Ads

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

NHỚ MẸ

Con ạ! Anh chị em chúng con chỉ có mấy đứa. Đất khách quê người, con để ít giờ cuối tuần mà thăm hỏi nhau. Con đừng đi làm ngày Chúa Nhật nữa.

ONE SUNDAY MORNING
Lời khuyên không làm đứa con gái xuôi lòng. Sống xa cộng đoàn người Việt, mãi vùng xứ lạnh Bắc Âu.  Tâm tư bà thường nhớ về quê cũ, mảnh vườn xưa, dăm ba tàu chuối trưa hè.  Nhưng con bà đã gần như là người Âu.  Đối với bà, tiếng chuông nhà thờ còn là nỗi nhớ người, nhớ cảnh.  Nhưng những đứa con lớn lên ở đây, chúng không có kỷ niệm những tối trăng sao vằng vặc, tiếng ếch kêu trong đêm mưa.  Bởi đó, những lời khuyên như trên của bà chỉ là ước mơ hững hờ.

Ngày bà chết, người con gái năm xưa để tấm hình bà trên tủ thờ tổ tiên.  Người con gái năm xưa ấy bây giờ đã có một lũ con. Chúng lớn mau không ngờ, nếu bà còn sống, nay chúng là lũ cháu của bà.  Giống như bài luận văn ngày cũ: "Cứ tối tối ngoại quây quần kể chuyện cổ tích cho các cháu nghe". Người con gái năm xưa ấy kể:

Mỗi lần nhìn tấm hình của mẹ, lòng tôi se sắt một tiếng thương và một nỗi nhớ. Đã bao năm về trước, bà đã một lần nói với đứa con gái lớn: “Con ạ! Anh chị em chúng con chỉ có mấy đứa.  Đất khách quê người, con để ít giờ cuối tuần mà thăm hỏi nhau.  Con đừng đi làm ngày Chúa Nhật nữa”.  Đứa con gái không nghe lời.

Lời khuyên có vẻ dễ dàng, nhưng đời có những chuyện chưa kịp nghĩ tới. Lời bà khuyên con gái, không ngờ một ngày kia lại trở về với chính bà.

Câu chuyện là bà có cửa tiệm bán quần áo, chung với một người đồng hương.  Sau những ngày làm ăn, nghi ngờ nhau. Bà đánh dấu mực vào cổ áo. Hôm sau người partner đến bán đi, không muốn chia lời. Người này lấy áo mới thay vào, giả bộ cứ như là đến phiên mình bán, không bán được bao nhiêu. Hai bên đưa nhau ra tòa, hết tình hết nghĩa, cửa tiệm bán quần áo không còn.

Bà kiếm một việc mới: Bán chợ phiên ngày Chúa Nhật.  Thế là lời khuyên con gái năm xưa trở thành lời khuyên cho chính mình. Chỉ cần một buổi chợ phiên Chúa Nhật, bà kiếm mấy trăm đô la. Câu chuyện “bình an” cho đến một ngày, người con gái năm xưa, có chuyện giữa mẹ con, đã nói với bà:
Ngày xưa mẹ bảo con đừng đi làm ngày Chúa Nhật, bây giờ thì…
Người con gái không nói hết câu. Nhưng ý phải hiểu: “Bây giờ thấy tiền thì mẹ cũng làm ngày Chúa Nhật như con thôi”.
Đi làm ngày Chúa Nhật có tội hay không?

Đôi lúc bà cũng phân vân. Nhưng nỗi trăn trở nhất trong tâm hồn bà là tấm ảnh người mẹ sau khi chết. Bà biết nếu ngày nào bà chết trước người con gái, con bà sẽ để hình bà trên bàn thờ tổ tiên, bên cạnh chồng bà. Mỗi lần đến thăm nhà đứa con gái, bà âm thầm nhìn lên tấm ảnh đen trắng, chồng bà. Tấm ảnh đứa con đã để trên bàn thờ tổ tiên, ảnh bố nó. Bà lại như thở nhẹ một nghĩ ngợi, chắc nó cũng để hình bà ở góc kia, trên điện thờ ngày bà chết. Bà kín đáo nhìn tấm ảnh vô hình của bà. Bà hình dung ánh mắt bà trong tấm ảnh đang nhìn xuống.

Vào một đêm không ngờ, đêm đen của đất trời, nhưng sáng trong linh hồn. Trong đêm đó, thinh lặng, các con yên ngủ, trước tượng Chúa, người mẹ đau khổ lâm râm cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin giúp con, con đã một lần khuyên con gái đừng đi làm ngày Chúa Nhật, dành thời gian cho anh chị em, cho chồng, cho các con. Nhưng nay thì con lại đi làm. Ngày con chết đi, mỗi khi nhìn ảnh con trên điện thờ, chắc con của con sẽ đau khổ vì có người mẹ như thế, chỉ biết khuyên con mà không dám sống lời mình khuyên.  Nhìn ảnh con chắc nó cũng thương một người mẹ, nhưng chắc nó cũng đau vì có người mẹ như thế. Con muốn ngày nào con chết đi, nhìn ảnh con trên bàn thờ vào những ngày giỗ kỵ, nó dám nói với các con của nó là: “Các con nhìn cuộc đời ngoại của các con, ngày còn sống, ngoại chúng con dám sống cuộc đời can đảm như thế.”

Lạy Chúa, cuộc đời con còn được bao lâu? Con muốn để lại tấm ảnh thờ không phải chỉ cho đứa con gái mà còn cho các cháu của con nữa.

Đêm đó tĩnh mịch, căn phòng ngủ im như tờ, se sẽ tiếng thở của lòng người mẹ thương con, thương cháu. Bà im lặng khấn vái trước tượng Chúa, cầu nguyện cho tương lai con cháu. Một đêm rất đỗi không ngờ, im lặng trong lòng bà thôi mà lời kinh thấu đến trời cao.
Rồi một ngày, bà bỏ chợ phiên, bà bỏ những sáng Chúa Nhật đi buôn.

Người con gái bà sau này kể tiếp:
Một hôm tôi hỏi mẹ: “Tại sao mẹ không đi làm ngày Chúa Nhật nữa? Mỗi buổi chợ phiên mẹ kiếm mấy trăm đô la cơ mà!” Mẹ tôi không trả lời.  Tôi tiếc là bà bỏ mất mấy trăm đô la.

Hôm nay mẹ tôi không còn. Chỉ còn tấm hình bà trên bàn thờ tổ tiên.
Một tối thinh lặng, các con tôi đã ngủ. Một mình tôi ngồi nhìn ảnh mẹ. Bây giờ làm mẹ mới hiểu những đoạn đời mà một người mẹ đi qua. Người ta bảo có qua cầu mới hay.  Nhìn các con tôi ngủ, chúng đang lớn dần. Lo cho con, bấy giờ mới thấm thía những ngày mẹ tôi lo cho tôi.  Ảnh mẹ trên bàn thờ tổ tiên, hương khói không có. Trong căn nhà tôi ra vào hàng ngày, ảnh mẹ tôi âm thầm treo đó, im lặng, nhưng đêm nay nhớ về kỷ niệm năm xưa, tôi nhìn ảnh mẹ lại hỏi: “Tại sao mẹ không đi làm ngày Chúa Nhật nữa? Mỗi buổi chợ phiên mẹ kiếm mấy trăm đô la cơ mà!”

Và hôm nay, lạ thật, trong ánh mắt chịu đựng của mẹ. Mẹ tôi trong tấm hình kia âm thầm trả lời:
Mẹ biết có ngày con đặt ảnh mẹ trên bàn thờ cạnh hình ba con. Con sẽ đau khổ khi đến ngày giỗ mẹ. Con nhìn ảnh thấy mẹ rồi nói: “Ngày xưa bà này bảo tôi đừng đi làm ngày Chúa Nhật, thấy tiền thì bà cũng như tôi”.  Con thương mẹ, nhưng nghĩ đến lời khuyên và lối sống của mẹ như thế. Con sẽ khổ đau, không vui.

Bỗng quá lạ. Tôi thấy tấm ảnh mẹ tôi như sáng lên, âm thầm mà mạnh mẽ vô cùng.  Các con tôi vẫn ngủ, chúng không biết hôm nay là ngày giỗ ngoại chúng. Tôi một mình ngồi trước ảnh mẹ, ảnh mẹ lại như nói với tôi:

Mẹ biết có ngày con đặt ảnh mẹ trên bàn thờ cạnh hình ba con.  Đến ngày giỗ kỵ, nếu con có thắp nén hương cho mẹ, con sẽ vui vì mẹ đã dám sống những gì mẹ khuyên con. Biết đâu con cái của con khó dạy, con có thể nói với chúng rằng: “Nhìn ảnh ngoại chúng con đây, ngày còn sống, ngoại đã dám sống một đời can đảm như thế.” Tôi chợt ứa nước mắt. Hình ảnh năm xưa hiện về. Mẹ tôi đã can đảm bỏ làm ngày Chúa Nhật chỉ vì lời khuyên tôi. Nghĩ tới đó, tôi òa khóc hơn nữa.  Mẹ tôi không chỉ muốn giáo dục tôi mà cả với các con của tôi nữa.

Các con tôi vẫn ngủ. Chúng không biết tối nay là ngày giỗ ngoại chúng. Mẹ tôi đã có tấm ảnh để lại cho tôi. Mẹ tôi đã đi con đường của riêng mẹ. Còn tôi, khi chết, tôi có bức hình nào để lại cho các con tôi không?
LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J. 
(Trích tập suy niệm "Đường Đi Một Mình")