Ads

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

TRI ÂM TRI KỶ


NHẠC PHẨM: TÌNH BẠN TRI KỶ
Sống trên đời, ai cũng cần có người hiểu mình thương mình. Muốn được hiểu thương, muốn được cảm thông và chia sẻ là bản năng của con người. Vì thế, biết bao người đã đi tìm cho mình những người  bạn đầy đủ những phẩm chất đó. Và người bạn ấy được gọi là tri âm, người hiểu được tiếng lòng của mình qua lời nói và cử chỉ, người luôn biết lắng nghe, yêu thương và giúp đỡ mình trong những lúc vui buồn; đồng thời là người biết khuyến khích, tin tưởng, trung thành trong những lúc mình gặp khó khăn. Người bạn như thế không phải dễ tìm và đôi khi cả cuộc đời mòn mỏi đi tìm vẫn không gặp được người bạn lý tưởng xứng đáng gọi là tri âm.
Thế nên, ai đó đã nói rằng gian khổ cuộc đời không sợ, chỉ ngại trên đời thiếu tri âm. Nơi đây người viết xin trình bày một khía cạnh về tri âm là gì và làm thế nào để có thể tìm gặp người tri âm.
Tri là biết, là hiểu; âm là vọng, là tiếng nói, lời tự sự của một con người sống trên mặt đất muốn làm cho người biết và người cần được biết có một sự tương giao, tương duyên hợp nhất với nhau nên gọi là tri âm. Tri âm đồng nghĩa với tri kỷ. Tri kỷ là hiểu mình, mà tri âm là hiểu người. Tri âm và tri kỷ ghép lại chính là hiểu mình hiểu người.
Vì sao cần có tri âm? Vì mình vốn chưa hoàn hảo, còn có nhiều khiếm khuyết nên cần có đối tượng để hiểu, để đưa mình về tìm lại trạng thái chính mình. Nếu mình hiểu mình thì không còn gì để nói. Ngược lại, có người hiểu mình mới tuyệt diệu làm sao! mới phiêu, mới thốt nên lời thơ bất hủ: "Trần gian lỡ đọa ta không tiếc, chỉ tiếc trên trần thiếu tri âm”.

“Rượu ngon không có bạn hiền, Không mua không phải không tiền không mua. Câu thơ nghĩ đắn đo không viết. Viết cho ai, ai biết mà đưa”.
Thư từ chữ viết là sự chắp nối mốc xích ý nghĩ ngôn ngữ, một khi viết tất phải có đối tượng để truyền tải tâm tình mình, tri âm không còn thì biết tâm tình, tự sự với ai đây.

Quả nặng tình, nặng nghĩa tri âm, vừa sâu sắc kín đáo, vừa già dặn, càng đọc càng rung cảm xao xuyến khôn xiết tâm hồn.
“Thà rằng không quen thì thôi. Quen rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn”.
Cái duyên trời cho gặp nhau, âu bởi tầng số tâm giao hợp tình hợp nết với nhau. Thông thường chỉ để gặp mặt im lặng và nhìn nhau thì đủ thấy vui, vắng mặt nhau thì thấy nhớ. Vui thì cùng vui chung, buồn thì cùng buồn chung mà thế gian hay dùng từ: “đồng cam cộng khổ” hay “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Hai nửa tâm hồn hiểu nhau thì dù sống riêng biệt cách xa ngàn vạn dặm, người thành thị kẻ sơn khê nhưng mỗi lần có dịp nhớ tới nhau thì tâm hồn thường thấy ấm cúng, thấy mình không cô quạnh, lẻ loi tí nào.
Tiếng nói đôi khi cũng chỉ là lời nói. Trên tất cả thông giao ngôn ngữ, sự im lặng là tuyệt đỉnh tự do ý nghĩ tri âm.
“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui. Chuyện đời như nước chảy hoa trôi. Lợi danh như bóng mây chìm nỗi. Chỉ có tri âm để lại đời”.

Tình bạn tri âm gặp nhau thông thường là những người có chí, có tài cũng là những người có tư tưởng lớn. Nếu đời người mà gặp được bạn tri âm như thế thì hạnh phúc vô cùng.
“Đắc nhất tri âm, khả dĩ bất hận”. (ở đời có được một người bạn tri âm thì không còn ân hận gì nữa).

