Ads

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

CHỦ NGHĨA DANH GIÁ

Sống ở đời, ai ai cũng muốn cho mình có chút danh chút phận. Hiển nhiên đó là ước muốn của con người vì ai ai cũng muốn để lại cho đời chút gì đó khi mình ra đi, ít là chút tiếng chút tăm.

Danh giá ai cũng cần tìm và ai cũng cần có, thế nhưng nếu không khéo ta sẽ rơi vào vực thẳm của nó để rồi ta chẳng còn gì cả sau khi mãi miết đi tìm nó.

Nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu phải chăng đó chính là sự ghen tị.

Chúa rao giảng, Chúa làm phép lạ, Chúa giúp người này đỡ người kia ... Chúa nói về Nước Thiên Chúa cho người ta và Chúa nói với mọi người rằng Chúa là Đấng từ trời xuống, là con Một yêu dấu của Chúa Cha ... Chính vì lẽ đó mà người ta ganh ghét, thù hằn và rồi tìm dịp thuận tiện khử cái ông mang tên Giêsu cho xong chuyện.

Ai trong những người khử Chúa Giêsu thì ta quá rõ. Khởi đi từ những biệt phái, Pharisêu, kinh sư ... hay nói đúng hơn là từ vua Hêrôđê bởi khi hài nhi Giêsu xuất hiện thì ông sợ mất ngai vàng.

Dân chúng tố gian một con người để rồi Hêrôđê và Philatô có quyền tha con người bị tố gian ấy nhưng hai ông đã bắt tay nhau để sát hại con người vô tội Giêsu. Philatô đã không can đảm nói lên tiếng nói của lương tâm, của sự thật và ông đã rửa tay tự cho mình là vô can nhưng chính ông là người can gián trong vụ án này hơn ai hết.

Rồi, ta chợt nhận thấy cái đám dông dân chúng hô hào “đóng đinh nó vào thập giá” thấp thoáng những con người đã từng được Chúa chữa lành, đã từng được Chúa làm phép lạ ít là cho bánh để ăn ... Cái làng Nagiaret cũng như những làng lân cận không đủ lớn để họ có thể quên được khuôn mặt của chàng trai trẻ mang tên Giêsu nhưng khi không vừa ý họ, khi không làm theo ý họ là họ khước từ và phủi tay.
Vì danh giá mà máu người vô tội đã đổ.
Ngày nay cũng thế, cũng vì danh giá mà máu của nhiều người vô tội cũng đã đổ.

Một người ngày xưa cùng lớp tôi. Gia đình bà khá giàu bởi lẽ cả bầy con ở bên Mỹ thường hay giúp bà. Thằng út nhà bà nó tìm hiểu ơn gọi được hơn một năm sau đó trở về lập gia đình. Bà tức giận đến độ không đưa hộ khẩu và chứng minh thư để thằng út đăng ký kết hôn. Tệ hơn nữa là cha đặc trách xóm đến nhà bà xin cho thằng bé được lấy vợ nhưng bà khước từ. Đến giờ có hai cháu nội nhưng bà vẫn không nhìn chúng vì cha chúng không nghe lời bà là không chịu đi tu. Buồn cười một cái là các cha các thầy đến nhà bà thì vui như Tết và bà vui vẻ biếu các cha các thầy đủ thứ còn ngược lại đứa út và cháu thì không.

Tệ hơn nữa là con gái rượu của ông chánh Chương xứ nọ lỡ mang thai với người yêu của mình nhưng vì danh giá ông buộc lòng con gái bỏ đi đứa cháu ngoại đang cưu mang. Ông đã giết chính đứa cháu của ông cũng chỉ vì danh giá.

Ta cũng bắt gặp đâu đó người này người kia cũng đi làm bác ái, cũng đi làm từ thiện nhưng vẫn thường đưa danh giá, đưa tên tuổi của mình lên cho người khác nhìn.

Những hàng ghế đá đâu đó ở các trung tâm hành hương, ở các nhà thờ lớn ta đều bắt gặp dòng chữ này dòng chữ nọ khắc tên của gia đình.

