Ads

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

SUY NIỆM 3 NHÂN ĐỨC CỦA ĐỨC MẸ


Đức Tin là nhân đức nổi bật nhất  trong cuộc đời của Đức Mẹ. Bà thánh Isave lớn tiếng ngợi khen đức tin của Đức Mẹ.
Giáo Hội tuyên xưng Đức Mẹ là Mẹ của các tín hữu, nghĩa là  Mẹ của  các kẻ tin.
Thánh phụ  Âugustinô quả quyết chính do đức tin mà Đức Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế: “Ngài thụ thai Con Thiên Chúa bằng đức tin  và Ngài sinh hạ Con Thiên Chúa cũng bằng đức tin. ”       
Đức Mẹ luôn sống chìm đắm trong biển sâu thẳm của đức tin.
Trong suốt cuộc đời dài của mình trên trần thế - đính hôn khi thanh nữ, lìa đời lúc luống tuổi - Đức Mẹ luôn tin tưởng  mãnh liệt vào Thiên Chúa, luôn nhìn thấy mọi sự xảy ra trong cuộc đời mình dưới  ánh sáng đức  tin.

Mặc dầu tổng lãnh thiên thần Gabirie được Thiên Chúa  truyền phải làm tất cả mọi sự để cho Đức Mẹ dễ tin: nào là thái độ hết sức cung kính, thánh thiện và nghiêm trang của một thiên sứ từ trời được sai đến, - nào là nói đúng theo lời các tiên tri từ xưa đã loan báo về Đấng Cứu Thế, nào là trưng ra phép lạ của người chị họ Isave đã già cả son sẻ mà  vẫn sinh con, - nhưng Đức Mẹ, với lòng khiêm nhượng thẳm sâu, vẫn nhận thấy có điều thật khó tin:
Một là người phàm trần như Mẹ, thì làm sao được trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa  được;
Hai là một người nữ giữ mình đồng trinh tuyệt đối như Mẹ, thì làm sao thụ thai được?
Những lời này không thể nào thực hiện được theo sức loài người.
Dầu vậy, khi thiên sứ quả quyết rằng không có việc gì mà Thiên Chúa toàn năng không làm được, thì Đức Mẹ nhắm mắt tin vào Lời Chúa với tất cả mọi điều mạo hiểm, mọi sự nguy biến, mọi nổi đau khổ hồn xác  sẽ xảy ra trong cuộc đời của mình.

Vì thế, sau hai tiếng vắn gọn “Xin Vâng”, Đức Mẹ quyết sống trọn vẹn đức tin của mình: đức tin đó không hề lay chuyển khi bị thánh Giuse hiểu lầm, khi bị hất hủi tại Bêlem, khi phải sinh Con lạnh lẽo trong hang đá thô hèn, khi đứng lặng trên Núi Sọ  dưới chân thập giá treo xác Con Mình.

Để sống đức tin và để chết  trong đức tin của mình, Đức Mẹ đã luôn luôn tìm cách chiến thắng ba thử thách nặng nề về đức tin mà Thiên Chúa gởi đến cho bất kỳ những ai được Ngài ban đức tin cho.

Thử thách thứ nhất là không thấy, nhưng vẫn phải tin.
Khi sinh Con Thiên Chúa, Đức Mẹ không thấy bên ngoài có gì để tin đó là Con Thiên Chúa cao sang vô cùng: một trẻ thơ yếu hèn, run lên vì lạnh, khóc lên vì yếu, nơi sinh thì thúi tha hôi hám vì đây là  nơi dành cho súc vật trú đêm. Dù không thấy gì bên ngoài, Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ đây là Con thật của Thiên Chúa cao sang vô cùng.

Khi thấy Con mình chết bất lực trên hai miếng gỗ lạnh lùng, bị người ta chê cười chế nhạo, bị môn đệ chạy trốn bỏ rơi, không có gì là quyền năng vô biên của một vì Thiên Chúa. Dù không thấy gì bề ngoài, Đức Mẹ vẫn tin mạnh mẽ đây là Con thật của Thiên Chúa quyền năng vô cùng.

