Ads

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

CẦU NGUYỆN TRONG CƠN THỬ THÁCH

Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, là tâm sự với Chúa, là lắng nghe và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và sống tương quan thân tình với Người.
Thế nhưng khi phải đối diện với sự dữ  là đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố, tai họa môi sinh, bị hiểu lầm, bị phụ tình hay bị đối xử bất công thì làm sao chúng ta có thể cầu nguyện được với Chúa? làm sao chúng ta có thể sống đức tin trong những lúc như thế? Đó là điều thử thách lớn nhất đối với người kitô hữu. Vì thế, người viết muốn chọn đề tài này để tìm hiểu về giá trị của lời cầu nguyện, nhằm hướng tới một đời sống kết hiệp với Chúa sâu xa hơn trong mọi biến cố đau thương của cuộc đời.


Không ai muốn đau khổ, nhưng đau khổ lại xảy đến với chúng ta. Từ cơn nhức đầu thông thường, cho đến sự buồn rầu vì đứa con hư hỏng, từ thất bại trong việc làm cho đến tai nạn giao thông lấy đi một người bạn hoặc một người thân trong gia đình hay khi phục vụ cho một trại phong mà bị nhiễm bệnh. Những lúc như vậy ta rất khó cầu nguyện được, càng không thể cầu nguyện lâu giờ hay cầu nguyện nhiều lời.
Điều thử thách lớn nhất đối với chúng ta là khi đau khổ mà phải cầu nguyện, ta lại càng cảm thấy đau khổ hơn, và dường như mất hết niềm tin. Có người đã tìm đến cái chết như một lối thoát duy nhất. 
Để cầu nguyện được, người ta phải chiến đấu dữ dội với chính bản thân, với ý chí với con tim của mình, mới có thể vượt qua đau cơn đau khổ và tìm được sự bình an nơi Thiên Chúa. Đứng trước thử thách ta luôn cảm thấy mình bất lực. Cả người ở gần ta và yêu thương ta cũng không thể giúp ta giải quyết được điều đó, vậy mà đôi khi ta chỉ cần có Người (Thiên Chúa) chia sẻ nỗi đau khổ với ta trong thinh lặng là đã đủ. Đó là một hình thức cầu nguyện trong lúc gặp khó khăn thử thách mà chính Đức Giêsu đã làm.
Đức Giêsu là mẫu gương của người cầu nguyện trong cơn thử thách. Trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu thấy trước cơn thử thách sắp xảy ra cho mình, Người phải đối diện với sự dữ là đêm tối, môn đệ thì nộp Thầy, mọi người xa lánh, ngay đến các môn đệ thân tín nhất cũng bỏ rơi. 
Người sợ hãi “xao xuyến, bồi hồi, lo buồn đổ mồ hôi máu”(Lc 22,44). Người cảm nghiệm được nỗi đau đớn ấy nên đã thốt lên: “Linh hồn Thầy đau buồn đến chết được” (Mt 26,38). Thiên Chúa không hề đáp lời, ngay trên thánh giá, Người cảm thấy như bị Chúa Cha bỏ rơi, nhưng Người vẫn thưa lên với Chúa Cha bằng một lời cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mc 15,34).
Dù lúc đau khổ cô đơn tột cùng, Đức Giêsu vẫn một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Càng đau khổ, Đức Giêsu càng cầu nguyện và lời cầu nguyện càng tha thiết, gắn bó, thân mật hơn với Chúa Cha. “Abba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này”(Mc 14,36). Đứng trước cuộc thương khó và cái chết, Người có một phản ứng tự nhiên, Người muốn thoát khỏi cơn thử thách ấy.
Tuy nhiên, Người vẫn thưa lại: “xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Mc 14,36). Trong mọi hoàn cảnh Người luôn tìm kiếm ý Thiên Chúa và thể hiện rõ niềm xác tín của mình trong việc hoàn thành ý định của Chúa Cha, và phó thác sự sống cho Chúa Cha hoàn toàn: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. Lời cầu nguyện cuối cùng, Người đã nói lên một niềm tin trọn vẹn, một mối tương quan thân tình với Chúa Cha.
Như vậy, Đau khổ thử thách, không làm cho mối quan hệ giữa Đức Giêsu và Chúa Cha bị cắt đứt, nhưng càng trở nên gắn bó hơn, như Claude Tassin đã khẳng định: Trong lúc kêu lên cơn khốn khổ của mình, Chúa Giêsu đã biểu lộ niềm tin ở giai đoạn cùng cực, một niềm tin vẫn còn nói lên: “Lạy Chúa tôi”[1]. Dù cuộc đời tối tăm đến mấy, Đức Giêsu vẫn cầu nguyện, Người luôn lấy lòng tin yêu đối với Cha để vượt thắng được nỗi lo âu kinh hoàng trước viễn tượng cuộc thương khó, ý thức là giờ của Người đã điểm, bình tĩnh đương đầu với cuộc khổ nạn của mình.
