Các Giáo hội Công Giáo Đông Phương là ai và ở
đâu?
Xưa nay, người ta chỉ quen nói đến các Giáo Hội
Chính Thống Đông Phương (Easter Orthodox Churches) tức các Giáo Hội Kitô Giáo
hiện chưa hiệp thông trọn vẹn (full communion) với Giáo Hội Công Giáo La Mã sau
cuộc ly giáo Đông –Tây (East-West schism) năm 1054.
Mặc dù có nhiều cố gắng để xích lại gần nhau vì
cùng chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) nhưng Giáo Hội Công Giáo và các Chính Thống Đông Phương cho đến nay vẫn chưa thể hiệp
thông được. Mặc dù đã tha vạ tuyệt thông cho nhau sau khi Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras I (Constantinople
Hy lạp) gặp nhau lần đầu tiên năm 1966 đem lại kết quả cụ thể
là hai Giáo Hội đã tháo gỡ vạ tuyệt thông cho nhau sau cuộc gặp gỡ lich sử này.
Tuy nhiên, giữa Hai Giáo Hội anh em
trên đây vẫn chưa hiệp thông trọn
vẹn được với nhau cho đến nay chỉ vì trở
ngại lớn là vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Thánh Cha, tức Giám Mục Rôma mà
anh em Chính Thống Đông Phương chưa nhìn
nhận và vâng phục.
Trong phạm vi bài viết này , tôi xin được đề cập
đến các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương (Eastern Catholic Churches) hiện đang
hiệp thông và tôn trọng vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Thánh Cha, là Đấng
duy nhất thay mặt Chúa Kitô (Vicar of Christ) cai quản Giáo Hội Công Giáo hoàn
vũ.
I- Đôi dòng lịch sử:
Như đã nói ở trên, ngoài các Giáo Hội Chính Thống
Đông Phương chưa hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã, còn có các Giáo Hội
Công Giáo Đông Phương (Eastern Catholic Churches) đang hiệp thông với Giáo Hội
Công Giáo hoàn vũ mà có lẽ ít người biết
đến họ
Khi nói đến các Giáo Hội này, người ta phải
nghĩ ngay trước hết đến bốn Tòa Thượng Phụ (Patriarchates) ở phương Đông là
Alexandria, Antioch, Jerusalem và Constantinople, ngoài Tòa Thượng Phụ
Rome về phái Tây, tức Giáo Hội Công Giáo
La Mã. Các Tòa Thượng Phụ này đặc tránh các giáo đoàn Kitôgiáo có nghi thức phụng
vụ riêng theo văn hóa và truyền thống lâu đời
sau đây:
1- Thuộc về Giáo Hội hay Tòa Thượng Phụ Antioch
là các giáo đoàn West Syrians, Maronites (Công Giáo Li Băng) và Malankarese,
Chaldeans (Công giáo Iraq) và Armenians.
2- Thuộc
về Giáo Hội hay Tòa Thượng Phụ Alexandria là các giáo đoàn Coptic (Công giáo Ai
Cập) và Công giáo Ethiopians.
3- Thuộc Giáo Hội hay Tòa Thượng Phụ
Constantinople là nhóm Kitô Giáo Đông Phương đông đảo nhất theo nghi thức Byzantine. Ho là những
tín hữu Hy Lạp, Bảo gia lợi
(Bulgarians) Georgians, Nga, Ukrainians, Estonians, Hungarians, Rumanian,
Egyptians…
4- Giáo Hội hay Tòa Thượng Phụ Rôma là cái nôi
của Giáo Hội Công Giáo phương Tây, khác biệt với Phương Đông về nhiều mặt như
nghi thức phụng vụ, giáo luật và kỷ luật bí tích, lễ phục, tu phục..
Các tòa Thượng Phụ nói trên, từ đầu, được coi là các Giáo Hội Mẹ của Kitô Giáo(Mother Churches of Christianity) trước khi xảy ra những cuộc ly giáo (schisms)
mà nghiêm trọng hơn hết là ly giáo giữa
Rome và Constantinople (Hy Lạp) vào năm 1054 và kéo dài cho đến nay.
