BÀI CA TẠ ƠN
Trong cuốn sách "Nói với
chính mình", Đức Cha J.B. Bùi Tuần của giáo phận Long Xuyên có viết: ”Tôi
rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ
biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn
lại là chuyện bình thường.”
Có một điều khiến chúng ta
phải quan tâm là người Việt Nam, nhất là người sống trong nước, thường không
quen nói hai tiếng “cám ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quý hiếm
trên môi miệng, thì điều này phải là một báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu
hiệu của sự khô cạn tình người trong xã hội chúng ta đang sống. Một khi lòng biết
ơn bị chối bỏ và quên lãng, thì sự ràng buộc và tình liên đới giữa con người với
nhau cũng trở thành mong manh tẻ nhạt…
Bạn thân mến! Lời Chúa cũng
nhắc đến lòng biết ơn. Trong số mười người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành,
chỉ có một người ngoại đạo xứ Samari trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, anh
sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài (Lc.17:16). Chúa Giêsu đã ngạc
nhiên trước sự vô ơn của con người khi Ngài lên tiếng nói: “Không phải cả mười
người được sạch hết sao? Còn chín người kia đâu? sao không thấy trở lại tôn
vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại đạo này! ”(Lc.17:17-18).
Mặc dù là người “ngoại đạo”
theo nghĩa tôn giáo, nhưng người Samari này lại là người “trong đạo” theo nghĩa
đạo làm người, bởi vì anh đã thực thi cái nhân đức cao quý của con người là
lòng biết ơn.
Biết ơn và thể hiện lòng biết
ơn phải là những việc quan trọng trong cuộc sống con người. Bởi vì ta không tự
mình mà hiện hữu, không tự mình mà trở nên người hữu dụng. Ta không thể sống an
bình hạnh phúc mà không trông nhờ vào người khác. Tất cả những gì ta có và làm
chủ, tất cả những gì ta hưởng dùng… đều có sự tham dự, chia sẻ và liên đới với
người khác.
Nếu sống là lãnh nhận , và
một khi đã lãnh nhận, ta phải có lòng biết ơn; phải biết nói hai tiếng cám ơn.
Ta sẽ là “đồ vô ơn” nếu ta không biết nói hai tiếng "cám ơn", hoặc chẳng
bao giờ bày tỏ lòng biết ơn.
Chúa Giêsu chính là mẫu mực
cho ta về lòng biết ơn.
Cả cuộc sống của Ngài là một "Bài ca Tạ ơn"
liên lỉ dâng lên Thiên Chúa Cha:
- Ngài tạ ơn Chúa Cha trước
khi cho Lazarô sống lại.
- Ngài tạ ơn Chúa Cha khi
làm phép lạ cho bánh và cá hoá ra nhiều.
- Ngài tạ ơn Chúa Cha khi lập
Bí tích Thánh Thể. Kể từ đó, mỗi Thánh lễ mà Giáo hội cử hành được gọi là Lễ Tạ
Ơn .
Trong các thư của thánh
Phaolô, Ngài luôn khuyên dạy các tín hữu dâng lời tạ ơn: "Anh em hãy vui mừng
cảm tạ Thiên Chúa, đã làm cho anh em xứng đáng hưởng phần gia nghiệp của các
thánh trong cõi đời đầy ánh sáng." (Cl.1:12). Thánh Phaolô cũng làm gương
cho ta về lòng biết ơn khi Ngài tạ ơn Chúa: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của
tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Giêsu Kitô"
(1Cr.1:4).
Lòng biết ơn là một nhân đức
cao quý trong đời sống người Kitô. Biết ơn không bao giờ dư thừa. Trên đời này
không có dư thừa nào cao đẹp cho bằng dư thừa lòng biết ơn.
Chúa
ơi!
Ân
tình Chúa ru nhẹ đời con,
Ân
tình Chúa như tiếng mẹ hiền,
Tiếng
mẹ ru, thì thầm như dòng sông,
Đưa
đời con, nhẹ nhàng như thuyền nan,
Êm
lướt giữa dòng…
Lạy Chúa! Cả đời con ngụp lặn
trong ân tình Chúa. Con không thể hiện hữu mà không có Chúa. Con không thể tồn
tại nếu không có sự quan phòng che chở của Chúa, và con cũng không thể sống đơn
côi một mình mà không cần đến anh chị em của con. Xin cho con luôn sống tâm
tình biết ơn: “Ơn Chúa và Ơn Người”. Amen
Tổng
hợp từ R. Veritas