Một danh hài Mỹ khi được hỏi
xem ông yêu điều gì nhất trong đời, ông đã trả lời: Tôi yêu phụ nữ nhất, tiếp đến
là whiskey, yêu người thân cận một chút, và hầu như không yêu Chúa!
Tôi chợt nhớ lại câu này
khi mới đây, lúc đang có bài diễn thuyết, thì một phụ nữ hỏi tôi rằng: Tại sao
Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo một cách, rồi hầu như lúc nào cũng mong chúng
ta hành động trái ngược với các bản năng của mình? Tôi hiểu ý của bà ấy muốn
nói gì. Các bản năng tự nhiên và những dục vọng bộc phát của chúng ta dường như
lệch pha với những gì chúng ta được định sẽ hướng đến, cụ thể là Thiên Chúa và
đời sống bất diệt. Có vẻ như lập trường
tôn giáo kêu gọi chúng ta đảo ngược trật tự của cây hài người Mỹ trên, nghĩa là
yêu Chúa trước hết, yêu người thân cận sâu sắc, và rồi cho khoái lạc con người
bản năng của chúng ta một vị trí rất thứ yếu. Nhưng, hầu như mọi chuyện không
phải như vậy. Nhìn chung, chúng ta bị lôi cuốn, và bị lôi cuốn rất mạnh mẽ, đến
với những điều của trần gian này: là người khác, là khoái lạc, là những mỹ vật,
tình dục, tiền bạc, tiện nghi. Những điều này dường như có một lực hút mạnh mẽ
hơn những sự của đức tin và tôn giáo.
Điều này có khiến cho những
cảm giác tự nhiên của chúng ta lệch pha với những gì Thiên Chúa định cho chúng
ta nên cảm giác và hành động hay không? Tại sao, có vẻ như chúng ta được dựng
lên theo cách này, và rồi được mời gọi sống theo một cách khác?
Đây là một chất vấn tốt, và
đáng buồn thay, lại thường được trả lời theo những cách không đào sâu được bao
nhiêu tình thế khó xử này. Thường thì chúng ta được bảo rằng, đừng cảm giác
theo cách này, nghĩa là không đặt Thiên Chúa và lòng đạo lên trên hết là một lỗi
phạm luân lý và đạo đức, như thể đường truyền tự nhiên của chúng ta đang bị lỗi,
và chính chúng ta là người chịu trách nhiệm cho việc này vậy. Nhưng câu trả lời
như thế, thật quá tối giản và nguy hại, nó hiểu sai dự định của Thiên Chúa, nó
kìm kẹp chúng ta bằng tội lỗi, và khiến chúng ta cảm thấy giằng xéo đôi đường
giữa thiết lập tự nhiên của mình và các đòi buộc của đức tin.
Làm sao để hòa giải sự có vẻ
phi lý này giữa thiết lập tự nhiên của chúng ta và dự định của Chúa cho chúng
ta đây?
Chúng ta cần phải hiểu bản
năng và dục vọng của con người một cách sâu sắc hơn. Có lẽ nên bắt đầu với câu
nói của thánh Augustino: Ngài đã tạo nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và lòng
chúng con khắc khoải cho đến khi được ở trong Ngài. Khi chúng ta phân tích thiết
lập tự nhiên của mình, phân tích các bản năng và dục vọng tự nhiên một cách sâu
sắc hơn, thì sẽ thấy rằng tất cả những điều này đến tận cùng đang đưa chúng ta
ra khỏi những khoái lạc và sự vật sự việc tức thời, những thứ có vẻ như là ám ảnh
của bản năng. Chúng đang đưa chúng ta, một cách kiên định và không ngừng nghỉ,
đến với Chúa.
Karl Rahner, khi cố gắng giải
thích điều này, đã phân biệt giữa những gì chúng ta khao khát một cách khả thị
và những gì chúng ta khao khát trong ẩn tàng. Bản năng và dục vọng tự nhiên đưa
chúng ta đến với những sự rõ ràng hiển thị, như tình yêu cho người khác, tình bạn
với ai đó, một tác phẩm nghệ thuật hay âm nhạc, một kỳ nghỉ, bộ phim, một bữa
ăn ngon, sự giao hợp tình dục, một thành tựu vẻ vang, một sự kiện thể thao, và
vô số những điều khác nữa, những điều mà nếu nhìn qua, thì chẳng liên quan gì đến
Thiên Chúa mà ngược lại còn kéo chúng ta xa khỏi Ngài nữa. Nhưng, như Rahner đã
chỉ ra, và cũng thể hiện rõ ràng trong cảm nghiệm của chúng ta, là trong mỗi một
dục vọng khả thị này, bên dưới và là phần thâm sâu nhất của dục vọng này, là một
khao khát ẩn tàng hướng đến và mưu cầu một sự thâm sâu hơn. Đến tận cùng, chúng
ta khao khát chiều sâu dựng lên mọi con người và mọi vật, chính là Thiên
Chúa. Một lời sinh động hơn của Rahner
là, người ám ảnh với khao khát tình dục và đi tìm một gái điếm, thì tiềm ẩn
trong đó, là người đó đang tìm bánh sự sống, cho dù ý định bề ngoài của người
đó có thô bỉ đi chăng nữa.
Thiên Chúa không lầm khi tạo
dựng dục vọng con người. Ý định của Thiên Chúa được viết trên mã di truyền dục
vọng. Đến tân cùng, thiết lập của chúng ta hướng chúng ta đến với Chúa, bất chấp
dục vọng đó có vẻ ám ảnh, trần tục, phóng đãng và ngoại đạo đến đâu chăng nữa.
Bản tính con người không lệch pha với lời kêu gọi của đức tin, hoàn toàn không.
Hơn nữa, những bản năng mạnh
mẽ bên trong bản tính chúng ta, vốn nhiều lúc có vẻ ích kỷ và vô luân, đều có
giá trị đạo đức và mục đích của riêng chúng, chúng bảo vệ chúng ta, cho chúng
ta vươn ra đến những gì duy trì mạng sống, và không kém quan trọng là bảo đảm
cho loài người tồn tại. Cuối cùng, Thiên Chúa cũng đặt những bản năng trần tục
trong chúng ta để thúc ép chúng ta hưởng dùng sự sống và nếm trải những thú
vui, còn Ngài, như người ông đầy yêu thương, quan sát con cháu chơi đùa, hạnh
phúc khi thấy con cháu vui tươi, và biết rằng có đủ thời gian phía trước khi nỗi
đau và thất vọng sẽ thúc đẩy các dục vọng đó tập trung về những sự sâu sắc hơn.
Khi chúng ta phân tích sâu
hơn về dự định của Thiên Chúa cho bản chất con người, và khi hiểu được chính
mình rõ hơn trong thiết lập này, thì với một mức độ cảm nhận cao hơn những gì bộc
phát, và cao hơn những tự châm biếm về bản thân, chúng ta nhận ra rằng, quả thật
chúng ta yêu Chúa nhất, yêu người thân cận kha khá, và rất hạnh phúc là, yêu rượu
whiskey và các thú vui cuộc sống kha khá nữa chứ.
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch,
phanxico.vn 27.08.2015)