Ads

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

ĐẶC TÌNH CỦA CON CHIÊN



BÀI CA TẠ ƠN
Tin Mừng Mt 18,12-14
Thiên Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư vong.
Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

12 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
*****************
Khi nói đến những người tin Chúa, hình ảnh thường được nhắc đến là bức tranh đàn chiên yên bình trong sự chăm sóc của người chăn chiên. Thậm chí khi còn chưa tin Chúa, tôi đã biết câu “con chiên ngoan đạo” là để chỉ một tín hữu sùng đạo. Mặc dù chúng ta biết đây chính là hình ảnh được Kinh thánh dùng để mô tả mối quan hệ giữa con người với Chúa Jêsus, nhưng có thể chúng ta chưa chú tâm tìm hiểu kỹ hình ảnh này.
Nhưng, rõ ràng là Chúa dùng hình ảnh này không phải là tình cờ. Đối với văn hóa tập tục của nếp sống người Do-thái thời đó, chuyện người chăn chiên và đàn chiên là một điều gì quá đỗi gần gũi, thân thuộc, nói ít hiểu nhiều. Nhưng vì chúng ta sống ở một thời đại khác và trong một bối cảnh văn hóa khác, nên những gì người thời đó dễ hiểu và dễ nhận thức được, thì ngày nay đối với chúng ta lại không phải là điều hiển nhiên, khiến chúng ta dễ bỏ qua mất những ý quan trọng mà Chúa muốn truyền đạt cho người nào nghe Ngài.

Vì vậy, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về con chiên và công việc của người chăn chiên, để có thể hiểu hơn được điều Chúa Giêsu muốn dạy về mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài. Vậy thì con chiên (con cừu) có những đặc tính gì đặc biệt để làm hình ảnh so sánh con người chúng ta: Khi tìm hiểu, tôi thấy con chiên (con cừu) có những đặc tính sau đây:
Mắt kém – không nhìn được xa và không phân biệt được hiểm họa rình nấp. Vì chỉ nhìn được quanh mình vài mét, chiên rất dễ trở thành miếng mồi cho những thú dữ nếu nó không được che chở bảo vệ trong đàn với sự coi sóc của người chăn. Chiên cũng rất dễ bị lạc hoặc trượt chân sa vào hố, mắc kẹt ở các bụi cây.

Nhưng bù lại chiên có tai rất thính, chiên con nhận ra mẹ nó nhờ tiếng gọi. Cũng nhờ đôi tai thính mà chiên biết phân biệt tiếng của thú dữ với tiếng gọi của đồng loại và người chăn.
Mũi thính – ngửi và phân biệt hơi rất tốt (để nhận biết con mình, mẹ mình, và giúp chiên tìm thức ăn và nước uống, cũng giúp nó đánh hơi thấy thú dữ).
Có những cẳng chân yếu ớt so với cả thân mình to tròn. Cho nên chạy thì không nhanh, và dễ vấp ngã. Ngã hoặc sa hố rồi thì khó tự đứng dậy được.
Vì không có đủ những thể chất mạnh mẽ để tự sống còn một mình, nên chiên có một bản năng bầy đàn mạnh. Thí dụ, chiên thường có bản năng mạnh là đi theo con đằng trước mình. Khi có một con chiên rẽ đi đâu đó, cả đàn có xu hướng đi theo, mặc dù đó không phải là quyết định đúng đắn, thậm chí chúng có thể chen chúc nối đuôi nhau đi đến lò mổ. Một con chiên đi nhầm đường có thể dẫn cả đàn đi theo.

Chiên sống phải có bầy (đàn), khi nó chỉ có một mình thì rất hoang mang. Ngược lại, khi ở cùng bầy đông đảo, được người trông coi thì chiên được an toàn.
Có thói quen chịu đựng mỗi khi bị đau hoặc bị thương tích, thông thường lúc đó nó không biết kêu la mà cố tự chịu đựng một mình.

Các bạn nghĩ sao, có phải là con cừu té ra lại có khá nhiều điểm tương đồng với nếp sống và nếp nghĩ của con người. Và càng ngẫm ta càng thấy mình cần Chúa, như chiên cần được có người chăn dẫn dắt và chăm sóc cho.
Chúng ta cũng không nhìn được xa.
Chúng ta tưởng mình tài giỏi, thực tế chỉ có thể thấy được tương lai gần, và chúng ta sống giống như ngày nào biết ngày đó. Chúng ta lên kế hoạch và có bao dự định, chúng ta tiến theo hướng mà nghĩ rằng mọi việc sẽ xảy ra như mình đã tính trước.

Thiên Chúa là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.
Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.
Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.
Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.
Chúa dọn bàn cho tôi Trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, Chén tôi đầy tràn.
Quả thật, trọn đời tôi Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi; Tôi sẽ ở trong nhà Đức Chúa cho đến lâu dài.
Chúng ta phải học cách nghe và theo tiếng Chúa:
Con chiên được Chúa bù đắp lại việc mắt kém, là có được đôi tai thính và cái mũi nhạy bén. Chúa bù lại cho sự yếu đuối chúng ta ngày nay bằng việc chính Đức Chúa Thánh Thần đến ở trong lòng chúng ta.

Bây giờ những tín hữu thực sự của Chúa Giêsu còn được phước hơn những tín hữu thời Cựu Ước, vì họ không chỉ có Lời Ngài, mà còn có Đức Chúa Thánh Thần trong mình. Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời đã đến ở cùng và dẫn dắt chúng ta, thậm chí mách bảo cho chúng ta về tương lai.
Việc chiên con học cho quen tiếng gọi của người chăn để mà đi theo, cũng giống như việc chúng ta tập đi theo Chúa không phải dựa trên những gì mắt thấy, mà theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Vì thế chúng ta phải phát triển đôi tai thuộc linh biết lắng nghe, là một giác quan linh cảm sâu thẳm trong tâm linh mình. Chúng ta phát triển thính giác thuộc linh đó qua cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa. Càng gần Ngài, càng quen tiếng Ngài, chúng ta sẽ nhạy hơn nhiều với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Ai cầu nguyện thường xuyên và lắng nghe để noi theo Chúa, người đó thấy xa hơn, an toàn hơn vì tránh được cạm bẫy mà mắt thường không thể thấy, và được may mắn hơn trong cuộc sống mình, giống như con chiên được người chăn dẫn dắt đến nơi đồng cỏ và vào nơi an nghỉ.
Chúng ta có thể yếu đuối và sa ngã:
Bốn chân yếu ớt của con chiên khó có thể giúp nó chịu được sức nặng lâu trong một cuộc đua, thì chúng ta cũng dễ suy sụp dưới áp lực thường xuyên và mỗi ngày một nặng hơn trong cuộc sống với nhịp độ quay tròn đến chóng mặt. Khi sai lầm và thất bại, chúng ta dễ co mình lại, âm thầm chịu đựng như những con chiên, vì không biết kêu ai. Và mỗi lần như thế, gánh nặng tâm lý càng ngày càng đè nặng hơn và những tổn thương nội tâm không được chữa lành sẽ gây ra bao nhiêu thứ bệnh cho cơ thể.

Một trong những điều mà người mục tử thường làm cuối ngày, đó là đứng nơi cửa chuồng chiên, và cho chúng lần lượt đi qua dưới chân mình. Bàn tay của người chăn sẽ sờ nắn kiểm tra xem chiên có những viết thương nào không để tìm cách chữa chạy kịp thời. Có phải chăng là chính chúng ta cũng rất cần có được sự chăm sóc tinh thần như vậy, khi chúng ta được Chúa cảm động mà đến với Ngài trong mỗi ngày, cầu nguyện và dâng lên Chúa để Ngài cất những nỗi đau, những gánh nặng thầm kín của mình, và chữa lành cả tâm hồn lẫn cơ thể. Quyền năng Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta lên, và chúng ta lại đứng được trên đôi chân của mình, sửa lại đường lối mình, và lại được đầy sức sống.

Khi nhìn vào thói quen im lặng của chiên, tôi thấy có điều đáng suy nghĩ. Chúa Jêsus khi bị người ta bắt đưa đi đóng đinh trên thập tự giá Chúa cũng đã im lặng. Nhưng đó không phải là sự yếu đuối, mà là Ngài đã vâng phục quyền phán xét tối cao của Đức Chúa Cha.

Nhưng, nếu cần phải im lặng với những kẻ vô tín, với xác thịt, thì chúng ta vẫn cần phải cởi mở với Thiên Chúa. Ai im lặng đóng cửa lòng với Chúa, người đó sẽ bị cô độc. Chúng ta phải học cách mở lòng để Chúa uốn nắn và chữa chạy cho mình.

Chúng ta còn hiểu rằng hình bóng của đàn chiên là để chỉ về sức mạnh tập thể của Hội thánh. Chúa lập ra Hội thánh để con cái Ngài được liên kết giao lưu với nhau và tự gây dựng lẫn nhau bởi những ơn Chúa ban. Ngoài việc chúng ta nhìn nhận chính Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên trưởng,là Thầy Chí Thánh. Kinh thánh cũng dạy chúng ta rằng trong Hội thánh Chúa đã lập những người mục tử phụ tá của Ngài để làm công việc chăm sóc và dẫn dắt đàn chiên. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong những câu chuyện ngụ ngôn của Ngài, là con chiên nào đi lạc sẽ lẻ loi và dễ trở thành mồi cho thú dữ.

Nhưng điều cần phải tránh là tâm lý bầy đàn ở chiên, mù quáng đi theo đuôi của người lân cận mình mà không biết suy xét, có gì rất giống với sở thích của những con người non kém ý chí, chỉ muốn chạy theo đám đông. Nhiều khi bắt chước nhau đến nỗi tranh chấp, làm mé nước trong có thể bị vẩn đục đến nỗi chẳng còn ai uống được từ đó nữa cả . Điều này cản trở chúng ta trở thành một cá nhân với cá tính mạnh mẽ theo ý Đức Chúa Trời.
Đấng chăn chiên tốt lành
Để kết luận, khi suy ngẫm về mối quan hệ của Chúa với chúng ta qua hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên, thực sự chúng ta sẽ không khó khăn gì để quen tiếng Ngài và yên tâm theo Ngài. Vì Kinh thánh có ghi lời Chúa Giêsu nói rất cảm động về Ngài như người chăn chiên tốt lành, vì chiên mà phó sự sống mình.
Ta là cửa của chiên.
Hết thảy những kẻ đã đến trước ta đều là quân trộm cướp; nhưng chiên không nghe chúng nó.
Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ.
Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật.
Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình...
Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta, cũng như Cha biết ta và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình.
Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về đàn này; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi.
Như vậy, từ một quan điểm xem thường, bây giờ cụm từ “con chiên ngoan đạo” lại trở thành rất có ý nghĩa.

Xin Chúa giúp chúng ta cùng nhau nhận thức được điều này, và sớm tin cậy đời sống mình vào trong tay Đấng chăn chiên tốt lành.