Ads

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

LỜI CỦA NGƯỜI ĐI


BÀI HÁT: LỜI CA THIÊN THU
1. Lịch sử của ngày lễ.
Ngay thời tiên khởi, Hội Thánh đã luôn luôn dạy hãy cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustinô viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”.
Nhưng Thuở ban đầu này, do ảnh hưởng thời tiền Kitô giáo, các nghi thức cầu cho người chết còn chứa nhiều màu sắc dị đoan. Kinh nghiệm của đời sống phụng vụ của Hội Thánh loại trừ dần những cổ hũ ấy. Mãi đến thời trung cổ, nhờ các ẩn sĩ, là những người có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm, một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.
Giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh: Mọi tu viện của dòng phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2.11, ngay sau lễ các Thánh hàng năm. Truyền thống này càng ngày càng lan rộng trong Hội Thánh. Sau cùng Hội Thánh chấp nhận và đưa vào niên lịch Công giáo Rôma.
Ý nghĩa thần học nền tảng của việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã qua đời, là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít ai đạt được đời sống trọn hảo, nhưng hầu hết đều mang vết tích tội lỗi trong khi qua đời. Đã là con người yếu đuối, nên cần thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận lời cầu nguyện, những hy sinh của người sống, khi có ý dành cho người đang ở tình trạng luyện tội, có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người ấy.
Việc cử hành lễ cầu cho các tín hữu qua đời, ngày nay đã trở thành việc đạo đức quen thuộc, thường xuyên của mọi Kitô hữu. Ngay nay, người ta còn tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng nến và hoa.

2. Sứ điệp của ngày lễ.
Trên những phần mộ thường có cây Thánh giá. Cây Thánh giá nói lên niềm tin: Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên đó để cứu chuộc con người khỏi vòng liên lụy của tội lỗi. Thánh giá Chúa Giêsu là ơn cứu độ, niềm hy vọng cho con người.
Trên đó cũng thường có tấm bia khắc ghi di ảnh người quá cố với ngày tháng năm cùng nơi sinh ra và ngày tháng qua đời. Cũng trên tấm bia người ta khắc ba chữ: R.I.P. (Viết tắt của câu Latinh: Requiescat In Pace – Ông, bà, anh, chị, em an giấc ngàn thu). Có những tấm bia trên phần mộ ghi câu Kinh Thánh hay những lời từ biệt, lời cám ơn. Phải chăng chết đi về thế giới bên kia là hết, là chấm dứt mọi liên đới?

Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc ly, đã nói lời từ giã trước khi tự nguyện hy sinh chịu chết: “Thầy đi về cùng Cha Thầy!” (Ga 14, 1-14). Lời từ biệt này nói lên mối dây ràng buộc niềm tin và tình yêu vào Thiên Chúa.

Người thân yêu đã ra đi, theo niềm tin của người Công giáo dựa trên chính lời Chúa Giêsu, đó cũng chính là lúc họ về cùng Thiên Chúa Cha. Và cũng như Chúa Giêsu, họ cũng để lại di chúc cho chúng ta và cho mọi người đi sau họ:

Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất, nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng sinh thành ra tôi.

Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này, nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ tôi và sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây kín bằng ximăng cát đá, nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi, vì Ngài là Cha tôi. Tôi biết Ngài luôn yêu mến tôi.

Ðứng trước nấm mồ người quá cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc làm sống lại những hình ảnh kỷ niệm buồn vui xưa. Thánh Giá Chúa Giêsu và cây nến cháy sáng trên phần mộ tựa như những lời nhắn nhủ của người quá cố nói với người thân còn sống: Tôi đi về cùng Thiên Chúa Cha, về cùng Ðấng là nguồn sự sống và nguồn tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương đến mọi người quá cố. Xin đón rước và thứ tha cho ông bà, anh chị em, bạn hữu, và mọi người thân yêu, mọi người đã đi qua trong đời này mà nay đã an giấc.

Xin Chúa cũng thương tha thứ và đón nhận chúng con, những người còn lữ hành trên dương thế, được vào nước Chúa, vào một ngày mà Chúa gọi chúng con về trình diện trước Thánh Nhan Chúa, Amen.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG