Nếu sự chết là nỗi sợ hãi
nhất của con người thì sự phục sinh là niềm hy vọng lớn nhất cho kiếp người
chúng ta. Sinh bệnh lão tử là lẽ thường tình, nhưng chết rồi đi đâu mãi là câu
hỏi của con người qua mọi thời đại. Con người vẫn trăn trở, thắc mắc. Có biết
bao tôn giáo, có biết bao các hiền sĩ đã mải công đi tìm câu trả lời. Thánh
Phao-lô cũng từng đối diện với câu hỏi đầy hóc búa ấy. Qua đây, thánh Phao-lô
đã cho chúng ta hiểu thế nào về sự sống lại. Ngài nói:
“Khi anh em gieo giống, nếu
hạt giống không chết đi thì sẽ không bao giờ nẩy mầm sống lại, cây non từ hạt
giống mọc lên trông khác hẳn hạt lúc gieo xuống đất. Thiên Chúa cho nó hình thể
theo ý Ngài, mỗi loại hạt giống sinh ra một loại cây; sự sống lại của người chết
cũng thế, chết là thân thể hư nát nhưng sống lại là thân thể không hư nát, chết
là thân thể xương thịt nhưng sống lại là thân thể thần linh, vì đã có thân thể
xương thịt tất nhiên cũng có thân thể thần linh. Tôi xin tỏ cho anh em huyền
nhiệm nầy, chúng ta sẽ không chết hết nhưng tất cả đều sẽ biến hóa trong giây
lát, trong chớp mắt, khi có tiếng kèn cuối cùng, vì kèn sẽ thổi. Người chết sẽ
sống lại với thân thể không hư nát nữa và chúng ta, những người còn sống sẽ được
biến hóa” (1 Cor 15, 35-52)
Hóa ra sự sống lại của con
người cũng giống như một hạt giống được gieo xuống đất, mục nát chết đi thì sẽ trồi lên một cây mới. Sự sống của cây mới chắc
chắn sẽ khác với hạt giống khi gieo xuống. Cây lúa khác với hạt lúa. Con người
sau khi sống lại cũng hoàn toàn đổi mới. Vì mang thân xác thần linh thì hoàn
toàn khác với thân xác hữu hạn trần thế. Khi Chúa Giê-su sống lại trên thân xác
của Ngài vẫn còn những vết sẹo. Ngài đã đề nghị Tô-ma hãy xỏ ngón tay vào những
dấu đinh trên thân thể Ngài. Nhưng đó là một thân xác hoàn toàn mới, nên các
môn đệ, các người phụ nữ thân tín cũng không nhận ra Người. Đó cũng là điều sẽ
xảy ra cho tất cả mọi người như lời Chúa đã dạy: "Trong giây lát, trong chớp
mắt sẽ có tiếng kèn cuối cùng vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại với thân
thể không hư nát nữa và chúng ta những người còn sống sẽ được biến đổi nên mới
hơn”.
Tuy nhiên, Thánh Gioan còn
cho biết: “Rồi tôi thấy trời mới, đất mới. Tôi cũng thấy thành thánh là
Giê-ru-sa-lem mới từ thiên đàng của Thiên Chúa mà xuống, sửa soạn sẵn như một
người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình. Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai
mà đến, nói rằng: nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với
chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Thiên Chúa sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau hết
nước mắt khỏi mắt họ; sẽ không còn chết chóc, buồn thảm, khóc lóc hay đau đớn nữa
vì những việc cũ đã qua rồi”.
Đó là hình ảnh của thiên
đàng, nơi Chúa sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc trường sinh. Như thế cuộc sống
trên trần thế nầy là cuộc sống tạm, cuộc sống trên thiên đàng mới là cuộc sống
vĩnh viễn. Cuộc sống thiên đàng có Chúa tỏ tường. Cuộc sống ấy không còn đau khổ
vì chính Thiên Chúa sẽ lau khổ dòng nước mắt. Chính Thiên Chúa sẽ ban bình an,
hoan lạc cho con cái của Người.
Chúa Giêsu hôm nay đã bước
qua cuộc sống tạm đời này để trở về cuộc sống vĩnh cửu trên trời. Sự sống lại của
Ngài là niềm hy vọng lớn lao cho kiếp người chúng ta. Từ nay chúng ta không còn
lo lắng về bước đường tương lai “chết rồi đi đâu?”. Từ nay chúng ta có một con
đường để đi, để tiến về quê trời. Đó là con đường Giêsu. Con đường vâng phục
thiên ý Chúa Cha. Con đường yêu thương và phục vụ cứu đời.
Cuộc sống này sẽ qua đi.
Nhưng cuộc sống này lại là hạt giống, là căn nguyên để hình thành sự sống mai hậu.
Điều này có nghĩa là sự sống của chúng ta có vĩnh cửu ở đời sau hay không còn tủy
thuộc chúng ta đã sống một cuộc đời hôm nay như thế nào? Chúng ta có là hạt lúa
thì mới sinh ra cây lúa ở đời sau. Chúng ta có sự sống trong Chúa hôm nay thì
mai sau chúng ta mới sống lại trong Chúa vĩnh viễn.
Xin Chúa giúp chúng ta biết
chọn Chúa trong cuộc đời này là cùng đích để mai sau chúng ta cũng được sống lại
với Người. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền