Ads

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

THIÊN ĐÀNG - ĐỊA NGỤC

                       Thiên đàng địa ngục hai bên
                       Ai khôn thì về, ai dại thì sa.
                      Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha
  Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn.
  Linh hồn phải giữ linh hồn
  Đến khi mình chết được lên thiên đàng.
I. THIÊN ĐÀNG ĐỊA NGỤC ?
Khi nói đến Thiên đàng Địa ngục, nhiều người cho là chuyện viễn vông, mơ hồ, lãng mạn… thậm chí có người cho là mê tín dị đoan. Nhưng trong thực tế vẫn có người tin, có người sống với niềm tin ấy đến nỗi dám hy sinh mạng sống mình để bảo vệ niềm tin đó, và để chiếm hữu được Thiên đàng.

Rarindra Prakarsa là một nhiếp ảnh gia người Indonesia đang sống và đang sáng tác ở Jakarta. Ông có biệt tài sử dụng ánh sáng và màu sắc tương phản đẹp đến huyền ảo trong các ảnh nghệ thuật, đặc biệt là ảnh trẻ con chơi đùa.
Trong số 425 ảnh của ông, có một tấm ảnh miêu tả trẻ con Indonesia đang chơi trò chơi rồng rắn ở một làng quê. Tấm ảnh này nhắc chúng ta nhớ tới trò chơi xa xưa của trẻ con Việt nam kèm với lời đồng dao:
    Thiên đàng địa ngục hai bên
    Ai khôn thì về, ai dại thì sa.
    Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha
    Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn.
    Linh hồn phải giữ linh hồn
   Đến khi mình chết được lên thiên đàng.
Qua ý nghĩa bài đồng dao này chúng ta đoán được xuất xứ của nó là các trò chơi xuất phát từ các làng Công giáo. Câu thứ hai, có nơi nói khác đi một chút: thay vì “Ai khôn thì về, ai dại thì sa” lại đọc là “Ai khôn thì lại, ai dại thì qua”. Theo đó thì “Ai khôn thì lại”: lại là đến, đến thiên đàng. “Ai dại thì qua”: Qua là tới, tới địa ngục.
Thực ra khôn khéo hay vụng dại tùy vào cách sống. Sống sao cho linh hồn khỏi sa địa ngục là khôn ngoan. Sống mà linh hồn không được lên Thiên đàng là khờ dại…
Trong cuốn “Góp nhặt cát đá” (Shasekishu) truyện số 31, thiền sư Muju kể rằng: một người đến xin thiền sư Hakuin (1686-1768) thiên đàng và địa ngục có thật không.
Sư hỏi:
- Anh là ai ?
Đáp :
- Tôi là samurai.
Sư ra giọng mỉa mai:
- Kiếm sĩ ư? Trông chẳng khác tên ăn mày.
Tức giận, kẻ ấy đưa tay sờ vào đốc kiếm. Sư không buông tha:
- Anh mà đủ gan cắt đầu ta ư?
Lập tức kiếm bèn tuốt ra. Sư ngửa cổ, bảo:
- Đây, hãy mở cửa địa ngục.
Bừng ngộ, kẻ kia liền tra kiếm vào vỏ, cung kính chắp tay xá . Sư nói luôn:
- Cửa Thiên đàng vừa mở.
II. LỜI DẠY CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu nói rất nhiều tới Thiên đàng, nhưng Ngài dùng những từ khác để nói về Thiên đàng, chỉ có một lần Ngài nói rõ ràng với người trộm lành: ”Ngay hôm nay, con sẽ ở trên Thiên đàng với Ta” (Lc 23,43).

Còn về địa ngục (hay hỏa ngục) thì Chúa Giêsu nói rất nhiều, ví dụ: ”Thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục” (Mt 5,29; 18,9). Chúng ta có thể xem tiếp ở (Mt 5,22; 18,28; 25,15; Mc 9,43).

Trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo Lazarô, Chúa Giêsu nói đến số phận của hai người đều khác nhau: người nghèo khó Lazarô được đưa vào trong lòng ông Abraham tức là Thiên đàng, còn người phú hộ kia phải vào âm phủ chịu cực hình.

Như vậy, Chúa Giêsu chỉ xác định là có sự hiện hữu của Thiên đàng và hỏa ngục, còn Ngài không mô tả thiên đàng hỏa ngục như thế nào.

