I. NGUỒN GỐC LÒNG SÙNG KÍNH
ĐỨC MẸ NÚI CÁT MINH
Đức Mẹ núi Cát Minh là Đức
Mẹ được sùng kính trong Dòng Cát Minh. Núi Cát Minh (tiếng Do Thái là Karmel,
nghĩa là vườn trái cây) ở phía bắc Palestina, cao hơn mặt biển 1,800 feet, nhìn
ra Địa trung hải. Núi Cát Minh bên cạnh cánh đồng cỏ xanh tươi dưới con mắt của
tiên tri Giêrêmia (50:19), với cảnh huy hoàng dưới ánh nhìn của tiên tri Isaia
(35:2). Tiên tri Elia đã chọn núi Cát Minh làm địa điểm thách đố 450 sư sãi sát
tế một bò tơ rồi kêu khấn thần Baal từ sáng đến tối mà không được chấp nhận bằng
lửa thiêu. Tiên tri cũng sát tế một bò tơ dâng hiến Đức Giavê, và của lễ liền
được Người chấp nhận bằng cách khiến lửa bởi trời xuống toàn thiêu lễ vật (1 V
18:20-40).
Cát Minh đã trở nên linh địa
cho các ẩn sĩ trụ trì. Theo Đức Cha James Vitry, Giám mục thành Acre, bắc
Palestina (1216-1228), các đan sĩ Carmelô tiên khởi sống đời sống cô tịch,
chiêm niệm trong các phòng riêng như bọng ong theo giống mẫu tiên tri Elia và tận
hiến cho Đức Mẹ. Từ thời Nghĩa binh Thánh giá, lòng sùng kính Đức Mẹ núi Cát
Minh được chia ra ba thời kỳ:
1. Đức Mẹ Cát Minh được
sùng kính như Bổn mạng gọi là "Bổn mạng các ẩn sĩ Cát Minh". Về sau,
các ẩn sĩ còn gọi Mẹ Maria là "Mẹ các ẩn sĩ Cát Minh". Lòng sùng kính
này đã dâng cao trong các thế kỷ XIII và XIV.
2. Trong hai thế kỷ XIV và
XV, Đức Mẹ Cát Minh được sùng kính như "Đức Trinh Nữ rất trinh trong"
toàn hiến cho Thiên Chúa cả hồn xác, và vẹn sạch mọi tội lỗi. Do đó, Dòng Cát
Minh hăng say bênh vực tín lý Mẹ Vô nhiễm đang thời kỳ bàn cãi, chưa được định
tín.
3. Sang giai đoạn thứ ba,
lòng sùng kính Đức Mẹ Cát Minh được thực hiện qua "Áo Đức Mẹ Cát
Minh" màu nâu, tượng trưng sự che chở đặc biệt của Đức Mẹ. Áo là một biểu
tượng trong truyền thống Kitô giáo, nhất là ở Giáo hội Đông phương có "Ảnh
Đức Mẹ áo choàng". Áo Đức Bà cũng tượng trưng việc tận hiến cho Đức Mẹ.
II. LỊCH SỬ ÁO ĐỨC BÀ CÁT
MINH
Vì gặp nhiều khó khăn, Dòng
Cát Minh di chuyển sang Cambridge, nước Anh. Thánh Simon Stock là tu viện trưởng
đã kêu xin Đức Mẹ cứu giúp. Ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ hiện ra giữa số
đông các thiên thần, trao áo Đức Mẹ mà phán: "Con yêu dấu, con hãy nhận lấy
áo của dòng con đây làm biểu hiệu liên minh với Mẹ. Ai chết đang khi mặc Áo này
sẽ không phải rơi xuống ngục lửa đời đời". Đến ngày 3 tháng 3 năm 1322, Đức
Mẹ hiện ra với Đức Gioan XXII trao cho ngài "Minh ước yêu đương" là
truyền dạy ngài công bố cho những ai mang Áo Đức Mẹ biết: "Ngày thứ Bảy đầu
tiên sau khi chết họ sẽ được cứu thoát khỏi luyện ngục". Ân huệ này gọi là
"Đặc ân ngày thứ Bảy" và được nhiều vị Giáo hoàng như các Đức
Alexandrô V, Thánh Piô V, Grêgôriô VIII, và Phaolô V công nhận.
