St. Anthony of Padua
Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
13/6
Sinh: 15 tháng 8, 1195,
Lisboa, Bồ Đào Nha
Mất: 13 tháng 6, 1231,
Padova, Ý (năm 36 tuổi)
Chắc chắn, trong đời sống
thánh Antôn, việc nhìn thấy máu chảy là rất quan trọng: đó là máu Chúa Kitô,
nhưng cũng là máu các vị tử đạo, của năm Anh Em Phan sinh mà ngài đã được nhìn
thấy đi ngang qua tu viện của ngài tại Coimbra, khi các anh em xuống tàu tại
Lisbon để đi Ma-rốc, và sau đó ngài đã nhìn thấy xác các anh em được đưa trở về.
Đó là một biến cố tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời Antôn, khiến ngài chuyển từ
linh đạo Augustinô sang linh đạo Phan sinh.
Cũng thế, đối với Phanxicô,
bài Phúc âm Thánh Mát-thêu bỗng cho thánh nhân có được một cái nhìn rõ ràng hơn
về những điều ngài đã chọn lựa trước đó và có được một sức mạnh mới để đem ra
thực hiện. Tại sao Antôn lại quyết định? Trong đó cho ta thấy quyền lực Thiên
Chúa được biểu lộ, một thứ quyền lực không được mạc khải trong sa mạc, song
đúng hơn đã được tỏ lộ nơi câu chuyện của con người trong những hoàn cảnh cụ thể
của đời sống nhân loại.
Nhìn vào cuộc đời Antôn một
cách sâu sát hơn, người ta cố gắng so sánh cuộc đời ngài với cuộc đời Phanxicô,
với điểm quy chiếu duy nhất và với thời kỳ đương đại. Khi đem những điều đó ra
so sánh, người ta gặp được những trùng hợp và những khác biệt, chứng tỏ cho thấy
dấu chỉ của sự tự do của Thiên Chúa và nét đặc biệt không hề trùng lắp trong sự
đáp trả nơi cá nhân mỗi ngài.
Cả Phanxicô lẫn Antôn đều
sinh ra trong một xã hội có truyền thống tôn giáo phong phú và được thấm nhuần
chất men đổi mới. Cả hai ngài đều xuất thân từ những gia đình thành công, giàu
có, thuộc giai cấp trung lưu: Phanxicô đến từ một gia đình giàu có và có lẽ
Antôn đến từ một gia đình quý tộc. Từ điểm này cho thấy cuộc sống hai ngài khác
nhau: sự thông minh thực tiễn nơi Phanxicô có xu hướng thành công trong tư cách
là một thương nhân dưới sự hướng dẫn của thân phụ ngài, và sau nữa là Phanxicô
đã có kinh nghiệm sâu đậm về chiến tranh, về tình bạn và tình yêu; còn sự thông
minh nơi Antôn, thâm trầm và kín đáo hơn, mặc lấy con đường uyên bác quý phái
và đơn độc hơn.
Antôn đã học tu trong Dòng
Thánh Âu-tinh, trước tiên là tại Lisbon và sau đó tại Coimbra. Ngài gia nhập tu
viện vào lúc mới 15 tuổi và có thể người ta mường tượng là thế gian đã không hề
chạm tới ngài được. Nhận định đó không đúng! Thế gian mà chúng ta mang lấy vào
nội tâm cũng đi vào trong các tu viện giống như nó đi vào bất cứ nơi nào con
người sống tình bạn. Tại Coimbra, không chỉ có thế gian, mà địa ngục cũng có! Tại
tu viện này (một trong những nơi quan trọng và tiếng tăm ở Bồ-đào-nha) có một
trận chiến dữ dội giữa những người thuộc Giáo hội với các giới chức trong triều
đình... và như vẫn thường xảy ra, hai phe phái đối kháng được hình thành:
đó là một bên ủng hộ, còn bên kia chống lại Viện phụ.
Trong sự mục ruỗng và không
vâng phục đó, Antôn đã rút mình vào việc học tập và cầu nguyện. Nhưng ngài có
thể cầm cự được bao lâu? Ít năm sau đó, do sự quan phòng của Chúa đã diễn ra cuộc
gặp gỡ với năm anh em Phan sinh. Vì Ngài phụ trách việc tiếp đón các vị khách
trọ đó, nên chắc chắn ngài đã có thể hiểu được thế nào là sự mới mẻ mà Phanxicô
mang tới. Không thể tiếp tục những điều mình suy nghĩ trong thinh lặng, sau đó
ít tháng, ngài quyết định chọn con đường của Phanxicô. Lúc ấy vào năm 1220:
Antôn đã chịu chức linh mục và được chấp thuận cho chuyển Dòng theo lời ngài
xin.