Thử thách thứ hai là không hiểu, nhưng vẫn tin.
Dù biết mình được đầy ơn Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ vẫn không hiểu được Lời Chúa một cách đầy đủ, nên Đức Mẹ đêm ngày suy niệm Lời Chúa, ấp ủ Lời Chúa trong lòng, luôn cầu xin cho được hiểu Lời Chúa mà đem ra thực hành trong cuộc sống. Vì thế, đời sống nội tâm của Đức Mẹ rất  sâu xa và mãnh liệt.

Thử thách thứ ba là thấy những điều hoàn toàn trái ngược, nhưng vẫn tin. Biết Con mình là Con Thiên Chúa toàn năng như lời quả quyết của thiên sứ Gabirie, nhưng Đức Mẹ chỉ thấy những cảnh thất bại của Con mình: thất bại khi  sinh ra, phải chạy trốn; thất bại khi lớn khôn ở Nadarét, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trong vai người thợ mộc nhọc nhằn; thất bại khi ra giảng đạo, bị mọi người cuối cùng tìm cách xa lánh và bắt giết; thất bại khi chết nhục nhã trên hai miếng gỗ, trơ trọi giữa trời và đất.

Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn thờ lạy Con Thiên Chúa trong hang đá Bêlem, vẫn tin Con Thiên Chúa trong vai một người thợ mộc khó nghèo, vẫn tin Con Thiên Chúa  trong cái thân xác tiều tụy bị treo trên thập giá.
Đức tin là điều đặc biệt nhất của người công giáo chúng ta.
Khi xin được chịu phép Rửa Tội để trở thành con cái của Thiên Chúa, trở thành con cái của Giáo Hội, chúng ta chỉ xin có một điều: xin cho được đức tin.
Đức tin làm cho chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Chúa Giêsu dạy rõ: “Hễ ai tin Tôi, thì không phải là tin Tôi, nhưng là tin Đấng đã sai Tôi.” (Ga 21,44)
Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ngài đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giêsu, đến với chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và dạy chúng ta ngày đêm luôn luôn cầu  nguyện với Cha chúng ta trên trời: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.

Điều hạnh phúc nhất của người công giáo chúng ta là  có Thiên Chúa là Cha. Tất cả chúng ta đều có thể nói như thánh Philiphê xưa: “Lạy Thầy, xin tỏ Chúa Cha cho chúng con biết; được như thế, chúng con thật hoàn toàn sung sướng.”(Ga 14,8)

Đức tin làm cho chúng ta được sống đời đời.
Chúa Giêsu đã quả quyết như vậy: “Sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.”(Ga 17,3).

Đối với người công giáo chúng ta, đức tin dạy chúng  ta biết cuộc sống trên trần gian nầy chỉ là phần đầu của cuộc sống đời đời mà chúng ta sẽ được sống sau khi chết. Đây là điều hết sức an ủi cho người công giáo chúng ta và làm cho chúng ta luôn luôn vui sống trong cuộc đời tạm chóng qua này.

Lạy Đức Mẹ Maria, là mẫu gương đức tin của chúng con, xin cho chúng con luôn sống theo gương đức tin của Mẹ.

Đức Cậy
Sống trên đời này, chúng ta gặp quá nhiều thử thách về đức cậy: có những cái quá buồn, làm tinh thần chúng ta suy sụp, buông xuôi; có những cái quá cực, làm chúng ta ngã quỵ, không thể nào ngóc đầu lên nỗi; có những cái quá đau, làm chúng ta chới với, điêu đứng; có những cái quá lo, làm chúng ta quên ăn mất ngủ; có những cái quá sợ, làm chúng ta bồn chồn và mãi mãi thao thức.

Trong suốt cuộc đời dài của mình, Đức Mẹ cũng gặp những điều quá buồn: đó là khi Đức Mẹ bị thánh Giuse hiểu lầm: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1,18-19)

Đó là khi Đức Mẹ thấy Con mình chết treo tất tưởi trên hai miếng gỗ lạnh lùng: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người,... Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trút linh hồn.” (Ga 19, 25-30)

Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn luôn trông cậy vào Chúa, không để cho lòng mình quá buồn mà mất lòng trông cậy vào Chúa.
Trong suốt cuộc đời dài của mình, Đức Mẹ cũng gặp những điều quá cực: đó là khi vì quá cực nên bị hất hủi tại Bêlem và phải sinh Con trong máng cỏ của súc vật ăn, hôi hám, chật hẹp: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2,7)

Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn luôn trông cậy vào Chúa, không để cho những sự quá cực này làm cho mình mất lòng trông cậy vào Chúa.

Trong suốt cuộc đời dài của mình, Đức Mẹ cũng gặp nhiều điều quá đau lòng: đó là khi được Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết thế nào mình cũng phải hết sức đau khổ, nhất là đau khổ khi thấy Con yêu dấu mình phải chịu thương khó và tử nạn: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israen vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng - còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà - ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.” (Lc 2,34-35 ); “Họ xin Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống...

Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,31-34)

Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn luôn trông cậy vào Chúa, không để cho những sự quá đau lòng này làm cho mình mất lòng trông cậy vào Chúa.
Trong suốt cuộc đời dài của mình, Đức Mẹ cũng gặp những điều quá sợ: đó là nửa đêm đầy bóng tối đen đặc, phải bồng Con chạy trốn ra nước ngoài vì quân lính sắp xông vào nhà để bắt giết Con mình: “Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tin đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. ” (Mt 2,16)

Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn luôn trông cậy vào Chúa, không để cho những sự quá sợ này làm cho mình mất lòng trông cậy vào Chúa.

Trong suốt cuộc đời dài của mình, Đức Mẹ cũng gặp những điều quá lo: đó là khi Đức Mẹ lạc mất Con, không tìm ra được một dấu vết nào trong ba ngày liền: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy Con trong Đền Thờ.” (Lc 2,46)

Dầu vậy, Đức Mẹ vẫn luôn trông cậy vào Chúa, không để cho những sự quá lo này làm cho mình mất lòng trông cậy vào Chúa.
Trên đời này, ai muốn sống, phải nuôi lòng trông cậy: đau mấy, cũng trông lành; mệt mấy, cũng trông khỏe; yếu mấy, cũng trông mạnh; ốm mấy, cũng trông béo; nghèo mấy, cũng trông giàu; cực mấy, cũng trông sướng; tội lỗi mấy cũng trông lành sạch, bối rối mấy cũng trông được bình an,...

Vì thế, đối với những ai không có lòng trông cậy, mọi sự trên đời này đều trở nên buồn phiền, bạc nhược, kiệt quệ, héo úa. Họ không thể nào vui được. Họ không thể nào cười sung sướng được. Họ không thể nào ca hát được. Họ không thể nào nói những lời êm ái, những lời cao thượng được. Họ không còn sức để sống hạnh phúc theo thánh ý Chúa. Và nếu họ sống mà tiếp tục không nuôi lòng trông cậy vào Chúa, thì cuộc sống của họ mòn mỏi, tê liệt. Trong trường hợp này, họ chẳng qua chỉ là những thây ma đang cử động, những xác chết đang ngo ngoe.

Muốn sống, chúng ta phải nuôi lòng trông cậy.
Nhưng chúng ta phải đặt lòng trông cậy vào Chúa như Đức Mẹ Maria, chứ đừng dại dột đặt lòng trông cậy vào người đời, vào thế gian.
Thế gian hứa nhiều mà không ban được, hoặc chỉ ban những cái làm chúng ta thất vọng. Vì thế, thánh Augustinô khiển trách thế gian: “Ớ thế gian phỉnh gạt, tại sao ngươi hứa ban nhiều điều cho chúng ta mà ngươi không thể ban được”.
Thế gian chỉ có thể ban cho chúng ta được nhiều tiền bạc, nhưng tiền bạc không đem chúng ta vào được nước thiên đàng.
Thế gian chỉ có thể ban cho chúng ta được nhiều thú vui, nhưng những thú vui này, nếu nhuộm mùi tội lỗi, thì chỉ gây cho chúng ta thêm nhiều đau khổ, thêm nhiều buồn phiền thất vọng.
Thế gian chỉ có thể ban cho chúng ta nhiều bạn bè, nhưng bạn bè giả dối, lợi dụng thì nhiều, mà bạn bè trung thành, tri âm thì rất ít.
Thế gian chỉ có thể ban cho chúng ta nhiều danh giá, chức quyền, nhưng những thứ này chỉ là mây tan trong một sớm một chiều.
Như vậy, thế gian không đáng cho chúng ta hoàn toàn đặt lòng trông cậy vào đó. Chúng ta hãy đặt lòng trông cậy vào Chúa như Đức Mẹ Maria.

