I. Nguồn gốc lòng sùng kính
Đức Maria Trinh Nữ Vương
Thời Cựu ước, phụ nữ Do
Thái khắp nước Giuđêa hoặc cư ngụ bên Ai Cập bỏ Đức Giavê mà thờ Thiên nữ
vương, nên đã bị tiên tri Giêrêmia kịch liệt lên án (Gr 7:18; 44:15-28). Thiên
nữ vương là nữ thần ái tình và sự phong phú tình yêu. Thiên nữ vương cũng là nữ
thần tình ái thời xưa với nhiều tên khác nhau: là Venus tại nước Rôma, là
Aphrodita tại nước Hy Lạp, là Ishtar tại nước Assyria (miền Bắc Irak ngày nay),
là Atargatis tại nước Syria (giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Irak, Lebanon, và Israel), là
Astarta tại nước Phoenicia (nay là miền duyên hải của các nước Syria, Lebanon
và Israel), là Mylitta tại nước Babylon (miền nam Irak ngày nay), và là Isis tại
nước Ai Cập.
• Sang thời Tân ước, Giáo hội
Đông phương quan niệm rằng Đức Maria mới thực là Thiên Nữ Vương, nhưng là “Nữ Vương
tình yêu xinh đẹp” (Hc 24:18).
• Thánh Ephrem viết những
kinh mô tả Đức Mẹ là Bà Chúa, là Nữ Vương lộng lẫy hơn các thần Cherubim và
vinh quang hơn các thần Seraphim, là Mẹ, là Đấng Trung gian.
• Giáo Hội Đông phương và
Giáo hội Tây phương có kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương, thế kỷ XI), kinh Regina
coeli (Lạy Nữ Vương Thiên đàng, thế kỷ XII), kinh Ave Regina coelorum (Lạy Nữ
Vương các tầng trời, thế kỷ XII).
• Kinh cầu Đức Bà tôn vinh
Mẹ là Nữ Vương các thần thánh gồm tám câu. Tám câu trên đây do Đức Piô VII thêm
vào, từ cuộc lưu đày bên Pháp về Rôma ngày 24-5-1814.
Câu “Nữ Vương chẳng hề mắc
tội tổ tông” do Đức Piô IX thêm vào ngày 8-12-1854 dịp ngài tuyên tín Đức Mẹ đầu
thai vô nhiễm.
Câu “Nữ Vương linh hồn và
xác lên trời” do Đức Piô XII thêm vào ngày 1-11-1950 dịp ngài tuyên tín Đức Mẹ
hồn xác lên trời.
Câu “Nữ Vương truyền phép Rất
Thánh Mân côi” do Đức Lêô XIII thêm vào ngày 24-12-1883 để xin Mẹ phù giúp xây
dựng lại xã hội suy đồi.
Câu “Nữ Vương ban sự bình
an” do Đức Bênê-đictô XV thêm vào ngày 16-11-1915 để xin Mẹ cứu thế giới khỏi đệ
nhất thế chiến.
Câu “Nữ Vương các gia đình”
(giữa hai câu “Nữ Vương rất thánh Mân côi” và “Nữ Vương ban sự bình an”) do Đức
Gioan Phaolô II thêm vào Kinh Cầu Đức Bà ngày Chúa nhật 31-12-1995, ngày Lễ
Thánh Gia, để cầu cho các gia đình đang gặp nhiều khó khăn giữa thế giới hôm
nay.
• Thế kỷ 4, giáo hội Đông
phương đã tôn kính Đức Mẹ là Nữ vương trong kinh cầu nguyện, nhưng chưa có lễ
kính.
• Thế kỷ 11, Giáo hội Tây
phương mới có các kinh cầu xin cùng Mẹ Nữ Vương.
• Năm 1900, nhiều đơn từ khắp
Giáo hội gửi về Rôma tâu xin Đức Thánh Cha thiết lập Lễ Đức Mẹ Nữ Vương cho
toàn thể Giáo hội,
• Năm 1925, Đức Piô 11 lập
lễ Chúa Kitô Vua, phong trào vận động thiết lập lễ Mẹ Nữ Vương ngày càng lớn mạnh.
• Năm 1933, một đền thờ lớn
tại Port-Said gần cửa kênh Suez, Ai Cập, đã được cung hiến Đức Maria, Nữ Vương
thế giới.