Chúa Giêsu không mô tả về Thiên đàng, có lẽ như vậy sẽ tốt hơn cho chúng ta để chúng ta sống trọn vẹn tự do và nhân phẩm của mình. Tuy nhiên, Ngài đã cho biết Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta. Tại sao? Vì Chúa muốn chúng ta được ở bên Chúa, được Chúa chăm sóc và chia sẻ hạnh phúc với Ngài: ”Lạy Cha, Con muốn rằng con ở đâu thì họ cũng ở đó với Con” (Ga 17,24)Cần phải có điều kiện nào? Rất đơn giản: ”Đây là điều răn Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17).

Đứng về huấn quyền của Giáo hội, chúng ta cũng không biết gì thêm. Giáo hội cũng chỉ cho chúng ta biết những nét tổng quát chứ không có chi tiết cụ thể, đến ngay thánh Phaolô được đưa lên đến tầng trời thứ ba mà cũng không thể diễn tả bằng lời nói hay chữ viết được (x. 2Cr 13,3).

Chúng ta chỉ biết mấy nét về Thiên đàng trong sách Giáo lý Công giáo: Ai chết trong ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, ai hoàn toàn được thanh luyện sẽ sống muôn đời với Đức Kitô, họ luôn luôn giống Thiên Chúa, vì họ đã thấy Ngài như Ngài hiện hữu, mặt đối mặt (1Ga 3,2)… Mầu nhiệm này vượt quá mọi hiểu biết và mọi biểu trưng: sức sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu thiên quốc, nhà Cha, Giêrusalem trên trời, thiên đàng: “Điều mắt chúng ta chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa hướng tới, đó là những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai yêu mến Ngài” (1Cr 2,7-10) (GLCG số 1023-1029).

Ngoài ra chúng ta có thể biết được vài nét về Thiên đàng qua thị kiến của thánh nữ Faustina được ghi trong nhật ký của thánh nữ:
Hôm nay ngày 27 tháng 11 năm 1936, tôi được ở trên Thiên đàng cách thiêng liêng. Tôi thấy những sự đẹp đẽ không thể diễn tả, và những hạnh phúc đang chờ chúng ta sau khi chết. Tôi thấy các tạo vật đang dâng lời ca tụng và tôn vinh Chúa không ngừng. Tôi thấy hạnh phúc trong Chúa lớn lao chừng nào, hạnh phúc lan ra mọi thụ tạo, làm cho họ sung sướng. Rồi tất cả vinh quang, ca ngợi dâng lên từ hạnh phúc này trở về nguồn là Chúa, nhập vào chiều sâu của Chúa, chìm vào cuộc sống trong Chúa Ba Ngôi, mà không bao giờ có ai hiểu hết hoặc đo lường hết được.

Nguồn mạch hạnh phúc này không thay đổi trong bản tính nó, nhưng lại luôn luôn đổi mới trong cách diễn tả, nó lan tràn ra hạnh phúc cho mọi linh hồn. Giờ đây tôi hiểu lời thánh Phaolô đã nói: ”Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa cảm thấy những gì Chúa đã dọn sẵn cho kẻ kính mến Người”.

Chúa cho tôi hiểu rằng, chỉ có một sự có giá trị vô cùng trong mắt Người, đó là lòng yêu mến Chúa”: Yêu, yêu và yêu. Không gì có thể so sánh với một tác động kính mến Chúa cách tinh ròng (Thánh Faustina, Nhật ký Tình Thương, số 777).

III. MUỐN VỀ THIÊN ĐÀNG.
1. Niềm hy vọng của chúng ta.
Chúng ta biết rằng Thiên đàng là phần thưởng Chúa dành cho con cái của Ngài sau một thời gian lưu đầy nơi trần thế, đã làm trọn nhiệm vụ được giao phó một cách tốt đẹp. Chúng ta dám tin chắc như thế, vì chính Chúa Giêsu đã hứa cho chúng ta trước khi bước vào cuộc tử nạn :”Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

Nắm chắc được tư tưởng đó, thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Philipphê rằng: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).

Trần gian này chỉ là nơi tạm trú, chứ không phải là quê hương. Đã là tạm trú thì chỉ ở một thời gian ngắn và chỉ ở nơi thường trú thời gian lâu dài. Chúng ta sẽ rời thế gian này để về quê hương thật và vĩnh cửu nơi Cha chúng ta đang ở đấy. Vì thế, Thiên đàng là của chúng ta, mọi nỗ lực của chúng ta phải hướng về đó.