III. ĐẶC ÂN NGÀY THỨ BẢY
ĐƯỢC GIÁO HỘI CHUẨN NHẬN
Ngày 30 tháng 1 năm 1613,
trước sự hiện diện của Đức Phaolô V, Pháp đình Toà thánh sắc lệnh rằng các tu
sĩ dòng Carmelô được truyền giảng "Đặc ân ngày thứ Bảy", và ngày
04-7-1908 được Thánh bộ Ân xá chấp nhận.
Năm 1910 Đức Thánh Piô X
ban phép đeo ảnh thay Áo Đức Mẹ. Thánh bộ công bố đeo ảnh thay Áo được hưởng mọi
ân xá và Đặc ân ngày thứ Bảy, miễn là ảnh đó một bên là ảnh Chúa Giêsu tỏ Trái
Tim Người ra. Bên kia là ảnh Đức Mẹ (không cần là Đức Mẹ Carmelô).
Năm 1922 kỷ niệm 600 năm Đặc
ân ngày thứ Bảy, Đức Piô XI gửi một tông thư cho Bề trên Cả dòng Carmelô về những
ân xá và đặc ân ngày thứ Bảy: "Ta khích lệ những người vào hội Áo Đức Mẹ
hãy bền vững nhiệt thành giữ những điều chỉ dạy để hưởng những ân xá và Đặc ân
ngày thứ Bảy. Vì Đức Mẹ yêu quí những ai yêu mến Mẹ, và không ai không có quyền
tin tưởng sự hộ giúp đặc biệt của Mẹ trong giờ chết, nếu trong đời sống, họ xa
lánh tội lỗi và làm mấy việc đạo đức kính Mẹ".
Năm 1950, dịp kỷ niệm 700
năm Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock, Đức Piô XII gửi một tông thư cho Bề
trên cả dòng Carmelô cũng nói về Đặc ân ngày thứ Bảy: "Áo Đức Mẹ là dấu hiệu
và bảo chứng sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Nhưng những người mặc Áo này đừng
tin rằng dù họ trễ nải và lơ là việc thiêng liêng mà được ơn Cứu rỗi, như thánh
Phaolô căn dặn: 'Anh em hãy biết kính giới và run sợ mà gia công lo việc rỗi
linh hồn mình' (Pl 2:12)... Các đan sĩ Cát Minh hay hội viên Hội Áo Đức Mẹ hãy
tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ trước
toà Chúa, Mẹ sẽ mau chóng mở cửa thiên đàng sớm bao nhiêu có thể cho những con
cái Mẹ đang chịu đền tội trong luyện ngục mà đã cậy trông vào lời hứa Đặc ân
ngày thứ Bảy".
IV. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG
ĐẶC ÂN NGÀY THỨ BẢY
Toàn dân Kitô hữu hãy đạo hạnh
tin rằng Đức Thánh Trinh Nữ Maria luôn luôn can thiệp đem công đức và sự phù
trì đặc biệt của Mẹ mà cứu vớt hết các hội viên Hội Áo Đức Mẹ Carmelô vào một
ngày thứ Bảy, ngày đặc biệt dâng kính Mẹ, sau khi họ qua đời, miễn là họ lìa thế:
1. Đang khi được ơn nghĩa
cùng Chúa.
2. Đang mang Áo Đức Mẹ.
3. Và giữ đức khiết tịnh
tùy bậc mình.
4. Đã từng đọc kinh Nhật tụng
kính Đức Mẹ, hoặc nếu không đọc được, thì đã giữ chay các ngày Giáo hội dạy, và
kiêng thịt các ngày thứ Tư và thứ Bảy, trừ khi gặp lễ Giáng Sinh. Cách thay đổi
thông thường nhất là hằng ngày đọc một chuỗi Mân côi hay là 7 kinh Lạy Cha, 7
kinh Kính mừng, và 7 kinh Sáng danh.
V. KINH ĐỌC BUỔI SÁNG CỦA
NGƯỜI ĐEO ÁO ĐỨC BÀ
Lạy Thiên Chúa của con, con
xin hợp với Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria (hôn Áo Đức Mẹ) để dâng cho Chúa Máu
Thánh châu báu Chúa Giêsu trên các bàn thờ khắp thế giới. Con cũng xin hợp với
Máu Thánh Chúa Giêsu để dâng cho Chúa mọi tư tưởng, mọi lời nói, và mọi việc
làm của con trong ngày hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm
nay, con ước mong được hưởng mọi ân xá mà con có thể được hưởng. Con cũng xin
dâng các ân xá ấy cùng với chính mình con cho Mẹ Maria Vô nhiễm để Mẹ làm vinh
danh Thánh Tâm Chúa.