• Năm 1954, Đức Piô 12 ban
hành Thông điệp Ad Coeli Reginam và thành lập Lễ Đức Mẹ Nữ Vương cho toàn thể
Giáo hội và mừng vào ngày 31 tháng Năm.
• Năm 1969, theo chiều hướng canh tân Phụng vụ,
Đức Phaolô 6 đã đổi lễ Nữ vương sang ngày 22 tháng Tám sau lễ Đức Mẹ hồn xác
lên trời ngày 15 tháng Tám.
• Theo ĐTC Bênêdictô 16: Lễ
kính Đức Mẹ Maria Trinh Nữ Vương, do vị tôi tớ Chúa là Đức Pio XII thành lập
năm 1955, và việc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vatican II đã bổ túc cho lễ trọng
Đức Mẹ hồn xác lên trời, vì hai đặc ân này làm thành cùng một mầu nhiệm.”
III. Ý nghĩa phụng vụ
Theo thần học, vương quyền
của Mẹ Maria có những ý nghĩa sau đây:
A. Vương quyền của Mẹ phải
được ở trong địa vị vương đế của dân Thiên Chúa, vì Mẹ là Mẹ Giáo hội, là chi
thể tối cao và đặc biệt của Giáo hội, luôn mật thiết kết hợp với Giáo hội (LG,
53, 63). Và dân Chúa được ban hưởng tự do vương giả (1Pr 2:9; Kh 1:6; 20:4-6),
chiến thắng ách thống trị tội lỗi nơi họ (LG, 36). Do đó, là Nữ Vương, Mẹ đã
chu toàn sứ mạng hồi tại thế và còn thi hành sứ mạng ở trên trời.
Sứ mạng của Mẹ có ba trạng
thái:
1) Mẹ chiến thắng sự dữ nhờ
đặc ân Vô nhiễm thai, và chiến thắng địch thù cuối cùng là sự chết (1 Cr 15:26)
nhờ đặc ân Hồn xác lên trời.
2) Vương quyền của Mẹ là phục
vụ theo tinh thần Phúc âm (Lc 22:24-40).Tuy là Nữ Vương, Mẹ xưng mình là nữ tì
của Chúa (Lc 1:38) hết mình phục vụ nhiệm cuộc Cứu rỗi của Chúa.
3) Mẹ chấp nhận thực hiện
Nước Thiên Chúa. Mẹ đồng thuận sứ điệp của thiên sứ về vương quyền vô tận của Đấng
Thiên Sai (Lc 1:32-33).
B. Vương quyền của Mẹ chấp
nhận đường lối của Phúc âm. Đường lối Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng,
khác đường lối nước thế gian. Nước thế gian thực hiện bằng thống trị, kiêu
căng, ích kỷ. Nước Thiên Chúa thực hiện bằng tình yêu, hy sinh và tận hiến. Đã
được thừa hưởng Nước Thiên Chúa, Mẹ được Chúa Thánh Thần trao ban quyền giải
thoát thế gian khỏi sự dữ và dìu dắt dân chúng về làm con cái Thiên Chúa.
C. Vương quyền của Mẹ thông
phần vương quyền của Chúa Kitô. Mọi quyền năng trên trời dưới đất thuộc về Chúa
Kitô (Mt 28:18). Mẹ cũng được thông phần vương quyền của Chúa Kitô trên ngai
Đavít mà Thiên sứ đã loan báo cho Mẹ (Lc 1:32-33) vì Mẹ chịu thai và sinh ra
Chúa (Lc 1:31).
D. Vương quyền của Mẹ hoà
nhịp với những khát mong chính đáng của tâm trí con người thời nay. Ngày nay đầy
những quyền thống trị bất công, đàn áp dưới nhiều hình thức, cần phải đổi hướng
về công lý hoà bình và tình thương, để xoa dịu những đau khổ của con người.
Vương quyền Mẹ Maria chói sáng tình thương, hoà bình và chân lý soi dẫn các nhà
cầm quyền trên khắp thế giới.
IV. Ý nghĩa Lời Chúa trong
Thánh Lễ
Bài đọc I: Isaia 9:1-3,
5-6.
Lời tiên tri Isaia nói về
dân chúng ở trong một xứ tăm tối âm u cùng cực và đói khổ, thời vua Assur nước
Syria xâm chiếm Israel và bắt dân đi lưu đày. Tiên tri loan báo một ánh sáng
loé rạng trong tối tăm: Một con trẻ đã sinh ra, một con trai được ban xuống.