Truyện : Thiên đàng là của con.
Một cô gái bị cám dỗ rất nặng nề về sự tuyệt vọng. Với những tội lỗi của mình, cô nghĩ rằng cô đã có chỗ trong hỏa ngục đời đời, không còn hy vọng gì được Thiên Chúa yêu thương và hưởng phúc Thiên đàng nữa. Ngày kia, thánh Philipphê Nêri đến thăm cô. Sau khi nghe cô thổ lộ tâm hồn, thánh nhân nói:
- Thật là tai hại, con gái yêu của ta, khi con tin rằng con đã được dành cho lửa đời đời, Thiên đàng mới là của con.
Cô gái tội nghiệp nức nở thưa:
- Cha ơi, con không thể tin được điều ấy.
- Đó là vì con khờ dại. Cha sẽ chứng minh cho con thấy. Chúa Giêsu đã chết cho ai?
Cô gái đáp:
- Cho người tội lỗi.
- Đúng lắm, thế bây giờ con nghĩ con là một vị thánh sao?
Cô gái vừa khóc vừa trả lời:
- Không, con là một kẻ đầy tội lỗi.
- Như vậy, chính vì con mà Chúa Giêsu đã chết, và chắc chắn Chúa chết là để cho con được vào Thiên đàng. Vậy thì Thiên đàng là của con, bởi con đã gớm ghét tội lỗi, con đừng nghi ngờ chi nữa.

Những lời của thánh Philipphê Nêri bắt đầu thấm vào tâm hồn cô gái. Và từ lúc ấy, lời nói “Thiên đàng là của con” đã không ngừng an ủi cô và khiến cô không mất lòng tin tưởng vào tình thương yêu vô biên của Chúa nữa.

Về vấn đề này, thánh Anphongsô cũng khuyên nhủ chúng ta là những người tội lỗi bất xứng: Nếu vì lỗi lầm mà bạn có nhiều lý do để sợ chết bao nhiêu, thì bạn lại càng có hy vọng được sống muôn đời bấy nhiêu nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, công nghiệp ấy có thể cứu bạn mạnh hơn cả ngàn vạn lần tội lỗi làm cho bạn hư đi. Như thế với lòng tin tưởng, chúng ta hãy chạy đến ngai tòa ân sủng để được hưởng lòng khoan dung. Ngai tòa ấy chính là thập giá, nơi Chúa Giêsu ngự như trên một ngai vàng, để ban phát lòng nhân từ cho bất cứ ai chạy đến với Ngài “ (Thánh Anphongsô).

2. Nhưng phải có điều kiện.
Việc Chúa Giêsu về trời đem lại cho chúng ta ánh sáng và hy vọng. Nếu không được ánh sáng phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu soi sáng, con người chỉ có thể thấy gần mà không thể thấy xa, chỉ biết chú mục vào cuộc sống phù du đời này mà lãng quên cuộc sống mai sau, chỉ biết vun đắp của cải vật chất tạm bợ trần gian mà không tích lũy cho kho tàng vĩnh cửu, chỉ biết kiếm tìm lạc thú chóng qua mà lãng quên hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời… Họ chối bỏ Trời, quay lưng lại với Thiên Chúa, khước từ thế giới thiêng liêng.
Niềm thao thức khát khao của chúng ta phải là ngước nhìn lên, nhìn lên quê hương vĩnh cửu chứ không phải chỉ tìm những cái gì là là mặt đất. Chính thi sĩ R. Tagore đã nhắc cho chúng ta tư tưởng đó:
                       Như đàn hạc hoài hương
                       Bay thẳng về tổ ấm
                       Trên đỉnh núi vút cao
                     Nguyện đời con phiêu diêu
                      Qua vùng trời thăm thẳm
                    Lên tận chốn Thiên đường.
                                        (Tagore, Gitanjali, 103)
Nhưng ao ước là một chuyện và thực hiện được ao ước ấy lại là chuyện khác. Nói như người dân quê Việt nam:”Muốn ăn hét phải đào giun hay: Muốn ăn khoai phải vác mai đi đào” vì Không có ai ngồi mát ăn bát vàng. Muốn lên Thiên đàng thì cũng phải làm sao chứ không tự nhiên mà có.

Về vấn đề này Chúa Giêsu đã nói rõ: Không phải cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21; Lc 6,46; 13, 26-27).