Cũng từ đó, Constantinople tự nhân trở thành
Giáo Hội Chính Thống Phương Đông và lan
tràn qua các quốc gia trong vùng như Thổ
Nhĩ Kỳ, Nga, Roumania, Serbia, Cyprus, Lebanon… Bên canh các Giáo Hội này, là các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương bắt
nguồn từ 3 Toà thượng Phụ Alexandria, Antioch và Jerusalem, tức các Giáo Hội Mẹ
của Công Giáo Đông Phương. Các Giáo Hội này cũng có thời gian khá lâu đã không
hiệp nhất với Giáo Hội Rôma vì những
hoàn cảnh và lý do đặc thù, không thể
nói hết ở đây trong khuôn khổ của một bài viết được. Vì thế, chỉ xin tóm tắt là
khi các Giáo hội Kitô Giáo địa phương
này trở lại hiệp thông với Giáo Hội Công
Giáo La Mã (Rome) thì họ có tên gọi chung là “Các tín hữu qui hiệp =
Uniates", nghĩa là hiệp thông trở lại với Rôma sau thời gian ly khai vì
những lý do riêng biêt. Và cũng từ đó, họ được gọi là các Giáo Hội Công Giáo
Đông Phương (Easter Catholic Churches) để phân biệt với các Giáo Hội Chính Thống
Đông Phương (Easter Orthodox churches) chưa hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo
Rôma.
Các Giáo
hội Công Giáo Đông Phương có đặc tính chung là mỗi Giáo Hội đều có có các nghi
thức phụng vụ với ngôn ngữ riêng, giáo luật riêng và kỷ luật bí tích riêng, mặc
dù cùng chia sẻ chung một niềm tin, một
giáo lý, một nền tảng luân lý, và các bí
tích với Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng như vâng phục Đức Thánh Cha là Đấng
thay mặt Chúa Kitô trong vai trò và trách nhiệm cai quản Giáo Hội Công Giáo hoàn
vũ.
Đứng đầu coi sóc các Giáo Hội địa phương nói
trên là các Thượng Phụ (Patriarch) tương
đương như một Tổng Giám mục coi sóc một Giáo tỉnh (Ecclesial Province) trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Theo Sắc Lệnh về các Giáo Hội Đông Phương (Orientalium Ecclesiarumn) (OE) của Thánh Công Đồng Vaticanô II, thì “Thể chế
Thương Phụ (Patriarchy)" đã được thịnh hành từ lâu đời trong Giáo Hội và
đã được các Công Đồng chung nhìn nhận.
Thực ra danh hiệu Thượng Phụ Đông Phương
(Eastern Patriarch) dùng để chỉ vị Giám mục có thẩm quyền trên tất cả các
giám mục kể cả các vị Tổng Giáo Chủ (Tổng Giám mục), trên hàng giáo sĩ và giáo
dân trong địa hạt hay thuộc lễ chế của mình, chiếu theo luật định, nhưng vẫn
tôn trọng quyền tối cao của Giáo Hoàng
La Mã.” (cf. OE. Số 7)
II- Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương hiện ở
đâu?
1- Trươc hết là Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar
Lãnh thổ của Giáo Hội này nằm trong Tiểu Bang
Kerala ở phía Tây Nam Ấn Độ. Giáo Đoàn này xuất phát từ Cộng Đồng Kitô Giáo có nguồn gốc Tông Đồ là
Thánh Thomas, nên họ cũng được gọi là các Kitô hữu Thánh Tô Ma (Thomas
Christians). Nhóm này đã ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã từ năm 1653 vì không muốn chịu ảnh hưởng của
Dòng Tên (Jesuits) đang truyền giáo ở
vùng này. Nhưng đến năm 1930 nhóm này đã quay trở lại và được đón nhận hiệp thống
với Giáo Hội Công Giáo. Từ sau Công Đồng Vaticanoo II, họ đã bỏ ngôn ngữ Syriac
trong phụng vụ và thay bằng ngôn ngữ Malayalam phổ thông hơn. Hiện Giáo Hôi
Công Giáo Syro-Malabar có 3 Địa phận với
khoảng gần 300.000 tín hữu sinh hoạt trong Tiểu Bang Kerala ở miền Tây
Nam Ấn Độ
Dĩ nhiên, ngoài nhóm Công Giáo với nghi thức phụng
vụ riêng này, còn có Giáo hội Công Giáo của Ấn Độ (The Catholic Church Of India) theo nghi thức La tinh (Latin
Rite) hiệp thông trọn vẹn với Rôma, và
có số giáo sĩ và giáo hữu đông hơn nhóm kia.
2- Giáo Hội Công Giáo Chaldean của người Kitô hữu Iraq. (The Chaldean Catholic Church)
Nhóm này
phần lớn tập trung ở thủ đô Baghdag với
nghi thức phụng vụ riêng gọi la Chaldean Rite hay còn gọi là East Syrian
hay Assyro-Chaldean Rite. Nghi thức này
bắt nguồn từ di sản phụng vụ cổ xưa của Giáo Hội Mesopotamia trong đế quốc Ba Tư.
Giáo Đoàn này hiện có khoảng 500.000. Tin hữu với
10 Địa phận ở Iraq và 4 Địa phận nữa ở Iran. Ở Hoa Kỳ, cũng có một Địa phận
dành cho người Công Giáo Iraq theo nghi thức Chaldean. Giáo Đoàn này chính thức
hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã sau khi Đức Thánh Cha Julius III tấn
phong Giáo Mục cho Thượng Phụ Simon VIII ngày 9 tháng 4 năm 1553 để coi sóc Giáo Đoàn Chaldean ở
Iraq.
3- Giáo Hội Công Giáo Maronites (The Maronite Catholic Church)
Đây là Giáo Hội Công Giáo của người Li Băng (Lebanon). Giáo Hội này xuất hiện từ
năm 681 và lấy tên Thánh Maron làm tên gọi chung của Giáo Đoàn. Đã có thời gian
dài Giáo Đoàn này không hiệp thông với Rôma. Nhưng từ năm 1182 đến nay, Giáo
Đoàn này đã hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Họ theo nghi thức
riêng gọi là Maronite Rite với ngôn ngữ
phụng vụ là Syriac và Arabic. Nghi thức phụng vụ này không những có ở Li Băng mà còn thấy thực hành ở Syria, Ai
Cập và Cyprus.
Mới đây, ngày 14 tháng 4 năm 2011, Thượng phụ
Antioch coi sóc người Công giáo Maronites, đã đến Rome để viếng thăm Đức Thánh
Cha Bênêdictô XVI cùng với một số giám mục
và linh mục Maronites. Nhân dịp này Đức Thánh Cha đã long trọng nhắc lại với Đức Thượng Phụ Bechara Pierre Rai về việc
Giáo Hội hoan hỉ đón mừng anh em
Moronites Hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo như Đức Thánh Cha đã nói trong thư
gửi Đức Thượng Phụ ngày 24 tháng 3 vừa qua.
4- Giáo Hội Công Giáo Coptic (The Coptic Catholic Church)
Danh xưng Copt là tiếng Arabic có nghĩa là Ai Cập, được
dùng để chỉ những tín hữu Công Giáo hay Chính Thông Giáo Ai Cập. Do đó,
Giáo Đoàn Coptic là Giáo Hội Công Giáo Ai Cập (Egypt) đã hiệp thông với Giáo Hội
Công Giáo Rôma từ năm 1741, sau nhiều
thăng trầm của lịch sử Ai Cập nói chung và lịch sử sống còn của Giáo hội Coptic
nói riêng. Theo lịch sử truyền giáo thì Thánh
Mac-cô, thánh sử, đã thành lập Giáo Hội này cho người Kitô hữu Ai Cập.
Mặt khác, danh xưng Coptic cũng được dùng để chỉ Giáo Hội Chính Thống Ai Cập
(The Coptic Orthodox Church) như đã nói ở
trên.
