Ads

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

NHÀ THỜ TRONG MỎ MUỐI & NHÀ NGUYỆN THÁNH KINGA

NHÀ THỜ TRONG MỎ MUỐI
Nhà thờ lớn độc đáo được xây trong lòng mỏ muối dưới chân núi thu hút rất nhiều du khách.
Nhà thờ lớn Zipaquira còn được gọi là “nhà thờ muối” vì nó được xây ngay trong đường hầm của một mỏ muối năm sâu 200 mét, trong lòng ngọn núi Halite, gần thị trấn Zipaquira ở Colombia.
Với vị trí đặc biệt như vậy, nhà thờ này nhanh chóng trở thành một điểm du lịch, hành hương hút khách bậc nhất đất nước. 
Khoảng năm 1932, trước khi nhà thờ được xây dựng, những người thợ mỏ làm việc tại mỏ muối này đã khắc vào đất đá, tạo nên một nhà nguyện nho nhỏ để thờ cúng hàng ngày. Họ cho rằng việc cầu nguyện hàng ngày tại đây trước khi làm việc sẽ giúp họ tránh được những tai nạn nghề nghiệp rất dễ bắt gặp trong các hầm mỏ. 
Đến năm 1950, những người thợ mỏ tiến hành một công trình lớn hơn: xây dựng nhà thờ muối. Bốn năm sau đó, vào năm 1954, nhà thờ đã khánh thành, được dành để thờ cúng nữ thần Rosary, được coi là thánh bảo trợ cho những người thợ mỏ. 
Nhà thờ có ba gian và một chiếc thập giá, được chiếu sáng từ phía sau bởi hệ thống đèn, tạo nên bóng của chữ thập khá ấn tượng trên trần. 
Gian bên phải của nhà thờ là hình ảnh chúa trên thập giá và nhà nguyện Rosary nguyên bản. Gian bên trái là những mô hình tái hiện sự ra đời của chúa Jesus và lễ rửa tội của Chúa, với một thác nước nhân tạo, mô phỏng dòng sông Jordan. 
Tuy rất đẹp và độc đáo nhưng do được khắc trong một mỏ muối còn đang hoạt động, nó có một số vấn đề về kết cấu và độ an toàn. Lo lắng cho sự an nguy của du khách, chính quyền Colombia đã đóng cửa nhà nguyện năm 1990. Tới năm 1991, họ đã cho xây dựng một nhà thờ mới, cao hơn nhà thờ cũ vài chục mét với hệ thống ánh sáng vô cùng ấn tượng.
Công trình nhà thờ muối Zipaquira luôn được tôn vinh là kiệt tác kiến trúc của Colombia và còn được gọi là “viên ngọc kiến trúc hiện đại”.

NHÀ NGUYỆN THÁNH KINGA TRONG MỎ MUỐI
Tối ngày 29/10/2014, chúng tôi vội vã đến thăm Mỏ Muối (Salt Mine) như lịch trình quy định từ trước. Đây là một mỏ muối lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới. Có rất nhiều du khách đến thăm Mỏ Muối này, trong đó có Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II lúc còn là Karol Wojtyla. Năm 1978, mỏ muối Wieliczka này được chọn là Di Sản Quốc Tế trong danh sách của UNESCO.

Theo lời kể của hướng dẫn viên thì những người làm việc trong Mỏ Muối là những người có đặc quyền, tức là có lợi tức lớn. Đó cũng là nghề cha truyền con nối trong gia đình. Muối lúc đó rất hiếm hoi và được xem như là vàng trắng (white gold).

Trong mỏ muối này có đến 40 nhà nguyện. Sở dĩ người ta làm nhiều nhà nguyện vì tình trạng làm việc ở mỏ muối rất nguy hiểm, có khi trần nhà bị sập, đè chết người. Vì thế người ta cầu nguyện liên lỉ nơi các nhà nguyện.

Nhà nguyện Thánh Kinga mà hãng du lịch dành cho nhóm chúng tôi dâng lễ là một nhà nguyện lớn nhất. Tại đây có âm nhạc rất hay và có đèn với nhiều mầu sắc.

Đây là công trình xây dựng tuyệt hảo trọn đời của một nhà thầu xây cất. Sau khi ông ta chết đi thì người em của ông tiếp tục công trình dang dở của người anh.

Phải mất mấy ngày thì du khách mới đi thăm hết diện tích của Mỏ Muối này. Tại đó có nhiều khu thương mại sầm uất. Ngoài ra, còn có những hồ nước nhân tạo. Nhóm chúng tôi chỉ mới thăm được khoảng 3 tầng của mỏ muối này.

Nguời ta kể về huyền thoại của vị thánh quan thầy của mỏ muối là Thánh Nữ Kinga. Tương truyền rằng Thánh Kinga ném chiếc nhẫn đính hôn của bà xuống một mỏ muối tên Maramures ở nước Hungary. Chiếc nhẫn đính hôn này trôi đi tới mỏ muối vùng Wieliczka và người ta đã lượm được chiếc nhẫn của bà tại đó.

Nhà nguyện của Thánh Kinga được xây cất khi một người  thợ mỏ muối tìm được chiếc nhẫn của bà. Thánh Kinga nước Ba Lan sinh ngày 5 tháng 3 năm 1224 và mất ngày 24/7/1292. Bà là Thánh Quan Thầy của nước Ba Lan và nước Lithuania.

Thánh Kinga sinh ở vùng Esztergom, Vương Quốc Hungary. Bà là ái nữ của vua Béla IV nước Hungary và hoàng hậu Maria Laskarina. Bà là cháu gái của Thánh Elizabeth nước Hungary và chắt của Thánh Hedwig. Các chị em của thánh Kinga là Thánh Margaret nước Hungary và Chân Phước Jolenta nước Ba Lan.

Thánh Kinga miễn cưỡng kết hôn với hoàng tử Bolesław V ("the Chaste"). Bà trở nên công chúa khi chồng bà lên ngôi Hoàng Tử của vùng Cracow. Dù kết hôn nhưng cả hai đều sống khiết tịnh và không gần nhau. Họ bắt chước gương sáng của người cô của Thánh Kinga là Chân Phước Salome thành Cracow.

Thánh Kinga đã tham gia nhiều công tác bác ái giúp đỡ người nghèo và người phong cùi. Khi chồng bà chết vào năm 1279, bà đã bán tất cả của cải vật chất và tặng cho người nghèo. Bà vào tu viện Thánh Clara ỏ vùng Sandec (Stary Sącz) và dâng cuộc đời cho Chúa. Bà sống cuộc sống chiêm niệm và không cho ai được nhắc đến quyền lực Công Nương nước Ba Lan của bà. Bà qua đời ngày 24/7/1292, ở tuổi 68.

Sau đó, nhóm chúng tôi ăn cơm tối ở một nhà hàng Ba Lan thuần túy. Tại đây ngườita biểu diễn dân vũ và những bài dân ca của Ba Lan. Chúng tôi hòa đồng và cùng nhẩy múa với các ca sĩ. Tạ ơn Chúa cho một ngày bình an và đầy ân phúc!
Kim Hà