Ads

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

NÓI

1. Chuyện của người khác, nói cẩn thận
2. Chuyện của người lớn, ít nói
3. Chuyện của trẻ con, khuyên bảo giảng giải
4. Chuyện nhỏ, nói một cách hài hước
5. Chuyện làm không được, đừng nói
6. Chuyện buồn, chỉ tìm bạn tri kỉ nói
7. Chuyện của bản thân, nên nghe người khác nói thế nào trước
8. Chuyện vợ chồng, cùng nhau thương lượng
9. Chuyện gấp, từ từ nói
10. Chuyện có thể sẽ xảy ra, đừng nên nói bậy
11. Chuyện tổn thương người khác, tuyệt đối không nói
************* *************
Mấy ngày này nó đang suy nghĩ, suy nghĩ rất nhiều về sự truyền thông qua việc phát ngôn hàng ngày của nó, và những lời nói nó nghe được hàng ngày.

Bâng khuâng nhiều, nó đi tìm một định nghĩa về chữ: “Nói”, khi nó tra từ điển người ta định nghĩa chữ nói như sau: “Nói là phát ra những âm thành tiếng, thành lời... dùng một thứ tiếng nào đó để giao tiếp.” Trong cuộc sống hàng ngày ngôn ngữ thật sự rất cần thiết, nếu không có sự truyền thông qua việc nói chuyện thì rất khó để hiểu nhau, để chia sẻ với nhau và rất khó để làm việc cùng nhau.

Lời nói để trình bày tình cảm của mình với ai đó. Và lời nói là công cụ hữu ích mà Thiên Chúa ban để con người có thể dùng để tôn vinh Thiên Chúa mà xin ơn cứu độ cho mình.

Những gì nói bên trên ai cũng biết tỏng tòng tong rồi, nhưng cái nó muốn đề cập là: ngôn ngữ nói là một con dao hai lưỡi rất tiện dụng trong đời sống hàng ngày và thật sự cũng rất độc. Đúng hay sai? Nó đang bâng khuâng.

Có khi lời nói ấy là sự chia sẻ trong đêm đen của sự mất mát. Có khi lời nói ấy là lời động viên chân thành với một người thất bại trong cuộc sống tìm lại niềm tin để đi tiếp. Có khi lời nói sửa sai cho một người lỗi lầm trong những góp ý chân thành. Nhưng... trong cuộc sống hình như không phải tất cả ai ai cũng sử dụng lời nói đúng theo sự định nghĩa thuần túy của nó.

Lời nói ấy có những khi trở thành tiếng mỉa mai châm biếm lẫn nhau, có khi vì ghen tỵ, có khi nhìn không ưa mắt – có ai đó đã có cơ hội được nghe những lời mỉa mai châm biếm thì đã biết rồi đó. Nó như lưỡi dao gọt ổi đang cắt từng miếng từng miếng trong lòng kẻ nghe – khi đó “nói” là gây ra đau khổ cho người khác. Đau lắm, khổ lắm. Đúng hay sai? Nó vẫn đang bâng khuâng.

Có khi lời ấy lại toàn là những từ ngữ sáo rỗng, từ nổ đến khoác loác chỉ với mục đích nâng tầm quan trọng và thể hiện sự hiểu biết của mình thật cao trước mặt người nghe, muốn nói với thế giới rằng tôi là nhất – khi đó “nói” không giúp ích cho ai mà chỉ làm người bên cạnh cảm thấy khó chịu vì phải nghe. Đúng hay sai? Nó vẫn đang bâng khuâng.

Nó đang sống trong một nhóm nhỏ và nó gần như là nhỏ tuổi nhất nhóm. Có những khi “nó” cũng hay nói gì đó mà không suy nghĩ làm anh em của nó phải buồn, nó cũng hối hận lắm. Có khi nó cũng nói toàn lời sáo rỗng vì nó còn nhỏ - nó chưa ý thức được nhiều việc, đôi khi nói và làm theo cảm hứng. Nhiều khi các anh nói với nó giọng “lạ” nó lắc đầu không hiểu. Nó hay nghĩ vui trong đầu đó là “mầu nhiệm” – thực ra là nó không dám hiểu, và không muốn hiểu vì lời đó sẽ làm nó đau đau ở tim, nhói nhói trong lòng. Nó tự nhủ đôi khi nó cũng làm ai đó buồn như vậy nên hôm nay có người khác nói với nó thì cũng là lẽ đương nhiên thôi.

Nó lần đi tìm Lời Chúa, chỉ Lời Chúa mới là Chân Lý, nó nhớ tới câu trong sách Châm ngôn diễn tả việc cần làm của con cái Chúa: “Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng phán xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ” (Cn 31: 8-9).

Và mỗi buổi sáng trong kinh nhật tụng, nó và anh em trong nhóm đều đã làm dấu thánh giá nơi miệng và đọc: “Lạy Chúa Trời xin hãy mở miệng con, cho con cất tiếng ngọi khen Ngài.”

Lạy Thiên Chúa của con, xin cho con biết dùng tiếng “nói” như một khí cụ Chúa ban cho con để con mang yêu thương, mang chia sẻ, mang ủi an, mang lời nguyện cầu đến với những người anh em xung quanh con chứ không phải những tiếng mỉa mai gây đau khổ cho người thân cận – cũng không phải là những lời sáo rỗng chỉ là khoác lác vô nghĩa. Xin cho con luôn biết dùng tiếng “nói” để ca tụng Chúa trong từng ngày con sống. Xin giữ con trong từng suy nghĩ và từng lời nói hàng ngày.
Dom Stone