Giáo hữu Coptic hiện nay chỉ có vào khoảng
180.000 người ở Ai Cập và được coi sóc bởi một Thượng Phụ (Patriarch) ở
Alexandria Ngôn ngữ phụng vụ của họ là tiếng Arabic và Coptic (tiếng Ai Cập)
Để đánh giá cao những đóng góp của các Giáo Hội
Công Giáo Đông Phương, Thánh Công Đồng Vaticanô II, qua Sắc Lệnh Orientalium Ecclesiarum, (OE) đã
long trọng tuyên bố như sau về các Giáo hội này:
“Lịch sử, các truyền thống và rất nhiều thể chế
trong Giáo Hội đều chứng minh rõ ràng rằng các Giáo Hội Đông Phương có công biết
bao đối với toàn thể Giáo Hội. Vì vậy, Thánh Công Đồng không những hết lòng yêu
mến và ca ngợi đúng mức gia sản tinh thần của các Giáo hội này, mà còn xác quyết
đó là sản nghiệp của toàn thể Giáo Hội Chúa Kitô. Do đó Thánh Công Đồng long trọng
công bố rằng các Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương đều có quyền lợi và bổn phận theo những qui luật riêng của
mình và những qui luật này có giá trị nhờ ở đặc tính cổ kính đáng quí trọng,
phù hợp với tập tục của tín hữu hơn và xem ra có thể mưu ích cho các linh hồn
cách hữu hiệu hơn.” (OE, số 5)
Cũng cần nói thêm là, theo lịch sử Giáo Hội,
thì Phương Đông là nơi đã đóng góp cho Giáo Hội những vị đại Giáo Phụ (Church
Fathers) nổi danh như các thánh Igntius of Antioch, thánh Ephrem, thánh Athanasius, thánh Cyril of Jerusalem, thánh Cyril of Alexandria, thánh Gregory of
Nyssa, thánh John Chrysostom, thánh Basil
the Great, thánh Gregory of Nazianzus và
thánh John Damascene.
Mặt khác, nền thần học Kitô Giáo (Christian
theology) và lối sống đan viện hay ẩn tu (Monasticism) cũng xuất phát từ Phương
Đông trước khi được chấp nhận và sửa đổi bên Tây Phương. Thêm vào đó, trong
vòng 9 trăm năm lịch sử Giáo Hội, các Công Đồng Đại kết (Ecumenical Councils)
đều họp ở Phương Đông.
Sau hết, những kinh phụng vụ như the Kyrie, the
Gloria, và Kinh Tin Kinh Nicene mà phụng
vụ Giáo Hội ngày nay đang dùng cũng là di sản thiêng liêng của Phương
Đông.
Như thế đủ cho thấy là các Giáo Hội Đông
Phương, từ lâu đã là một trong những thành trì kiên cố của Kitô Giáo trước khi
xảy ra những cuộc ly giáo (schism)
Đặc biệt là ly giáo ĐôngTây giữa Constantinople và Rome năm 1054, khiến một phần quan trọng của Phương Đông (Các
Giáo Hội Chính Thống) không còn hiệp thông cho đến nay với Giáo Hội Công Giáo
hoàn vũ, mặc dù cùng chung một niềm tin, một Phép Rửa, một Kinh Thánh, một nguồn
gốc Tông Đồ.
Chúng ta tha thiết cấu xin cho Giáo Hội duy nhất
mà Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng Tông Đồ được mau hiệp nhất để cùng thờ
lạy, tôn vinh và cảm tạ một Thiên Chúa
duy nhất với Ba Ngôi Vị trong Mầu Nhiệm
Chúa Ba ngôi (The Triune God =The Holy Trinity)
Sau hết, cũng cần nói thêm là các Giáo Hội Đông
Phương, dù là Công Giáo hay Chính Thống Giáo thì đều có các bí tích hữu hiệu
như của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Cho
nên, tín hữu Công giáo được phép tham dự các nghi thức phụng vụ và lãnh các bí
tích trong các Giáo Hội Công Giáo Đông
Phương. Nhưng chỉ được tham dự phụng vụ
và lãnh bí tích nơi nhà thờ Chính Thống khi không tìm được nhà thờ Công Giáo
nào trong vùng cư trú của mình.
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô tôn Huấn