Lạy Máu Thánh châu báu Chúa
Giêsu, xin cứu chúng con. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con.
VI. SỰ XÁC THỰC LỊCH SỬ ÁO
ĐỨC BÀ
Sự kiện lịch sử Đức Mẹ hiện
ra trao Áo Đức Mẹ cho Thánh Simon Stock rất xác thực do bốn bằng chứng:
1. Các bản thống kê của
Dòng Cát Minh,
2. Chứng từ của cha William
Sanvino, Dòng Cát Minh tại Đất Thánh năm 1291,
3. Mấy sự kiện lịch sử:
a) Hiến pháp Dòng Cát Minh
năm 1294 và năm 1324 cho là một lỗi nặng nếu tu sĩ Dòng Cát Minh ngủ mà không mặc
áo dòng (Scapular).
b) Hiến pháp Dòng Cát Minh
năm 1369 qui định tuyệt thông cho một linh mục Dòng Cát Minh làm lễ mà không mặc
áo dòng (Scapular).
c) Thánh Anphong và nhiều
Thánh khác quả quyết rằng ai thực sự sùng kính Đức Mẹ, sẽ không phải hư mất.
4. Chứng từ của các Thánh:
a) Thánh De la Colombière
nói: "Áo Đức Bà là một dấu tiền định như các việc khác sùng kính Đức Mẹ".
b) Thánh Anphong nói:
"Những bậc vị vọng ở đời thường lấy làm vinh hạnh vì có những người mang
hiệu phục của mình. Đức Mẹ Đồng trinh Maria cũng hân hoan vì các con cái của Mẹ
mang Áo Mẹ như vậy, để chứng tỏ họ thực sự đã hiến thân phụng sự Mẹ, và thuộc hẳn
vào gia đình của Mẹ Thiên Chúa.
5. Thánh Gioan Boscô đã mặc
Áo Đức Bà, chết năm 1888 và cũng vẫn mặc Áo Đức Bà khi được an táng. Thi hài
ngài được cải táng năm 1929, Áo Đức Bà vẫn còn nguyên vẹn trong khi các áo ngài
đã bị mục nát.
6. Nhiều vị Giáo hoàng tỏ
lòng yêu thích Áo Đức Mẹ, đã ban nhiều ân xá.
VII. SỰ XÁC THỰC ĐẶC ÂN
NGÀY THỨ BẢY
Ngày 3 tháng 3 năm 1322, Đức
Mẹ hiện ra với Đức Gioan XXII và dạy phải công bố cho hết những ai mang Áo Đức
Bà được biết: "Ngày thứ Bảy đầu tiên, sau khi họ chết, họ sẽ được cứu
thoát khỏi luyện ngục". Ân huệ này được gọi là "Đặc ân ngày thứ Bảy".
Để công bố đặc ân này, Đức Gioan XXII đã ban hành Tông huấn
"Sacramen-tissimo uti culmine = Đỉnh núi Thánh". Tông huấn này đã bị
mất, nhưng theo sử gia Eugenio S. Joseph, nhiều bản sao năm 1421 đã chứng minh
được sự xác thực của "Đặc ân ngày thứ Bảy". Bản sao Tông huấn của Đức
Clêmentê VII ngày 15 tháng 5 năm 1528 nói đến việc cứu thoát khỏi luyện ngục
nhưng không được long trọng ban hành, vì Rôma bị cướp phá năm 1527. Ngày 12
tháng 8 năm 1530 Đức Clêmentê VII chính thức ban hành một bản sao mà chỉ nói đến
lời hứa đặc biệt cứu giúp chứ không nói đến việc được cứu thoát khỏi luyện ngục.
