Phúc Âm: Mt 2, 1-12
"Chúng tôi từ phương
Ðông đến thờ lạy Ðức Vua".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô
theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại
Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương
tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang
ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến
để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả
Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật
sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng:
"Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi
nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì
của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi
Israel dân tộc của Ta".
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập
mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua
đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về
Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều
bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở
Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở.
Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy
Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho
tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận
được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở
mình.
2.Chú Thích
(1) Bêlem:
Thuộc xứ Giuđê, miền Nam, quê quán của Đavit; Bêlem có nghĩa là ‘nhà bánh’,
Chúa Cứu Thế thuộc dòng tộc Đavit, từng phán, Ngài là ‘Bánh thường sinh’ xem ra
những yếu tố quan hệ cũng ràng buộc nhau.
(2) Giuđê: Thời
Chúa Giêsu, Palestin chia làm 3: miền Bắc, Galilê; miền Trung, Samari; và miền
Nam, Giuđê.Ở miền Nam có Bêlem và Giêrusalem.
(3) Hêrôđê:
Tiểu vương, dòng họ này trị vì từ năm 4 trước công nguyên đến năm 39 sau công
nguyên; Bêlem nằm trong lãnh địa của ông này. Hêrôđê là một ông vua độc tài và
hung ác, chạy theo đế quốc La Mã.
(4) Mấy
nhà chiêm tinh: Ngày xưa những người có quyền thế, có uy tín đạo hạnh, có tri
thức uyên bác thường được gọi là nhà chiêm tinh, họ có ảnh hưởng rất lớn đến thế
sự và xã hội. Người ta thường gọi là ‘ba vua’, ‘ba nhà đạo sĩ’, hay ‘ba nhà
chiêm tinh’ ở Đông Phương.
(5) Vị Vua:
Có ý chỉ Chúa Giêsu sinh ra, là một Vị rất có quyền thế của dân tộc, của đất nước
… mà các ngôn sứ đã tiên báo.
6) Sách
ngôn sứ: Câu Phúc Âm được trích ở trên, trong sách ngôn sứ (tiên tri) Mi-kha
(Mk 5,1), tiên báo, Bêlem là nơi sinh hạ một Vị Vua chăn dắt Israel.
(7) Ngôi
sao: Theo các Giáo Phụ giải thích, dấu hiệu Thiên Chúa cho xuất hiện để những
ai có đủ điều kiện, những ai Thiên Chúa muốn cho thấy thì sẽ nhìn thấy, không
phải một ngôi sao như khoa thiên văn vẫn hiểu xưa nay.
(8) Vàng:
Chỉ Hài Nhi là Vua.
(9) Nhũ
hương: Chỉ Hài Nhi là Đấng quyền phép, Đấng thần linh.
(10) Mộc
dược: Chỉ Hài Nhi có nhân tính
3. Suy Niệm
(1)
Chúa Giêsu sinh ra là một biến cố lịch sử của nhân loại, có nhiều chứng cớ hiển
nhiên, và người ta đã chọn ngày sinh của Người làm dấu mốc thời gian, gọi là
công nguyên. Nhưng việc Người xuống thế nhập thể làm người là một mầu nhiệm, chẳng
một ai hiểu nổi, nếu Thiên Chúa không mặc khải cho biết, không soi sáng hướng dẫn
thì chẳng ai biết gì. Quả thật, ngôn sứ đã tiên báo nhiều năm trước, dòng tộc của
Đavit lưu truyền với hậu duệ là có thật, thời gian tiếp tục qua đi với quan quyền
cai quản còn lưu lại sử sách, không gian địa lý phân ranh rõ ràng, dân tình thế
sự tiếp nối đời này đến đời kia … Thiên Chúa đã chọn cho Ngôi Hai Thiên Chúa
sinh xuống trần gian dưới dạng một Hài Nhi bình dị như mọi em bé khác, thật
bình thường thậm chí đến độ nghèo hèn nhất! Thiên Chúa đã chọn thời gian và
không gian thích đáng nhất, đó là ý Thiên Chúa. Mầu nhiệm giáng sinh được thực
hiện, cả triều thần thiên quốc vang ca chúc tụng, thế gian vẫn tăm tối, vẫn ngủ
yên, vẫn sống ích kỷ khép kín không một chút lòng quảng đại; vua quan thì tham
lam ác độc lại có một cuộc sống vô luân. Trong bối cảnh đó, cũng là lúc khai mở
công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; Thiên Chúa đã tỏ hiện ra cho những người
thành tâm thiện chí là ‘ba vua’, những người biết dùng lý trí để suy tư tìm kiếmchân
lý, tìm đến với Hài Nhi; Thiên Chúa đã cho thiên sứ mời gọi những người sống
nghèo hèn đơn sơ chất phác là các mục đồng, họ không quản ngại đêm đông lạnh lẽo,
nghe và tin theo lời thiên thần, hăng hái đến thờ lạy Hài Nhi; Thiên Chúa còn
soi sáng và hướng dẫn những người có tâm hồn đạo hạnh và sống đời công chính
như ông Simeon và bà Anna đến chiêm ngưỡng và chúc tụng Hài Nhi.
