Cách đây hơn một trăm năm,
khi đường sắt vừa mới được phát minh, nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành trướng, một
văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn
cho hành khách. Trong một chương có tựa đề "Những lời khuyên trước khi lên
đường", ông đã đưa ra vài căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc
hành trình, hành khách nên quyết định: mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào
và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi tàu..."
Trong một đoạn khác, ông nhắc
nhủ hành khách như sau: "Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao
nhiêu càng tốt... Riêng với các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý
và năm gói nhỏ".
Nhưng dù thanh thản trong một
con tàu đầy tiện nghi, hay chen chúc nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi
khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến
đi của cuộc đời... Ðời cũng là một chuyến đi.
Bước lên chiếc xe lửa của
cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng
một số câu hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về đâu? Tôi phải mang những gì cần thiết cho
cuộc hành trình?
Trên một số tuyến đường
liên tỉnh tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu
có thể làm cho họ phải giật mình suy nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của
bạn. Thật ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến
công việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng
lại với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ.
Thái độ khôn ngoan nhất mà
Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin Mừng của Ngài: đó là "Các con hãy tỉnh
thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con người sinh ra để chết.
Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một
cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Giá như ai trong chúng ta
cũng biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối
cùng trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác
hẳn.