Vai Ngài đỡ lấy quyền bính và thiên hạ hoan hô tướng hiệu Ngài là “Mưu Sư sự lạ,
Thần anh dũng, Cha đời đời, Vua bình an”. “Quyền bính Ngài bao la. Bình an của
Ngài vô tận trên ngai Đavít cho nước Ngài được vững bền kiên cố”. Giáo hội luôn
nhìn nhận lời tiên tri trên đây đã được thực hiện nơi Chúa Kitô, là Vua, là Con
của Đức Trinh Nữ Maria.
Phúc âm: Luca 1:26-28.
Thánh truyện Truyền tin đã
được chọn lựa để giải thích lời tiên tri Isaia về vương quyền Chúa Kitô, Con của
Đức Trinh Nữ Maria: “Ngài sẽ làm lớn và được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Ngài sẽ
làm lớn vì “Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavít, cha Ngài. Và Ngài sẽ làm Vua
trên nhà Giacóp cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng tận”. Cựu ước
cũng đã nói triều đại Vua Đavít sẽ cha truyền con nối đến vô tận. Lời hứa này
đã thực hiện nơi Chúa Kitô là Vua đời đời. Thưa “Xin vâng” với lời mời gọi của
Thiên Chúa, Trinh Nữ Maria đã chấp nhận sứ mạng trong chương trình của Thiên
Chúa về triều đại Vua đời đời.
V. Thánh Kinh
- Sáng thế 3:15: Đức Mẹ được
dự liệu cộng tác mật thiết với Chúa Kitô trong công cuộc Cứu thế. Mà vì Chúa
Kitô đã được tôn vinh là Vua do cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết và Đức Mẹ đồng
công Cứu chuộc với Chúa, nên Đức Mẹ cũng được chia sẻ cùng quyền với Chúa.
• Luca 1:33: Con của Mẹ
sinh ra là Vua và vương quyền của Người sẽ vô cùng vô tận. vì Mẹ hợp tác với
Con Mẹ trong việc được tôn phong lên ngai vàng David, nên Mẹ cũng được tôn
phong là Thái hoàng ngay khi Mẹ chịu thai Chúa.
• Matthêu 2:1-12: Ba vua nhận
biết Ấu Chúa Kitô là Vua, tất nhiên cũng nhận biết vương quyền của Mẹ Người.
• Hoàng hậu Esther và bà
Giudith như là hình bóng Mẹ Maria Nữ Vương.
• Thánh vịnh 45:10: Hoàng hậu
đứng bên hữu Đức Vua mặc đồ trang điểm vàng ròng.
L.m. Phêrô, CMC
• Truyện thánh:
1/ Thầy Dòng sợ hãi giờ chết
Trong lịch sử dòng thánh
Augustinô, kể tích một thầy dòng đạo đức đã cao tuổi, mắc bệnh nặng sắp chết. Nằm trên giường bệnh, thầy nghĩ đến giờ phải
đứng trước tòa Chúa phán xét thì lo buồn khiếp sợ. Anh em trong dòng an ủi và khuyên thầy hãy vững
vàng tin ở lòng nhân từ vô cùng Thiên Chúa nhưng thầy cũng chẳng bớt sợ hãi lo
buồn.
Có lần thầy quá khiếp sợ đến
nỗi phát khóc một hồi lâu. Bỗng chốc Ðức
Mẹ hiện ra lấy lời dịu dàng phán bảo rằng: “Ớ con, con đừng sợ! Lúc còn khỏe,
ngày nào con cũng đọc kinh Lạy Nữ vương, ước mong được xem thấy Chúa Giêsu Con
Mẹ, Mẹ nghe lời con sau khi chết, Mẹ sẽ đưa con về trời xem thấy Chúa Giêsu
muôn đời”.
Bệnh nhân bấy giờ mới yên
lòng và vững vàng cậy trông cho đến khi nhắm mắt bằng yên trong tay Ðức Mẹ.
2/ Mẹ gật đầu khi nhà dòng
hát kinh Lạy Nữ vương:
Trong lịch sử Dòng Đaminh
có ghi lại một tích chuyện tỏ ra Đức Mẹ yêu thương, bảo trợ những con cái Đức Mẹ
là các thầy Dòng Đaminh: Tại Balê, có một bà quí phái đã giúp công của trong việc
xây cất tu viện Đaminh, mệnh danh là nhà dòng thánh Giacôbê. Khi tu viện đã
hoàn thành, bà thường đến thông công với các thầy khi nguyện kinh thần vụ, nhất
là khi hát kinh Lạy Nữ Vương trước khi ngủ đêm.