Chúa Giêsu, khi còn sống, đã từng say sưa dạy chúng ta về đức trông cậy. Chúa Giêsu luôn nhắc đi nhắc lại Thiên Chúa là Cha chúng ta và thúc giục chúng ta luôn kêu danh hiệu đó với lòng trông cậy: “Các con hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” (Mt 6,9).
Chúa Giêsu dạy chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Cha hết sức tốt lành: “Nếu các con là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha các con, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,11).
Chúa Giêsu dạy chúng ta luôn luôn trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương (x. Mt 8,25-34).

Về phần mình, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng và thúc giục chúng ta luôn trông cậy vào Ngài.
Khi thấy các tông đồ sợ hải, Chúa Giêsu trấn an ngay: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ! ” (Mt 14,27)
Khi thấy các tông đồ bối rối lo âu, Chúa Giêsu an ủi ngay: “Lòng các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy!”(Ga 14,1)
Khi thấy các tông đồ lung lay, chủ bại, Chúa Giêsu tuyên bố sự thắng trận của Ngài : “Các con hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33)
Khi thấy các tông đồ buồn phiền, Chúa Giêsu dạy họ đừng mất lòng trông cậy vào Ngài: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20)

Trên thập giá, bị treo lơ lững giữa trời và đất, trần trụi, không có gì hết, thế mà Chúa Giêsu lại ban cho chúng ta kho tàng quý báu nhất trên trần gian này, là ban lòng trông cậy, lòng hy vọng cho chúng ta, để  trên đời này, không gì khủng khiếp và đáng sợ, như những đau khổ rùng rợn tấn công hồn xác chúng ta, như những khó khăn vây bủa chúng ta tư bề, và ngay cả cái chết tủi nhục, đau thương, cũng không đè bẹp nổi chúng ta. Và Chúa Giêsu còn ban cho chúng ta Người Mẹ Hy Vọng, Nữ Vương Hy Vọng, đó là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đức Chúa Trời, Mẹ Đấng Cứu Thế, và cũng là Mẹ của chúng ta! Noi gương Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy luôn luôn trông cậy chạy đến với Chúa.
Noi gương Đức Mẹ Maria, càng đau khổ, càng khó khăn, càng bất lực, chúng ta càng trông cậy vào Chúa, càng xiết mạnh cánh tay Chúa, càng nhắm mắt để cho Chúa dẫn dắt.

Noi gương Đức Mẹ Maria, chúng ta luôn tìm cách bay bổng lên đến Chúa là nguồn hy vọng bất diệt của chúng ta. Khi bão táp nổi lên, khi mưa gió dầm dề, chim phượng hoàng vẫn không nao núng. Nó cất cánh bay lên thật cao, cao hơn bão táp, cao hơn mây gió, để tìm cách hướng đến gần mặt trời ấm áp, dể chịu.

Như thánh Gioan Thánh Giá nhận xét: “Chúng ta được Chúa ban ơn nhiều hay ít, tùy theo lòng chúng ta trông cậy vào Chúa ít hay nhiều.” Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con luôn trông cậy vào Chúa như Mẹ.

Đức Mến
 Một nhà tu đức kia nhận xét: “Tai họa lớn nhất trên trần gian này, nguồn gốc của mọi lầm lạc, của mọi tội lỗi, nết xấu, là vì con người không yêu mến Chúa”.
Lòng yêu mến Chúa là điều quan trọng nhất đối với chúng ta.
Chúng ta hãy suy niệm về gương Đức Mẹ yêu mến Chúa, để bắt chước Ngài mà thi hành điều quan trọng nhất trong đời chúng ta, là yêu mến Chúa.