Muốn vào Nước Trời thì phải thi hành ý muốn của Cha trên trời, nhưng ý muốn của Cha trên trời là gì? Chúa Giêsu không nói rõ, không cho chúng ta biết thêm chi tiết. Ngài để cho chúng ta tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Phải chăng ý muốn của Chúa Cha là theo như lời Chúa Giêsu dạy:”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình. Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16, 24-27).

Từ bỏ mình” tức là đừng lấy thân xác làm mục tiêu cho mọi phấn đấu, mọi nỗ lực của ta: cụ thể là không dành toàn bộ công sức, thời gian, tài năng, trí tuệ để phụng sự thân xác.
Vác thập giá mình” là chấp nhận khổ chế, cụ thể là khước từ những đỏi hỏi vô độ của thân xác – sự khước từ nào cũng là một thập giá, đều để lại đau thương - để dành thì giờ và nghị lực cho sự phát triển tâm linh. 
Chúa Giêsu đã chấp nhận đời người theo hướng đó và Ngài đã đạt tới vinh hiển khải hoàn. Ngài cũng muốn chúng ta đầu tư theo hướng Ngài đã đầu tư, bước đi theo con đường Ngài đã bước, để chúng ta được vinh hiển như Ngài.

Cứ nhìn vào hiện tại thì biết số phận của chúng ta trong đời sống mai hậu, bởi vì chúng ta đang xây dựng Nước Trời ngay ở trần gian, như thánh Phaolô đã nói: ”Gieo giống nào thì gặt giống ấy”(x.1Cr 15,38) như người Việt thường nói: ”Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu” trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu.

Về vấn đề này, chúng ta thấy có một vị sư già thuyết pháp cho các Phật tử bằng những hình ảnh rất hay: "Các Phật tử hãy nhìn vào một cây cao và to ở phía sau sân nhà chùa kia. Phần thân cây, đang nghiêng cùng hướng với vòm lá cây xanh um của nó. Khi có một trận động đất, hoặc một cơn giông bão ập tới, đương nhiên cây đó sẽ bị tróc gốc và ngã đùng xuống theo hướng nghiêng mà nó đang đứng đấy. Cũng vậy, nhìn vào việc làm tốt xấu của một người trong đời sống hiện tại, chúng ta sẽ đoán ra được sau khi chết linh hồn họ sẽ bay đi về đâu. Trồng cây ớt, phải hái trái ớt mà ăn. Không thể nào trồng cây me chua mà đòi ăn cho được trái ngọt ngon lành…”

Hạnh phúc Thiên đàng chẳng qua chỉ là thành quả của những nỗ lực phấn đấu của chúng ta ở trần gian này, là những gì chúng ta đã xây dựng ngay ở dưới đất, là những gì chúng ta đã gửi về trời khi chúng ta còn sống.

Truyện : Ngôi nhà xinh đẹp
Một bà giàu sang đến cửa Thiên đàng. Thánh Phêrô chỉ cho bà một căn nhà rất xinh đẹp và bảo: ”Đây là nhà tài xế của bà”.
Bà ta mừng rỡ và nghĩ thầm: ”Tài xế như thế, chắc nhà mình sẽ lộng lẫy hơn nhiều”.

Nhưng, bước xa hơn một chút, thánh Phêrô chỉ túp lều nhỏ xíu và bảo: ”Nhà của bà đấy”. Hụt hẫng và ngỡ ngàng, bà ta vội kêu to: ”Đâu được, thưa ngài làm sao con có thể ở trong đó được. Thánh Phêrô ôn tồn giải thích: ”Rất tiếc con ạ, vật liệu con gửi lên đây chỉ đủ để xây túp lều như thế.

Thiên đàng không có nếu con không xây, Hỏa ngục chẳng thấy nếu con không sắm. Con đừng nhọc công để đi tìm đàng sau cuộc đời này một Thiên đàng, nếu ngay cuộc sống trần gian này con chẳng thấy Thiên đàng ló dạng. Định mệnh cuộc đời đâu phải là một lá bài may rủi. Ai cũng chết nhưng số phận khác nhau. Bông thẹn, cỏ may, cúc hay hồng… đều là hoa. Vòng hoa đẹp xấu là do con kết. Thiên đàng có được là do con sống, giàu hay nghèo cũng một kiếp người, muốn Thiên đàng phải sống thánh.
Thiên đàng không trên trời cao và hỏa ngục không ở lòng sâu đất thấp – mà ở ngay chính lòng con, con có quyền chọn cho mình chứ không phải Chúa”.
Lm Giuse Đinh lập Liễm