VIII. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ
Khi lập thành dòng năm
1209, các ẩn sĩ Cát Minh kiến thiết một nguyện đường dâng hiến Đức Mẹ ở giữa
đan viện và đặt nhiều kinh nguyện về Mẹ. Hàng tuần và hàng năm, các ẩn sĩ mừng
lễ kính nhớ và tạ ơn Đức Mẹ đã gìn giữ che chở dòng. Thế kỷ XIV lễ kính nhớ Đức
Mẹ được mừng trọng thể ngày 17 tháng 7 kỷ niệm ngày 17 tháng 7 năm 1274 bế mạc
Công đồng Lyon (Pháp) đã ban phép Dòng Cát Minh tiếp tục sinh hoạt. Thế kỷ XV lễ
này được đổi sang ngày 16 tháng 7. Trong thời kỳ sùng kính Đức Mẹ đồng trinh,
các ẩn sĩ Dòng Cát Minh thay thế tước hiệu "Thánh Maria" trong sách lễ
năm 1589 bằng tước hiệu "Đức Thánh Nữ Trinh". Năm 1587 Đức Sixtô V
ban phép Dòng Cát Minh được mừng lễ Đức Mẹ Cát Minh. Và khi di cư sang Âu châu,
họ đặt tên nhà thờ của dòng họ là "Truyền tin". Cuối thời Trung cổ,
lòng sùng kính Đức Mẹ núi Cát Minh cùng với phong trào đeo Áo Đức Bà lan rộng,
Đức Bênêđictô XIII truyền dạy mừng lễ Đức Mẹ núi Cát Minh khắp Giáo hội năm
1726. Năm 1960 lễ này chỉ còn là Lễ Nhớ.
IX. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ
1. Đức Mẹ núi Cát Minh là Đấng
phù trợ Dòng Cát Minh và những người vào hội mặc áo Đức Bà là bảo chứng ơn phù
trợ đặc biệt của Mẹ như Đức Mẹ đã hứa là ai chết mà mặc Áo Đức Bà thì khỏi phải
sa hoả ngục.
2. Tước hiệu Đức Mẹ núi Cát
Minh chứng tỏ Mẹ Maria là mẫu gương đời sống nội tâm. Đời sống nội tâm là đời sống
mật thiết kết hợp với Chúa và làm cho mọi hoạt động bề ngoài có giá trị. Chúa
Giêsu sánh ví đời sống nội tâm như cành nho với cây nho. Nếu cành nho khô héo
không thể tiếp nhận được mạch nhựa của thân cây nho.
3. Giáo hội khích lệ con
cái Giáo hội mặc Áo Đức Bà để được ơn phù trợ và được hưởng quyền bầu cử rất thế
lực của Mẹ và như một phương thế biểu chứng đức tin.
4. Áo Đức Mẹ nhắc nhở người
mặc về giá trị đời sống là con cái của Chúa và của Đức Mẹ sốt sắng tôn thờ Chúa
và sùng kính Đức Mẹ.
X. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG
THÁNH LỄ
Bài đọc I: Dacaria 2:14-17.
Phần một sách triên tri
Dacaria được viết quãng năm 520-519 trước Thiên Chúa giáng sinh. Tiên tri lo lắng
tái thiết Đền thờ và đặc biệt phục hồi luân lý cho dân chúng. "Đức Giavê
phán: Nữ tử Sion hãy reo lên vì Ta đến ở giữa ngươi". Chúa đến cùng với sự
kiện "nhiều dân tộc sẽ trở lại". Chúa chúc lành nhưng đòi hỏi phải
đáp trả bằng lòng tin và cải hối. "Đức Giavê sẽ chiếm hữu" nghĩa là sẽ
bảo vệ nước Giuđêa.
Khi cầu xin Mẹ Maria, chúng
ta luôn cậy trông quyền năng che chở của Thiên Chúa nhờ lời Mẹ cầu bầu. Những lời
"Toàn dân hãy im đi trước nhan Đức Giavê" làm ta nhớ lại đời sống
chiêm niệm của các ẩn sĩ Dòng Cát Minh. Ý nghĩa lệnh truyền này là dân chúng phải
lắng nghe khi Chúa nói. Sự chiêm niệm đòi hỏi phải lắng nghe trong khi phụng thờ
im lặng.
Phúc âm: Matthêu 12:46-50.