Sức mạnh điều ngài chọn lựa
dường như vang vọng lại những lời Phanxicô là người đã nói “bỏ lại mọi sự thuộc
về thế gian”. Antôn từ giã một cộng đoàn có thể đã hướng dẫn và bảo vệ ngài, để
tiến bước ra ngoài gặp gỡ với thế giới. Và số phận dành cho ngài vẫn chưa có gì
rõ ràng. Giống như Phanxicô trước đó. Trước hết, Antôn cũng đã hướng mình tới
việc đi châu Phi để bỏ mình chịu tử đạo. Nhưng tương tự như Phanxicô, ngài bị
buộc phải từ bỏ dự định của ngài: bệnh tật đã giữ chân Antôn lại và buộc ngài
phải trở về, khi một cơn bão thổi dạt chiếc thuyền của ngài tới Sicily.
Từ đó, người anh em ngoại
kiều đã cuốc bộ tới Átxidi gặp Phanxicô và đã tham dự Tu nghị Chiếu. Và như thế,
Ngài đã biết tới quê hương thứ hai của ngài mà không hề ý thức được điều ấy. Thực
lạ lùng, các Thánh là những người không thuộc về bất cứ một đất nước nào, lại
thuộc về mảnh đất nơi các ngài lan tỏa đức tin, chẳng hạn như Phêrô đến tận
Rôma, Giacôbê đến tận Compostela và Antôn đến tận nước Ý (cho đến khắp cùng thế
giới).
Tại Átxidi, không hề có ai
để ý tới thánh nhân – điều này chứng tỏ cho thấy sự khiêm tốn sâu sa của ngài.
Tiềm tàng trong con người ngài là những phẩm chất về mặt tri thức văn hóa và
tài giảng thuyết. Tuy nhiên, ngài không che dấu tư cách linh mục của ngài. Ngài
được sai tới ẩn viện Montepaolo. Khi ấy là năm 1221 và Antôn vẫn chưa biết
Thiên Chúa muốn điều gì cho ngài. Ngài chỉ biết Thiên Chúa không muốn ngài ở lại
Ma-rốc. Có lẽ ngài đã nghĩ rằng Thiên Chúa mạc khải cho ngài được gặp gỡ
Phanxicô: nhưng trước đó, Phanxicô không hề biết tới Antôn mãi cho tới sau này
Phanxicô đã nói một cách dịu dàng và tự hào về thánh nhân là: “Anh Antôn, Giám
mục của tôi”. Tại Montepaolo, ngài cầu nguyện, phục vụ và chờ đợi.
Trong thực tế, Ẩn viện đúng
là thời gian chuẩn bị cho sự bộc lộ đặc biệt của ngài và cho công việc giảng
thuyết. Một ngày nọ, ngài phải thay thế anh Bề trên trong cuộc họp với các anh
em Đa minh và lần đầu tiên miệng lưỡi được Chúa chúc phúc của ngài đã manh động.
Từ đó trở đi, Antôn được dành cho việc giảng thuyết và dạy học. Như được thấy
trước, nên Phanxicô đã không do dự ban phép cần thiết. Người anh em Bồ-đào-nha
đã mang sự phong phú trong nền văn hóa của ngài đến cho Hội Dòng và chứng tỏ
cho thấy ngài là một nhà học thuật về Phúc âm: nghĩa là từ kho tàng được con
tim tìm thấy, ngài đã trưng ra cho mọi người nhìn thấy được điều mới cũ.
Lời ngài rao giảng trải rộng
tại miền Bắc nước Ý và tại miền Nam nước Pháp là nơi đang bị lạc giáo tàn phá
và cùng lúc, trong tư cách là Tỉnh Phục vụ, ngài theo đuổi sự tiến triển của Hội
Dòng đang phải đối diện với cơn khủng hoảng đầu tiên. Giống như tại Coimbra,
ngài thấy mình đứng giữa hai phe phái đối kháng, nhưng bây giờ mối đe dọa đã
hoàn toàn khác. Đúng như cuộc tranh cãi đã đổi thay, khiến cho Antôn cũng trở
nên chín chắn và chắc chắn hơn về bản thân ngài, đến nỗi trong số các Bề trên,
ngài được chọn làm người đại diện để mang các vấn đề đó trình lên cho Đức Giáo
hoàng và để tìm ra giải pháp cho các vấn đề. Phanxicô đã giữ lời hứa: ngài đã
đem Antôn đến với mọi người để tìm lại sự tự do và sự tháo gỡ. Và như điều vẫn
luôn xảy đến cho các Thánh, đó là người ta lại bu quanh lấy ngài, lôi kéo ngài
tứ phía, lúc còn đang sống cũng như sau khi chết.
Khi Phanxicô đã qua đời, dường
như thánh nhân đã truyền lại cho Antôn không chỉ là một di sản linh đạo khổng lồ
để phát triển và làm cho phong phú, nhưng cũng còn là một tặng phẩm cần thiết
cho nhân loại: đó là quà tặng các phép lạ. Khi Antôn qua đời, tiêu hao vì mệt mỏi,
thì giữa những kẻ muốn sở hữu các kỷ vật của người chết đã nổ ra một cuộc Thánh
Chiến xoay quanh các kỷ vật đó. Chỉ nhờ có sự can thiệp của một vị Tỉnh Phục vụ
mới có thể tránh khỏi điều tồi tệ xảy ra. Nhưng vào một ngày kia những phúc
lành ân sủng trọng thể của kẻ quá cố đã tuôn đổ xuống trên hết thảy mọi người.
