Những dấu chỉ Đức Chúa
Thánh Thần
Năm 1917 khi hiện ra với ba
trẻ mục đồng ở Fatima, đức mẹ Maria đã hỏi ba em: các con có sẵn sàng sống hy
sinh cầu nguyện cho người đau khổ, cho người tội lỗi không?
Câu hỏi hay lời kêu gọi của
Đức Mẹ Fatima cho ba bạn trẻ Jacinta, Francisca và Lucia ẩn chứa nội dung của
Bí tích Thêm sức: tiếp nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần sống làm nhân chứng cho Chúa
trong tương quan với mọi người nơi cộng đồng xã hội và Giáo Hội. Và đó cũng là
lời của Chúa Giêsu nói với các Thánh Tông đồ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của
Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng
nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất“ ( Cv 1,8).
Chúng ta, người Công giáo đã nhận lãnh ơn Đức
Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội, bí tích Thêm sức, bí tích Giải tội, bí
tích truyền chức Linh mục. Nhưng Đức Chúa Thánh Thần lại không có một hình dạng
mắt có thể thấy, cùng tay chân có thể tiếp cận đụng chạm được.
Vậy đâu là những dấu chỉ để
diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần trong đời
sống?
1. Dòng Nước
Nước là chất lỏng không có
hình dạng cùng không có màu sắc nào nhất định. Nhưng lại cần thiết căn bản cho
sự sống mọi loài phát triển cùng tồn tại. Cây cỏ, súc vật và con người hằng
ngày đều cần phải uống nước. Nơi nào không có dòng nước chảy tới, nơi đó sự sống
không nảy sinh lên được.
Nước là một trong bốn yếu tố
căn bản bên cạnh lửa, đất và không khí, theo suy tư triết học về thiên văn từ
thời thượng cổ, của hình thành cấu tạo vũ trụ trái đất.
Nước là hình ảnh dấu chỉ của
sự sống. Trong Kinh Thánh thuật lại: “Thuở ban đầu, Thánh Thần Thiên Chúa bay
lượn trên mặt nước“ (St 1,2).
Trong Bí tích Rửa tội, người
tín hữu Chúa Giêsu Kitô được rửa trong nước và trong Đức Chúa Thánh Thần. Nhờ
đó, đức tin chúng ta có nước Đức Chúa Thánh Thần là thức ăn nuôi dưỡng cho lớn
lên trưởng thành.
2. Dầu Thánh Chrisam.
Trong Bí tích rửa tội, người
lãnh nhận, sau khi đã tiếp nhận làn nước rửa tội, cũng được xức dầu Thánh
Chrisam. Và ngày lãnh nhận Bí tích Thêm sức, khi đến tuổi thanh thiếu niên cũng
lần nữa được xức Dầu Thánh Chrisam, như dấu ấn Đức Chúa Thánh Thần: “Hãy nhận lấy
Đức Chúa Thánh Thần”. Qua đó, tầm hồn được củng cố trở nên mạnh dạn sống tuyên
xưng đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là sức mạnh. Và từ nền tảng đó, người tín hữu
Chúa Kitô hăng hái tham gia tích cực vào công việc xây dựng đời sống Giáo Hội.
3. Lửa
Bên cạnh nước, đất, và
không khí, lửa là một trong bốn yếu tố căn bản thành hình của vũ trụ trái đất,
theo như suy luận về thiên văn từ thời thượng cổ.
Lửa và nước là thái cực nghịch
lại với nhau. Nước làm dập tắt lửa. Nhưng lửa lại đun nóng làm nước bốc thành
hơi khói.
Lửa chiếu tỏa ánh sáng cùng
hơi nóng nồng ấm. Lửa cũng là hình ảnh dấu chỉ nói về tình yêu mến, sự hăng say
nồng nàn của tâm hồn con người.
Lửa cũng chẳng có hình dạng
nào nhất định. Nhưng từ một ngọn đốm lửa nhỏ người ta có thể châm lan tỏa biến
thành nhiều ngọn đốm lửa khác nữa.
Cũng vậy, với ơn Đức Chúa
Thánh Thần cũng có thể làm phấn khởi gây lòng yêu mến hăng say nơi người khác
được qua việc làm bác ái giúp đỡ nhau trong tình người.
4. Khí (gió)
Đức Chúa Thánh Thần mang hiệu
quả mới trong đời sống Giáo Hội
như ngọn gió tươi mát thổi
vào qua việc đổi mới canh tân đời sống phụng vụ cùng mục vụ, qua việc làm sống
lại nếp sống đạo đức đã bỏ quên, nhất là việc nhận ra những lỗi lầm khuyết điểm
cùng đổi mới tâm hồn nếp sống nơi mỗi người.
5. Muối cho đời
Muối là chất mặn dùng để
pha chế vào lương thực thức ăn cho đậm đà.
Muối pha rắc vào cá, thịt, sẽ
làm cho cá thịt không bị hư thối, muối cũng làm tan biến tuyết đá đông đặc trơn
trượt.
Ơn Đức Chúa Thánh Thần cũng
tương tự như chất muối mặn là chất xúc tác làm cho sức sống đức tin được dậy
hương vị không bị ươn hèn hư thối, cho sự lạnh lẽo khô cứng đóng băng chán chường
tan rã biến đi trong đời sống đạo đức với Chúa và giữa con người với nhau.
Chúa Giêsu hằng nhắn nhủ
kêu gọi: “Anh em là muối cho đời“ (Mt 5,13).
6. Nam châm
Một miếng nam châm dù nhỏ
bé thế nào cũng vẫn có hấp lực sức thu hút kim loại dính vào với nó. Vì nơi nam
châm có ẩn chứa lực từ trường phát tỏa ra thu hút vật thể bằng kim loại khi gần
sát nó. Và lực thu hút của nam châm chuyền tiếp từ vật kim loại này sang tiếp tới
miếng kim loại khác.
Cũng tương tự như thế, với
ơn Đức Chúa Thánh Thần như sức lực thu hút của miếng nam châm. Qua Ngài tâm hồn
đời sống đức tin của chúng ta như được thu hút hướng về sự tốt lành thánh thiện,
điều chân thiện mỹ. Và với ơn thu hút trợ giúp của Ngài, chúng ta cũng có thể
thu hút gây lòng vui mừng phấn khởi người khác theo hướng về sự tốt lành thánh
thiện.
7. Cánh cửa
Dù là một túp lều, cái chòi
hay ngôi nhà lớn, cũng đều cần có cửa ra vào thông thương giữa phía bên ngoài
và phía bên trong.
Cửa cũng là hình ảnh đời sống
con người.
Con người có thể sống trong
mối tương giao liên kết với người khác, có thể bắc nhịp cầu nối liền với xã hội;
có thể đóng vai trò trung gian, góp phần vào việc thông tin giúp thông cảm hiểu
biết, khi mở cánh cửa đời sống lòng mình ra bên ngoài.
Và con người cũng có thể chặn
đứng gây chướng ngại vướng trở hay ẩn dấu cô lập mình lại, khi họ đóng cánh cửa
đời sống lòng mình lại.
Mở cánh cửa tâm hồn đời sống
ra là đón nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sự sống trong thiên nhiên, là
suy nghĩ cùng ý tưởng sáng tạo nơi mỗi con người, là phát triển vươn lên.
“Này đây Ta đứng trước cửa
và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với
người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.“ (KH 3,20).
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long