Ads

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

Khiêm nhường của Đức Mẹ Maria
Các bậc thầy của tâm linh đều nêu lên đức khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức khác. Không có khiêm nhường, các nhân đức khác có thể thành cơ hội cho kiêu ngạo. Nơi Đức Mẹ, thánh Bênađô cho thấy, đức khiêm nhường được sống đến nỗi làm cho các nhân đức khác đều đạt đến thập phần hoàn hảo.
Ngài viết: "Chính thành Nadarét là nơi sứ thần Gáp-ri-en được sai đến.
Đến để gặp ai? Gặp một trinh nữ đính hôn với một người tên là Giuse. (Lc 1, 26) Do đâu Đức Trinh Nữ cao trọng đến nỗi thiên thần được sai đến chào mừng, và khiêm nhường đến nỗi đính hôn với một người thợ? Ôi huy hoàng quá, sự hòa hợp của trinh khiết và khiêm nhường! (...) Vậy, bạn thấy được chăng lòng kính trọng vô biên đối với Đức Trinh Nữ muôn phần đáng kính, mà sự sinh nở tán tụng đức khiêm nhường và sự sinh con tôn vinh đức trinh khiết?
Bạn hiểu chăng: Đức Trinh Nữ thật khiêm nhường; nếu bạn không thể noi gương đức trinh khiết của Đức Maria khiêm nhường, hãy bắt chước đức khiêm nhường của Đức Trinh Nữ. Chúa nói: về đức trinh khiết, «Ai hiểu được thì hiểu.» (Mt 19, 12); về đức khiêm nhường, «Ai không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.» (Mt 18, 3) Vậy thì, trinh khiết là một công đức, nhưng khiêm nhường là một đòi hỏi. Nói tắt, không trinh khiết bạn có thể đạt đến ơn cứu rỗi; còn không khiêm nhường, chẳng có cứu rỗi." (Trích L’humilité de Sainte Marie của Thánh Bernard de Clairveaux)
Nhưng khiêm nhường là gì?
Trong Tổng luận Thần học, thánh Tôma Aquino có viết: «Là một nhân đức đặc biệt, đức khiêm nhường liên hệ ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác.» Theo thánh Tôma, đức khiêm nhường có hai bậc, bậc căn bản và bậc trọn hảo.
a) Đức khiêm nhường căn bản, trước hết là nhìn nhận thân phận thụ tạo bé nhỏ và hư vô của mình trước thánh nhan Thiên Chúa. Tuy Thiên Chúa, Đấng có quyền năng vô song, Ngài lại muốn được tôn vinh bởi những người khiêm nhường. Con người có và sống là do lòng nhân hậu quảng đại của Thiên Chúa mà thôi. Vì vậy, sống khiêm nhường là cậy trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa thành tín và yêu thương. Khi hoàn cảnh càng trở nên khắc khe, chúng ta càng cậy trông hơn, càng phó thác hơn.

Thứ đến, khiêm nhường là luôn nhớ mình là một kẻ có tội (1 Ga 1, 8). Chính nhờ ân sủng của Chúa mà chúng ta được ra như thế này. Khiêm nhường, do đó là lòng biết ơn sâu xa của một kẻ nằm trong bóng tối sự chết, được Thiên Chúa mang về cõi sống. Chỉ những kẻ có lòng khiêm nhường thống hối, mới có phúc nhận ra được khuôn mặt vô cùng nhân từ và khoan dung của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, vì vậy, họ cầu khẩn: «Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót con là kẻ có tội.»

b) Đức khiêm nhường trọn hảo. Chỉ trong Tân ước chúng ta mới tìm thấy được đức khiêm nhường trọn hảo. Vì từ lúc Chúa Giêsu làm người, mọi nhân đức, mọi lề luật không còn là những tư tưởng, những ý thức hệ, nhưng đã trở nên một Ngôi Vị, đã trở nên Con Người. Với Tân ước, Thiên Chúa không những từ trời cao, chiếu cố đến loài người, nhưng Ngài còn tự hạ xuống ở giữa loài người trong ngôi vị Đức Giêsu Kitô. Sự kiện tự hạ của Ngôi Lời Nhập Thể, thần học gọi là Kénose. Kénose là một hành động tự do, một sáng kiến kỳ diệu của Thiên Chúa, tự hạ từ Thiên Chúa xuống làm một trẻ sơ sinh tại Bê Lem, cho đến chịu cực hình tại Núi Sọ, trên khổ giá dành riêng cho người nô lệ.

Sự khiêm nhường trọn hảo chỉ có nơi Chúa Giêsu. Vì vậy, Chúa bảo: «Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.» (Mt 11, 29). Sinh ra nằm trên nắm rơm, chết trên thập giá, ẩn mình trong vinh quang, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta sự khiêm nhường trọn hảo. Qùy trước các Tông đồ, để rửa chân cho các ngài, Chúa Giêsu xác nhận cho chúng ta biết điều mà những tâm hồn trong trắng cảm nhận được: «Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người.» (Mc 9, 35)
Người quân binh, tông đồ của Đức Mẹ, sống thế nào đây. Trong lúc khiêm nhường thật từ bỏ cái “tôi” của mình, thì khiêm nhường giả hình cốt làm nổi cái tôi. Đó là tự cho mình vô dụng, là than thân trách phận về những nỗi khốn khổ thật sự hay tưởng tượng của mình, là tự trách mình về biết bao lầm lỗi. Đấy là những cách để người ta chú ý đến mình, là một kiêu ngạo được che đậy dưới lớp vỏ bề ngoài đạo đức, nhưng kỳ thực che dấu những chua cay vì những thất bại của mình, những ghen tỵ vì thành công của người khác, hay những giận hờn vì những khả năng giới hạn của mình.

Vì vậy, ai không học tập từ bỏ cái “tôi”, ai không yêu mến Lời Chúa nhất là những Lời chói tai, ai không yêu được người ta trái ý mình, hay người ta coi mình rẻ rúng, kẻ đó không thể nào yêu được đức khiêm nhường. Người thật sự khiêm nhường là một người tự do, họ không có gì để chứng tỏ, không có gì để bào chữa, không có gì để chiếm hữu; họ sống trong niềm vui, luôn lưu tâm đến mọi người, lòng luôn rộng mở để chứa đầy ơn yêu thương Chúa Thánh Thần ban cho.

Và khi làm việc tông đồ, khắc ghi lời Chúa Giêsu mời gọi bỏ mình vì Người: «Chúng con là tôi tớ vô dụng, chúng con đã làm những điều chúng con phải làm.» (Lc 17, 10).Và đối với tha nhân, đức khiêm nhường làm đổi mới những liên hệ giữa người với người. Không còn như thói đời làm bằng tranh chấp, so sánh, nghi kỵ, thu mình cho khỏi phiền não, v.. v..

Nhưng là tôi như thể là tôi, và chấp nhận người khác như thể họ là họ. Thế thôi. Đơn sơ là tôi, không hơn không kém, trong sự thật và thần khí. Thánh Phaolô căn dặn người tông đồ: «Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.» (Pl 2, 3) Dù sao, khi chúng ta được Chúa Giêsu bảo hãy gọi Cha của Ngài là Cha của chúng ta, thì thử hỏi chúng ta còn biết lấy gì hơn là đức khiêm nhường để sống.