Đức Mẹ yêu mến Chúa
Nhiều vị thánh quả quyết rằng ngay từ thuở đầu thai trong lòng mẹ, vì được đặc ân khỏi tội tổ tông, Đức Mẹ đã được kết hiệp với Chúa một cách hết sức trọn lành, bởi thế, Ngài đã kính mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn mình.
Vừa lên ba tuổi, Đức Mẹ đã dâng mình cho Chúa để có thể yêu mến Chúa hết sức mình.
Khi biết được ý Chúa Cha muốn Con mình sinh ra trong thành Bêlem xa xôi, Đức Mẹ hết lòng yêu mến Chúa, nên đã vui vẻ bỏ nhà bỏ cửa ra đi, lên đường xa vất vả, giữa mùa đông rét lạnh, để thực hiện cho được ý Chúa.
Khi Chúa Cha muốn Con mình phải được đem đi trốn sang Ai-Cập, vì lòng yêu mến Chúa, Đức Mẹ đã vui lòng ra đi trong đêm tối, không dùng dằng, không than vãn.
Khi Chúa Cha muốn Con mình ra đi giảng đạo và chịu chết, vì lòng yêu mến Chúa, Đức Mẹ đã vui lòng để cho Chúa Giêsu ra đi.
Lòng mến Chúa của Đức Mẹ thật lớn lao. Càng nếm nhiều mùi khốn cực, càng trải qua nhiều thử thách, Đức Mẹ càng yêu  mến Chúa nồng nàn hơn.

Đức Mẹ mỗi ngày mỗi yêu mến Chúa nồng nàn hơn.
Vì Đức Mẹ luôn luôn giữ mình sạch tội, nên Đức Mẹ yêu mến Chúa mõi ngày một nồng nàn hơn.
Tội lỗi ngăn trở chúng ta yêu mến Chúa. Bởi thế, ai càng sạch tội nhiều chừng nào, thì tự nhiên người đó có lòng sốt sắng yêu mến Chúa nhiều chừng đó.
Vì Đức Mẹ ao ước yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn mình, nên ngày đêm, Đức Mẹ luôn cầu xin cho được ơn cao quý nhất này. Lòng mến Chúa là điều đẹp ý Chúa nhất. Chúa sẵn sàng ban ơn đặc biệt này một cách bội hậu cho những ai tha thiết cầu xin.
Vì Đức Mẹ hằng suy niệm Lời Chúa. Càng thấm nhuần Lời Chúa nhiều, chúng ta càng hiểu biết Chúa nhiều và càng yêu mến Chúa nhiều.
Vì Đức Mẹ là Mẹ Con Thiên Chúa: Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu chín tháng, bồng Chúa Giêsu ba năm trên tay, thấy việc Con Thiên Chúa làm trước mắt, nghe lời của Con Thiên Chúa nói bên tai, những điều này làm cho Đức Mẹ càng ngày càng yêu mến Chúa. Chúng ta càng yêu mến Chúa Giêsu nhiều chừng nào, chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa Cha nhiều chừng đó.
Vì Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa luôn luôn đốt lửa tình yêu Chúa trong lòng Đức Mẹ. Là Bạn Rất Thanh Sạch của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ mang trong lòng mình lò lửa phầng phầng yêu mến Chúa. Chúng ta càng cầu nguyện nhiều với Đức Chúa Thánh Thần, chúng ta càng được ngài đốt lửa mến Chúa trong lòng chúng ta nhiều chừng đó. Để tỏ lòng yêu mến Chúa, chúng ta hãy sống theo gương Đức Mẹ thế nào?
1). Yêu mến Chúa, Đức Mẹ luôn nghĩ đến Chúa. Chúng ta hãy luôn nghĩ đến Chúa. Tình yêu là tưởng nhớ. Bạn bè không tưởng nhớ đến nhau, vợ chồng không tưởng nhớ đến nhau, cha mẹ con cái không tưởng nhớ đến nhau, thì làm sao có tình yêu giữa họ được? Dấu hiệu chắc chắn nhất để biết chúng ta có lòng yêu mến Chúa hay không, đó là sự chúng ta có năng nhớ đến Chúa không. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ: “Kho tàng của ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó” (Mt 6,21). Khi chúng ta xem Chúa là kho tàng của mình, thì tâm trí chúng ta luôn hướng về Chúa để yêu mến ngài.