Từ Pađôva, tiếng tăm của đấng thánh chữa lành đã trải rộng ra khắp cả nước Ý và
trên thế giới.
Để chứng minh cho điều tôi
nói, thì đây một phụ nữ theo đạo Tin lành đã nói cho tôi biết một bí mật. Bà ta
nói: “Vấn đề đại kết ư ? Ồ... tôi không thích Đức Giáo hoàng của chị. Và sau
nữa, là tất cả mọi chuyện liên quan tới Đức Mẹ. Nhưng tôi lại cầu nguyện với
Thánh Antôn. Vâng, tôi đã cầu nguyện với Thánh Antôn. Nhưng lý do vì sao, tôi
cũng chẳng biết”.
Clara d’Esposito
************* *************
“ Muôn dân tường thuật sự
khôn ngoan của các thánh, và Giáo Hội loan truyền lời ca tụng các Ngài: tên tuổi
các Ngài sẽ muôn đời tồn tại”(Hc 44, 14-15).Thánh Antôn Pađua qua đời mới có
36 tuổi, nhưng Ngài đã nổi tiếng về nhân đức ,phép lạ và những tư tưởng của
Ngài.
Một lý tưởng, một cuộc đời:
Thánh Antôn Pađua được sinh
ra trong một gia đình quyền quí, đạo đức và thánh thiện tại Lisbone thủ đô nước
Bồ Đào Nha vào năm 1195. Thánh nhân được hấp thụ một nền giáo dục đạo đức và đầy
bác ái, nên Ngài sớm nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Thánh nhân xin gia nhập Dòng
thánh Augustinô và được nhà Dòng, Bề Trên cho lãnh nhận sứ vụ linh mục. Tuy
nhiên, thánh nhân thích sống chiêm niệm, sống khắc khổ, khiêm tốn, Ngài ước muốn
được đi truyền giáo cho dân ngoại và mong muốn được chết tử vì đạo, chính vì thế
thánh nhân xin gia nhập Dòng anh em hèn mọn Phanxicô vào năm 1220. Thánh nhân cầu
được ước thấy vì các Bề Trên chấp nhận lời cầu xin của Ngài, sai Ngài đi truyền
giáo cho thổ dân Sarrasins bên Phi Châu. Nhưng ý Chúa thật nhiệm mầu, thánh
nhân khi vừa tới Phi Châu đã ngã bệnh nặng và phải quay trở về chữa bệnh. Trên
đường về lại quê hương, tầu của Ngài bị bão đánh dạt vào đảo Sicile thuộc nước
Ý Đại Lợi, Ngài tới cư ngụ tại nhà Dòng ở Monte Paulo.
Cái tài Chúa ban cho Thánh
nhân:
Nhờ tài lợi khẩu, nhờ gương
sáng đạo đức và thánh thiện, Ngài được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi
giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo, giáo dục các tu sĩ trong Dòng. Chúa ban
sức mạnh cho thánh nhân, Chúa Thánh Thần luôn tác động tâm hồn thánh nhân, nên
lời giảng của Ngài luôn luôn có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người. Chúa củng cố
lời giảng của thánh Antôn Pađua bằng nhiều phép lạ kèm theo. Thánh nhân đã có ảnh
hưởng rất lớn tại Ý, tại Pháp, thánh nhân làm việc không mệt mỏi, không ngơi
nghỉ. Ngài được đặt tên là “Hòm Bia Giao Ước” và “Cái búa của bọn lạc giáo”
đúng như lời sách thánh: ”Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai
làm cho muôn người nên công chính, sẽ chiếu sáng như những vì sao, đến muôn thuở
muôn đời”(Đn 12, 3).
Chúa thưởng công Thánh
Antôn Pađua:
Bông hoa tươi đẹp, Chúa ngắt
về với Ngài để thánh nhân sống bên Chúa ngày 13 tháng 6 năm 1231. Thánh nhân ra
đi trong an bình, trở về với Chúa khi Ngài mới tròn 36 tuổi. Thánh nhân rất nổi
tiếng về các nhân đức và các phép lạ Ngài đã làm. Năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô
XII đã tôn phong thánh Antôn Pađua làm tiến sĩ Hội Thánh.
“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng
hữu, Chúa đã ban cho dân Chúa một nhà giảng thuyết lừng danh và cũng là người cứu
giúp những ai nghèo khổ, đó là thánh linh mục Antôn. Xin nhận lời thánh nhân
chuyển cầu, cho chúng con biết trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô, để
được nâng đỡ trong những lúc ngặt nghèo”
(Lời nguyện nhập lễ, lễ
thánh Antôn Pađua).
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng
Lợi DCCT