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong cơn thử thách là nền tảng để khuyến khích các môn đệ và các tín hữu trong mọi thời đại, bắt chước Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha. Khi Satan thử thách sự kiên trì của các tín hữu (Lc 22,31), thì chỉ có lời cầu nguyện tha thiết mới có thể đem lại sức mạnh để không vấp ngã dưới quền lực của sự ác, để trung thành trong cơn khủng hoảng đáng sợ mà người ta phải trải qua.
Khi gặp thử thách người kitô hữu cầu nguyện như thế nào?
Khi khỏe mạnh, bình an, người ta dễ cầu nguyện dễ sống niềm tin. Nhưng khi gặp thử thách người ta chán nản, thất vọng, kêu trách Chúa, không tin sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Nhiều người đã ngục ngã trong cơn thử thách nên không thể kết hợp mật thiết với Chúa. Tuy nhiên cũng rất nhiều người khi gặp đau khổ họ lại sống thân mật với Chúa hơn, cầu nguyện tha thiết hơn, như để nhận lấy một điều gì đó từ nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thật vậy, khi nghèo đói, thiếu thốn vật chất, bệnh tật, chúng ta cần được giúp đỡ, người ta chạy đến than vãn với Chúa, thì lời than vãn đó là một hình thức cầu nguyện khiêm tốn, tha thiết: “Ôi, phải chi ai cảm được nỗi sầu của con, và đặt lên bàn cân nỗi đau con đang chịu” (G 6,1). Hay đứng trước sự dữ như nạn “sóng thần”, mất cha, mất mẹ, mất con cái, mất hết gia tài sự nghiệp, thì ai cũng muốn thoát khỏi đau khổ, khỏi cái chết, phản ứng đó cũng giống như Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu.
Nhưng Đức Giêsu vượt qua được trong khi cầu nguyện với Chúa Cha. Noi gương Người, ta phải chiến đấu, cầu nguyện tha thiết với sự tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Qua biến cố đau thương ấy, ta ý thức lại chính mình và biến đổi cuộc đời, ta chấp nhận sự đau khổ để dâng lên Thiên Chúa, thì đó là lời cầu nguyện đẹp nhất mà Chúa mong muốn. Càng đau khổ chúng ta càng phải bám vào Chúa, tin tưởng và phó thác cho Chúa là nguồn sự sống và cầu nguyện tha thiết, gắn bó với Người hơn. Stêphanô khi bị lôi ra thành cho mọi người ném đá, cái chết đang xảy ra trước mắt, ngài cũng phải chiến đấu kinh khủng mới thốt lên một lời cầu nguyện như  Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (Cv 7,59), thánh nhân đã tín thác hoàn toàn vào Chúa để vượt qua cơn thử thách này.
Điều Chúa muốn là ngay trong hoàn cảnh đau khổ cùng cực ấy, chúng ta vẫn sống sao cho thật tốt, cho thật đẹp lòng Chúa thì đây cũng là một hình thức cầu nguyện. Vì cầu nguyện không phải là trốn tránh trách nhiệm: “Thiên Chúa khinh chê những lời kêu xin Ngài giúp đỡ để tránh khỏi gian nan hoạn nạn, khi con người không cố gắng dốc toàn lực chống lại nguyên nhân gây ra tai nạn” (Bossues).
Cũng vậy, trong đời sống dâng hiến, những lúc gặp thử thách, bị hiểu lầm, nhưng nếu ta vẫn trung thành chu toàn bổn phận và biết đón nhận tất cả với lòng tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, thì đó cũng là một cách cầu nguyện, một sự tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Hay khi ta chạy đến thân thưa với Chúa, dù chỉ một cái nhìn trong thinh lặng. Cái nhìn an tĩnh đó sẽ giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn và sống tương quan thân tình với Thiên Chúa, tìm được sự bình an, hạnh phúc trong tình thương của Người.
Lời cầu nguyện trong cơn thử thách, giúp con người đi sâu vào tình thương của Thiên Chúa, sống tương quan mật thiết với Người hơn: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô” (Rm 8,39). Ý thức điều đó thì đau khổ không còn là sự trở ngại cho chúng ta, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa, noi gương Đức Giêsu chấp nhận vượt qua mọi thử thách, với lòng tin tưởng phó thác cho thánh ý Thiên Chúa, thì đau khổ trở nên có giá trị cứu độ và cuộc sống của chúng ta là một lời cầu nguyện tốt đẹp. Vậy, chúng ta “cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12).
Kim Hương