Biết bao ân phúc mà Thiên
Chúa và tha nhân đã tặng ban cho ta trong suốt những tháng ngày qua. Giữa bao
thăng trầm, biến động của lịch sử xã hội, Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương
thực thi chương trình huyền nhiệm và kỳ diệu của Người trên đời ta.
Như Israel xưa được nâng đỡ
trên hành trình tiến về Đất Hứa, chúng ta cũng đang được dẫn dắt trong cuộc lữ
hành tiến về Vĩnh Cửu dưới ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh (1Cr 1, 3-9). Hiệp với
ngôn sứ Isaia, ta hãy hồi tâm suy gẫm và dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ về tất cả
hồng ân đã nhận lãnh.
“Tôi xin nhắc lại ân nghĩa
với Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện
cho chúng tôi, vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Israel, vì những
gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is
63, 7).
1. Tất cả là hồng ân
Tất cả là hồng ân, vì mọi sự
không nằm ngoài bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Có thể ta buồn, ta nuối tiếc
và đau xót vì bao kế hoạch đặt ra đang lỡ dở, bao sai lầm trong cách nghĩ, cách
làm dẫn đến thảm bại, bao thua thiệt, mất
mát to lớn cả vật chất lẫn tinh thần… Nó làm cho ta nhiều khi đã buông lời
trách Chúa vì Người đã không theo ý ta. Nó làm cho ta có lúc hoài nghi về quyền
năng và tình thương của Chúa. Chúng ta khác nào đoàn dân Israel trong sa mạc,
thiếu đi ngọn lửa mến và niềm xác tín tuyệt đối vào chương trình tình thương của
Thiên Chúa.
Kinh nghiệm đức tin của
Gióp (G 1 – 42) mách bảo cho ta về ân huệ
của Chúa. Chính Thiên Chúa đã đi bước trước và dẫn đưa Gióp trên nẻo đường huyền
nhiệm mà con người không thể ngờ tới. Con đường ấy hằn sâu những vết chân khổ lụy
nhưng nó báo hiệu cho cuộc gặp gỡ toàn vẹn với “Đấng Ẩn Mình” đầy yêu thương và
công bằng.
“Như Gióp xưa, Thiên Chúa vẫn
không ngừng săn sóc thăm nom đời tôi, đời bạn và gửi đến cho chúng ta thật nhiều
quà tặng vô giá. Đó là tất cả hồng ân dồi dào dành cho chúng ta trong mọi biến
cố thường ngày. Có thứ quà tặng ngọt ngào gắn với hạnh phúc trào vui; có thứ
quà tặng nhuốm màu đắng cay, chua xót nhưng quý giá vì chất chứa những đánh đổi
cho hạnh phúc vĩnh hằng; có thứ quà tặng câm lặng, vô hình đòi hỏi ta phải kiên
trì, sáng suốt để nhận ra…
Nhiều khi ta đã cố tình
trách Chúa vì những thứ “quà” không vừa ý riêng. Nhiều khi ta đã đổ lỗi cho
Chúa trước những đổ vỡ, đau thương quá lớn, và có khi ta đã đẩy xua, nguyền rủa
những nghịch cảnh… Nhận ra chương trình của Chúa trên đời mình, chúng ta hãy
đón nhận tất cả như quà tặng dư đầy, phong phú mà Thiên Chúa ưu ái gửi đến cho
mỗi người trên hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực”
Tất cả là hồng ân. Thời
gian dần trôi qua, chúng ta khắc cốt ghi tâm biết bao ơn lành mà Thiên Chúa yêu
thương gửi đến cho ta, cho người thân của ta và cộng đồng qua bàn tay và con
tim tràn đầy yêu thương của bao người xung quanh. Bạn và tôi thử nghĩ xem, nếu
những ngày qua, xã hội mà chúng ta đang sống thiếu vắng đi những tâm hồn giàu nặng
yêu thương ấy thì thế giới này sẽ thật cô lạnh, vô vị, vô nghĩa, đắng cay biết
chừng nào?!
Thật hạnh phúc cho ta biết
bao, vì giữa dòng chảy thời gian với những con sóng nghịch cảnh, nghiệt ngã,
phũ phàng trào xô, Thiên Chúa vẫn không ngừng đồng hành, nâng đỡ và gửi đến cho
ta vô vàn những bàn tay nhân ái không ngại gian khó, âm thầm tận hiến phục vụ
chúng ta và đồng loại giữa đời thường. Họ vui tươi, sẵn sàng hy sinh những lợi
ích thiết yếu nhất của bản thân để có thể đem lại cho cộng đồng niềm tin, sự sống,
hạnh phúc đích thực, cho dẫu rất nhỏ nhoi. Họ dám xả thân trước tệ trạng bất
công và mọi hình thức đối xử phi luân để bảo vệ phẩm giá và lợi ích thiêng
liêng của con người... Quả thực, dấu chứng cuộc ‘‘thăm viếng’’ của Thiên Chúa vẫn
liên tục hiện hữu giữa đời ta.
Tất cả là hồng ân. Cảm tạ
Chúa đã ban cho ta món quà thời gian gói trọn tất cả những hồng ân vô giá ấy. Cảm
tạ tình Chúa tình người. Chúng ta càng cảm nghiệm sâu xa hơn ‘‘lời cảm tạ’’ của
Thánh Phaolô: ‘‘Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người
đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu’’ (1Cr 1, 4).
2. Nhận lãnh để trao ban
Năm tháng sẽ qua đi nhưng
tình Chúa tình người vẫn theo suốt đời
ta, cho dẫu ta vô tình lãng quên hay vô ơn trước bao ân thiêng vô giá ấy. Tịnh
tâm là thời điểm ý nghĩa và thuận tiện nhất để ta bày tỏ tâm tình tạ lỗi, nhất
là để cảm tạ tình Chúa tình người.
Thiên Chúa và anh chị em ta
với tình yêu vô lượng, vô vị lợi không đòi hỏi ta phải báo xứng những hồng ân
mà ta đã nhận lãnh. Nhưng Tin Mừng mời gọi ta, nhận lãnh là để trao ban: “Các
con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy ban phát nhưng không” (Mt 10, 8). Ân
phúc mà chúng ta đón nhận trong suốt cuộc đời sẽ dư đầy và phát triển dồi dào
khi ta biết chia sẻ và tiếp tục tặng ban nó cho những người xung quanh. Cuộc
thăm viếng bà chị họ Ê-li-sa-bét của Đức Maria (Lc 1, 39 – 55) khơi mở cho chúng
ta một thái độ đáp trả trọn vẹn và ý nghĩa nhất trước tình Chúa tình người.
Khi đã nhận lãnh “đầy ân
phúc” (Lc 1, 28b) từ Thiên Chúa, Đức Maria đã lên đường làm cuộc lữ trình đáp
trả tình Trời. Yêu thương, chính là nét nổi bật nhất mà Đức Maria đã đem đến
cho nhà Ê-li-sa-bét trong cuộc thăm viếng. Vì yêu thương nên Mẹ đã quan tâm, gặp
gỡ, cảm thông, chia sẻ niềm vui, giúp đỡ
người chị họ. Không chỉ dừng lại ở đó, Mẹ còn muốn trao ban chính Chúa
là Đấng Mẹ đang cưu mang, là Đấng Mẹ đặt trọn niềm tin tưởng cậy trông sẽ đến cứu
chuộc nhân loại. Cao điểm của tình yêu nơi Mẹ, là khi đã được lãnh nhận hồng ân
dư đầy từ Thiên Chúa, Mẹ đã không cố giữ lấy cho riêng mình, mà đem phúc cả ấy
đến cho người cần được sẻ chia và chung nghiệm hạnh phúc, vì có Chúa ở cùng.
Đây chính là tâm trạng của bà Ê-li-sa-bet trước lời chào của Đức Maria: “Bà
Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và
bà được đầy Thánh Thần…” (Lc 1, 41); và Ê-li-sa-bét đã thốt lên: “Bởi đâu tôi
được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Đó là đỉnh điểm của hạnh phúc được
trao ban.
Tâm tình của lời kinh
“Magnificat” (Lc 1, 46-55) đẹp đẽ, sinh động nhất mà chúng ta có thể thông hiệp
với Đức Maria, để tri ân tình Chúa tình người trong suốt cuộc đời, là thái độ
khiêm cung đón nhận tất cả mọi ơn lành, đồng thời nỗ lực sống lời mời gọi yêu
thương từ Thiên Chúa trong sứ vụ liên đới mật thiết với tha nhân.