Ads

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

MẸ TÊRÊSA THÀNH CALCUTTA

Ngày 4 tháng 9 năm 2016, Mẹ Têrêsa thành Calcutta được phong hiển thánh.
Ngày 17 tháng Mười Hai 2015, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn một phép lạ thứ hai được xác định là nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Têrêsa: một người Brazil 35 tuổi có nhiều khối u não đã được khỏi bệnh một cách kỳ diệu mà y khoa không thể giải thích. Đang khi ông lâm vào tình trạng hôn mê ở trong phòng mổ, bác sĩ phẫu thuật đã thấy bệnh nhân của mình ngồi dậy và hỏi bác sĩ làm gì trong phòng mổ.
Vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong chân phước năm 2003.
Mẹ Têrêsa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Ái chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:
"Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chặn lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: "Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ ".
Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: "Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng".
Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêsa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.
Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêsa thành Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.
Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: "Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng".
Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.
**************************
Ngày 5/9/1997, Mẹ Têrêsa đã được Chúa gọi về, hưởng thọ 87 tuổi. Suốt một cuộc đời hy sinh phục vụ cho những người nghèo đói khổ cực, Mẹ Têrêsa, một tôi tớ trung thành của Ðức Kitô, luôn được người người trên thế giới chúc tụng, rất xứng đáng cho giáo dân Việt Nam chúng ta noi gương và ghi nhớ. Sau đây là sơ lược một vài chi tiết về tiểu sử của Mẹ Têrêsa: Mẹ Têrêsa sinh ngày 26/8/1910 tại Skopje, Macedonia, Yugoslavia (Nam Tư); Mẹ có tên thật là Agnes Gonxha Bojaxhiu; con út trong một gia đình có ba người con; cha làm nghề xây dựng. Ngày 27/8/1910 lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Mẹ Têrêsa thường tâm sự, ngày Rửa Tội chính là ngày sinh nhật chính thức trong cuộc đời của Mẹ.
Ðủ 18 tuổi, Mẹ Têrêsa gia nhập Dòng Nữ Vương Ðức Bà Loreto ở Ái Nhỉ Lan(Ireland). Tu học tại nhà mẹ của Dòng Loreto ở Dublin. Mẹ Têrêsa chọn cho mình tên gọi là Sơ Têrêsa để luôn tưởng niệm Thánh Nữ Têrêsa Lisieux. Tháng 12 năm 1928, Sơ Têrêsa bắt đầu một cuộc hành trình dài đến Ấn Ðộ, rồi tiếp tục đến Darjeeling, khu vực gần Dãy Núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalayan Mountains),nơi Sơ Têrêsa tiếp tục tu học cho đến ngày khấn. Không lâu sau đó, vào ngày 6/1/1929 Sơ Têrêsa đến Calcutta, thủ đô Bengal, Ấn Ðộ, để dạy học tại một trường Nữ Trung Học. Trong thời gian tại Calcutta, điều đánh động Sơ Têrêsa nhiều nhất đó là tận mắt trông thấy các bệnh nhân ốm liệt, nghèo đói và hấp hối đầy trên các đường phố.

Năm 1946, sau khi đã chứng kiến những nạn nhân khốn khổ đầy thương tích và chết chóc, các trẻ em bơ vơ trên đường phố, kết quả của những biến cố nổi loạn giữa Hồi Giáo và Ấn Giáo, ngày 10/9/1946, trên một chuyến xe lửa đi về Darjeeling để điều trị bệnh lao mới phát, Sơ Têrêsa nhận ra được tiếng mời gọi của Chúa thúc dục Sơ phục vụ cho những người nghèo đói khốn khổ. Mẹ Têresa kể lại:
“Tôi bắt đầu nhận ra tiếng gọi của Chúa kêu mời tôi săn sóc cho những người bệnh tật và nghèo đói, những kẻ rách rưới và lang thang – thúc dục tôi ban phát tình yêu của Chúa cho các người khốn khổ và bơ vơ. Sự kiện nầy đã mở cửa cho bước đầu phục vụ Bác Ái của đời tôi.”

Mẹ Têrêsa không chần chừ, đắn đo, và bắt đầu xin phép rời Hội Dòng Loreto để thiết lập một nhà Dòng mới. Ðược Ðức Giáo Hoàng Piô XII cho phép. Và năm 1948, Mẹ Têrêsa, với chiếc áo dòng cũ kỹ và một vài đồng lẻ trong túi đã đến sống giữa những người Ấn Ðộ như một người Ấn Ðộ. Ðương nhiên Mẹ Têrêsa cũng chọn màu áo xanh xám có những viền xanh (biểu hiệu cho Thánh Ý của Thiên Chúa) giống như áo Hội Dòng của Mẹ.

Năm 1952 Mẹ Têrêsa cùng với Hội Dòng Nữ Tu Bác Ái của Mẹ đã bắt tay vào việc. Hội Dòng của Mẹ đã được bản quyền Calcutta cho phép sử dụng ngôi đền Kali đã bị bỏ hoang của Ấn Giáo. Mẹ Têrêsa đã biến nó trở thành Hội Quán Kalighat cho những người nghèo đói đau khổ. Mẹ đã cùng với các cộng tác viên tìm kiếm những người bệnh tật, hấp hối thất thểu ngoài đường phố, đem về săn sóc cho đến ngày họ qua đời. Ðối với những người bệnh tật, Mẹ đã tìm kiếm thuốc thang săn sóc cho họ, đối với những người khổ đau, Mẹ là một nguồn ủi an đem bình an và tình yêu của Chúa đến với họ…

Năm 1962, Mẹ được giải thưởng đầu tiên về công việc Nhân Ðạo của Mẹ. Năm 1979, được giải thưởng Nobel Hòa Bình. Năm 1985, được trao Huy Chương Tự Do, huy chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Mẹ đã dùng tất cả những số tiền giải thưởng này để thiết lập thêm nhiều trung tâm khác.

Mẹ Têrêsa đã được cả thế giới kính phục và biết ơn vì những tấm lòng hy sinh tràn đầy yêu thương phục vụ. Tinh thần của Mẹ Têrêsa đã in sâu mãi trong lòng mỗi người dân trên thế giới.

Ngày 23 tháng 10 năm 1997, Ðức Tổng Giám Mục Henry D’Souza, Tổng Giám Mục Calcutta viết đơn về Roma xin Ðức Thánh Cha ban phép chuẩn khỏi giữ  luật định buộc phải đủ 5 năm sau cái chết,  mới được mở án phong thánh cho đương sự.

Ngày 12 tháng 12 năm 1998. Ðức Thánh Cha trả lời cho phép chính thức mở án phong thánh cho Mẹ Terêsa cấp giáo phận.