Muốn tỏ ra mình thương yêu
con cái và trả công cho vị ân nhân, một tối kia, đang khi các tu sĩ hát kinh Lạy
nữ vương, Đức Mẹ hiện ra cho bà quí phái xem thấy cử chỉ, nét mặt nhân từ của
Người khi các tu sĩ xưng hô Người là Nữ Vương nhân lành...
Khi hát đến câu: Chúng tôi
con cháu Evà ở chốn khách đày, kêu đến cùng Bà”, thì Đức Mẹ đặt Chúa Giêsu trên
bàn thờ, sấp mình xuống đất cầu xin cho các tu sĩ.
Khi hát câu: Xin ghé mắt
thương xem chúng tôi, đến sau khỏi đày, thì Đức Mẹ âu yếm các tu sĩ như bảo họ
“ Mẹ là Mẹ Yêu dấu của các con, hãy nhìn ngắm nhan thánh Mẹ ở đời này, nhất là
đời sau trên Thiên đàng”
Khi hát câu: Ôi khoan thay,
nhân thay, dịu thay, thì Đức Mẹ mỉm cười gật đầu tỏ ý hài lòng rồi biến đi.
Đến sau, bà quí phái này đã
thuật lại câu chuyện được thấy để phấn khích các tu sĩ dòng tăng bội tình yêu Đức
Mẹ.
Sau khi điều tra kỹ lưỡng,
nhà Dòng đã truyền ghi tích lạ này vào lịch sử của Dòng để các tu sĩ muôn đời
ghi nhớ và thêm lòng kính mến, cậy trông Đức Mẹ, Đấng đã bảo vệ Dòng từ ban đầu
và mãi mãi.
(Tháng Mân côi Đức Bà trang
216-218)
• Ta hãy năng đọc kinh Lạy
Nữ vương để được Mẹ ban nhiều ơn lành:
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành,
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con con
cháu Evà, ở chốn khách đày, kêu đến cùng Bà; chúng con ở nơi khóc lóc than thở
kêu khẩn Bà thương. Hỡi ơi! Bà là Chủ bàu chúng con, xin ghé mắt thương xem
chúng con, đến sau khỏi đầy, xin cho chúng con được thấy Ðức Chúa Giêsu Con
lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng
trinh. Amen.
*. Lời Mẹ kêu gọi:
1/ Trích Truyện Đức Mẹ (bà
Agreda)
Sau khi Mẹ về trời cả hồn cả
xác, Chúa Ba Ngôi ban cho Mẹ chức làm Nữ vương trời đất, và “đặt trên đầu Mẹ một
triều thiên vinh quang cực kỳ lộng lẫy, rạng chiếu luồng sáng tuyệt lạ, sẽ
không bao giờ có nữa” (Sách Maria: Thần đô Huyền nhiệm, trang 342)
Mẹ được vinh quang, nhưng Mẹ
đau khổ khi nhìn xuống dương gian, Mẹ nói: Hỡi con, nếu ở thiên đàng, Mẹ còn có
thể phải đau khổ, Mẹ đau đớn nhường nào khi thấy biết bao linh hồn phải hư mất!
Trong khi cuộc đời qua đi quá mau chóng như vậy, mà con cái Giáo hội cứ tự vướng
mắc vào dò bẫy ma quỉ, mê theo cuộc sống kiêu sa, ve vuốt dục vọng xác thịt, tự
lên án phạt mình đời đời, mặc dầu được Chúa ban cho mọi thứ ân sủng.
Có lẽ họ ngờ rằng được chết
một cách tự nhiên, dứt bỏ được cuộc đời như loài thú là sung sướng rồi. Nhưng
không đâu, còn có hỏa ngục nữa, hỏa ngục đời đời sẽ nuốt họ. Tự lao mình vào đó
thật ngu dại chừng nào!