(2) Còn
những ai không có thành tâm thiện chí, không có cuộc sống quý trọng đức đơn sơ
khiêm tốn khó nghèo, không có đời sống đạo hạnh công chính, theo Phúc Âm
thuật lại: Khi nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn
xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và
hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Thiên Chúa tỏ hiện dưới nhiều hình
thức và hoàn cảnh qua tạo vật, Thiên Chúa vẫn còn tỏ hiện bây giờ và mãi mãi,
có thể nói lễ Hiển Linh là diễn tả việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại biết.
Và cũng có thể nói, Hiển Linh là một huyền nhiệm, đã là huyền nhiệm thì suy chẳng
bao giờ cùng, nghĩ chẳng bao giờ thấu.Thiên Chúa Hiển Linh, tức là Thiên Chúa tỏ
mình ra để cho người ta đến nghe lời Người, để cho người ta biết suy tư tìm hiểu,
để cho người ta tự nguyện quyết tâm theo đường lối của Người, sẽ được cứu
thoát, vì đó là con đường duy nhất để có ơn cứu độ, không có con đường nào
khác. Muốn hiểu được, muốn nhận được ơn Thiên Chúa, nhất là muốn biết ý Thiên
Chúa để thực hiện trong đời sống của mình như thế, thì cần phải có lòng thiện
tâm, phải biết quý tính đơn sơ khiêm tốn khó nghèo, phải sống đạo hạnh và hướng
tới công chính; thuận theo như thế thì
được bình an, phản ngược lại là bất an, là rối loạn, là lo âu đau khổ.
(3)
Mừng lễ Hiển Linh, chúng ta nhận thấy, ai biết Nghe, Nhìn và Suy một cách chân
chính và hợp lý sẽ nhận ra ý Thiên Chúa. Mà ý của Thiên Chúa, cũng là lý của
Thiên Chúa, và luật của Thiên Chúa; nói một cách mạnh mẽ, ý lý luật của Thiên
Chúa cũng chính là Thiên Chúa. Ý của Thiên Chúa rõ ràng và mạnh mẽ nhất, thu gọn
trong Phúc Âm. Toàn bộ Phúc Âm là những lời mời, những lời khuyên của Thiên
Chúa, gọi là ‘lời khuyên Phúc Âm’, vì Thiên Chúa không bắt buộc bất cứ một ai.
Mừng lễ Hiển Linh cần phải Biết Nghe như các mục đồng nghe lời thiên thần loan
báo và kêu gọi họ; biết Nhìn như ‘ba vua’, ‘ba nhà chiêm tinh’, ‘ba đạo sĩ’ đã
nhìn thấy ngôi sao hướng dẫn; biết Suy như ông Simeon và bà Anna là biết năng đến
thưa chuyện với Thiên Chúa, chỉ nói với Thiên Chúa và chỉ nói về Thiên Chúa,
kiên nhẫn suốt đời, đến tận tuổi già. Ngày nay, còn nhiều điều, nhiều biến cố
và nhiều hoàn cảnh thực tế để nhắc chúng ta biết Nghe, biết Nhìn và biết Suy, mà nhận ra Thiên Chúa Hiển Linh cho mình. Quả thật Hiển
Linh là một huyền nhiệm./.
Lm. Giuse Vũ Hùng Sơn