn sầu. Ngài cầu nguyện cho những hồn người bỏ mạng nằm ngổn ngang trên đường. Khi tới đỉnh núi, Ngài quì xuống dưới cây thánh giá. Lập tức Ngài bị một đội lính bắn nhiều phát súng và cung tên vào Ngài.
Cùng chết như Ngài, là một số giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và nhiều giáo dân, đàn ông, đàn bà thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Dưới hai cánh thánh giá, có hai thiên thần, mỗi vị cầm một chén thủy tinh hứng lấy máu các vị tử đạo, và rảy xuống trên các linh hồn đang đến gần Chúa".
Trên đây là một cảnh khủng khiếp có thể đã, đang và sẽ xảy ra chỗ này nơi nọ, dưới nhiều hình thức độc ác khác nhau, do những động lực không nhất thiết giống nhau.
Thêm vào cảnh khủng khiếp trên đây xảy ra trên cõi đời này, là cảnh khủng khiếp xảy ra trong cõi đời sau. Đó là hỏa ngục.
Trong thư Lucia viết cho Đức Cha giáo phận của chị, theo lệnh của Ngài, chị trình rõ: Ba trẻ đã được Đức Mẹ cho thấy cảnh hỏa ngục.
"Chúng con thấy một biển lửa. Bị giữ trong đó là những quỷ và những hồn bị kết án. Những hồn này hình người, màu đen. Họ lềnh bềnh trong biển lửa. Các ngọn lửa lúc tung họ lên, lúc ném họ xuống, giống như những tàn lửa giữa đám khói mù. Họ gào thét, rên xiết với những giọng đau đớn, thất vọng và sợ hãi...
Còn các quỷ thì mang hình những thú vật dữ tợn, ghê tởm, đen như những cục than lửa đỏ".
Thời gian ba trẻ xem thấy cảnh hoả ngục chỉ rất vắn, nhưng ba trẻ đã quá sợ. Nếu thị kiến kéo dài thêm, chắc ba trẻ sẽ chết, vì không chịu nổi cảnh khủng khiếp như vậy.
Những Ngã Đường Để Được Cứu.
Cùng với sự cho thấy những cảnh khủng khiếp, Đức Mẹ cũng đã cho ba trẻ nhận ra những ngả đường được cứu khỏi những cảnh kinh khủng đó. Đức Mẹ nhấn mạnh đến ba ngả đường:
Một là sám hối, đền tội.
Hai là tôn sùng trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
Ba là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.
Ở Fatima, Đức Mẹ nói rất vắn về ba ngả đường trên.
Nhưng dần dần, sự thực hành đã được hướng dẫn. Thí dụ: Khi sám hối, đền tội, con người cần ý thức về việc phạm tội của mình xúc phạm nặng nề đến Chúa và gây hại vô vàn cho chính mình. Cần dốc lòng sửa mình để đón nhận ơn tha thứ. Còn đền tạ thì không gì bằng thực thi bác ái hy sinh.
Khi tôn sùng trái tim vô nhiễm Đức Mẹ, con người cần tựa nương vào tình khiêm tốn "xin vâng" của Mẹ, để phát triển mình theo đúng hướng đi lên những giá trị trong sáng.
Khi cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, con người sẽ nhớ mình cần được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được Chúa Giêsu và Đức Mẹ đồng hành với mình. Và như thế, dù trên những chặng đường khó khăn nhất, họ tin tưởng có ngày sẽ qua được chặng đường thánh giá, để được Phục sinh với Chúa Giêsu, trở về Nhà Cha giàu tình yêu thương xót.
Càng thực hành những gì Đức Mẹ dạy ở Fatima, người ta càng có cảm tưởng Đức Mẹ rất gần gũi mình, dù mình bé mọn, tội lỗi. Một cảm tưởng rất mạnh và rất rõ họ cảm nhận được, đó là mình không thể dửng dưng, quay lưng hoặc chạy trốn Đức Mẹ được.
Kinh Nghiệm Riêng.
Đã từ lâu, nhưng nhất là từ mấy năm nay, khi tuổi tác và bệnh tật làm kiệt sức tôi về mọi phương tiện, tôi đã thực hành ba mệnh lệnh Fatima một cách vắn gọn. Tôi chỉ nhìn ảnh hoặc tượng Đức Mẹ Trái Tim và cầu nguyện vắn tắt:
"Xin Mẹ thương xót con. Xin Mẹ cầu bàu cho con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Con không tự mình đứng dậy được. Con không tự mình bước đi được. Xin Mẹ thương dìu con trên đường thánh giá, để được Phục sinh với Chúa Giêsu".
Thiết tưởng sự khẩn cầu như thế chính là sám hối, là mến yêu, là gắn bó, phó thác và vâng phục.
Sự van nài như thế sẽ cứ mãi được tiếp tục, nhất là trong hoàn cảnh bi đát. Có những lúc quá tối tăm mệt mỏi. Có những lúc bị cám dỗ thay thế việc nài xin khẩn cầu bằng những hoạt động theo ý riêng.
Vì thế chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ cho chúng ta luôn biết khẩn cầu Mẹ. Nhất là khi chúng ta bị rơi vào guồng máy của nếp sống xa Phúc Âm, bị trói chặt vào vòng quay của nó, đồng thời nó lại tạo cho ta một ảo tưởng là mình đang được an toàn trong đạo đức.
Tình hình đang biến chuyển phức tạp. Xin Mẹ thương ban cho chúng ta ơn luôn biết khẩn cầu với Mẹ, biết luôn sống theo tinh thần sứ điệp mà Mẹ đã thương gởi đến từ Fatima. Thực ra Mẹ Fatima, một cách nào đó, đang ở bên ta.
GM. JB Bùi Tuần