Để gặp được người tri âm chúng ta phải biết mở lòng ra, vui vẻ đến với nhau trong cởi mở. Và tri âm là lẽ quay về hải đảo tự thân chính mình. Đừng bao giờ hỏi: Cuộc đời cô đơn có buồn không? Kết quả chỉ là phù phiếm mang tính tự kỷ. Hãy tập ngồi yên trong buổi sáng bình minh, ta sẽ có câu trả lời thích đáng.
Chúng ta biết biến cố nước hóa thành rượu ngon tại buổi tiệc cưới Cana, một chi tiết thật thú vị và đầy ngụ ý trong câu chuyện này, đó là mối đồng cảm sâu xa thâm trầm giữa Ðức Giêsu và Thánh Mẫu Người.
Khi Ðức Maria cho con trai yêu dấu của Người hay sự thể đang gây bối rối cho đôi tân hôn vì "họ hết rượu rồi", thì phản ứng của Ðức Giêsu sao mà thờ ơ, sao mà vô tình quá: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con?" lại còn như vẻ muốn phủi tay: "Giờ của con chưa đến".
Thế nhưng đó là những gì kẻ ngoại cuộc có thể nhận xét và suy đoán được, mà hiển nhiên là không đúng với thực tế của điều đang diễn tiến sâu xa trong hai Trái Tim, hai Tâm Hồn của người trong cuộc, của Mẹ và Con. Bởi lẽ chỉ có một tâm hồn lúc nào cũng sắp sẵn trong suy niệm, trong khiêm nhu, kiên nhẫn và nồng nàn như Ðức Maria mới có thể cảm nhận với niềm tin và tình yêu thâm sâu Lời của Ðấng Thiên Chúa Hằng Sống và Trường Cửu.

Quả vậy, Ðức Maria đã cảm nhận được, đã thưởng thức được, đã tri âm được cung giọng du dương ngọt ngào qua Lời Con Mình nói. Ðức Mẹ đã vui mừng đón nhận và truyền đạt cho loài người sứ điệp của Ðấng Cứu Thế: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".

Vâng, đây chính là cốt lõi của đức tin Kitô Giáo, là chỉ nam của đời sống đạo cho mỗi Kitô hữu, là chuẩn mực của việc Phụng Tự Hội Thánh đang cử hành: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".

Trực diện với thực tại Linh Thánh, người phàm có nhiều thái độ khác nhau. Tổ phụ Abraham phải rào trước đón sau, mặc cả vòng vo để xin Chúa dung tha cho một nhóm bà con thân thích khỏi bị hủy diệt trong vụ Thành Sođom và Gomôra.
Tổ Phụ Giacóp cố vật lộn với Thiên Chúa thâu đêm suốt sáng để nài cho được điều khẩn nguyện. Vua Acáp thì sợ hãi, vội vã khước từ lời gợi ý của Thiên Chúa: "Không dám đâu, con không dám xin như vậy, con không muốn thử sức Giavê Ðức Chúa".

Chìa khóa đời sống tôn giáo theo sứ điệp Tin Mừng chính là ở đây, không phải con người nỗ lực uốn nắn, lèo lái Thiên ý, hoạch định cho Thiên ý một đường hướng, một chương trình dựa theo sự khôn ngoan, tính toán của phàm nhân, nhưng phải là cố gắng thuận theo Thiên ý: "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời".

"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Ðơn giản quá, dễ dàng quá, hồn nhiên quá, gần gũi quá, mà cũng kỳ diệu quá, quyền năng quá và hiệu nghiệm quá. Sự yếu đuối, giới hạn, mọn hèn vô thường của con người đã trở thành sức mạnh vạn năng, vô biên, thánh thiêng và trường cửu khi biết tựa nương vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.

"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Chúng ta hãy vững tin và khiêm tốn đặt tất cả đời mình, số phận mình trong tay Thiên Chúa, Ðấng là chủ của lịch sử, của mọi sự vận hành vũ trụ.

Giữa mắt chúng ta như đang bị chìm ngập gần như không còn lối thoát trong bao lo âu toan tính, sợ hãi và tuyệt vọng khi cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội và kể cả đời sống tâm linh gần như ra nhạt nhẽo, vô vị, hết máu, hết cảm hứng. Ðôi khi lời cầu nguyện chậm được đáp ứng, không nên coi đó là sự thờ ơ hay khước từ của Thiên Chúa, song đúng hơn phải coi đó là dấu chỉ, là lời mời gọi để tâm và ý phàm nhân được tôi luyện và thanh tẩy: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Rồi điều kỳ diệu và phép lạ sẽ xảy ra như đã từng làm nước lã hoá thành rượu ngon.