"Con phải làm chứng về
Ta tại Rôma".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, tòa án
muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho
ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn
Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một
số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: "Thưa
anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng
và vì sự sống lại của những người đã chết". Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự
bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ.
Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần
linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và
có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: "Chúng tôi không thấy người
này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?"
Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên
sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.
Đêm sau, Chúa hiện đến cùng
ngài và phán: "Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế
nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy".
QUO VADIS - NGÀI ĐI ĐÂU
Thánh Marcellinô và Thánh Phêrô (St. Marcellinus và St. Peter)
Tử đạo, cùng ngày 02/6
Ca hiệp lễ, lễ chung các
thánh tử đạo có ghi: ”Anh em đã một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp
gian nan thử thách. Vì thế, Thầy sẽ ban quyền cai trị cho anh em, để anh
em được đồng bàn ăn uống với Thầy, trên
vương quốc của Thầy” (Lc 22, 28-30). Thánh Marcellinô và Phêrô là những chứng nhân cho Chúa, đã đổ máu
đào để minh chứng cho tình yêu của Chúa.
Thánh Marcellinô và Thánh
Phêrô:
Lịch sử không ghi lại nhiều
về hai thánh này, người ta chỉ biết rõ rằng thánh Phêrô được đặc ân Chúa ban
cho trừ quỉ, Ngài đã làm nhiều phép lạ do tình thương của Chúa, xua trừ ma quỉ
ra khỏi nhiều người bị chúng ám hại. Tiếng tăm của Ngài được loan truyền khắp
nơi, Ngài đã thu hút được nhiều thành phần trong xã hội, có nhiều người mộ mến
Ngài, nhưng cũng lắm kẻ ghen ghét, ganh tỵ, hận thù Ngài vì Ngài được nhiều người
quí mến, yêu chuộng. Thánh nhân đã sống đúng lời Chúa: ”Ai liều mất mạng sống
mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35) Chính vì
Ngài có ảnh hưởng rộng lớn và lôi cuốn được nhiều người theo Chúa. Viên tỉnh trưởng Sérène bắt Ngài
và ra lệnh tống ngục Ngài. Trong tù, thánh nhân đã làm gương sáng: sống hiền
lành, khiêm nhượng, làm phép lạ và đời
thánh thiện của Ngài đã làm cho cả gia đình Antêmi trở lại theo Chúa do phép lạ
thánh nhân đã chữa khỏi bệnh cho con gái Antêmi.
Thánh Marcellinô cũng bị tống ngục vì tội rao giảng và tội làm phép lạ, tội rửa tội
cho nhiều tân tòng. Thánh nhân dù bị tù tội, dù bị tra tấn dã man vẫn một lòng
kiên trung rao giảng, dạy giáo lý và tiếp tục rửa tội cho nhiều người. Tỉnh trưởng
Sérène quá bực tức vì tinh thần kiên cường của hai thánh nhân, nên đã dùng nhiều
cực hình dã man nhất, tàn bạo nhất hầu làm nhụt chí hai vị, nhưng ”vàng thử lửa,
gian nan thử đức”. Hai vị thánh vẫn kiên trì theo Chúa và không hề nản lòng, nhụt chí. Chúa đã sai
các thiên thần ban đêm đến giải cứu các Ngài để các Ngài củng cố niềm tin cho
các tân tòng. Tỉnh trưởng Sérène nghi ngờ Antêmi đã tiếp tay để thánh Phêrô và
Marcellinô trốn ngục, nên đã hạ lệnh giết cả gia đình của Antêmi.
Chúa thưởng công 2 Thánh
Marcellinô và Phêrô:
Thánh vịnh 33, 18 có viết: ”Người
công chính kêu xin, và Chúa đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn”.
Thánh Marcellinô và Phêrô đã được phúc tử đạo vào năm 304. Khi chém đầu các
Ngài, tên đao phủ Đôrôtê đã trông thấy linh hồn các Ngài bay về thiên quốc. Ông
đã hối hận, xin trở lại, chịu phép rửa và chết bình an trong tay Chúa.
“Lạy Chúa, khi ban ơn cho
hai thánh tử đạo Marcellinô và Phêrô cùng anh
dũng tuyên xưng đức tin Chúa đã cho chúng con nghiệm
thấy rằng: ”Chúa luôn gìn giữ chở che Giáo Hội”. Vì lời hai thánh nguyện giúp cầu
thay, xin cho chúng con được bắt chước các Ngài luôn giữ vững niềm tin như thế
“(Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Marcellinô và Phêrô tử đạo).
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng
Lợi DCCT