Hỡi phàm nhân lầm lạc, các
con cứ nghĩ đi đâu? Các con làm gì thế? Các con có biết thế nào là nhìn thấy
Thiên Chúa trước mặt, là thông phần đời đời vào sự sống và vinh quang của Ngài
không? Các con tìm gì để thay vào hạnh phúc vô cùng ấy được? Các con sẽ không
thể tìm được một hạnh phúc nào khác đâu. Ai đã làm tâm trí các con mờ đục và mê
loạn như thế? Các con cũng phải suy nghĩ cho kỹ rằng lao nhọc ngắn, mà hạnh
phúc hay tai họa vĩnh cửu sẽ vô cùng tận.
Đời sống của Mẹ liên tục chất
đầy những đau khổ và khổ đau. Nhưng khi Mẹ đến lĩnh phần thưởng, Mẹ thấy những
đau khổ ấy chẳng thấm vào đâu, Mẹ quên chúng đi ngay như là chẳng bao giờ đã phải
chịu đau khổ.
Cho nên con hãy coi nhẹ mọi
thử thách con gặp, sao cho chẳng có gì con lấy làm cam go, mặc dầu phải băng
qua lửa thiêu gươm chém: thiên đàng đẹp đẽ lắm, con ơi!
Nếu các thánh có thể trở lại
trần gian để lập công thêm được một cấp độ hạnh phúc mới nữa, hẳn các ngài sẽ
hân hoan chịu hết cả mọi cực hình có thể tưởng tượng ra cho đến ngày tận thế.
Thế mà ở trần gian người ta
lại nói rằng: “Thôi, rỗi linh hồn là được: vinh quang nhiều hay ít hơn một chút
có hệ gì”. Giọng điệu đó chỉ có thể giải thích là do điên dại quá mức, là quá
thiếu tình yêu mến Thiên Chúa. Tâm địa ấy chứa cả nguy hiểm hư mất linh hồn đấy.
Nếu người ta chạy lại xin Mẹ
cầu bàu cho, có thể không có tình trạng đó, vì Thiên Chúa đã tôn nhận Mẹ làm Mẹ,
làm Đấng Bảo Trợ, và làm Trạng Sư cho cả loài người. Lòng lành của Mẹ vượt quá
trên ác tâm của họ, ngăn cản được phép công của Chúa, mở được cửa tình thương của
Người và đem được người ta vào thông hưởng tình thân ái với Người.
2/ To The Priests Our
Lady’s sons )
Ngày 22-8-1974 Lễ Mẹ Nữ
vương: Hôm nay Giáo hội và cả Thiên đàng tung hô Mẹ là Nữ vương. Quả vậy, vì
chính Chúa Giêsu Con Mẹ dành triều thiên vinh quang này cho Mẹ.
"Hỡi con, nếu con biết
được Mẹ vinh quang và an ủi chừng nào khi được thống trị như Nữ vương trong tâm
hồn con. Ước gì trái tim con, trái tim tất cả các linh mục của Mẹ phải là vương
quốc Mẹ thống trị, như thế Trái Tim Mẹ sẽ toàn thắng trong các con Mẹ. Mẹ muốn
dẫn dắt con đến lòng siêu thoát tất cả và phó thác hoàn toàn..."
Có nhiều cách, nhưng chỉ có
một con đường duy nhất cho các linh mục yêu dấu của Mẹ, đó là con đường Trái
Tim Vẹn sạch và sầu bi Mẹ. Nơi Trái Tim Mẹ, Mẹ muốn tất cả hãy nên như những trẻ
nhỏ, vì thế họ phải biết ở lặng, đừng quá náo động, đừng muốn tổ chức và hành động
như người làm chủ, họ chỉ cố gắng trở nên như những trẻ nhỏ, như những con trẻ
để cầu nguyện, mến yêu, như những con trẻ để chịu đau khổ với Mẹ và cho Mẹ vì
phần rỗi các con cái Mẹ.( số 58)
"Tất cả những người đã
được Con Mẹ cứu chuộc đều là con Mẹ, tất cả, tất cả là con Mẹ đúng nghĩa".
"Cả những người con xa
lìa Thiên Chúa, những tội nhân, những người vô tín ngưỡng, những người từ chối
Thiên Chúa , những người chống lại Thiên Chúa, và thù ghét ngài. Tất cả đều là
con cái Mẹ."
"Mẹ cần nhiều lời cầu
nguyện và nhiều đau khổ để cứu rỗi họ." (số 21).
(To The Priests Our Lady’s
sons # 56, 58, 21)
(Lm. Mark B, CMC tổng hợp)