Ý nghĩa trực tiếp lời Phúc
âm này là "Ai làm theo ý Chúa Cha" thì được chúc phúc. Lòng tin ngoan
ngoãn càng có ý nghĩa hơn mối thân hệ họ hàng tự nhiên của Chúa Giêsu. Lời Phúc
âm này cũng mời gọi chúng ta hãy coi tình môn đệ với Chúa Giêsu như mối thân hệ
mới với Người. Giơ tay về phía các môn đệ của Người, Chúa Giêsu nói: "Bất
cứ ai làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời, thì kẻ ấy là anh chị em và là mẹ
Ta". Khi làm theo ý Chúa Cha, chúng ta trở nên con cái của Người. Do đó,
chúng ta được vào trong mối thân hệ anh chị em với Chúa Giêsu. Hơn thế nữa, với
lòng tin ngoan ngoãn, chúng ta làm theo ý Chúa Cha là đem Chúa Giêsu vào nhà
chúng ta, vào đời sống chúng ta. Như vậy, chúng ta là mẹ của Chúa cách tượng
trưng vì chúng ta cho Chúa đời sống và sự hiện hữu một cách mới mẻ. Thánh sử
Luca 8:19-21 cũng trình thuật lời Phúc âm này.
XI. LỜI CÁC THÁNH
- Thánh Bônaventura: Nơi
luyện ngục, Mẹ Maria thường đích thân xuống an ủi các linh hồn đang bị giam cầm.
- Thánh Brigitta nghe Chúa
Giêsu nói với Đức Mẹ: "Mẹ là Mẹ Con, là Mẹ tình thương. Mẹ là nguồn an ủi
những linh hồn luyện ngục".
- Mẹ Maria phán bảo Thánh
Brigitta: "Mẹ là Mẹ của tất cả các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục.
Nhờ lời từ ái Mẹ cầu xin cách này hay cách khác, những hình khổ các con Mẹ chịu
trong nơi đó vì tội đã phạm khi còn sống đã được giảm bớt từng giờ từng phút...
Một người nghèo lâm bệnh, quằn quại đau đớn và nằm liệt cô đơn trên giường bệnh,
cảm thấy được an ủi khi có người đến ủi an. Cũng vậy, khi nghe kêu tên Mẹ, các
linh hồn luyện ngục thảy đều được tràn ngập ủi an".
- Thánh Vinh-sơn: Từ tâm của
Mẹ Maria đối với các linh hồn luyện ngục thật cao cả. Nhờ Mẹ, các linh hồn ấy
đã tìm được niềm ủi an. Rất Thánh Trinh Nữ an ủi và trấn an những người hấp hối
và đón rước linh hồn họ".
- Thánh Bênađinô: Rất Thánh
Đồng Trinh Maria sẽ cầu xin và áp dụng công trạng của Mẹ để giải cứu khỏi luyện
ngục hết những linh hồn nào Mẹ muốn, nhất là các tôi trung của Mẹ.
- Thánh Anphong: Những tôi
trung của Mẹ Maria thật là những người hạnh phúc. Không những Mẹ chí nhân chỉ cứu
trợ họ khi họ còn sống ở cõi đời tạm này, mà tình bảo hộ của Mẹ còn trải dài
trên họ tới cả luyện ngục.
XII. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI
1. Đức Phaolô V: Toàn dân
Kitô hữu hãy sốt sắng tin rằng Rất Thánh Trinh Nữ Maria luôn luôn can thiệp đặc
biệt phù trì cứu vớt các hội viên hội Áo Đức Mẹ Cát Minh vào ngày thứ Bảy, ngày
biệt kính Đức Mẹ, sau khi họ qua đời, miễn là họ chết đang khi được ơn nghĩa
cùng Chúa, đang mang Áo Đức Mẹ và giữ đức thanh khiết tùy bậc mình, đã từng đọc
kinh Nhật tụng kính Đức Mẹ, nếu không đọc được thì giữ chay các ngày Giáo hội
qui định, và kiêng thịt ngày thứ Tư, thứ Bảy trừ khi gặp lễ Giáng sinh.
2. Đức Bênêđictô XIV: Đừng
có ai từ khước lòng sùng kính Đức Mẹ Carmelô mà các Đức Giáo hoàng đã ban nhiều
ân xá, vì nhờ Rất Thánh Trinh Nữ cầu bầu, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ cho
những người thực hành lòng sùng kính này.
3. Đức Piô XI: Ta khuyên nhủ
những người Công giáo khắp thế giới hãy tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria núi
Carmelô.
4. Đức Piô XII: Áo Đức Mẹ
là dấu chỉ tận hiến cho Trái Tim rất thánh của Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm, và là một
bằng chứng sự che chở của Mẹ Thiên Chúa.
L.m. Phêrô, CMC