Tôi đã từng thấy ở góc của bàn thờ, ở đầu của cái ghế ở nhà thờ khắc tên của người ban tặng. Để làm gì vậy? Để cho người ta biết rằng mình là chủ nhân của chiếc bàn thờ, của cái ghế ấy.

Có những người nhiệt tình làm từ thiện làm bác ái và họ không bao giờ khoe cả vì họ khẳng định điều đó với bao người. Thế nhưng, trong thực tế thì những bức ảnh mà họ trưng dẫn trên mạng, trong phòng khác của gia đình đã thay lời muốn nói cho những việc họ làm. Họ đã khéo đánh bóng tên tuổi của mình bằng những bức hình.

Có những người giàu thỉnh được cha này cụ kia về nhà dùng cơm gia đình. Tấm thịnh tình của họ tốt thật vì họ có điều kiện, họ có lòng để mời cha mời cụ. Nhưng, tấm lòng đó đã không tròn vẹn khi bữa tiệc chưa tàn thì hình ảnh của các đấng tràn lan trên mạng để chứng minh rằng “tôi quen các đấng”. Họ đã đánh bóng họ bằng những bức hình ăn uống cùng các cụ các cha chứ họ có đi khoe với ai đâu mà nói.

Và, rất thường trong đời sống hàng ngày, ta hay phạm nhất là cái lỗi nói hành nói xấu và chà đạp người khác để tôn mình lên. Cũng chỉ vì danh giá của mình mà mình không ngần ngại sát hại người khác cho thỏa thích.

Cũng chỉ vì danh giá, cũng chỉ vì chạy theo danh giá để rồi có khi người ta đánh mất luôn cả chính mình hồi nào mà ta không hay không biết.

Trong đường thương khó của Chúa Giêsu, chắc có lẽ ta cũng bắt gặp hình ảnh thật dễ thương của cụ già Simêon, của ông Giuse và nhiều người khác nữa cũng âm thầm theo Chúa đến cùng trên đỉnh đồi Gôlgôta: Ông Simêon trên đường đi làm ruộng về đã vác thập giá đỡ Chúa, ông Giuse đã âm thầm tháo xác Chúa để an táng vào huyệt đá.

Nhắc đến hình ảnh của những con người âm thầm như thế sẽ thiếu nếu như không nhắc đến hình ảnh của người mẹ hiền mang tên Maria.

Maria đã không chỉ theo Chúa trên con đường thập giá mà Maria đã theo Chúa từng bước khi Chúa cất tiếng khóc chào đời. Chẳng cần ai biết đến mình, chẳng cần ai tôn vinh mình, chẳng cần ai ngưỡng mộ mình, chẳng cần ai ghi danh mình ... Maria lặng lẽ đón nhận những khổ đau trong cuộc đời và đỉnh cao là cái chết của người con yêu duy nhất trên thập giá.

Lặng lẽ và lặng lẽ để đón nhận khổ đau không chút muộn phiền. Lặng lẽ và lặng lẽ không để cho chủ nghĩa danh giá lất át cuộc đời mình. Lặng lẽ và lặng lẽ cùng chịu chết với con mình trên thập giá.

Những ngày này phải chăng là những ngày mà ta có cơ hội ta gặp ta và ta gặp Chúa trên đường đời.

Tất cả những gì ta dành dụm, những gì ta ky cóp có khi là danh phận trên đời này nhưng tất cả cũng chẳng là gì cả so với danh phận mà ta có được trong Nước Thiên Chúa. Khi và chỉ khi ta đánh mất mình, ta dám chấp nhận bước theo Chúa trên con đường thập giá của đời ta lặng lẽ thì khi ấy ta mới bình an thật sự.

Danh vọng, tiền tài, của cải ở đời này cuối cùng sẽ qua đi và để lại cho người khác dùng. Căn cốt, đỉnh điểm của đời ta là một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa và tên của ta có trong danh sách của Nước Trời.

Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta, đặc biệt trong những ngày này khi đi trên con đường thương khó để ta nhìn rõ con người của ta, thân phận của ta hơn để ta sống sao xứng đáng là người theo Chúa thật, theo Chúa đến tận cùng trên con đường thập giá như Mẹ Maria đã đi và đã sống.
Huệ Minh