2). Yêu mến Chúa, Đức Mẹ luôn tâm sự với Chúa. Chúng ta hãy thích tâm sự, thích nói chuyện với Chúa. Yêu ai thì thích tâm sự, thích nói chuyện với họ. Người nào yêu Chúa, dù bị ngập lút giữa những công việc bề bộn hằng ngày, vẫn tìm đủ cách để tâm sự với Chúa, để nói chuyện với Chúa qua những lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa! - Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”.

3). Yêu mến Chúa, Đức Mẹ luôn nghe Lời Chúa. Chúng ta hãy thích nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh về sự nghe Lời Chúa: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe Lời Chúa nói”(Ga 8,47); “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. ”(Ga 10,27).

4). Yêu mến Chúa, Đức Mẹ giữ lòng mình không quyến luyến của cải trần ai. Chúng ta đừng để lòng mình dính bén vào vật chất của cải ở đời này. Tình yêu Chúa trong lòng chúng ta không thể nào đội trời chung với lòng ham mê của cải vật chất ở đời này. Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ... Các ngươi không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.”(Mt 6,24).

 5). Yêu mến Chúa, Đức Mẹ luôn tìm đủ mọi cách để làm sáng danh Chúa. Chúng ta hãy tìm đủ mọi cách để làm sáng danh Chúa. Khi thấy hoặc nghe điều gì hay, chúng ta tốc tả đi kể lại cho kẻ khác biết. Nếu chúng ta thật lòng yêu mến Chúa, thế nào chúng ta cũng tìm đủ cách để làm cho mọi người biết Chúa, không những bằng lời nói, mà nhất là bằng đời sống nêu cao gương tốt của mình.

Chính Chúa Giêsu nói rõ: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ giữ các điều răn của Thầy.”(Ga 14,15). Nếu chúng ta nói yêu Chúa nơi miệng, mà không sống Lời Chúa trong cuộc sống gương mẫu và gương tốt của mình để làm cho Danh Chúa được sáng, Nước Chúa được đến, thì chúng ta không phải là những kẻ yêu mến Chúa thật sự.

6). Yêu mến Chúa, Đức Mẹ luôn cám ơn Chúa. Chúng ta hãy luôn cám ơn Chúa. Sự biết ơn phải là điểm đặc biệt của con người có trí khôn, có linh hồn. Người nào không biết ơn, người đó không xứng đáng làm người. Đối với Chúa cũng vậy: người nào không biết cám ơn Chúa, người đó không xứng đáng làm con Chúa, người đó không có lòng yêu mến Chúa thật. Đối với người yêu mến Chúa, tất cả đều là ơn Chúa ban. Vì thế, người yêu mến Chúa luôn cám ơn Chúa trong mọi lúc, trong mọi nơi, trong mọi trường hợp.

7). Yêu mến Chúa, Đức Mẹ luôn sống vâng theo thánh ý Chúa. Chúng ta hãy luôn sống vâng theo thánh ý Chúa. Khi yêu mến Chúa, chúng ta không đòi hỏi Chúa phải làm gì cho chúng ta, trái lại, chúng ta chỉ sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, luôn luôn tìm thánh ý Chúa để thi hành, luôn luôn thực hiện cho được lời nguyện: “Vâng theo ý Chúa dưới đất cũng như trên trời”.

8). Yêu mến Chúa, Đức Mẹ luôn yêu người vì Chúa. Chúng ta hãy yêu người như Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã dạy rõ: mến Chúa và yêu người là một, luôn đi theo nhau, không tách lìa nhau được. Thánh Gioan nhấn mạnh điểm này: “Nếu ai nói: “ Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1 Gioan 4,20).

Vắng bóng mặt trời, hoa hướng dương úa tàn, ủ rũ. Khi mặt trời xuất hiện, hoa hướng dương liền hướng về vầng dương và nở tươi lên, rạng rỡ.
Người yêu Chúa chỉ biết hướng về mặt trời của mình, là Chúa. Họ tươi nở cuộc đời mình trong tình yêu Chúa. Họ là những kẻ có phước, có hạnh phúc thật, ở đời này, và trong đời sau.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đầy lòng yêu Chúa, xin Mẹ hãy cho chúng con được đầy lòng yêu Chúa như Mẹ. Amen.
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang