(Nén hương lòng dâng người
quá cố… hơi buồn , nhưng thực tế và hãy đối diện) Mọi người sinh ra từ bụi tro
rồi lại trở về tro bụi. Như mây hợp rồi tan, không một ai có thể thoát khỏi qui
luật đơn giản mà nghiệt ngã này. Mẹ tôi cũng thế, không thể thoát khỏi vòng
sinh bệnh lão tử. Sau gần mười năm trời ốm đau liệt giường, mẹ đã trút hơi thở
cuối cùng, linh hồn mẹ lìa khỏi xác. Mẹ đã nhắm mắt vĩnh viễn từ giã cõi đời
này!
Mẹ ra đi, việc đầu tiên là
gia đình con cháu họp nhau lại bàn việc lo tang ma cho mẹ. Mọi người đều đồng
thanh nhất trí phải tổ chức đám tang cho thật to, thật linh đình. Phải sắm cho
mẹ cỗ áo quan đẹp nhất, bằng gỗ quí nhất. Mẹ ơi, liệu mẹ có cảm nghiệm được
lòng thảo hiếu của con cháu lúc này, khi mà mẹ chỉ còn là một “xác ma không hồn”?
Xưa mẹ đau ốm, để đỡ phải
giặt giũ nhiều, con cháu đã có “sáng kiến” khoác cho mẹ tấm nilon lạnh giá thay
cho quần áo vải ấm áp. Nay mẹ chết, mẹ được nằm trong cỗ áo quan bọc nhung thắm,
mẹ có thích không? Hôm nay, mẹ mất, con cháu kéo đến đông đủ cả, không thiếu một
ai, vòng trong vòng ngoài, khóc lóc vật vã thảm thiết, có đứa vì than khóc nhiều
quá đến nỗi mất cả tiếng. Dân làng bảo: “Con cháu có hiếu quá! Có hiếu quá!”
Xưa mẹ đau ốm, con cháu đùn
đẩy nhau, đứa nào cũng ngại ngùng khi phải nuôi mẹ. Thế là chúng phải mở một cuộc
họp, rồi bốc thăm, cắt phiên nhau nuôi mẹ. Có đứa đến phiên nuôi mẹ mà lại bận
đi thẩm mỹ viện cả ngày, không nhờ ai được, vẫn lạnh lùng để mẹ nằm đói chỏng
chơ. Kệ mẹ! Sắc đẹp muôn năm!
Mẹ chết, hai con lợn cũng
chết theo, lại còn bao nhiêu là xôi gà, măng miến nữa chứ. Chả ai tiếc tiền cả.
Ông con trưởng tuyên bố: “Mẹ chết có một lần, phải làm cỗ thật to!” Vậy mà xưa
mẹ đau ốm, có khi mẹ thèm một bát canh cũng không được. Con cháu bảo: “Cho mẹ
ăn ít thôi, cho ăn uống lắm vào, cụ lại ỉa đái nhiều, chỉ tổ khổ công dọn dẹp!”.
Và rồi tin báo tử được loan
đi đã làm thay đổi cả bầu khí gia đình và thái độ của mọi người đối với mẹ. Mọi
người đến phúng viếng đông quá; dòng người cứ nối đuôi nhau hết đoàn thể này đến
hội đoàn kia, ai cũng thành kính đốt nhang vái mẹ. Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt
nhắm nghiền, mẹ có thấy gì chăng? Cả đời mẹ gian lao vất vả. Gần mười năm trời
nằm ốm liệt trong nhà, mẹ thèm có người nói chuyện, mà nào có mấy người đến
thăm. Thỉnh thoảng có người đến, nhưng lại nhanh chóng rời khỏi, có lẽ họ không
thích thú gì khi ngồi bên người ốm liệt giường, mùi mẽo tanh hôi. Có người vào
thăm mẹ mà cứ nhăn mũi, nhăn mặt lại. Con nhớ có lần, đứa cháu nội lân la đến
vuốt tóc bà và định hôn má bà, thì mẹ nó nhanh tay kéo giật nó lại. Mẹ nó sa sầm
nét mặt, lầm bầm: “Ngu quá con ạ! Mày muốn lây bệnh hả?”
Mọi người mang đến phúng viếng
mẹ nhiều hoa quá, gần 100 vòng hoa, đủ các loại, đủ kích cỡ to nhỏ, có thể nói
là cả một rừng hoa. Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có thưởng thức
được hoa không? Khi còn sống, mẹ thích hái những đóa hoa dại cài mái tóc; mẹ
cùng bạn bè đi hái những đóa hoa dại nhỏ xinh về dâng kính Mẹ Maria.
Thế nhưng, cả đời mẹ quê,
chưa ai tặng mẹ một đóa hoa nào. Mẹ thấy cuộc sống sao cằn khô quá! Đoàn thể
nào đến viếng mẹ cũng có người đại diện đọc điếu văn phân ưu. Bài điếu văn nào
cũng bảy tỏ niềm tiếc thương vô hạn, ca ngợi mẹ hết lời, mong sao giá mà mẹ còn
sống. Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm nghiền, mẹ có nghe thấy gì không? Lúc
mẹ còn sống, người khen mẹ nào có mấy ai, chỉ thấy người chê là nhiều. Cái người
đang ao ước mẹ sống lại cũng chính là người xưa đã từng nguyền rủa mẹ, mong cho
mẹ sao không chết sớm đi! Ôi, mẹ cảm thấy mình bị chết ngay khi còn sống bởi sự
cay độc của người đời.
Mọi người còn phúng viếng mẹ
phong bì nữa chứ. Cơ man nào là phong bì. Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt nhắm
nghiền, mẹ có còn tiêu được tiền nữa không? Xưa mẹ đau ốm, nhà mình nghèo túng,
nhưng chẳng có ai giúp đỡ. Mẹ bảo con liều đi vay xem sao, nhưng ai cũng nói
khó khăn, ngại ngần né tránh. Họ không muốn cho vay vì sợ mình đau ốm thế này lấy
gì mà trả. Mẹ con chỉ còn biết nghẹn ngào nhìn nhau, khóc thương cho thân phận.
Ôi, “nghĩa tử là nghĩa tận”
- người ta thường nói thế. Nhưng tại sao chúng ta không sống tốt với nhau ngay
từ khi còn sống mà cứ phải đợi đến khi chết mới đối xử tử tế với nhau? Sao ta
không sống yêu thương, giúp đỡ nhau ngay khi còn sống, nhất là trong những lúc
khó khăn, cô đơn, đau ốm mà cứ phải đợi đến khi chết rồi mới đến phúng viếng?
Liệu người đã chết rồi, ta có thực sự yêu họ được nữa hay không?
Xin hãy cho nhau một nụ cười,
một lời thăm hỏi, khích lệ động viên. Hãy sẵn lòng thực thi những nghĩa cử yêu
thương cụ thể để giúp nhau ngay khi còn sống. Chứ đợi đến khi chết rồi thì cả một
rừng hoa phúng viếng cùng những điếu văn ca ngợi cũng chẳng có nghĩa gì. Ước
chi, mọi người hãy đối xử tử tế, hãy sống hết mình với nhau như đối xử với “người
vừa chết”.
Nguyễn Xuân Trường