Ads

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

THÁNH ĐA MINH (DOMINICO) - VỊ THÁNH CỦA KINH MÂN CÔI

Ða Minh (DOMINICO), vị thánh Giáo Hội mừng kính Ngày 8 Tháng 8, sinh ngày 24.6.1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Ða Minh đã tập quen sống hãm mình. Ngoài ra, Ða Minh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.
Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Ða Minh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Ðức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung lay niềm tin của nhiều người.

Ða Minh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Ða Minh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.
Vào năm 1216, Ðức Hônôriô thứ 3 đã phên chuẩn dòng do cha Ða Minh sámg lập mang tên "Dòng anh em giảng thuyết" theo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Ða Minh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Ða Minh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.

Trong suốt cuộc sống, Ða Minh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Ðức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này. Cha Ða Minh qua đời tại Bologna bên Italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Ðức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Ða Minh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Ðức Maria. Ðức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Ða Minh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.
Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Ða Minh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Ða Minh và nói: "Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta". Nhìn kỹ, Ða Minh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.
Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Ða Minh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.

Lý tưởng mà dòng Ða Minh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Ðó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.
************* ************
Thánh Đa Minh: Nhà sáng lập dòng. Sinh ngày 24.6.1170 Calaruega, Burgos, Vương quốc Castile (ngày nay là Castile-Leon, Tây Ban Nha) Mất ngày 6 tháng 8, 1221 tại Bologna, Bologna (ngày nay là Emilia-Romagna, Ý) Hưởng dương 51 tuổi
Tuyên thánh năm 1234
Đền chính: Vương cung Thánh đường San Domenico, Bologna
Lễ kính 8 tháng 8 4 tháng 8 (trước 1970)
Biểu trưng: chó, ngôi sao, hoa loa kèn, dòng Đa Minh, sách...
Quan thầy của   thiên văn học; nhà thiên văn; Cộng hòa Dominican; người bị vu khống; Santo Domingo Indian Pueblo, Valletta, Birgu (Malta)
Thánh Đa Minh (hoặc Thánh Đôminicô, tiếng Tây Ban Nha: Santo Domingo; 1170 - 6 tháng 8 năm 1221) là người sáng lập ra Dòng Ða Minh hay còn gọi là Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Đa Minh còn là vị Thánh quan thầy của các nhà thiên văn học.

Tiểu sử
Đa Minh (Domingo) sinh năm 1170 tại Caleruega, thuộc dòng tộc Guzmán, nên được gọi là Domingo Félix de Guzmán. Guzman là một dòng tộc danh tiếng tại Tây Ban Nha vào thời Trung Cổ. Theo tường thuật của Jordan thành Saxony, người chuyên nghiên cứu tiểu sử của Thánh Đa Minh, thì trước khi Đa Minh ra đời, mẹ ông làm một cuộc hành hương đến Silos, bà mơ thấy mình đẻ ra một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng và mang lửa đến khắp thế giới. Trong ngày Thanh Tẩy cho ông, bà mẹ đỡ đầu lại trông thấy trên đầu ông có một ngôi sao sáng, chiếu tỏa chung quanh. Hôm ấy là ngày Chủ Nhật nên ông được đặt tên là Domingo (tiếng Tây Ban Nha, Domingo là ngày Chủ Nhật). Có lẽ nguồn này là đáng tin cậy, bởi lẽ Dòng Đa Minh theo tiếng Latinh là Dominicanus, đây là một cách chơi chữ tách từ cụm từ Domini canis, nghĩa là "Con chó của Thiên Chúa".

Học tập và linh mục
Năm 7 tuổi, Đa Minh được gửi đến ở với người cậu là linh mục đang coi xứ gần Caleruega. Năm 14 tuổi, Đa Minh từ giã gia đình và cha mẹ để lên học tại trường Palencia, là trường học nổi tiếng nhất tại Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Ngay từ hồi nhỏ, Đa Minh đã biết dung hòa việc học hành với cầu nguyện và các bổn phận tông đồ. Hết trung học, Đa Minh xin đi tu và có lẽ được truyền chức linh mục vào năm 1194. Sau đó, ông làm kinh sĩ tại Nhà thờ chính tòa Osma, chuyên lo đọc kinh thay cho toàn giáo phận. Với lòng đạo đức và nhiệt thành, chỉ 2 năm sau, ông được chỉ định làm bề trên hội kinh sĩ.

Năm 1203 (hoặc 1204), ông tháp tùng giám mục Diego de Acebo của giáo phận Osma làm một nhiệm vụ ngoại giao cho vua AlfonsoVIII xứ Castile, để hỏi cưới công chúa Đan Mạch cho thái tử Ferdinand. Phái đoàn đến Đan Mạch băng qua Aragon và miền Nam nước Pháp. Tại đây, Đa Minh và Diego có gặp nhóm Cathars - một giáo phái mà Giáo hội Công giáo Rôma coi dị giáo. Nhóm Cathars đã thụ phong linh mục cho nam giới lẫn phụ nữ, các giáo sĩ không phục tùng giáo hoàng. Bên Đan Mạch chấp thuận hôn ước nhưng ở chuyến đi thứ hai, công chúa Đan Mạch bỗng nhiên qua đời, vì vậy, Diego và Đa Minh trở về qua ngả đường Roma và Cîteaux.

Lập dòng
Năm 1208, Giáo hoàng Innôcentê III đã phát động một cuộc thập tự chinh chống lại các giáo phái dị giáo do bá tước Simon IV dẫn đầu. Ða Minh đi theo đạo quân này để rao giảng cho những người lạc giáo quay về với Công giáo nhưng ông không thành công lắm. Vào năm 1214, bá tước Simon tặng cho Ða Minh một lâu đài ở Casseneuil. Ông cùng với sáu môn đệ đã thành lập một tu hội tận tụy cho việc hoán cải người lạc giáo Albigensian. Trong Công đồng Latêranô IV năm 1215, Ða Minh thất bại trong việc xin giáo quyền phê chuẩn tu hội của ông, nhưng năm sau, Giáo hoàng Hônôriô III đã chuẩn y, và Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Ordo Praedicatorum", viết tắt: O.P.) được ra đời, về sau người ta thường gọi là Dòng Đa Minh.

Cuối đời
Ða Minh dùng quãng đời còn lại để tổ chức dòng, đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp để rao giảng và thu hút các thành viên mới, cũng như thiết lập các trung tâm của dòng. Dòng Anh Em Thuyết Giáo đã thành công trong việc hoán cải nhiều người khi họ áp dụng quan niệm là hài hoà giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần chúng. Năm 1220, tại Bologna, Đa Minh triệu tập hội đồng chung của dòng. Năm sau, trong chuyến rao giảng ở Hungary, ông lâm bệnh và buộc phải trở về Bologna và qua đời tại đó vào ngày 6 tháng 8 năm 1221.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia